Đình chỉ, tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn là những biện pháp áp dụng trong một số trường hợp cần thiết. Vậy thời hạn tạm đình chỉ công tác đối với công chức là bao lâu?
Mục lục bài viết
- 1 1. Hiểu thế nào là công chức?
- 2 2. Thời hạn tạm đình chỉ công tác đối với công chức là bao lâu?
- 3 3. Thời gian công chức bị tạm đình chỉ công tác có được tính là thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc không?
- 4 4. Tạm đình chỉ công tác có được coi là hình thức xử lý kỷ luật công chức?
- 5 5. Mẫu quyết định tạm đình chỉ công chức:
1. Hiểu thế nào là công chức?
Công chức được quy định tại Khoản 2 Điều 4 Văn bản hợp nhất số 25/VBHN-VPQH Luật cán bộ, công chức và được hướng dẫn tại Nghị định 06/2010/NĐ-CP quy định những người là công chức, cụ thể là công dân Việt Nam, công chức sẽ được tuyển dụng, bổ nhiệm vào các ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong đơn vị sự nghiệp công lập cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng.
Chế độ lương của công chức được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Thời hạn tạm đình chỉ công tác đối với công chức là bao lâu?
Căn cứ Điều 81 Văn bản hợp nhất số 25/VBHN-VPQH Luật cán bộ, công chức quy định tạm đình chỉ công tác đối với công chức khi:
– Cán bộ, công chức đang trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật mà có hành vi gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý.
– Thời hạn tạm đình chỉ công tác tối đa là 15 ngày.
– Nếu như cần thiết có thế tiếp tục được kéo dài thêm, tối đa không được quá 15 ngày.
– Trường hợp công chức bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử: thời gian tạm giữ, tạm giam được tính là thời gian nghỉ việc có lý do.
– Trường hợp cán bộ, công chức không bị xử lý kỷ luật thì sau khi hết thời hạn tạm đình chỉ công tác sẽ vẫn được bố trí làm việc ở vị trí cũ.
Đối với trường hợp công chức có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng:
Căn cứ Điều 43 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định cơ sở để ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người có chức vụ, quyền hạn là khi có căn cứ cho rằng người đó có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng và có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý nếu vẫn tiếp tục làm việc, cụ thể là:
+ Qua công tác tự kiểm tra trong cơ quan, tổ chức, đơn vị phát hiện người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng.
+ Qua xác minh, làm rõ nội dung theo đơn tố cáo phát hiện người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng.
+ Qua công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phát hiện người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
+ Có văn bản yêu cầu của Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân.
Trong trường hợp này, thời hạn tạm đình chỉ công tác sẽ là 90 ngày tính từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ công tác (căn cứ Điều 47 Nghị định 59/2019/NĐ-CP).
Tùy thuộc vào việc tạm đình chỉ công tác để xem xét, xử lý kỷ luật hoặc khi có căn cứ cho rằng người có chức vụ, quyền hạn có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng mà căn cứ ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ, công chức là khác nhau.
3. Thời gian công chức bị tạm đình chỉ công tác có được tính là thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc không?
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 46/2010/NĐ-CP, những khoảng thời gian làm việc sẽ được tính trợ cấp thôi việc bao gồm:
– Khoảng thời gian làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội.
– Khoảng thời gian làm việc trong quân đội nhân dân và công an nhân dân.
– Khoảng thời gian làm việc trong công ty nhà nước.
– Khoảng thời gian làm việc theo chỉ tiêu biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao trong tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.
– Khoảng thời gian được cơ quan, tổ chức, đơn vị cử đi đào tạo, bồi dưỡng.
– Khoảng thời gian nghỉ được hưởng lương theo pháp luật về lao động.
– Khoảng thời gian bị tạm đình chỉ công tác.
– Khoảng thời gian nghỉ được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, dưỡng sức phục hồi sức khỏe theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
– Khoảng thời gian được bố trí làm việc khi hưởng án treo, cải tạo không giam giữ theo bản án hoặc quyết định của Tòa án.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên, thời gian công chức bị tạm đình chỉ công tác được tính là thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc.
