Con người cần được đảm bảo về sự yên tĩnh, tránh gây cảm giác khó chịu đến thính giác, hoặc các tác động xấu đến tâm lý cũng như sức khỏe. Vậy pháp luật quy định như thế nào về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong việc bảo đảm sự yên tĩnh chung?
Mục lục bài viết
1. Gây ảnh hưởng đến yên tĩnh chung có bị coi là hành vi vi phạm pháp luật không?
Hiện nay có rất nhiều chủ thể thường xuyên thực hiện hành vi gây ảnh hưởng đến sự yên tĩnh chung của cộng đồng, bởi nhiều người vẫn lầm tưởng đây không bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Nhiều người đặt ra thắc mắc: Liệu rằng gây ảnh hưởng đến sự yên tĩnh chung có bị coi là hành vi vi phạm pháp luật hay? Để trả lời được câu hỏi này cần phải tìm hiểu các quy định của Bộ luật dân sự, Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn khác có liên quan. Cụ thể căn cứ tại Điều 10 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định như sau:
– Các chủ thể là cá nhân và pháp nhân không được phép lạm dụng quyền dân sự của mình để gây thiệt hại cho các chủ thể khác trái quy định của pháp luật, không được phép lợi dụng các quyền của mình để vi phạm nghĩa vụ hoặc thực hiện các mục đích trái pháp luật khác;
– Trường hợp mà các chủ thể là cá nhân hoặc pháp nhân không tuân thủ quy định của pháp luật nêu trên thì tòa án hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác sẽ căn cứ vào tính chất và mức độ vi phạm, căn cứ vào hậu quả do hành vi vi phạm trên thực tế gây ra mà có thể không bảo vệ một phần hoặc toàn bộ quyền của họ, bố gọi phải tiến hành hoạt động bồi thường nếu gây ra thiệt hại và có thể áp dụng các chế tài khác do pháp luật quy định.
Như vậy thì có thể thấy, các chủ thể có quyền xây dựng, có quyền tôn tạo nhà cửa … hoặc một số các quyền khác mà pháp luật trao cho, tuy nhiên không được lợi dụng các quyền lợi đó để gây ra sự mất yén tĩnh chung cho cộng đồng dân cư, được phép thực hiện quyền dân sự tuy nhiên phải thực hiện trong khuôn khổ, không được lạm dụng quyền dân sự của mình để gây thiệt hại cho người khác.
Ngoài ra căn cứ theo quy định tại Điều 14 của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2022 hiện nay có ghi nhận: Các chủ thể là cá nhân và tổ chức có trách nhiệm phát hiện và tố cáo, thực hiện các hoạt động đấu tranh phòng chống hành vi vi phạm hành chính. Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, có ghi nhận mức xử phạt đối với hành vi gây tiếng động lớn, làm ổn ào và làm huyên náo tại các khu vực đông dân cư, nơi công cộng.
Như vậy có thể thấy, hành vi gây ảnh hưởng đến sự yên tĩnh chung bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Các chủ thể có thể gửi đơn tới cơ quan có thẩm quyền đó là Uỷ ban nhân dân hoặc công an cấp xã phường để tố cáo về hành vi “gây ảnh hưởng đến sự yên tĩnh chung” khi phát hiện ra các chủ thể vi phạm để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
2. Mức phạt vi phạm hành chính về bảo đảm sự yên tĩnh chung:
Trật tự công cộng hiện nay được hiểu là trạng thái ổn định và có kỷ luật ở nơi công cộng. Trật tự công cộng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Bảo vệ trật tự công cộng được xem là việc giữ gìn và bảo đảm trạng thái ổn định và có kỷ luật chốn công cộng, từ đó đảm bảo cho cuộc sống lao động và sinh hoạt bình thường của người dân trong xã hội. Bảo đảm cho sự yên tĩnh chung và giữ gìn vệ sinh chung được coi là một trong những hành động bảo đảm trật tự công cộng. Căn cứ theo quy định tại Điều 8 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về việc gây mất sự yên tĩnh chung được ghi nhận như sau:
Thứ nhất, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
– Gây tiếng động lớn, thực hiện các hành vi làm ồn ào, gây ra tình trạng huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau;
– Không thực hiện các quy định về giữ yên tĩnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhà điều dưỡng, trường học hoặc ở những nơi khác có quy định phải giữ yên tĩnh chung;
– Bán hàng ăn uống, giải khát quá giờ quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Thứ hai, phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi dùng loa phóng thanh, hành vi dùng chiêng, dùng trống, hành vi dùng các loại còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền.
