Công tác lập quy hoạch xây dựng được xem là hoạt động cùng cố quy hoạch nhằm đạt được hiệu quả cao trong thực tiễn và xây dựng. Vậy, pháp luật hiện nay ghi nhận như thế nào về mức xử phạt vi phạm trong vấn đề công tác lập quy hoạch xây dựng?
Mục lục bài viết
1. Mức phạt vi phạm về công tác lập quy hoạch xây dựng:
1.1. Quy định về lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng:
Căn cứ theo quy định tại Điều 20 của Luật xây dựng năm 2020 có quy định về vấn đề lập và phê duyệt đối với quy hoạch xây dựng công trình, cụ thể thì quy hoạch xây dựng sẽ được trả hiện thông qua đồ án quy hoạch xây dựng, nhìn chung thì quy hoạch xây dựng sẽ được thực hiện theo quy trình sau đây:
– Lập và phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng;
– Điều tra và khảo sát trên thực tế, thu thập bản đồ và thu thập tài liệu, chuẩn bị các loại giấy tờ cần thiết và số liệu về điều kiện tự nhiên, chuẩn bị số liệu về hiện trạng kinh tế xã hội, chuẩn bị về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch phát triển ngành có liên quan đến vấn đề lập đồ án quy hoạch xây dựng;
– Lập đồ án quy hoạch xây dựng theo quy định của pháp luật;
– Tiến hành hoạt động thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng phù hợp trên thực tế.
Nhìn chung thì có thể thấy, quy hoạch xây dựng là việc tổ chức ra một không gian đô thị, tổ chức ra không gian nông thôn hoặc các khu chức năng phù hợp, tổng hợp các hoạt động tổ chức hệ thống công trình cơ sở hạ tầng kĩ thuật và hạ tầng xã hội, tạo lập nên một môi trường thích hợp cho người dân sinh sống trong các vùng lãnh thổ, bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia và lợi ích của cộng đồng dân tộc, nhằm mục đích đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và mục tiêu quốc phòng an ninh, phục vụ cho vấn đề bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Như vậy thì vấn đề lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng đã được ghi nhận cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật đặc biệt là Luật xây dựng năm 2020 hiện hành.
1.2. Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về công tác lập quy hoạch xây dựng:
Căn cứ theo Điều 28 của Nghị định số 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, có quy định cụ thể về mức xử phạt đối với các chủ thể thực hiện hành vi vi phạm về công tác lập quy hoạch xây dựng, cụ thể mức xử phạt như sau:
Thứ nhất, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các chủ thể thực hiện hành vi vi phạm trong vấn đề lập nhiệm vụ quy hoạch vượt quá thời gian quy định.
Thứ hai, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với các chủ thể thực hiện hành vi vi phạm sau đây:
– Thực hiện hoạt động chia bố cục bản vẽ và ký hiệu bản vẽ không đúng theo quy định của pháp luật;
– Sử dụng bản đồ địa hình không đúng quy định để phục vụ cho hoạt động lập đồ án quy hoạch.
Thứ ba, phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với các chủ thể thực hiện một trong các hành vi sau đây:
– Lập nhiệm vụ quy hoạch không đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật;
– Không lấy ý kiến quy hoạch, hoặc có lấy ý kiến tuy nhiên không đúng thẩm quyền và không đúng đối tượng, lấy ý kiến không đúng hình thức và thời gian theo quy định của pháp luật;
– Hồ sơ trình thẩm định và trình phê duyệt hoặc hồ sơ lấy ý kiến về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch không đầy đủ theo quy định của pháp luật;
– Hồ sơ đồ án quy hoạch không được cơ quan thẩm định quy hoạch đóng dấu xác nhận sau khi đã có quyết định phê duyệt;
– Không gửi hồ sơ quy hoạch đã được phê duyệt về cơ quan có thẩm quyền quản lý quy hoạch xây dựng để lưu giữ theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định trên, hành vi vi phạm về công tác lập quy hoạch xây dựng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
2. Thời hiệu xử phạt vi phạm về công tác lập quy hoạch xây dựng:
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính nói chung và thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm trong công tác lập quy hoạch xây dựng nói riêng đã được pháp luật quy định cụ thể và rõ ràng. Các chủ thể cần phải căn cứ vào thời hiệu vi phạm này để đòi lại quyền lợi hợp pháp của mình theo đúng quy định của pháp luật, nếu hết thời hiệu thì chứng tỏ rằng các chủ thể đang tự mình từ bỏ quyền lợi hợp pháp. Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện nay, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong công tác lập quy hoạch xây dựng vượt quá thời gian quy định của pháp luật được ghi nhận cụ thể tại Điều 5 của Nghị định số 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, như vậy thì có thể thấy: Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được xác định là 01 năm đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, hoạt động quản lý công trình hạ tầng kĩ thuật và sản xuất vật liệu xây dựng. Ngoài ra thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật hiện nay được xác định là 02 năm đối với hoạt động xây dựng và quản lý cũng như phát triển nhà ở.
