Quy phạm pháp luật về dân sự là một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng trong hệ thông vận hành bộ máy pháp luật Việt Nam. Vậy quy phạm pháp luật dân sự là gì? Dưới đây là bài viết phân loại và lấy ví dụ về quy phạm pháp luật về dân sự.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm quy phạm pháp luật dân sự:
Quy phạm pháp luật dân sự là những quy tắc xử sự chung do Nhà nước đặt ra để điều chỉnh quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân thuộc đối tượng điều chỉnh của luật Dân sự để các quan hệ đó phát sinh, thay đổi, chấm dứt phù hợp với ý chí của Nhà nước.
Thực tế, xét về khía cạnh dân sự, Nhà nước quy định Luật dân sự sẽ chi phối các vấn đề liên quan đến nhân thân và tài sản. Người ta gọi là quyền nhân thân và quyền tài sản.
Các mối quan hệ liên quan đến quyền nhân thân và quyền tài sản trong thực tế vô cùng đa dạng. Mỗi vấn đề, mỗi trường hợp là những phạm trù quy chuẩn và điều khiển khác nhau. Chính vì vậy, Nhà nước đưa ra những quy phạm pháp luật dân sự, nhằm mục đích đối chiếu, điều chỉnh các hoạt động liên quan đến nhân thân và tài sản. Đồng thời, đây chính là căn cứ mang tính định hướng, giúp hoạt động dân sự diễn ra chuẩn chỉnh nhất, hạn chế đến mức tối đa những phát sinh rủi ro có thể xảy ra, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Quy phạm pháp luật dân sự cũng chính là cơ sở, căn cứ để cơ quan chức năng có thẩm quyền tiến hành thực hiện quản lý an ninh xã hội, ngăn chặn những hành vi vi phạm xảy ra. Có như vậy, pháp luật mới đạt được giá trị nguyên bản, độc tôn của mình.
Về nguyên tắc vận hành, quy phạm pháp luật về dân sự có cấu tạo gồm 3 phần, đó là: phần giả định, phần quy định và phần chế tài.
+ Phần giả định là bộ phận nằm trong cơ cấu cấu tạo của quy phạm pháp luật dân sự (là phần nêu lên trường hợp sẽ áp dụng quy phạm pháp luật dân sự). Theo đó, nó quy định địa điểm, thời gian, chủ thể, các hoàn cảnh, tình huống có thể xảy ra trong thực tế. Khi các hoàn cảnh, tình huống này xảy ra thì các chủ thể phải hành động theo quy tắc xử sự mà quy phạm đặt ra.
+ Phần quy định là bộ phận trung tâm, nêu lên quy tắc xử sự mà mọi người phải thi hành khi xuất hiện những điều kiện mà phần giả định đã đặt ra.
+ Phần chế tài là bộ phận chỉ ra những biện pháp tác động mà Nhà nước sẽ áp dụng đối với chủ thể không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy tắc xử sự đã được nêu trong phần giả định của quy phạm.
2. Phân loại quy phạm pháp luật dân sự và ví dụ:
Xét về bản chất và cấu tạo chung, quy phạm pháp luật dân sự được chia làm 4 loại, đó là: Quy phạm định nghĩa, quy phạm mệnh lệnh, quy phạm tùy nghi, quy phạm lựa chọn.
2.1. Đặc điểm của quy phạm định nghĩa:
Quy phạm định nghĩa là loại quy phạm đưa ra khái niệm của vấn đề và cập nhật những thông tin trong phần nội dung của vấn đề đó. Hay nói cách khác, đối với phần quy phạm này, những thông tin mang tính chất gợi mở, khái quát nhất về chủ thể sẽ được đưa ra. Từ đó, giúp người dân hiểu được vấn đề, đặc tả bản chất. Từ đó mới có cơ sở xét sâu vào cá nội dung, khía cạnh liên quan xung quanh.
Ví dụ:
2.2. Đặc điểm của quy phạm mệnh lệnh:
Quy phạm mệnh lệnh được hiểu là loại quy phạm nêu ra cách xử sự bắt buộc của chủ thể tham gia vào quan hệ dân sự. Theo đó, đối với quy phạm này, buộc các cá nhân, tổ chức liên quan đến một hoạt động, giao dịch dân sự bất kỳ phải tuân thủ thực hiện theo một khuôn mẫu hành hành vi. Cách cư xử này mang tính chất bắt buộc.
Trong trường hợp cá nhân, tổ chức không tuân thủ theo quy phạm mệnh lệnh đưa ra trong pháp luật dân sự, các đối tượng này sẽ bị xét xử lý vi phạm, hoặc sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với những chế tài mà cơ quan Nhà nước đưa ra ở từng trường hợp cụ thể.
Ví dụ: Trường hợp người được giám hộ đã có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày chấm dứt việc giám hộ, người giám hộ thanh toán tài sản với người được giám hộ, chuyển giao quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch dân sự vì lợi ích của người được giám hộ cho người được giám hộ. Trường hợp người được giám hộ chết thì trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt việc giám hộ, người giám hộ thanh toán tài sản với người thừa kế hoặc giao tài sản cho người quản lý di sản của người được giám hộ, chuyển giao quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch dân sự vì lợi ích của người được giám hộ cho người thừa kế của người được giám hộ; nếu hết thời hạn đó mà chưa xác định được người thừa kế thì người giám hộ tiếp tục quản lý tài sản của người được giám hộ cho đến khi tài sản được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế và thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ.
2.3. Đặc điểm của quy phạm tùy nghi:
Quy phạm tùy nghi được hiểu là loại quy phạm mà tại đó, các cá nhân, tổ chức tham gia vào giao dịch dân sự được phép tự thỏa thuận với nhau về quyền, trách nhiệm liên quan đến hoạt động dân sự, cùng các nghĩa vụ pháp lý phát sinh khác.
Ví dụ: Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ. Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của người đó.
2.4. Đặc điểm của quy phạm lựa chọn:
Quy phạm lựa chọn là loại quy phạm mà tại đó, các bên tham gia có thể lựa chọn một cách thức, vấn đề liên quan đến chủ thể cần được giải quyết.
Ví dụ: Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống.
Trên đây là các nội dung liên quan đến bản chất, đặc điểm của từng loại quy phạm pháp luật dân sự. Từng loại quy phạm này chính là căn cứ xác lập, hình thành lên hệ thống pháp luật dân sự Việt Nam.
3. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự:
Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự bao gồm:
– Nguyên tắc 1: Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
– Nguyên tắc 2: Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
– Nguyên tắc 3: Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.
– Nguyên tắc 4: Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
– Nguyên tắc 5: Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự phải bảo đảm giữ gìn bản sắc dân tộc, tôn trọng và phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp, tình đoàn kết, tương thân, tương ái, mỗi người vì cộng đồng, cộng đồng vì mỗi người và các giá trị đạo đức cao đẹp của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Đồng thời, trong quan hệ dân sự, việc hòa giải giữa các bên phù hợp với quy định của pháp luật được khuyến khích.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Bộ luật dân sự 2015.