Khi sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật và thỏa thuận của các bên. Vậy vi phạm về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động sẽ bị xử phạt như thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Vi phạm về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động:
- 2 2. Các biện pháp khắc phục hậu quả khi người sử dụng lao động vi phạm về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động:
- 3 3. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính vi phạm về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động:
1. Vi phạm về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động:
1.1. Quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động:
Thứ nhất: Sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động
Điều 33
– Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên đối phương biết trước ít nhất 03 ngày làm việc về nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
– Trường hợp hai bên thỏa thuận được thì tiến hành việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động, việc sửa đổi, bổ sung được tiến hành bằng việc ký kết
– Trường hợp hai bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì sẽ phải tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết.
Qua quy định trên, có thể thấy pháp luật hoàn toàn cho phép hai bên (người lao động, người sử dụng lao động) tự thỏa thuận trong việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động (nội dung hợp đồng lao động được sửa đổi, bổ sung phải đúng với pháp luật, không gây bất lợi cho người lao động). Khi một trong hai bên (người lao động, người sử dụng lao động) có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên đối phương biết trước ít nhất 03 ngày làm việc về nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Khi thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động giữa hai bên người lao động và người sử dụng lao động sẽ có hai trường hợp xảy ra:
– Nếu hai bên thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động: việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc hai bên giao kết hợp đồng lao động mới.
– Nếu hai bên không không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động: hai bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì sẽ phải tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết.
Lưu ý rằng:
– Không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động.
– Sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực.
– Sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.
Thứ hai: Chấm dứt hợp đồng lao động
Khi người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động thì phải tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ, trách nhiệm của mình với người lao động, như:
– Tuân thủ đúng các điều kiện khi thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động theo quy định của pháp luật;
– Thông báo trước với người lao động khi thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động (các trường hợp phải báo trước);
– Thanh toán các khoản về quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động đúng thời hạn;
– Trả tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc cho người lao động nếu người lao động đủ điều kiện;
– Trả các khoản tiền pháp luật quy định cho người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật;
– Xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác mà mình đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động…
1.2. Mức phạt khi người sử dụng lao động vi phạm về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động:
Căn cứ Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động, Điều này quy định:
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động mà đã có hành vi không thông báo bằng văn bản cho người lao động về việc thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định của Bộ luật Lao động. Mức phạt này không áp dụng trong các trường hợp người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do sau:
+ Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo;
+ Người lao động không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự;
+ Người lao động bị kết án tử hình;
+ Người lao động bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
+ Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết;
+ Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết;
+ Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.
– Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau:
+ Sửa đổi thời hạn của hợp đồng bằng phụ lục hợp đồng lao động;
+ Không thực hiện đúng quy định về thời hạn thanh toán các khoản về quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động;
+ Không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định của pháp luật;
+ Không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định của pháp luật;
+ Không trả hoặc trả không đủ tiền cho người lao động theo quy định của pháp luật khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật;
+ Không hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và trả lại các giấy tờ bản chính, các giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật;
+ Không cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu như những người lao động có yêu cầu sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Mức xử phạt đối với những hành vi này theo một trong các mức sau đây:
+ Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
+ Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
+ Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
+ Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
+ Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
+ Cho thôi việc đối với người lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế theo một trong những trường hợp sau:
++ Không trao đổi ý kiến trước với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi đã có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động là thành viên;
++ Không thông báo trước 30 ngày cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người lao động.
+ Trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế; khi doanh nghiệp tiến hành chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; doanh nghiệp chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mà người sử dụng lao động có một trong những hành vi sau:
++ Không lập phương án sử dụng lao động;
++ Lập phương án sử dụng lao động nhưng không đầy đủ những nội dung chủ yếu theo quy định của pháp luật hoặc người sử dụng lao động không trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi đã có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng phương án sử dụng lao động.
+ Sử dụng quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc nhưng không tham khảo về ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
2. Các biện pháp khắc phục hậu quả khi người sử dụng lao động vi phạm về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động:
– Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm cho những người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền người sử dụng lao động chưa trả tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước đã công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi người sử dụng lao động không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm cho người lao động.
– Buộc người sử dụng lao động hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại các giấy tờ khác đã giữ của người lao động cho người lao động đối với hành vi người sử dụng lao động không hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và không trả lại cùng với bản chính giấy khác đã giữ của người lao động sau khi đã thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.
– Buộc người sử dụng lao động trả cho người lao động một khoản tiền tương ứng với khoản tiền lương theo hợp đồng lao động của những ngày người sử dụng lao động không báo trước khi có hành vi vi phạm về thời hạn báo trước trong trường hợp người sử dụng lao động cho thôi việc khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế.
3. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính vi phạm về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động:
Những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính vi phạm về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động bao gồm:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
– Thanh tra viên lao động, người được giao nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ;
– Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội;
– Chánh thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
– Trưởng đoàn thanh tra lao động cấp Bộ;
– Trưởng đoàn thanh tra lao động cấp Sở, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan quản lý nhà nước đã được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về lao động;
– Cảnh sát viên Cảnh sát biển đang thi hành công vụ;
– Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ Cảnh sát biển;
– Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát biển;
– Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển;
– Hải đoàn trưởng Hải đoàn Cảnh sát biển;
– Đoàn trưởng Đoàn trinh sát, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam;
– Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam;
– Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Lao động 2019;
– Nghị định 12/2022/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, NLĐ Việt Nam ở nước ngoài theo hợp đồng.