Theo đó thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về công tác lập quy hoạch xây dựng hiện nay được xác định là 02 năm theo điều luật phân tích ở trên.
3. Giải pháp cho công tác lập quy hoạch xây dựng khả thi và hiệu quả:
Trong xây dựng và phát triển đô thị hiện nay thì công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng có vai trò vô cùng quan trọng bởi vì đây là vấn đề vừa mang tính chiến lược nhưng phải đi trước một bước để làm cơ sở cho đầu tư xây dựng các công trình và chỉnh trang phát triển đô thị … là giải pháp cơ bản và chủ yếu để quản lý xây dựng phát triển theo hướng văn minh và hiện đại, góp phần làm tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân cũng như đảm bảo an ninh xã hội. Quản lý quy hoạch chính là thực hiện và củng cố quy hoạch nhằm đạt hiệu quả trong thực tiễn, xây dựng theo quy hoạch nhằm dự tính và tránh được nhiều vấn đề gây trở ngại cho phát triển đô thị bền vững. Vì vậy, tăng cường quản lý quy hoạch đô thị, đảm bảo thực hiện quy hoạch đô thị đã trở thành nhiệm vụ cấp bách cần được đặt ra trước tiên trong công cuộc phát triển đô thị các cấp. Có thể đưa ra một số giải pháp cho công tác lập quy hoạch xây dựng để công tác này ngày càng nâng cao tính khả thi và hiệu quả trên thực tế như sau:
Thứ nhất, cần phải đánh giá về cơ chế và chính sách trong quá trình xây dựng đô thị hóa và công tác quy hoạch, chú trọng hơn nữa trong công tác quản lý và kiểm soát việc xây dựng đầu tư phát triển theo quy hoạch đã được duyệt, phát triển theo hướng ổn định và bền vững.
Thứ hai, cần phải đánh giá việc thực thi quy hoạch, quá trình đánh giá cần phải bao gồm nhiều hoạt động khác nhau ví dụ như hoạt động triển khai, đánh giá kết quả của quá trình thực thi quy hoạch, đánh giá nguồn lực về đất đai và tài chính cũng như con người, đánh giá hiệu quả và tác động trên thực tế.
Thứ ba, cần phải đưa ra những đề suất giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch nhằm mục đích đáp ứng yêu cầu về xây dựng và đáp ứng yêu cầu về vấn đề quản lý phát triển đô thị một cách bền vững và an toàn. Đồ án quy hoạch các khu đô thị phải được coi là văn bản pháp quy và có tính bắt buộc yêu cầu các chủ thể cần phải tuân thủ, nếu như có bất kỳ hành vi vi phạm nào thì đều sẽ bị xử phạt theo đúng quy định của pháp luật. Các chủ thể có thẩm quyền cần quan tâm hơn nữa trong vấn đề hoàn thiện hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về vấn đề mạng lưới.
Thứ tư, cần đưa ra một số giải pháp phù hợp nhằm mục đích phát triển kinh tế và đổi mới cơ chế cũng như đổi mới chính sách tài chính, đưa ra các giải pháp nhằm mục đích đầu tư phát triển đô thị một cách có hiệu quả. Đưa ra một số giải pháp phát triển đô thị trên nền tảng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh và xây dựng mô hình đô thị thông minh trên nền tảng của công nghệ số. Bên cạnh đó thì các chủ thể có thẩm quyền cần phải đề suất mô hình chính quyền đô thị mới, có sự phân cấp và ủy quyền quản lý quy hoạch cũng như phát triển đô thị cho các địa phương nhằm mục đích nâng cao hiệu quả và nâng cao hiệu lực, nâng cao quá trình quản lý đô thị trên thực tế. Ngoài ra cần phải làm rõ vai trò của cộng đồng trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng và giám sát đầu tư phát triển quy hoạch xây dựng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Xây dựng năm 2020;
– Nghị định số 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.