Dòng họ pháp luật Common law là dòng họ pháp luật lớn và cơ bản trên thế giới hiện nay. Vậy quá trình hình thành và phát triển của Common Law ở Anh và Mỹ diễn ra như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Khái quát về dòng họ Common Law:
Hiện nay có thể thấy, dòng họ pháp luật Common law được nhắc đến với nhiều tên gọi khác nhau. Có tài liệu gọi dòng họ pháp luật này là dòng họ pháp luật Anh – Mỹ (Anglo – American legal family), có tài liệu gọi là dòng họ pháp luật Anglo – Saxon (Anglo – Saxon legal family), và cũng có tài liệu sử dụng tên “dòng họ pháp luật án lệ” (case law family) hoặc “dòng họ Common law” (Common law family). Thuật ngữ “Common law” dường như là thuật ngữ tương đối rắc rối vì luôn được sử dụng để hàm chỉ sự tương phản nào đó và nghĩa chuẩn xác của thuật ngữ phụ thuộc vào chính sự tương phản mà thuật ngữ đó hàm chỉ. Về điểm này, một học giả người Mỹ đã ví thuật ngữ “Common law” với thuật ngữ “người thế tục” – là thuật ngữ mà nghĩa của nó phụ thuộc vào từng ngữ cảnh và từng thuật ngữ mà nó đi kèm.
Thêm vào đó, dòng họ pháp luật Common law còn có nghĩa là luật không phải luật nước ngoài, nói cách khác, đó là luật của Anh tại Anh quốc và tại cả các thuộc địa của Anh… Với nghĩa này, dòng họ pháp luật Common law khác với luật La mã, luật Hồi giáo, luật Hindu … Cũng theo nghĩa này, dòng họ pháp luật Common law được hiểu rất rộng, bao gồm toàn bộ pháp luật Anh như án lệ, pháp luật thành văn, tập quán pháp và công bằng.
Cuối cùng, dòng họ pháp luật Common law còn hàm chỉ toàn bộ những hệ thống pháp luật bắt nguồn từ hệ thống pháp luật Anh, ở đó phán quyết của toà giữ vị trí quan trọng trong cấu trúc nguồn luật. Theo nghĩa này, thì dòng họ pháp luật Common law, tương phản với thuật ngữ “civil law” và thường đi với các thuật ngữ “family” (gia đình) hay “tradition” (truyền thống) hay “system” (hệ thống) để hàm chỉ nhóm hệ thống pháp luật chịu sự ảnh hưởng của hệ thống pháp luật của Anh, thừa nhận án lệ như là nguồn luật chính thống và nguồn luật cơ bản.
Như vậy, có thể thấy rằng nghĩa chuẩn xác của thuật ngữ “dòng họ pháp luật Common law” hoàn toàn phụ thuộc vào ngữ cảnh cụ thể mà thuật ngữ được sử dụng.
2. Sự hình thành và phát triển của Common Law ở Anh và Mỹ:
2.1. Khái quát về sự hình thành và phát triển của Common Law ở Anh:
Sau triều đại của William đệ nhất, nước Anh đã có nhiều hoàng đế nhưng vị hoàng đế có công lao lớn trong việc thúc đẩy sự ra đời của Common law, với nghĩa là luật chung áp dụng thống nhất trên toàn nước Anh là Henry đệ nhị (1154 – 1189). Henry đệ nhị là hoàng đế đầu tiên của Anh quốc đã giành được nhiều thành tựu trong việc trị quốc và một vài thành tựu đó là đã thể chế hoá thành Common law từ việc nâng các tập quán địa phương lên thành tập quán quốc gia và kết thúc sự kiểm soát của luật bất thành văn ở từng địa phương; để loại trừ các biện pháp cưỡng chế tuỳ tiện và phục hồi hệ thống bồi thẩm nhằm điều tra những khởi kiện hình sự và khiếu kiện dân sự có cơ sở. Bồi thẩm đoàn đến phán quyết thông qua việc đánh giá bằng sự hiểu biết, bằng nhận thức của mình về vụ việc chứ không thông qua việc đưa ra chứng cứ. Đây là kiểu thủ tục tố tụng rất khác với thủ tục tố tụng của hệ thống toà án dân sự và sự ngày nay ở Anh.
