Thực phẩm không an toàn cần được xử lý để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng. Vậy hình thức xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn sau thu hồi được quy định như thế nào? Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Hình thức xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn sau thu hồi:
Các hình thức xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn sau thu hồi bao gồm 04 hình thức sau:
– Thứ nhất là hình thức khắc phục lỗi của sản phẩm, lỗi ghi nhãn:
+ Đối tượng áp dụng:
++ Áp dụng đối với trường hợp thực phẩm có thể xử lý bằng các biện pháp kỹ thuật để bảo đảm thực phẩm an toàn
++ Áp dụng đối với trường hợp thực phẩm ghi nhãn chưa đúng theo quy định.
– Thứ hai là hình thức chuyển mục đích sử dụng:
+ Đối tượng áp dụng đối với trường hợp thực phẩm không bảo đảm an toàn, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, không được sử dụng làm thực phẩm nhưng có thể sử dụng vào mục đích khác sau khi xử lý phù hợp.
– Thứ ba là hình thức tái xuất:
+ Đối tượng áp dụng là các thực phẩm nhập khẩu không bảo đảm an toàn và thuộc diện tái xuất theo quy định pháp luật.
– Thứ tư là hình thức tiêu hủy:
+ Đối tượng áp dụng là:
++ Thực phẩm có mức giới hạn an toàn không phù hợp với hồ sơ tự công bố, quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm
++ Gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng mà không thể chuyển mục đích sử dụng hoặc tái xuất.
Một số điều cần lưu ý sau:
– Nếu thu hồi sản phẩm theo trình tự thu hồi tự nguyện chủ cơ sở tự lựa chọn áp dụng một trong các hình thức xử lý sản phẩm sau thu hồi nêu trên.
– Nếu thu hồi sản phẩm theo trình tự thu hồi bắt buộc thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thu hồi sản phẩm, cơ quan ra quyết định thu hồi phải có văn bản đồng ý với hình thức xử lý sản phẩm sau thu hồi do chủ cơ sở đề xuất.
Nếu cơ quan có thẩm quyền không đồng ý với hình thức đề xuất của chủ cơ sở, cơ quan ra quyết định thu hồi phải có văn bản thông báo và nêu rõ lý do không đồng ý. Đồng thời đề xuất những hình thức xử lý sau thu hồi để chủ cơ sở áp dụng.
Thời hạn xử lý thực phẩm sau thu hồi theo quyết định thu hồi bắt buộc của cơ quan có thẩm quyền tối đa là 03 tháng kể từ thời điểm cơ quan có thẩm quyền có văn bản đồng ý với đề xuất hình thức xử lý của chủ cơ sở. Sau khi thực hiện xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn sau thu hồi thông qua một trong các hình thức nêu trên, chủ cơ sở phải thực hiện việc báo cáo, mỗi một hình thức xử lý sẽ quy định việc báo cáo là khác nhau. Cụ thể:
* Đối với hình thức khắc phục lỗi của sản phẩm, lỗi ghi nhãn:
– Trường hợp thu hồi tự nguyện:
+ Chủ cơ sở phải gửi thông báo bằng văn bản ghi rõ tên, số lượng, kèm theo bằng chứng đã khắc phục đến cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm. Và sau khi thông báo thì chủ cơ sở được phép lưu thông thực phẩm.
– Trường hợp thu hồi bắt buộc:
+ Chủ cơ sở phải gửi thông báo bằng văn bản ghi rõ tên, số lượng, kèm theo bằng chứng đã khắc phục đến cơ quan ra quyết định thu hồi thực phẩm.
+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo của chủ cơ sở, cơ quan ra quyết định thu hồi phải có văn bản đồng ý về việc lưu thông đối với sản phẩm, và sau khi có văn bản đồng ý thì chủ cơ sở chỉ được lưu thông thực phẩm.
+ Nếu trường hợp không đồng ý phải nêu rõ lý do.
* Đối với hình thức chuyển mục đích sử dụng:
+ Chủ cơ sở phải gửi báo cáo bằng văn bản về việc chuyển đổi mục đích sử dụng thực phẩm ghi rõ tên, số lượng, thời gian, lĩnh vực chuyển đổi mục đích sử dụng, kèm theo bằng chứng về việc chuyển đổi mục đích thực phẩm đến cơ:
++ Cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm
++ Và cơ quan ra quyết định thu hồi thực phẩm.
+ Việc sử dụng thực phẩm đó được thực hiện theo đúng mục đích sử dụng đã báo cáo cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm và đã ghi trong hợp đồng.
* Đối với hình thức tái xuất:
+ Chủ cơ sở phải gửi báo cáo bằng văn bản về việc tái xuất thực phẩm ghi rõ tên, số lượng, nước xuất xứ, thời gian tái xuất, kèm theo hồ sơ tái xuất đến:
++ Cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm
++ Và cơ quan ra quyết định thu hồi thực phẩm.
* Đối với hình thức tiêu hủy:
+ Chủ cơ sở phải báo cáo bằng văn bản về việc tiêu hủy thực phẩm ghi rõ tên, số lượng, thời gian đã hoàn thành việc tiêu hủy, địa điểm tiêu hủy, kèm theo biên bản tiêu hủy thực phẩm có xác nhận của tổ chức thực hiện tiêu hủy đến:
++ Cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm
++ Và cơ quan ra quyết định thu hồi thực phẩm.
