Phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi bao gồm công trình và vùng phụ cận. Vậy pháp luật quy định như thế nào về xây dựng nhà ở trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi?
Mục lục bài viết
1. Xây dựng nhà ở trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi:
1.1. Xây dựng nhà ở trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi:
Căn cứ Điều 40 Luật Thủy lợi 2017 quy định phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi bao gồm công trình và vùng phụ cận. Ngoài ra, Điều này còn quy định trong phạm vi bảo vệ công trình, những hoạt động phải bảo đảm không gây cản trở cho việc vận hành và an toàn công trình; phải có đường quản lý, mặt bằng để thực hiện bảo trì và xử lý khi công trình xảy ra sự cố.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy lợi được quy định tại Điều 8 Luật Thủy lợi 2017 bao gồm:
– Xây dựng công trình thủy lợi không đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
– Đổ chất thải, rác thải trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi;
– Xả nước thải trái quy định của pháp luật vào công trình thủy lợi;
– Các hành vi khác làm ô nhiễm nguồn nước trong công trình thủy lợi;
– Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng công trình thủy lợi;
– Ngăn, lấp, đào, nạo vét, hút bùn, cát, sỏi trên sông, kênh, mương, rạch, hồ, ao trái phép làm ảnh hưởng đến hoạt động thủy lợi;
– Sử dụng xe cơ giới vượt tải trọng cho phép đi trên công trình thủy lợi;
– Sử dụng xe cơ giới, phương tiện thủy nội địa lưu thông trong công trình thủy lợi khi có biển cấm, trừ những loại xe, phương tiện ưu tiên theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, đường thủy nội địa;
– Cản trở việc thanh tra, kiểm tra hoạt động thủy lợi;
– Khai thác nước trái phép từ công trình thủy lợi;
– Tự ý vận hành công trình thủy lợi; vận hành công trình thủy lợi trái với quy trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
– Chống đối, cản trở hoặc không chấp hành quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc thực hiện ứng phó khẩn cấp khi công trình thủy lợi xảy ra sự cố;
– Lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi;
– Thực hiện các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khi chưa có giấy phép hoặc là thực hiện không đúng nội dung của giấy phép được cấp cho các hoạt động theo quy định của pháp luật.
Theo đó, một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy lợi đó chính là thực hiện các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khi chưa có giấy phép hoặc là thực hiện không đúng nội dung của giấy phép được cấp cho các hoạt động. Các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi phải có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:
– Xây dựng công trình mới;
– Lập bến, bãi tập kết nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, phương tiện;
– Khoan, đào khảo sát địa chất; thăm dò, khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, khai thác nước dưới đất;
– Trồng cây lâu năm;
– Hoạt động du lịch, thể thao, nghiên cứu khoa học, kinh doanh, dịch vụ;
– Hoạt động của phương tiện thủy nội địa, phương tiện cơ giới, trừ xe mô tô, xe gắn máy, phương tiện thủy nội địa thô sơ;
– Nuôi trồng thủy sản;
– Nổ mìn và các hoạt động gây nổ khác;
– Xây dựng công trình ngầm.
Như vậy, qua các quy định trên có thể khẳng định được rằng không được xây dựng nhà ở trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi nếu không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép.
1.2. Xử phạt hành chính hành vi xây dựng nhà ở trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi:
Như đã phân tích ở mục trên, trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thì không được xây dựng nhà ở nếu không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép. Nếu cá nhân, tổ chức nào tự ý xây dựng nhà ở trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi nếu không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Căn cứ khoản 7 Điều 24 Nghị định 03/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
– Tự ý dỡ bỏ hoặc lấp công trình thủy lợi;
– Xây dựng nhà ở, cầu, kè, nơi sản xuất và những công trình kiên cố khác không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi mà chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự;
– Ngăn, lấp, đào, nạo vét, hút bùn, cát, sỏi trên sông, kênh, mương, rạch, hồ, ao trái phép mà chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự;
– Lập bến bãi, tập kết nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, phương tiện trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Như vậy, cá nhân nào có hành vi xây dựng nhà ở không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi mà chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì người đó sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, còn đối với tổ chức thì bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Đồng thời buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với cá nhân, tổ chức có hành vi xây dựng nhà ở không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
2. Chịu trách nhiệm hình sự khi xây dựng nhà ở trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi:
Điều 238 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017 quy định tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông, Điều này quy định về chịu trách nhiệm hình sự khi xây dựng nhà ở trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép như sau:
– Khung 1: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây mà gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà có tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121% hoặc là gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, nếu như không thuộc trường hợp quy định tại Điều 303 của Bộ luật Hình sự, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
+ Xây nhà, công trình trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi;
+ Làm hư hỏng công trình thủy lợi;
+ Khoan, đào thăm dò, khảo sát, khai thác đất, đá, cát sỏi, khoáng sản, nước dưới đất trái phép;
+ Sử dụng chất nổ, gây nổ, gây cháy trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi;
+ Vận hành hồ chứa nước không đúng quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa;
+ Vận hành công trình phân lũ, làm chậm lũ không đúng với quy trình, quy chuẩn kỹ thuật cho phép, trừ các trường hợp đặc biệt thực hiện theo quyết định của người có thẩm quyền.
– Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì sẽ bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
+ Có tổ chức.
+ Phạm tội 02 lần trở lên.
+ Làm chết người.
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà có tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.
+ Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
+ Tái phạm nguy hiểm.
– Khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
+ Làm chết 02 người trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà có tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
+ Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.
– Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 02 năm đến 05 năm.
3. Trách nhiệm bảo vệ công trình thủy lợi:
– Tổ chức, cá nhân khi phát hiện ra hành vi hoặc những tác động tự nhiên gây tổn hại hoặc đe dọa đến an toàn của công trình thì phải báo ngay cho tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất.
– Tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm sau đây:
+ Thực hiện phương án bảo vệ công trình thủy lợi;
+ Thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình trạng diễn biến công trình;
+ Phát hiện, có biện pháp ngăn chặn kịp thời và kiến nghị xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi;
+ Giám sát việc thực hiện những nội dung trong giấy phép của tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi;
+ Trường hợp công trình xảy ra sự cố hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố phải thực hiện những biện pháp xử lý, đồng thời phải báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
+ Quản lý vật tư dự trữ chuyên dùng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai;
+ Vận động tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ công trình thủy lợi.
– Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm sau đây:
+ Chỉ đạo, tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn theo thẩm quyền;
+ Chỉ đạo, tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn theo thẩm quyền;
+ Huy động lực lượng, vật tư, phương tiện bảo vệ công trình thủy lợi khi xảy ra sự cố hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố;
+ Ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về thủy lợi trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và quản lý an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn;
+ Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi.
– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện những phương án bảo vệ công trình thủy lợi do Bộ quản lý.
– Việc tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình thủy lợi quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Thủy lợi 2017;
– Nghị định 03/2022/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều;
– Nghị định 67/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;
– Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017.