Henry đệ nhị đã cử các thẩm phán từ Toà án Hoàng gia đặt tại thủ phủ Westminster của Anh quốc đi giải quyết tranh chấp ở các địa phương trên toàn quốc. Ban đầu, các thẩm phán giải quyết tranh chấp theo một cách thức đặc biệt, phụ thuộc vào cách họ hiểu ra sao và nhận thức như thế nào về tập quán địa phương có liên quan đến vụ việc. Sau mỗi vụ xét xử như vậy, các thẩm phán Hoàng gia lại quay trở về Westminster và thường thảo luận về những vụ án mà họ đã xử, về tập quán pháp mà họ đã áp dụng và về những phán quyết mà họ đã ra. Các phán quyết đó đã được ghi chép lại và được gọt giũa, sắp xếp có hệ thống. Theo thời gian, một nguyên tắc có tên “stare decisis” hay còn được biết đến như “rule of precedent” đã phát triển, theo đó thẩm phán bị ràng buộc bởi những phán quyết có liên quan của các thẩm phán khác trong quá khứ, bởi cách giải thích pháp luật của các thẩm phán tiền bối. Kết quả là khi xét xử những vụ việc tương tự ở thời điểm hiện tại, người thẩm phán có nghĩa vụ áp dụng cùng những nguyên tắc đã được các thẩm phán tiền bối áp dụng. Nói cách khác, nếu hai vụ việc có tình tiết tương tự thì phán quyết mà toà án ra để giải quyết hai vụ việc đó sẽ phải có kết cục tương tự. Trên cơ sở áp dụng nguyên tắc tiền lệ pháp này, các phán quyết của toà án đã được duy trì và ngày càng trở nên cứng nhắc đồng thời các tập quán địa phương thời tiền Norman đã từng bước bị thay thế bằng tiền lệ pháp, áp dụng thống nhất trên toàn Anh quốc.
Henry đệ nhị đã sáng tạo ra hệ thống toà án đầy quyền lực và thống nhất tới mức đã hạn chế được cả thẩm quyền của toà án giáo hội và đặt mình vào thế xung đột với nhà thờ. Trong lịch sử pháp luật Anh, Common law được phát triển bởi các Toà án Hoàng gia đã được thừa nhận rộng rãi trên toàn vương quốc đến vài thế kỉ, trước khi Nghị viện Anh được trao quyền lập pháp. Nếu xét về phương diện pháp luật thành văn, triều đại Edward đệ nhất (1272 – 1307) đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của các văn bản pháp luật và vì vậy, Edward đệ nhất được mệnh danh là Justinian của Anh quốc. Sự bùng nổ về số lượng của pháp luật thành văn trong giai đoạn này( đã làm cho Common law phát triển một cách chậm chạp. Chỉ tới thế kỉ XIX, khi diễn ra cuộc cải tổ pháp luật, nước Anh mới lại được chứng kiến sự phát triển tương tự của pháp luật thành văn.
2.2. Khái quát về sự hình thành và phát triển của Common Law ở Mỹ:
Ngay từ giai đoạn khởi đầu của quá trình thuộc địa hoá của người Anh ở châu Mỹ, hệ thống pháp luật của Anh đã tỏ ra không phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của các thuộc địa ở châu Mỹ. Bước sang thế kỉ XVIII, tình hình kinh tế và xã hội của các thuộc địa của Anh ở Mỹ đã có những biến chuyển do nhu cầu giao lưu thương mại giữa các thuộc địa này với nước ngoài và với nước mẹ Anh quốc đã tăng lên. Trước tình thế đó, chính trị thần quyền đã mất dần chỗ đứng ở các thuộc địa này, đồng thời một tầng lớp luật sư gồm những người đã từng tốt nghiệp các cơ sở đào tạo luật sư ở London tử trước khi di cư sang châu Mỹ đã bắt đầu hành nghề ở các thuộc địa mới này. Cùng với sự hiện diện và hoạt động của các luật sư Anh, sách luật từ Anh quốc cũng dần dần được dụng phổ biến ở các thuộc địa, đặc biệt là cuốn “Bình luận về pháp luật Anh” của một tác giả nổi tiếng.
Chủ nghĩa đế quốc của Anh vào giữa thế kỉ XVIII đã dẫn đến phong trào đấu tranh giành độc lập ở Mỹ. Người phát ngôn của cả hai phía đều là các luật sư và có không dưới 25 luật sư trong số 56 người kí kết bản
Sau khi Mỹ giành được độc lập, đã có sự đấu tranh quyết liệt giữa hai trường phái: một ủng hộ Common law của Anh và một ủng hộ pháp điển hoá. Năm 1808, New Orleans đã tách khỏi Lousiana lúc đó và đã thông qua Bộ luật dân sự kiểu Pháp. Bất kể sự đấu tranh quyết liệt giữa hai trường phái tim, cuối cùng, hệ thống pháp luật Mỹ vẫn thuộc dòng họ Common law, trừ New Orleans từ năm 1812 đã trở thành một bộ phận của Bang Lousiana. Lí do là Common law đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Anh ở Mỹ, từ từ hình thành và phát triển, vì thế khó có thể hoàn toàn dứt bỏ mô hình hệ thống pháp luật này.
3. Một số đặc trung cơ bản của dòng họ pháp luật Common law :
Thứ nhất, common law là dòng họ pháp luật trong đó các hệ thống pháp luật trực thuộc ít, nhiều chịu ảnh hưởng của hệ thống pháp luật Anh và thừa nhận án lệ như nguồn luật chính thống. Án lệ là bản án đã tuyên hoặc sự giải thích, áp dụng pháp luật được coi như tiền lệ làm cơ sở để các thẩm phán sau đó có thể áp dụng trong các trường hợp tương tự. Án lệ có vị trí rất quan trọng trong việc áp dụng pháp luật (tiêu biểu cho các hệ thống pháp luật thuộc dòng họ này là các nước Anh, Mỹ …). Việc áp dụng án lệ như là nguồn luật chính thống cho thấy đặc điểm tư duy pháp lí của Common law – đó là chủ nghĩa kinh nghiệm hay lối suy luận quy nạp đi từ trường hợp cá biệt đến cái tổng quát, nguyên tắc. Hệ quả tích cực của nó là làm thành một hệ thống Common law mở, gần gũi với đời sống thực tế, tạo nên tính chủ động sáng tạo, mềm dẻo và linh hoạt trong tư duy pháp luật. Đồng thời cũng hạn chế sự phát sinh của luật (trong trường hợp nhiều vụ án tương tự nhau có thể cùng áp dụng một án lệ).
Thứ hai, thẩm phán trong các hệ thống pháp luật thuộc dòng họ Common law đóng vai trò quan trọng trong việc sáng tạo và phát triển các quy phạm pháp luật. Các thẩm phán Anh cho rằng chức năng cơ bản của mình là phán xử, giải quyết tranh chấp, họ thường đặc biệt chú ý tới những tình tiết đặc thù của vụ việc, nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề pháp lí cần giải quyết và phán xét trên cơ sở xác định chính xác tất cả những vụ việc đã được xét xử trong quá khứ có tình tiết tương tự với vụ việc đang được giải quyết ở thời điểm hiện tại. Khi thấy có những tiết ấy thì họ sẽ tìm đến phần nguyên tắc pháp lý mà các thẩm phán tiền bối đã sáng tạo ra trong các bản án đã tuyên trong quá khứ để áp dụng, giải quyết vụ việc hiện tại. Do vậy, các quy phạm pháp luật do các thẩm phán xây dựng là trong khi đưa ra quy định về các vụ án cụ thể, họ “đo thử” vụ việc cụ thể với các án lệ xét xử giống nhau đang hiện có.
Thứ ba, hệ thống pháp luật thuộc dòng họ common law không có sự phân biệt giữa luật công và luật tư. Luật công là hệ thống các ngành luật điều chỉnh các quan hệ giữa cơ quan công quyền nhau và giữa cơ quan công quyền với tư nhân. Luật tư là hệ thống các ngành luật điều chỉnh các quan hệ giữa tư nhân với tư nhân. Các hệ thống pháp luật thuộc dòng họ Common law ra đời từ thực tiễn xét xử lưu động của các thẩm phán ở các địa phương bằng việc áp dụng các tập quán và sau đó nâng lên thành tập quán quốc gia. Sau này thay vì áp dụng tập quán, các thẩm phán đã áp dụng án lệ trên cơ sở tuân thủ tiền lệ pháp. Vì vậy hệ thống pháp luật thuộc dòng họ Common law không có sự phân biệt giữa luật công và luật tư. Tất cả các quyền công và quyền tư đều được xác định thống nhất thông một quyền lợi chung đó là quyền lợi về tài sản, mặt khác nếu như ở Civil law quyền lực được phân chia thành lập pháp, hành pháp và tư pháp thì Common law lại có sự thống nhất quyền lực. Đây cũng chính là những điểm cơ bản lí giải tạo sao hệ thống pháp luật thuộc Common law không có sự phân biệt giữa luật công và luật tư.
Thứ tư, chế định pháp luật điển hình và đặc trưng của các hệ thống pháp luật thuộc dòng họ Common law là chế định ủy thác – chế định đặc thù của hệ thống pháp luật Anh. Chế định ủy thác là một chế định đặc thù được khởi nguồn từ nước Anh, do quá trình đi xâm chiếm thuộc địa. Vì vậy với những vùng đất đai rộng lớn của các nước thuộc địa, thì cách duy nhất mà nước Anh có thể quản lí tốt là phải ủy thác công việc. Và sự ra đời của chế định ủy thác sẽ đảm bảo công bằng cho người ủy thác và người được ủy thác, có lẽ vì vậy chế định ủy thác trở thành một chế định tiêu biểu của dòng họ Common law và là một chế định đặc thù của hệ thống pháp luật Anh (vì nó được khởi nguồn từ Anh). Cũng là hành vi bảo đảm công bằng xã hội bằng cách ngăn chặn những hành vi của các cá nhân với dụng ý giữ lại nhằm chiếm đoạt tiền hoặc những lợi ích vật chất khác trái với lương tâm và giáo lí, nhưng các nước thuộc dòng họ law lại gọi nó bằng cái tên: Chế định làm giàu bất chính.