4. Tạm đình chỉ công tác có được coi là hình thức xử lý kỷ luật công chức?
Xử lý kỷ luật với công chức có 06 hình thức, cụ thể như sau:
– Khiển trách.
– Cảnh cáo.
– Hạ bậc lương.
– Giáng chức.
– Cách chức.
– Buộc thôi việc.
Như vậy, theo quy định trên thì tạm đình chỉ công tác không phải là hình thức xử lý kỷ luật đối với công chức. Hình thức tạm đình chỉ công tác chỉ là biện pháp tạm thời giúp quá trình xử lý kỷ luật công chức diễn ra thuận lợi hơn, tránh việc công chức gây khó khăn cho quá trình này.
Lưu ý: Trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, cán bộ, công chức được hưởng lương theo quy định của Nhà nước.
5. Mẫu quyết định tạm đình chỉ công chức:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Thành phố Hà Nội, ngày … tháng … năm …
QUYẾT ĐỊNH
(V/v: Tạm đình chỉ công việc ông Nguyên Văn A)
– Căn cứ quy định tại
– Căn cứ Nội quy của cơ quan.
– Căn cứ quyền hạn và trách nhiệm của Tổng giám đốc công ty;
– Căn cứ dấu hiệu xác minh ban đầu.
QUYẾT ĐỊNH
ĐIỀU 1. NỘI DUNG QUYẾT ĐỊNH
Nay quyết định tạm đình chỉ công việc, tạm đình chỉ chức vụ đối với ông Nguyên Văn A.
Sinh ngày: ………..
Căn cước công dân/ Chứng minh nhân dân số: ……….. cấp ngày……… tại ………..
Số điện thoại: ………….
Chức vụ:………..
Thời gian tạm đình chỉ: 07 ngày (kể từ ngày ban hành quyết định này)
ĐIỀU 2. LÝ DO TẠM ĐÌNH CHỈ CÔNG VIỆC
Theo các nguồn tin tố giác, đơn vị đã xác minh và bước đầu kết luận như sau:
– Ông Nguyễn Văn A có dấu hiệu sử dụng phương tiện, tài sản, thông tin của cơ quan để trục lợi cho cá nhân.
– Và nhiều dấu hiệu sai phạm khác cần phải tiếp tục xác minh hoặc chuyển qua cơ quan công an điều tra làm rõ theo quy định của pháp luật.
ĐIỀU 3. QUYỀN LỢI VÀ NGHĨA VỤ
Trong thời gian tạm đình chỉ công việc, mọi quyền lợi hợp pháp của ông Nguyễn Văn A đều được công ty bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
Trong vòng 01 tuần đầu tiên kể từ ngày ban hành quyết định này, ông …….. tạm thời được phép không đến công ty nhưng khi công ty triệu tập (qua điện thoại, email …) thì ông Nguyễn Văn A phải có mặt. Ông Nguyễn Văn A có nghĩa vụ phải bảo đảm sự liên lạc với công ty (thông suốt về điện thoại, email …)
ĐIỀU 4. HIỆU LỰC THI HÀNH
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ……tháng …. năm …, được công bố công khai và giao trực tiếp cho ông …….
Cùng việc công bố quyết định này, công ty tiến hành kiểm tra, thu giữ tài sản, phương tiện công ty đang giao cho ông ……sử dụng, nhằm phục vụ cho việc điều tra, cũng như bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công ty.
Ông ……… và các bộ phận liên quan có trách nhiệm thực hiện theo đúng quyết định này.
Nơi nhận: – Ông ………. – Phòng hành chính, nhân sự (lưu). | NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN (Ký tên, đóng dấu) |
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Văn bản hợp nhất số 25/VBHN-VPQH Luật cán bộ, công chức.
Nghị định số 46/2010/NĐ-CP quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức.
Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật phòng, chống tham nhũng.