Tự nguyện thi hành án là một trong hai biện pháp thi hành án dân sự. Vậy, pháp luật quy định như thế nào về vấn đề vận động và thuyết phục tự nguyện thi hành án dân sự?
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật về tự nguyện thi hành án dân sự:
1.1. Tự nguyện thi hành án dân sự là gì?
Tự nguyện thi hành án dân sự là một khái niệm không quá xa lạ. Vậy, pháp luật quy định như thế nào về khái niệm này? Ta căn cứ theo quy định tại Điều 9 Luật thi hành án dân sự năm 2014 về biện pháp thi hành án dân sự có thể thấy, hiện tại pháp luật quy định có hai biện pháp thi hành án dân sự đó là nhà nước khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án và người phải cưỡng chế thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án theo quy định.
Như vậy, từ quy định này thì có thể xác định được rằng tự nguyện thi hành án là một trong hai biện pháp thi hành án dân sự.
1.2. Nếu không tự nguyên thi hành án dân sự thì giải quyết như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 45, Điều 46 luật thi hành án dân sự 2014 quy định về thời hạn tự nguyện thi hành án thì ta xác định được rằng kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án thì thời hạn tự nguyện thi hành án là 15 ngày. Hết thời hạn 15 ngày nêu trên người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.
Tóm lại, nếu không tự nguyên thi hành án dân sự thì người phải thi hành án có điều kiện thi hành án sẽ bị cưỡng chế thi hành án.
1.3. Nếu tự nguyện thi hành án dân sự thì được quyền lợi gì?
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì không có quy định nào quy định tự nguyện thi hành án được hưởng quyền lợi gì. Tuy nhiên, trên thực tế ta có thể thấy rằng nếu người bị thi hành án mà tự nguyện thi hành án thì sẽ không bị áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án, lãi suất chậm thi hành án, chi phí cưỡng chế thi hành án… Bên cạnh đó thì việc tự nguyện thi hành án của người được thi hành án được Nhà nước khuyến khích thực hiện, từ đó người được thi hành án có thể đơn phương tự nguyện đồng ý cho bên phải thi hành án hoãn thi hành án, thời gian hoãn do bên được thi hành án quyết định. Có thể hiểu rằng đối với người được thi hành án, sự tự nguyện của người được thi hành án chính là họ dùng quyền lợi của mình đã được Bản án có hiệu lực ghi nhận để thể hiện sự tự nguyện của mình,họ có thể thỏa thuận với người phải thi hành án về thời gian, địa điểm, phương thức thi hành án về phương thức thi hành án, nhưng thỏa thuận này không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
Kết quả của tự nguyện thi hành án là tiền đề, là cơ sở, là căn cứ để Chấp hành viên áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án nếu đương sự không tự nguyện thi hành, góp phần giữ vững được sự ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trong khu vực, thắt chặt được mối quan hệ đoàn kết, tiết kiệm thời gian, tiền của, công sức và tác động đến ý thức chấp hành pháp luật của công dân
Việc tự nguyện thi hành án của người phải thi hành án có thể được thực hiện đầy đủ, kịp thời và đúng với quyết định thi hành án; cũng có thể họ chỉ tự nguyện thực hiện một phần trong các khoản phải thi hành án. Do đó, phải ghi nhận sự tự nguyện của người phải thi hành án, tiếp tục động viên, khuyến khích họ nên có thái độ tự giác, tự nguyện trong việc chấp hành pháp luật.
2. Thực tiễn hoạt động vận động, thuyết phục tự nguyện thi hành án dân sự:
Việc thực hiện hoạt động vận động, thuyết phục tự nguyện thi hành án dân sự là một vấn đề không hề đơn giản trên thực tế. Đa phần là gặp trở ngại đến từ phía người phải thi hành án, do sự chống chế để bảo vệ tài sản,… Tuy nhiên, trong những năm gần đây, công tác vận động, thuyết phục tự nguyện thi hành án dân sự tại một số tỉnh thành cũng có những bước tiến triển nhất định. Cụ thể như là:
Tại tỉnh Tây Ninh, từ đầu năm 2020, các cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án với 98 trường hợp, trong đó có 12 trường hợp đương sự tự nguyện thi hành án trước khi tổ chức cưỡng chế. Theo đó, dể có được kết quả như vậy thì tại các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninhkhi tiếp nhận hồ sơ thi hành án thì các Chấp hành viên đều nghiên cứu kỹ bản án, quyết định của Tòa án, phối hợp chính quyền, đoàn thể tại địa phương tìm hiểu thông tin nhân thân và mối quan hệ giữa các đương sự để có thể tìm ra cách thức dân vận sao cho khéo, phù hợp, bảo đảm được hiệu quả, kiên trì vận động, giải thích cho người phải thi hành án và gia đình thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Có những vụ việc đã kéo dài hơn 20 năm như vụ việc của ông Trần Văn Tồn, bà Nguyễn Thị Út ở ấp Tân Hòa, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh cũng đã được Cục thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh tổ chức thi hành dứt điểm.
