Trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa sẽ không thể tránh khỏi được trường hợp bên bán giao hàng không đúng chủng loại cho bên mua. Vậy câu hỏi đặt: Pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm của bên bán khi giao hàng không đúng chủng loại?
Mục lục bài viết
1. Trách nhiệm bên bán khi giao hàng không đúng chủng loại:
1.1. Quy định về hàng hóa không phù hợp với hợp đồng mua bán:
Theo quy định của pháp luật hiện nay, quá trình giao kết hợp đồng sẽ dựa trên sự thỏa thuận và tôn trọng ý chí tự định đoạt của các bên chủ thể. Trong quá trình giao kết hợp đồng thì hai bên hoàn toàn có thể thỏa thuận với nhau về nhiều yếu tố và nhiều phương diện, như số lượng, chất lượng, chủng loại, cách thức đóng gói hàng hóa … sao cho các thỏa thuận này không vi phạm quy định của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Các thỏa thuận này trong hợp đồng sẽ được các bên tôn trọng và thực hiện đầy đủ. Hành vi không thực hiện thỏa thuận trong hợp đồng sẽ bị coi là hành vi vi phạm hợp đồng và phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Vì thế có thể nói, sự thỏa thuận trong hợp đồng chính là căn cứ để xác định sự phù hợp của hàng hóa đối với hợp đồng. Vấn đề hàng hóa không phù hợp với hợp đồng được ghi nhận thông qua 02 trường hợp, đó là khi có sự thỏa thuận giữa các bên và khi không có sự thỏa thuận giữa các bên, cụ thể như sau:
Thứ nhất, trường hợp các bên có thỏa thuận trong hợp đồng thì hàng hóa không phù hợp với hợp đồng chính là hàng hóa không đảm bảo các đặc tính được ghi nhận trong hợp đồng mà các bên đã thỏa thuận, căn cứ theo quy định tại Điều 34 của
Thứ hai, trong trường hợp các bên không có thoả thuận thì hàng hóa không phù hợp với hợp đồng sẽ được xác định trong một số trường hợp như sau, căn cứ theo quy định tại Điều 39 của
– Không phù hợp với mục đích sử dụng thông thường của các hàng hóa cùng chủng loại;
– Không phù hợp với bất kỳ mục đích cụ thể nào mà các bên đã trao đổi với nhau vào thời điểm giao kết hợp đồng;
– Hàng hóa không bảo đảm chất lượng và không đảm bảo về chủng loại, không đảm bảo về mẫu mã giống như chất lượng của mẫu hàng hóa mà bên bán đã giao cho bên mua;
– Hàng hóa không được bảo quản và không được đóng gói theo phương thức thông thường hoặc không được bảo quản theo cách thức phù hợp.
1.2. Trách nhiệm bên bán khi giao hàng không đúng chủng loại:
Có thể nói, bên bán giao hàng không đúng chủng loại sẽ bị coi là hành vi vi phạm hợp đồng và sẽ phải chịu trách nhiệm đối với bên mua theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật. Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 40 của Luật thương mại năm 2005 có ghi nhận trong trường hợp, nếu hai bên không có thoả thuận nào khác thì trách nhiệm của bên bán trong trường hợp bên bán giao hàng không phù hợp với hợp đồng sẽ được xác định cụ thể như sau:
– Bên bán sẽ không phải chịu trách nhiệm đối với bất cứ khuyết điểm nào của hàng hóa trong quá trình giao cho bên mua nếu bên mua đã biết hoặc phải biết vào thời điểm giao kết hợp đồng;
– Bên bán sẽ phải chịu trách nhiệm đối với các khuyết điểm của hàng hóa đã có trước thời điểm chuyển rủi ro cho bên mua theo quy định của pháp luật, ngay cả khi quyết điểm của hàng hóa được phát hiện sau thời điểm chuyển rủi ro;
– Sau thời điểm chuyển rủi ro, thì bên bán sẽ phải chịu trách nhiệm đối với khuyết điểm của hàng hóa nếu do bên bán vi phạm hợp đồng.
Như vậy có thể thấy, theo như phân tích ở trên thì, nếu bên mua đã biết hoặc chấp nhận hàng hóa không đúng chủng loại mà không có ý kiến thay đổi hoặc thông báo với bên bán về việc hàng hóa sai chủng loại đó thì bên bán sẽ không phải chịu trách nhiệm. Như vậy thì mặc nhiên bên mua sẽ phải chịu những hậu quả do việc nhận các loại hàng hóa không đúng chủng loại mà không có liên quan gì đến trách nhiệm của bên bán.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, có thể thấy, giữa bên bán và bên mua đã có phát sinh hợp đồng và có phát sinh thỏa thuận về việc mua bán tài sản, đây chính là ý chí phù hợp với mong muốn và nguyện vọng của các bên, Theo đó thì bên bán phải có nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua sẽ có nghĩa vụ nhận tài sản và trả tiền, thanh toán tiền cho bên bán theo đúng quy định của pháp luật. Việc thực hiện hợp đồng cần phải tuân thủ theo đúng nguyên tắc phù hợp với quy định tại Điều 412 của Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể như:
– Các bên phải có nghĩa vụ thực hiện đúng và đủ hợp đồng, thực hiện theo đúng giao kết ban đầu và đúng đối tượng, chất lượng, số lượng, chủng loại, phương thức giao hàng, phương thức thanh toán và thời hạn … kèm theo một số thỏa thuận khác của các bên;
– Các bên phải có trách nhiệm thực hiện một cách đầy đủ và trung thực, theo tinh thần hợp tác và thiện chí, đôi bên cùng có lợi và đảm bảo sự tin cậy lẫn nhau;
– Các bên phải có trách nhiệm thực hiện đúng quy định của pháp luật và không được xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, không được xâm phạm đến lợi ích công cộng, hoặc quyền lợi hợp pháp của các chủ thể khác.
