Hiện nay tình hình trộm cắp trên các địa bàn diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp, cho nên vấn đề mua phải tài sản bị trộm cắp là điều không thể tránh khỏi. Vậy câu hỏi đặt: Liệu rằng có lấy lại được tiền khi mua tài sản ăn trộm, ăn cắp hay không?
Mục lục bài viết
1. Mua phải tài sản ăn cắp thì giao dịch có hiệu lực không?
Tài sản theo quy định của pháp luật về dân sự bao gồm nhiều loại khác nhau, có rất nhiều tài sản không đăng ký quyền sở hữu, vì thế cho nên không thể xác định được chủ nhân thực sự của nó. Trong các giao dịch về dân sự, xảy ra rất nhiều hiện tượng, nhiều người mua phải tài sản bị trộm cắp mà không biết đó là tài sản có được thông qua quá trình phạm tội. Vậy câu hỏi đặt ra: Mua phải tài sản ăn cắp thì giao dịch có hiệu lực hay không? Để trả lời được câu hỏi này thì cần phải tìm hiểu quy định của pháp luật về dân sự. Cụ thể là căn cứ theo Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015, có quy định về hiệu lực của một giao dịch dân sự, cụ thể như sau:
– Chủ thể tiến hành các giao dịch dân sự phải có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập theo đúng quy định của pháp luật;
– Chủ thể tham gia giao dịch dân sự phải hoàn toàn tự nguyện, và không bị lừa dối ép buộc, không trái với nguyện vọng của các chủ thể;
– Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội, không đi ngược với thuần phong mỹ tục;
– Ngoài ra, thì đối với các giao dịch dân sự yêu cầu về hình thức, thì hình thức của giao dịch dân sự khi đó chính là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định.
Như vậy thì có thể thấy, đối với các tài sản là đồ ăn cắp, mà lại được đưa vào giao dịch thì chính là vi phạm điều cấm của pháp luật, bên mua không biết được rằng mình đang mua đồ phạm tội cho nên có yếu tố lừa dối ý chí của các chủ thể, những giao dịch này sẽ bị xem là vô hiệu. Bởi đây được xem là tang vật của một vụ án trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015. Vì thế cho nên chủ sở hữu hợp pháp của tài sản có quyền đòi lại tài sản thuộc quyền sở hữu của mình căn cứ theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về quyền đòi lại động sản không đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình, tức là, các chủ thể là chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không đăng ký quyền sở hữu theo đúng quy định của pháp luật từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp, những chủ thể được coi là người chiếm hữu ngay tình này có được động sản thông qua các hợp đồng không đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản (tức là người thực hiện hành vi trộm cắp), trong trường hợp mà hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì cái đó chủ thể là chủ sở hữu tài sản có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp hoặc bị mất, hoặc thậm chí là trong các trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu. Bởi vì chỉ có những động sản không đăng ký quyền sở hữu thì mới có thể nói lên rằng những người mua nó không biết nó vốn dĩ thuộc sở hữu của ai. Còn đối với những động sản có đăng ký quyền sở hữu, trong quá trình mua bán và không xuất trình được giấy tờ thì người mua hoàn toàn có thể nghi ngờ rằng đó là tài sản phạm tội, nếu cố tình mua thì đó chính là lỗi cố ý gián tiếp, do đó sẽ không được bảo vệ quyền lợi.
Đồng thời, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người mua phải tài sản trộm cắp có thể dựa theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể đó là: Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc đe dọa thì bên đó có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó chính là tòa án tuyên bố giao dịch đó là vô hiệu. Khi giao dịch vô hiệu thì các bên sẽ hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận. Lừa dối trong giao dịch sẽ bị coi là hành vi cố ý của một bên hoặc bên thứ ba làm cho bên kia hiểu sai lệch về tính chất hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
Như vậy có thể thấy, khi bạn tham gia một giao dịch dân sự mà không biết được chính xác nguồn gốc của tài sản mà mình giao dịch là do ăn trộm mà có, bên bán cố ý khiến cho người mua hiểu sai về chủ sở hữu thực sự của tài sản đó cho nên bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Toà án tuyên bố giao dịch dân sự giữa bạn và người kia là vô hiệu.
