Người chưa thành niên thuộc đối tượng được đặc biệt quan tâm do những đặc thù về thể chất, sinh học cũng như tâm lý và tính cách. Dưới đây là một số phân tích về đặc điểm tâm lý đặc thù của người chưa thành niên phạm tội.
Mục lục bài viết
- 1 1. Khái quát về người chưa thành niên phạm tội:
- 2 2. Đặc điểm tâm lý đặc thù của người chưa thành niên phạm tội:
- 3 3. Các hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội:
- 4 4. Điều kiện để người chưa thành niên phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự và bị áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục:
1. Khái quát về người chưa thành niên phạm tội:
Hiện nay, pháp luật Việt Nam cũng quy định độ tuổi đủ 18 tuổi là căn cứ để xác định người đó đã thành niên. Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi. Ngoài ra, theo Điều 1 Luật trẻ em năm 2018, có ghi nhận về trẻ em quy định trong Luật này là công dân dưới 16 tuổi. Vì vậy, người chưa thành niên được xác định là người dưới 18 tuổi. Trong pháp luật hình sự Việt Nam, người chưa thành niên phạm tội chỉ bao gồm những người đã đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được luật hình sự quy định là tội phạm. Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:
– Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
– Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, Điều 68 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), có ghi nhận về những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội, theo đó, người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương X Bộ luật Hình sự năm 2015. Căn cứ vào thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm và trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước khác, Bộ luật Hình sự Việt Nam xác định tuổi chịu trách nhiệm hình sự đầy đủ là đủ 16 tuổi trở lên và tuổi chịu trách nhiệm hình sự hạn chế là đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Dù pháp luật quy định người đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, song những người phạm tội ở độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người chưa thành niên nên họ vẫn được hưởng chính sách xử lý hình sự của Nhà nước đối với người chưa thành niên phạm tội.
Từ đó, có thể đưa ra khái niệm về người chưa thành niên phạm tội như sau: Người chưa thành niên phạm tội được xác định là những người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến khách thể được luật hình sự bảo vệ, và bị coi là phạm tội.
2. Đặc điểm tâm lý đặc thù của người chưa thành niên phạm tội:
Nhìn chung thì người chưa thành niên phạm tội sẽ mang một số đặc điểm tâm lý đặc thù sau đây:
Thứ nhất, đây là những người tuổi đời còn ít, kinh nghiệm sống chưa nhiều, hiểu biết pháp luật và các chuẩn mực xã hội còn hạn chế. Người chưa thành niên đang ở giai đoạn dậy thì, xảy ra những biến động mãnh liệt về tâm lý của mỗi con người, cũng là thời kỳ then chốt của phát triển tâm lý. Đương nhiên, quá trình phát triển tâm lý có quan hệ chặt chẽ với điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa mà những người chưa thành niên đang sống và cũng liên quan đến quá trình phát dục, thành thục về sinh lý. Bước vào thời kỳ này, họ phải đối phó với những thay đổi to lớn trong môi trường học tập và rất nhiều yêu cầu mới của xã hội. Con người đứng trước những thay đổi sinh lý hình thái rất đột ngột, như cao vổng lên, sức mạnh cơ bắp, kinh nguyệt, di tinh, vỡ giọng … tất nhiên sẽ dẫn đến hàng loạt những biến động tâm lý. Ở thời kỳ này, đặc trưng tâm lý còn vương chút trẻ con lại có những mầm mống mới nhú của tâm lý người lớn. Qua giai đoạn này có sự thay đổi căn bản về tâm, sinh lý nên thường mong muốn người lớn tôn trọng mình, luôn muốn khẳng định mình đã trưởng thành và không chấp nhận sự can thiệp quá sâu của người lớn vào đời sống cá nhân. Ở lứa tuổi này, nếu không quan tâm sát sao thì sẽ tạo cho họ cơ hội vi phạm các chuẩn mực hành vi, chuẩn mực đạo đức và vi phạm pháp luật. Bởi thời kỳ này bộc lộ cá tính rất mạnh, sự tự quan sát, tự đánh giá, tự thể hiện, tự đôn đốc, tự khống chế … đều được tăng cường.
Thứ hai, có ý thức xã hội được tăng cường mau chóng, rất nhạy bén với mọi biến động của xã hội, dám nói lên ý kiến và nhận định của bản thân và khát khao được người khác đánh giá, hết sức quan tâm đến sự phát triển sở thích cá nhân. Ở tuổi này, dễ bị ảnh hưởng ở hoàn cảnh bên ngoài, bởi tính nết, tình cảm. Bên cạnh đó, xã hội hiện đại ẩn chứa nhiều mặt trái kích thích người chưa thàn niên phạm tội: Những trò chơi điện tử bạo lực với những cảnh bắn súng, chém giết … , phim hành động bạo lực không chỉ chiếu ở rạp phim, băng đĩa mà còn cả trên truyền hình hàng ngày. Những yếu tố này, khiến họ hoài nghi và cảm thấy xung quanh bất ổn, muốn bảo vệ bản thân. Trạng thái tâm lý đó kéo khoảng cách giữa hành động ảo và hành động phạm tội gần nhau hơn và khiến chúng bắt chước theo.