Thứ ba, biện pháp khắc phục hậu quả có thể áp dụng trong trường hợp vi phạm hành chính về bảo đảm sự yên tĩnh chung là:
– Buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ;
– Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm tiếng ồn theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
3. Gây ảnh hưởng đến sự yên tĩnh chung có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Nếu các chủ thể có hành vi gây ảnh hưởng đến sự yên tĩnh chung của cộng đồng thỏa mãn các cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng. Hành vi gây rối trật tự công cộng là hành vi phá vỡ tình trạng ổn định, có tổ chức, có kỉ luật đó. Hành vi đó có thể là lời nói như chửi bới, la hét hoặc là việc làm như đập phá tài sản, xô đẩy người, tạo ra âm thanh ầm ỹ bằng các công cụ khác nhau hoặc mở thiết bị âm thanh quá cỡ … Hậu quả của tội phạm được quy định là ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội như gây ách tắc giao thông, làm gián đoạn hoạt động của cơ quan, tổ chức, gây ảnh hưởng đến đời sống bình thường của khu dân cư … Hậu quả trên đây có thể được thay thế bằng dấu hiệu nhân thân “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” hoặc “đã bị kết án” về hành vi này mà chưa được xoá án tích. Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý.
Điều luật quy định 2 khung hình phạt chính. Khung hình phạt cơ bản được quy định là phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
4. Một số giải pháp nhằm bảo đảm sự yên tĩnh chung trong cộng đồng:
Hiện tượng mất sự yên tĩnh chung trong cộng đồng dân cư đã không còn quá xa lạ đối với chúng ta, cần phải đặt ra một số giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng này, có thể kể đến một số phương hướng như sau:
– Đầu tiên, cần xử lý nghiêm minh các hành vi phá vỡ sự yên tĩnh chung của cộng đồng. Mức xử phạt đã được quy định như trên, các chủ thể có thẩm quyền cần phải thường xuyên ra soát và phát hiện ra những trường hợp vi phạm, từ đó xử lý nghiêm minh để đảm bảo tính răn đe trong xã hội;
– Làm trần thạch cao trong các công trình nhà ở. Biện pháp xây dựng này không chỉ mang lại tính thẩm mỹ cho không gian ngôi nhà, mà thạch cao còn được biết đến là một trong những biện pháp chống ô nhiễm tiếng ồn tương đối hiệu quả. Thạch cao có khả năng làm giảm âm thanh trong ngưỡng từ 35 đến 60dB, mang lại không gian yên tĩnh cho căn nhà, đồng thời thì thạch cao còn có khả năng chống cháy và chống ẩm vô cùng tốt cho mọi công trình khác nhau;
– Dùng cửa cách âm, đây là một trong những biện pháp đơn giản nhất nhưng mang lại hiệu quả cao và được người dân sử dụng rộng rãi hiện nay;
– Trồng nhiều cây xanh trong khu dân cư. Có thể nói, âm thanh khi gặp lá cây xanh sẽ theo phản xạ tự nhiên đi về nhiều hướng khác nhau, do đó những âm thanh có cường độ lớn sẽ được phát tán để làm giảm độ nguy hiểm của tiếng ồn, vậy cho nên trồng nhiều cây xanh trong khu vực nhà ở và các khu dân cư chắc chắn sẽ là giải pháp không tệ để cải thiện tình trạng tiếng ồn gây ảnh hưởng đến đời sống của con người, ngoài ra còn tạo nên bầu không khí trong lành cho không gian sống của người dân.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.