Theo đó thì có thể thấy, việc bên bán giao hàng không đúng chủng loại chính là không thực hiện đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận của các bên được ghi nhận trong hợp đồng, căn cứ theo quy định tại Điều 437 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về trách nhiệm giao vật không đúng chủng loại, cụ thể như sau: Đối với trường hợp bên bán giao hàng không đúng chủng loại theo sự thỏa thuận của các bên thì bên mua sẽ có quyền sau đây:
– Nhận hàng và thanh toán theo giá do các bên thỏa thuận trước đó;
– Yêu cầu bên bán phải giao hàng đúng chủng loại và bồi thường thiệt hại nếu phát sinh thiệt hại trên thực tế;
– Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Như vậy thì có thể thấy, khi bên bán giao hàng không đúng chủng loại mà các bên đã thỏa thuận, thì bên mua có quyền lựa chọn một trong số cách thức nêu trên. Và bên bán sẽ phải có trách nhiệm cụ thể như:
– Thay thế bằng loại hàng hóa cùng chủng loại;
– Tiến hành bồi thường thiệt hại nếu như bên mua có thiệt hại xảy ra trên thực tế;
– Hủy bỏ hợp đồng và hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, bên mua trả hàng và bên bán trả tiền căn cứ theo quy định tại Điều 131 của bộ luật dân sự năm 2015.
Và việc yêu cầu bên bán hoàn trả số tiền đã thanh toán có thể được thực hiện theo một trong các cách thức như sau:
– Hai bên tự thỏa thuận và thương lượng với nhau hoặc nhờ bên thứ ba hoà giải. Bởi vì trong quan hệ dân sự thì việc hòa giải giữa các bên được pháp luật luôn luôn khuyến khích. Nếu không hòa giải được thì có thể lựa chọn các phương thức khác để bảo vệ quyền lợi của mình;
– Tiến hành khởi kiện căn cứ theo quy định tại Điều 161 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó thì các chủ thể có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khởi kiện vụ án tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình khi có đối tượng xâm phạm. Như vậy thì sau quá trình thương lượng và hòa giải mà bên bán không hoàn trả lại số tiền mà bên mua đã thanh toán trước đó thì bên bê hoàn toàn có quyền khởi kiện bên bán tại tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
2. Thời điểm khiếu nại của bên mua khi nhận hàng không đúng chủng loại:
Nhìn chung thì thời điểm khiếu nại của bên mua khi nhận hàng hóa do bên bán giao không đúng chủng loại căn cứ theo quy định tại Điều 318 của Luật thương mại năm 2005 có ghi nhận như sau:
– Ba tháng được tính kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về số lượng của hàng hóa;
– Sáu tháng được tính kể từ ngày giao hàng đối với trường hợp khiếu nại về chất lượng của hàng hóa, trong trường hợp hàng hóa không có bảo hành thì thời điểm khiếu nại theo quy định của pháp luật được xác định là 03 tháng được tính kể từ ngày hết thời hạn bảo hành;
– Chín tháng được tính kể từ ngày bên vi phạm phải hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng phù hợp với sự thỏa thuận của các bên hoặc trong trường hợp hàng hóa có bảo hành theo quy định của pháp luật thì được tính kể từ ngày hết thời hạn bảo hành đối với việc khiếu nại về các vi phạm khác.
3. Khắc phục trường hợp giao hàng không đúng chủng loại:
Căn cứ theo quy định tại Điều 41 của Luật thương mại năm 2005, trong trường hợp bên bán giao hàng không đúng chủng loại mà các bên có thỏa thuận trong hợp đồng thì sẽ thực hiện theo sự thỏa thuận của các bên. Nếu hợp đồng chỉ quy định thời gian giao hàng mà không xác định cụ thể về thời điểm giao hàng thì bên bán có thể khắc phục bằng việc thay thế hàng hóa chủng loại trong khoảng thời gian còn lại phù hợp với sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng. Tức là khi đó, bên bán sẽ phải thay thế hàng hóa sao cho phù hợp với chủng loại theo sự thỏa thuận của các bên trong lúc chưa đến hạn.
Trong trường hợp bên bán giao hàng không đúng chủng loại vào thời điểm giao hàng theo quy định của hợp đồng thì bên mua có quyền áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng căn cứ theo quy định tại Điều 297 của Luật thương mại năm 2005 trong đó ghi nhận, trường hợp bên vi phạm giao hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ không phù hợp với chất lượng và không phù hợp với chủng loại thì sẽ phải giao hàng thay thế theo đúng hợp đồng. Và đối với trường hợp buộc thực hiện đúng hợp đồng theo như phân tích ở trên thì bên mua hoàn toàn có thể gia hạn thêm một khoảng thời gian hợp lý để bên bán thay thế bằng hàng hóa đúng chủng loại như sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng, và thời gian hợp lý này hoàn toàn phụ thuộc vào việc hai bên thỏa thuận với nhau.
Ngoài ra có thể áp dụng chế tài phạt vi phạm nếu như các bên có thỏa thuận về chế tài này trong hợp đồng, và mức phạt vi phạm sẽ không được vượt quá 8% phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm căn cứ theo quy định tại Điều 301 của Luật thương mại năm 2005. Ngoài ra thì bên mua cũng có thể yêu cầu bên bán tiến hành hoạt động bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên bán giao hàng sai chủng loại gây ra những thiệt hại thực tế cho bên mua.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Luật Thương mại năm 2005.