Thứ ba, nhu cầu giao tiếp và mở rộng mối quan hệ bạn bè là một điểm đặc trưng của lứa tuổi chưa thành niên. Họ thích giao du bạn bè, thích túm năm tụm ba. Nếu không có sự quản lý chặt chẽ của gia đình, nhà trường thì dễ có khả năng họ có những hành vi phạm tội. Nhóm bạn xấu cũng xuất hiện từ đây. Đa số những người vi phạm pháp luật ở độ tuổi chưa thành niên đều có hiện tượng bỏ học, đi lang thang. Lứa tuổi này rất dễ bị lôi kéo bởi bạn bè xấu. Bởi ở lứa tuổi này, tính tình có sự bộc lộ hết sức mạnh mẽ, rất không ổn định, rất dễ chuyển từ cực này sang cực kia. Sở dĩ gọi là lưỡng cực trong tính nết của người chưa thành niên là do họ có biểu hiện trong tính tình khẳng định và phủ định, tích cực và tiêu cực, khẩn trương và buông lỏng, hoạt động và lập lờ, yêu và ghét, vui vẻ và chán nản, hấp tấp và bình tĩnh, cáu bẳn và bình ổn …
Thứ tư, sự nhận thức của người chưa thành niên còn hạn chế, trình độ học vấn chưa hoàn thiện, vốn kinh nghiệm và hiểu biết xã hội còn ít, sự thông hiểu và chấp hành các chuẩn mực hành vi, chuẩn mực xã hội và pháp luật chưa cao. Tuy nhiên, ở lứa tuổi này những điều kiện về mặt trí tuệ, nhân cách và xã hội để xây dựng một hệ thống quan điểm riêng đã được hình thành. Đặc biệt là sự phát triển tư duy lý luận và tư suy trừu tượng nên các em có khả năng lĩnh hội nhanh những vấn đề được giáo dục. Về mặt học tập, động cơ, thái độ, hứng thú và năng lực học tập đều được nâng cao. Vì các môn học nhiều thêm, nội dung đã phân biệt nên tư duy trừu tượng logic được dịp phát triển. Khả năng phân tích, tổng hợp, suy luận, phán đoán cũng được nâng cao. Do thân hình lớn vổng lên, chuyển hóa trong cơ thể mạnh mẽ, tinh lực dồi dào, hiếu động luôn chân luôn tay, tựa như toàn thân chỗ nào cũng dư thừa sức lực, nhất là trong những hoạt động tranh đua, cùng với sự tự ý thức hơi quá và lòng tự tôn hừng hực, tạo nên sự bất kham, mọi trường hợp đều muốn bộc lộ nguyện vọng mãnh liệt của bản thân.
Thứ năm, trong đặc điểm tâm, sinh lý của người chưa thành niên phạm tội thì có hai khuynh hướng nổi bật liên quan tới việc thực hiện tội phạm và khả năng giáo dục cải tạo họ. Họ dễ bị kích động, thúc đẩy vào việc thực hiện tội phạm nhưng cũng dễ uốn nắn, cải tạo, giáo dục thành người có ích cho xã hội. Những biểu hiện về nhận thức, tình cảm, hành động của lứa tuổi chưa thành niên phạm tội là rất yếu kém. Để giáo dục, cải tạo những đối tượng này, cần có sự quan tâm sát sao, tỉ mỉ của gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương và của toàn xã hội.Trong đó sự giáo dục của gia đình đóng một vai trò rất quan trọng. Bởi gia đình là môi trường tự nhiên cho sự phát triển của người chưa thành niên. Trong gia đình, họ được học tập các chuẩn mực và giá trị văn hóa.Gia đình có trách nhiệm đầu tiên trong việc nuôi nấng, bảo vệ, giáo dục, chăm sóc người chưa thành niên.
3. Các hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội:
Nằm trong hệ thống hình phạt nói chung, các hình phạt áp dụng cho người chưa thành niên phạm tội cũng có mục đích phòng ngừa riêng là nhằm trừng trị, lên án người chưa thành niên phạm tội và giáo dục họ thành người có ích cho xã hội, ngăn ngừa họ phạm tội mới, đồng thời giáo dục người chưa thành niên khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Để đảm bảo cho việc lựa chọn một loại và mức hình phạt phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân của người chưa thành niên phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, yêu cầu phòng ngừa tội phạm, nhằm đạt được mục đích cụ thể của hình phạt và đảm bảo tính công bằng của pháp luật hình sự, Điều 98 Bộ luật hình sự 2015 có quy định hình phạt áp dụng cho người chưa thành niên phạm tội gồm:
– Hình phạt cảnh cáo;
– Hình phạt tiền;
– Hình phạt cải tạo không giam giữ;
– Hình phạt tù có thời hạn.
Bốn loại hình phạt được xếp theo mức độ từ nhẹ đến nặng. Bộ luật Hình sự không áp dụng hình phạt bổ sung với người chưa thành niên phạm tội nên 04 hình phạt này đều là hình phạt chính. Về nội dung, các hình phạt này không khác so với các loại hình phạt tương tự áp dụng cho người thành niên phạm tội. Nhưng do đặc điểm tâm, sinh lý của người chưa thành niên và mục đích chủ yếu là giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm nên các điều kiện cũng như mức hình phạt có khác so với người đã thành niên.
4. Điều kiện để người chưa thành niên phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự và bị áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục:
Điều kiện thứ nhất, người chưa thành niên phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng. phạm tội nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định tại các điều sau: Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm): Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật Hình sự năm 2015;
– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự năm 2015, trở tội phạm quy định tại các điều sau: Điều 123 (tội giết người); Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm), Điều 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi); Điều 144 (tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bản người dưới 16 tuổi); Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản): Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Điều kiện thứ hai, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả.
Điều kiện thứ ba, không thuộc trường hợp miễn trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
– Luật Trẻ em năm 2018.