Trong cuộc sống, xuất hiện rất nhiều các trường hợp một người có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo người khác. Hành vi khiêu khích, trêu ghẹo người khác bị xử lý như sau:
Mục lục bài viết
1. Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi khiêu khích, trêu ghẹo người khác:
Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội quy định người nào có hành vi sau đây sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng:
– Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác
– Trừ các trường hợp sau sẽ không áp dụng đối với hình thức phạt này:
+ Người có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;
+ Người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, người nào có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo người khác thì sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Đồng thời với hình thức phạt tiền, người có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo người khác sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
– Buộc người có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo người khác cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn đối với hành vi vi phạm của mình.
– Buộc người có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo người khác xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm của mình.
2. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi khiêu khích, trêu ghẹo để vu khống người khác:
Như đã phân tích ở mục trên, người nào có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo người khác thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Nếu hành vi khiêu khích, trêu ghẹo người khác mà đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:
Điều 156 Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Bộ Luật Hình sự 2017 có quy định về tội vu khống. Theo đó, một người có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo để vu khống người khác bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội vu khống khi có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm tội vu khống. Cụ thể như sau:
2.1. Mặt khách quan:
Về hành vi:
– Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo với những lời nói nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Người phạm tội thực hiện hành vi này có thể bằng các cách như:
+ Nói trực tiếp
+ Thông qua các phương thức khác như qua phương tiện thông tin đại chúng, nhắn tin qua điện thoại di động…
– Có hành vi lan truyền những điều mà bản thân biết rõ là bịa đặt nhằm để xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người khác.
Về hậu quả: Gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác là dấu hiệu cơ bản của tội này.
2.2. Khách thể:
– Hành vi khiêu khích, trêu ghẹo với những lời nói nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm xâm phạm đến danh dự và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân.
– Đối tượng của tội vu khống có thể là bị xúc phạm danh dự, cũng sẽ có thể là bị thiệt hại về tài sản hoặc các thiệt hại khác về tinh thần, về sức khỏe…nhưng chủ yếu chính là thiệt hại về tinh thần (danh dự).
2.3. Mặt chủ quan:
– Người có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo để nhằm vu khống người khác với lỗi cố ý.
– Người phạm tội vu khống biết rõ hành vi khiêu khích, trêu ghẹo để đưa thông tin, lan truyền là không đúng với sự thật nhưng đã cố ý đưa, loan truyền các thông tin không đúng sự thật đó nhằm mục đích để xúc phạm danh dự của người khác.
– Dấu hiệu mục đích nhằm xúc phạm danh dự của người khác là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội này.
2.4. Chủ thể:
Chủ thể của tội vu khống là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên.
2.5. Hình phạt:
Hình phạt chính:
Khung 1: bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc sẽ bị phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm khi thực hiện một trong các hành vi sau đây:
– Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm để xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến các quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
– Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
Khung 2: bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Có tổ chức;
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
– Đối với 02 người trở lên;
– Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
– Đối với người đang thi hành công vụ;
– Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
– Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
– Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Khung 3: bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Vì động cơ đê hèn;
– Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
– Làm nạn nhân tự sát.
Hình phạt bổ sung:
– Bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
– Cấm đảm nhiệm chức vụ;
– Cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
3. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi khiêu khích, trêu ghẹo để làm nhục người khác:
Điều 155 Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung Bộ Luật Hình sự 2017 có quy định về tội làm nhục người khác. Theo đó, người nào có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo người khác nhằm để làm nhục người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội làm nhục người khác khi mà có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm tội làm nhục người khác. Cụ thể như sau:
2.1. Mặt khách quan:
Được thể hiện thông qua hành vi khiêu khích, trêu ghẹo để xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Các hành vi có thể kể đến như:
– Bằng lời nói hoặc hành động nhằm hạ thấp nhân cách, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
– Ví dụ như có lời nói: sỉ nhục, chửi bới một cách thô bỉ, tục tĩu…
2.2. Khách thể:
Theo Hiến pháp 2013, công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể và được pháp luật bảo vệ kể cả về tính mạng, sức khỏe lẫn nhân phẩm, danh dự.
Theo đó, khách thể của tội làm nhục người khác chính là danh dự, nhân phẩm của con người.
2.3. Mặt chủ quan:
– Yếu tố lỗi của tội này là lỗi cố ý.
– Người có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo biết rõ hành vi của mình là xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác nhưng vẫn cố ý thực hiện các hành vi đó nhằm để hạ thấp danh dự, nhân phẩm người khác.
– Động cơ, mục đích không phải dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.
2.4. Chủ thể:
– Chủ thể của tội làm nhục người khác là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên.
– Đối với tội làm nhục người khác, người có năng lực trách nhiệm hình sự chính là người mà có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi làm nhục người khác và vẫn hoàn toàn có khả năng điều khiển hành vi này.
2.5. Hình phạt:
Hình phạt chính:
Khung 1: bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc người có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo mà đủ cấu thành tội làm nhục người khác sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm khi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác
Khung 2: bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Phạm tội 02 lần trở lên;
– Đối với 02 người trở lên;
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
– Đối với người đang thi hành công vụ;
– Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
– Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
– Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
Khung 3: bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
– Làm nạn nhân tự sát.
Hình phạt bổ sung: có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình;
– Bộ luật Hình sự 2015;
– Bộ luật Hình sự 2017.