Nhà nước quản lý về về hoạt động đầu tư xây dựng nhằm mục đích đảm bảo các hoạt động trong xây dựng được thực hiện đúng quy định pháp luật. Vậy nội dung quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Nội dung quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng:
- 2 2. Trách nhiệm của Chính phủ về hoạt động đầu tư xây dựng:
- 3 3. Trách nhiệm của Bộ Xây dựng về hoạt động đầu tư xây dựng:
- 4 4. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ về hoạt động đầu tư xây dựng:
- 5 5. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp về hoạt động đầu tư xây dựng:
1. Nội dung quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng:
Căn cứ Điều 160 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bổ sung 2020 quy định về nội dung quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng, Điều này quy định nội dung quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng bao gồm:
– Xây dựng và chỉ đạo thực hiện các chiến lược, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển thị trường xây dựng và năng lực ngành xây dựng;
– Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng;
– Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng;
– Tổ chức, quản lý thống nhất quy hoạch xây dựng, hoạt động quản lý dự án, thẩm định dự án, thiết kế xây dựng;
– Ban hành, công bố các định mức và giá xây dựng;
– Hướng dẫn, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng;
– Quản lý chi phí đầu tư xây dựng và hợp đồng xây dựng;
– Quản lý năng lực hoạt động xây dựng, thực hiện quản lý công tác đấu thầu trong hoạt động xây dựng;
– Quản lý an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình;
– Quản lý công tác cấp, cấp lại, điều chỉnh, chuyển đổi, thu hồi giấy phép, chứng chỉ, chứng nhận và những kết quả giải quyết thủ tục hành chính khác trong hoạt động đầu tư xây dựng;
– Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng;
– Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, phổ biến kiến thức, pháp luật về xây dựng;
– Đào tạo nguồn nhân lực tham gia hoạt động đầu tư xây dựng;
– Quản lý, cung cấp thông tin phục vụ hoạt động đầu tư xây dựng;
– Quản lý, lưu trữ hồ sơ công trình xây dựng;
– Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng.
2. Trách nhiệm của Chính phủ về hoạt động đầu tư xây dựng:
Căn cứ Điều 161 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bổ sung 2020 quy định về trách nhiệm của Chính phủ trong hoạt động đầu tư xây dựng, Điều này quy định trách nhiệm của Chính phủ trong hoạt động đầu tư xây dựng bao gồm các trách nhiệm sau:
– Thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng trong phạm vi cả nước;
– Phân công, phân cấp quản lý nhà nước cho các bộ, ngành, địa phương, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành;
– Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện pháp luật về xây dựng;
– Chỉ đạo giải quyết những vấn đề quan trọng, phức tạp, vướng mắc trong quá trình quản lý hoạt động đầu tư xây dựng;
– Ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng;
– Ban hành, chỉ đạo xây dựng và thực hiện chính sách, chiến lược, kế hoạch bảo đảm đầu tư xây dựng có hiệu quả, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, phát triển bền vững;
– Quy định việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng do cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong nước đầu tư tại nước ngoài và việc xây dựng, quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng.
3. Trách nhiệm của Bộ Xây dựng về hoạt động đầu tư xây dựng:
Điều 162 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bổ sung 2020 quy định về trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong hoạt động đầu tư xây dựng, Điều này quy định trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong hoạt động đầu tư xây dựng bao gồm:
– Chủ trì xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, các đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển thị trường xây dựng và năng lực ngành xây dựng;
– Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền về xây dựng;
– Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng, văn bản hướng dẫn kỹ thuật xây dựng theo đúng thẩm quyền và tiêu chí về công trình xây dựng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả về năng lượng, tài nguyên, đô thị sinh thái, đô thị thông minh;
– Tổ chức, quản lý quy hoạch xây dựng, hoạt động quản lý dự án đầu tư xây dựng, thẩm định dự án, thiết kế xây dựng;
– Quy định việc xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng, định mức và giá xây dựng;
– Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng;
– Theo dõi, kiểm tra, kiến nghị xử lý chất lượng và an toàn của những công trình quan trọng quốc gia, công trình quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp trong quá trình đầu tư xây dựng và khai thác sử dụng;
– Quản lý chi phí đầu tư xây dựng và hợp đồng xây dựng;
– Quản lý năng lực hoạt động xây dựng, thực hiện quản lý công tác đấu thầu trong hoạt động xây dựng;
– Tổ chức và xét duyệt giải thưởng chất lượng công trình xây dựng;
– Quản lý công tác cấp, cấp lại, điều chỉnh, chuyển đổi, thu hồi giấy phép, chứng chỉ, chứng nhận và những kết quả giải quyết thủ tục hành chính khác trong hoạt động đầu tư xây dựng theo thẩm quyền;
– Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng;
– Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, phổ biến kiến thức, pháp luật về xây dựng;
– Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về hoạt động xây dựng cho cán bộ, công chức của những cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng;
– Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động, môi trường trong thi công xây dựng công trình;
– Thực hiện công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động, môi trường trong thi công xây dựng công trình thuộc chuyên ngành quản lý;
– Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các dự án;
– Xây dựng, quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng;
– Quản lý, cung cấp thông tin phục vụ hoạt động đầu tư xây dựng;
– Quản lý, lưu trữ hồ sơ công trình xây dựng;
– Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng;
– Thực hiện các nhiệm vụ khác về hoạt động đầu tư xây dựng được Chính phủ giao.
4. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ về hoạt động đầu tư xây dựng:
Điều 163 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bổ sung 2020 quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ về hoạt động đầu tư xây dựng, bao gồm:
– Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, trong phạm vi quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau:
+ Phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng;
+ Chịu trách nhiệm về quản lý chất lượng công trình xây dựng và quản lý an toàn, vệ sinh lao động, môi trường trong việc thi công xây dựng công trình thuộc chuyên ngành quản lý theo quy định của Luật Xây dựng;
+ Nghiên cứu ban hành, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế-kỹ thuật cho công tác xây dựng đặc thụ của chuyên ngành theo như hướng dẫn của Bộ Xây dựng và quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng;
+ Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về đầu tư xây dựng cho cán bộ, công chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc;
+ Theo dõi, kiểm tra và tổng hợp tình hình thực hiện giám sát đánh giá đầu tư xây dựng công trình chuyên ngành thuộc trong phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật;
+ Phối hợp và hỗ trợ các bộ, cơ quan, tổ chức khác có liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp trong quá trình thực hiện triển khai các dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành về những vấn đề thuộc phạm vi quản lý của mình.
– Các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm sau:
+ Thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo nhiệm vụ, quyền hạn được phân công;
+ Ban hành văn bản theo thẩm quyền;
+ Chỉ đạo tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch xây dựng, kế hoạch đầu tư xây dựng thuộc trong phạm vi quản lý được phân công;
+ Phối hợp với Bộ Xây dựng, cơ quan, tổ chức khác có liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp trong quá trình thực hiện triển khai hoạt động đầu tư xây dựng về những vấn đề thuộc phạm vi quản lý được phân công;
+ Nghiên cứu ban hành, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế-kỹ thuật cho công tác xây dựng đặc thù của địa phương mình theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng;
+ Thực hiện báo cáo định kỳ và hàng năm về tình hình quản lý hoạt động đầu tư xây dựng của địa phương gửi lên Bộ Xây dựng để tổng hợp, theo dõi;
+ Thực hiện việc báo cáo định kỳ và hàng năm về tình hình quản lý hoạt động đầu tư xây dựng của mình gửi lên Bộ Xây dựng để tổng hợp, theo dõi;
+ Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
5. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp về hoạt động đầu tư xây dựng:
Điều 164 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bổ sung 2020 quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp về hoạt động đầu tư xây dựng, bao gồm:
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau:
+ Thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng theo phân cấp của Chính phủ;
+ Quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy hoạch, thiết kế xây dựng và giấy phép xây dựng theo quy định của Chính phủ;
+ Ban hành văn bản theo thẩm quyền;
+ Chỉ đạo tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng, kế hoạch đầu tư xây dựng;
+ Được phân cấp, ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế để tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng;
+ Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng;
+ Phối hợp và hỗ trợ các bộ, cơ quan ngang bộ khác tổ chức thực hiện triển khai, theo dõi, kiểm tra và giám sát những dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn do mình quản lý;
+ Nghiên cứu ban hành, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế-kỹ thuật cho công tác xây dựng đặc thù của địa phương mình theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng;
+ Thực hiện báo cáo định kỳ và hàng năm về tình hình quản lý hoạt động đầu tư xây dựng của địa phương mình gửi Bộ Xây dựng để tổng hợp, theo dõi;
+ Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về đầu tư xây dựng cho các cán bộ, công chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc;
+ Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện việc thông báo những thông tin về định mức, giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng, theo quý hoặc năm, bảo đảm kịp thời với những biến động giá trên thị trường xây dựng.
– Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm sau:
+ Thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn theo phân cấp;
+ Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về đầu tư xây dựng cho cán bộ, công chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc;
+ Phối hợp, hỗ trợ Ủy ban nhân dân cấp trên tổ chức triển khai thực hiện, theo dõi, kiểm tra và giám sát những dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn do mình quản lý;
+ Thực hiện báo cáo định kỳ và hàng năm về tình hình quản lý hoạt động đầu tư xây dựng của địa phương mình gửi Ủy ban nhân dân cấp trên để tổng hợp, theo dõi;
+ Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bổ sung 2020.