2. Quy định của pháp luật về thu hồi thực phẩm không bảo đảm an toàn:
2.1. Các hình thức thu hồi thực phẩm không bảo đảm an toàn:
Cơ sở thực hiện thu hồi trong các trường hợp thực phẩm không bảo đảm an toàn theo các hình thức sau đây:
– Thu hồi tự nguyện là việc thu hồi thực phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm tự thực hiện khi tự phát hiện hoặc nhận được thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân về thực phẩm không bảo đảm an toàn.
– Thu hồi bắt buộc là việc thu hồi thực phẩm không bảo đảm an toàn theo quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại hoặc thu hồi theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
2.2. Trình tự, thủ tục thu hồi và xử lý thực phẩm:
– Quy trình chung:
+ Tiếp nhận yêu cầu thu hồi, xử lý;
+ Đánh giá sự cần thiết phải thực hiện việc thu hồi và xử lý;
+ Lập kế hoạch thu hồi;
+ Trình lãnh đạo cơ sở phê duyệt kế hoạch thu hồi;
+ Tổ chức thực hiện việc thu hồi theo kế hoạch đã được phê duyệt;
+ Áp dụng các hình thức xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn đã nếu trên;
+ Lập báo cáo về kết quả thu hồi, biện pháp xử lý đối với lô hàng giao bị thu hồi và lưu trữ hồ sơ.
– Thu hồi trong những trường hợp cụ thể:
Trình tự thu hồi tự nguyện:
Trong thời gian tối đa 24 giờ, kể từ thời điểm phát hiện hoặc nhận được thông tin phản ánh về thực phẩm không bảo đảm an toàn nếu xác định thuộc trường hợp phải thu hồi, cơ sở thực hiện:
+ Thông báo chính thức bằng văn bản tới toàn hệ thống sản xuất, kinh doanh bằng các hình thức phù hợp để dừng việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc diện phải thu hồi và thực hiện thu hồi thực phẩm;
+ Thông báo bằng văn bản tới các cơ quan thông tin đại chúng cấp tỉnh, thành phố và cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
+ Nếu việc thu hồi được tiến hành trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trở lên thì phải thông báo bằng văn bản tới các cơ quan thông tin đại chúng cấp trung ương;
+ Chủ cơ sơ phải thông báo bằng văn bản việc thu hồi thực phẩm tới cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm. Thông báo phải ghi rõ:
++ Tên, địa chỉ của cơ sở sản xuất; tên thực phẩm;
++ Quy cách bao gói, số lô sản xuất, ngày sản xuất và hạn dùng;
++ Số lượng, lý do thu hồi thực phẩm; danh sách địa điểm tập kết, tiếp nhận thực phẩm bị thu hồi; thời gian thu hồi thực phẩm.
+ Trong thời gian 03 ngày kể từ khi kết thúc việc thu hồi, chủ cơ sở báo cáo kết quả việc thu hồi thực phẩm tới cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm.
Trình tự thu hồi bắt buộc
– Trong thời gian tối đa 24 giờ, kể từ thời điểm xác định thực phẩm thuộc trường hợp phải thu hồi, cơ quan có thẩm quyền quy phải ban hành quyết định thu hồi.
– Ngay sau khi nhận được quyết định thu hồi, chủ cơ sở thực hiện các quy định về theo như thu hồi tự nguyện đã phân tích ở trên.
– Trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ khi kết thúc việc thu hồi bắt buộc, chủ cơ sở báo cáo kết quả việc thu hồi thực phẩm tới cơ quan đã ban hành quyết định thu hồi và đề xuất hình thức xử lý đối với thực phẩm sau thu hồi.
– Cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi thực phẩm có trách nhiệm giám sát việc thu hồi và thông báo tới cơ quan có thẩm quyền, cơ quan có liên quan về an toàn thực phẩm để phối hợp.
3. Mẫu báo cáo kết quả thu hồi thực phẩm không bảo đảm an toàn:
TÊN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ________ Số: …….. V/v báo cáo thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ……, ngày…. tháng…. năm…. |
Kính gửi: …..(Tên cơ quan/đơn vị nhận báo cáo)….
Tổ chức, cá nhân …..báo cáo về việc thu hồi sản phẩm như sau:
1. Thông tin về sản phẩm thu hồi:
– Tên sản phẩm:
– Quy cách bao gói: (khối lượng hoặc thể tích thực)
– Số lô:
– Ngày sản xuất và/hoặc hạn dùng:
– Lý do thu hồi:
2. Thông tin về số lượng sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm:
– Số lượng sản phẩm đã sản xuất (hoặc nhập khẩu):
– Số lượng đã tiêu thụ:
– Số lượng sản phẩm đã thu hồi:
– Số lượng sản phẩm chưa thu hồi được:
3. Danh sách tên, địa chỉ các địa điểm tập kết sản phẩm bị thu hồi:
4. Hình thức xử lý sau thu hồi:
Nơi nhận: – Như trên | ĐẠI DIỆN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN (Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu) |
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Thông tư 17/2021/TT-BNNPTNT quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn.