Người phiên dịch được hiểu là những người có khả năng phiên dịch từ một ngôn ngữ khác ra tiếng Việt và ngược lại; hoặc người biết chữ của người khuyết tật nhìn hoặc biết nghe, nói bằng ngôn ngữ, ký hiệu của người khuyết tật nghe, nói.... Vậy, trách nhiệm của người phiên dịch được quy định thế nào?
Mục lục bài viết
1.Trách nhiệm của người phiên dịch trong tố tụng dân sự:
1.1. Người phiên dịch trong tố tụng dân sự là ai?
Căn cứ theo quy định tại Điều 81 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì ta có thể xác định được người phiên dịch trong tố tụng dân sự là người được được xuất hiện trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt, theo đó, họ có khả năng dịch từ một ngôn ngữ khác ra tiếng Việt và ngược lại. Hoặc người biết chữ của người khuyết tật nhìn hoặc biết nghe, nói bằng ngôn ngữ, ký hiệu của người khuyết tật nghe, nói cũng được coi là người phiên dịch
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì người phiên dịch được một bên đương sự lựa chọn hoặc các bên đương sự thỏa thuận lựa chọn và được Tòa án chấp nhận hoặc được Tòa án yêu cầu để phiên dịch.
1.2. Trách nhiệm của người phiên dịch trong tố tụng dân sự được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 82 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về quyền, nghĩa vụ của người phiên dịch thì ta có thể xác định được trách nhiệm của người phiên dịch trong tố tụng dân sự bao gồm:
Một là, người phiên dịch trong tố tụng dân sự không được tiếp xúc với người tham gia tố tụng khác nếu việc tiếp xúc đó làm ảnh hưởng đến tính trung thực, khách quan, đúng nghĩa khi phiên dịch;
Hai là, người phiên dịch trong tố tụng dân sự phải phiên dịch trung thực, khách quan, đúng nghĩa;
Ba là, người phiên dịch trong tố tụng dân sự phải cam đoan trước Tòa án về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.
Bốn là, người phiên dịch trong tố tụng dân sự khi có giấy triệu tập của Tòa án thì phải có mặt theo giấy triệu tập đó
Năm là, người phiên dịch trong tố tụng dân sự được thanh toán các chi phí có liên quan theo quy định của pháp luật;
Sáu là người phiên dịch trong tố tụng dân sự phải đề nghị người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng giải thích thêm nội dung cần phiên dịch;
2. Trách nhiệm của người phiên dịch trong tố tụng hình sự:
2.1. Người phiên dịch trong tố tụng hình sự là ai?
Người phiên dịch trong tố tụng hình sự cũng tương tự như người phiên dịch trong tố tụng dân sự là người có khả năng phiên dịch được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt hoặc có tài liệu tố tụng không thể hiện bằng tiếng Việt.
Trong tố tụng hình sự thì người phiên dịch sẽ được đảm bảo một số quyền lợi như là:
– Người phiên dịch sẽ được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định
– Người phiên dịch sẽ được cơ quan yêu cầu chi trả thù lao phiên dịch, dịch thuật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật
– Người phiên dịch có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc phiên dịch, dịch thuật;
-. Khi bị đe dọa thì người phiên dịch được đề nghị cơ quan yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình.
2.2. Trách nhiệm của người phiên dịch trong tố tụng hình sự được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 70 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì ta xác định được nhiệm của người phiên dịch trong tố tụng hình sự bao gồm:
Một là, người phiên dịch trong tố tụng hình sự phải cam đoan trước cơ quan đã yêu cầu về việc thực hiện nghĩa vụ của mình.
Hai là, người phiên dịch trong tố tụng hình sự phải giữ bí mật điều tra mà mình biết được khi phiên dịch, dịch thuật;
Ba là, người phiên dịch trong tố tụng hình sự phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
Bốn là, người phiên dịch trong tố tụng hình sự phải phiên dịch trung thực, nếu phiên dịch gian dối thì người phiên dịch phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự;
Năm là, người phiên dịch trong tố tụng hình sự phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo; hoặc đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó hoặc đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản trong vụ án đó.
Tóm lại, trong vụ án hình sự, khi có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt hoặc có tài liệu tố tụng không thể hiện bằng tiếng Việt thi người phiên dịch sẽ đóng một vai trò hết sức quan trọng, đồng thười người phiên dịch cũng cần phải đảm bảo thực hiện đúng và đủ trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích của chính mình cũng những người có liên quan trong vụ án hình sự đó.
3. Trách nhiệm của người phiên dịch trong công chứng:
3.1. Người phiên dịch trong công chứng là ai?
Quy định về người phiên dịch trong công chứng cũng tương tự như tố tụng dân sự và tố tụng hình sự. Theo đó thì khi công chứng nếu người yêu cầu công chứng không thông thạo tiếng Việt thì họ phải có người phiên dịch.
Cụ thể theo quy định tại điều 48 luật công chứng 2014 quy định thì người phiên dịch trong công chứng phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, thông thạo tiếng Việt và ngôn ngữ mà người yêu cầu công chứng sử dụng.
Theo đó, pháp luật cũng có quy định cụ thể về các trường hợp người yêu cầu công chứng cần người phiên dịch bao gồm:
Một là khi người yêu cầu Công chứng không đọc được.
Hai là, khi người yêu cầu Công chứng không nghe được.
Ba là, khi nguời yêu cầu Công chứng không ký được
Bốn là, khi nguời yêu cầu Công chứng không điểm chỉ được.
3.2. Trách nhiệm của người phiên dịch trong công chứng:
Căn cứ theo quy định tại điều 48 luật công chứng 2014 quy định thfi ta có thể xác định được trách nhiệm của người phiên dịch trong công chứng đó là người phiên dịch do người yêu cầu công chứng mời và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc phiên dịch của mình.
4. Người phiên dịch trong vụ án hình sự cố tình dịch sai thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Như đã phân tích ở phần mục trên thì có thể thấy một trong số những trách nhiệm của người phiên dịch trong tố tụng hình sự đó là phải phiên dịch một cách trung thực. Đồng thời pháp luật cũng quy định rõ rang rằng đối với trường hợp người phiên dịch phiên dịch sai thfi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể trong trường hợp này người phiên dịch sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 382 Bộ luật Hình sự 2015về tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối.
Theo đó, người phiên dịch trong tố tụng hình sự cố tình phiên dịch sai sẽ phải đối diện với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. Cụ thể như sau:
– Phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm đối với người phiên dịch mà dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật
– Phạt tù từ 01 năm đến 03 năm đối với trường hợp người phiên dịch mà dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mình biết rõ là sai sự thật mà phạm tội có tổ chức hoặc việc dịch đó dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch.
– Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm đối với trường hợp người phiên dịch mà dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mình biết rõ là sai sự thật mà người phiên dịch đó phạm tội 02 lần trở lên hoặc việc dịch đó dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội.
– Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tóm lại, theo quy định của pháp luật hiện hành thì người phiên dịch cố tình dịch sai nội dung cần phiên dịch trong vụ án hình sự sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt thấp nhất là phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm và mức phạt cao nhất đối với người phiên dịch cố tình dịch sai sẽ là phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. Ngoài ra người phiên dịch cố tình dịch sai còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật tố tụng dân sự 2015
– Bộ luật tố tụng hình sự 2015
– Luật công chứng 2014