Tại Hải Phòng, từ đầu năm 2022 đến nay nổi bật nhất là có Chi cục thi hành án dân sự huyện An Lão đã vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện và thỏa thuận thi hành án được 5 vụ với số tiền hơn 4 tỷ đồng, trong đó thi hành xong gần 3,5 tỷ đồng. Theo đó thì khi được phân công tổ chức thi hành vụ việc, Chấp hành viên nghiên cứu kỹ bản án, quyết định của Toà án và tích cực phối hợp với các ban ngành, đoàn thể của huyện và chính quyền, cấp ủy các xã, thị trấn tăng cường vận động, đôn đốc thuyết phục đương sự, đồng thời các Chấp hành viên còn phải am hiểu về phong tục, tập quán và truyền thống văn hóa của địa phương; tranh thủ tốt sự ủng hộ của các Trưởng tộc, Trưởng họ, Trưởng thôn, khu dân cư…
Tại tỉnh Thái Nguyên, trung bình mỗi năm, Chi cục thi hành án dân sự huyện Võ Nhai tiếp nhận từ 400 đến 500 vụ việc, trong đó phần lớn án thụ lý là ly hôn, ma túy, hình sự. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động trong thi hành án dân sự trong những năm qua mà trong tổng số 2.603 việc phải thi hành, Chi cục đã giải quyết xong 2.415 việc, đạt tỷ lệ 94%; giải quyết xong được gần 9 tỷ đồng trong số có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 77%, vượt chỉ tiêu giao. Chi cục đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự, trong đó tập trung vào công tác giáo dục, vận động, thuyết phục theo phương châm mưa dầm thấm lâu, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về thi hành án dân sự nói riêng để người dân, đặc biệt là người phải thi hành án nắm rõ, từ đó có ý thức chấp hành bản án tốt hơn.
3. Kỹ năng vận động, thuyết phục thi hành án dân sự:
Nội dung vận động, thuyết phục trong thi hành án dân sự mặc dù rất quan trọng, tuy nhiên trong các văn bản pháp luật liên quan đến thi hành án dân sự lại chưa có quy định cụ thể về vấn đề này, chưa xác định thời gian cho phép Chấp hành viên tiến hành công tác vận đông, thuyết phục các bên đương sự, cũng như người có nghĩa vụ liên quan trong khoảng thời gian bao lâu và áp dụng biện pháp này trong giai đoạn nào của quá trình tổ chức thi hành án.
Theo đó, trong công tác vận động, thuyết phục thi hành án dân sự thì Chấp hành viên cần phải có một số kỹ năng cơ bản như sau:
Một là, Trong quá trình thực hiện công việc của mình thì chấp hành viên phải thường xuyên phối hợp với các cơ quan, ban ngành, hội đoàn thể ở địa phương tổ chức các cuộc họp để vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án, Chấp hành viên phải lồng ghép để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Thi hành án dân sự và các văn bản liên quan đến thi hành án dân sự.
Hai là, Chấp hành viên phải am hiểu các nội dung về pháp luật hiện hành và một số văn bản hướng dẫn thi hành luật có liên quan đến công tác thi hành án dân sự; áp dụng thành thạo các nguyên tắc, thủ tục về nghiệp vụ thi hành dân sự, có sự am hiểu về phong tục, tập quán và truyền thống văn hóa của địa phương, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, phối hợp của chính quyền địa phương cấp cơ sở và những người thân thích của đương sự… để việc vận động, thuyết phục đạt hiệu quả.
Ba là, Chấp hành viên cần nghiên cứu kỹ bản án, quyết định của Toà án, tìm hiểu rõ nhân thân, quan hệ gia đình, xác định thái độ của đương sự; mối quan hệ xã hội của các đương sự để tìm ra cách vận động, thuyết phục hiệu quả nhất.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật thi hành án dân sự 2014