2. Có được lấy lại tiền mua tài sản ăn trộm, ăn cắp không?
Căn cứ 131 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:
– Giao dịch dân sự vô hiệu sẽ không làm phát sinh, không làm thay đổi hoặc không làm chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên được tính kể từ thời điểm giao dịch được xác lập;
– Khi giao dịch dân sự vô hiệu, thì khi đó, các bên sẽ có nghĩa vụ trong việc khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, riêng đối với trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả theo đúng quy định pháp luật;
– Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó;
– Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải tiến hành hoạt động bồi thường cho bên bị thiệt hại theo đúng quy định pháp luật;
– Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật Dân sự năm 2015, luật khác có liên quan quy định.
Vậy, đối với trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu thì nghĩa vụ của các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu tức là hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận (bên mua trả lại tài sản, bên bán trả lại tiền). Trong trường hợp bên bán không hoàn trả thì bạn có quyền gửi đơn kiện để xử lý. Ngoài ra, các chủ thể còn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu chứng minh được những tổn thất thực tế do giao dịch dân sự vô hiệu đó gây ra. Như vậy đối với câu hỏi ban đầu: Có được lấy lại tiền mua tài sản ăn trộm, ăn cắp không? Thì câu trả lời là có căn cứ theo Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015 với thẩm quyền thuộc về Tòa án.
3. Mức xử phạt hành chính đối với hành vi mua tài sản ăn trộm, ăn cắp:
Mức phạt hành chính với hành vi tiêu thụ tài sản trộm cắp được quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, cụ thể như sau:
– Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi: Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có (theo điểm d khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP);
– Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi: Cầm cố tài sản do trộm cắp do người khác phạm tội mà có (theo điểm b khoản 5 Điều 12 Nhận cầm cố tài sản do trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt hoặc do người khác phạm tội mà có nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự)
Như vậy, căn cứ theo điều luật nêu trên, trong trường hợp nếu người dân biết rõ tài sản đó là tài sản trộm cắp nhưng do ham giá rẻ hoặc vì một lý do nào đó vì lợi ích mà vẫn mua tài sản trộm cắp đó thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Bên cạnh đó cần phải lưu ý rằng, biết rõ ở đây có thể là do người ăn trộm kể lại hoặc do bạn trực tiếp chứng kiến việc ăn trộm hoặc dựa trên các căn cứ khác.
Theo đó, để xác định có phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có hay không thì các chủ thể có thẩm quyền đó là Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đánh giá việc người này có biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có hay không. Nếu người mua tài sản trộm cắp mà hoàn toàn không biết hoặc không thể biết, do người bán nói dối hoặc bằng thủ đoạn khác để che đậy hành vi ăn trộm của mình thì họ sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
4. Mua tài sản ăn trộm, ăn cắp có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Hành vi mua tài sản bị ăn trộm nếu thỏa mãn cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 323 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi chứa chấp hoặc là hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Trong đó, tài sản do người khác phạm tội mà có được hiểu là tài sản đang được một người chiếm hữu không hợp pháp và tài sản đó là đối tượng của tội phạm mà họ đã thực hiện trước đó như tội phạm thuộc nhóm tội chiếm đoạt tài sản hoặc tội phạm khác. Hành vi chứa chấp tài sản được hiểu là hành vi giữ tài sản trực tiếp hoặc nhờ người kháchoặc là hành vi tạo điều kiện về địa điểm cất giữ tài sản như cho để tài sản ở nơi ở, nơi làm việc hoặc trong phương tiện giao thông của mình. Những hành vi này được thực hiện có thể nế nang hoặc do được trả công. Hành vi tiêu thụ tài sản được hiểu là những hành vi có tính chất làm “dịch chuyển” tài sản từ người có tài sản do phạm tội sang người khác như vi mua tài sản đó, hành vi tạo điểu kiện để bán hoặc trao đổi tài sản đó.
Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý. Người phạm tội biết rõ tính chất của tài sản mà mình chứa chấp, tiêu thụ. Hành vi phạm tội có các dấu hiệu trên chỉ cấu thành tội phạm này khi việc thực hiện không phải do đã có sự hứa hẹn trước. Nếu có sự hứa hẹn trước thì người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ là người đồng phạm (người giúp sức) với người có tài sản về tội phạm mà người này đã thực hiện.
Điều luật quy định 4 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung. Khung hình phạt cơ bản được quy định là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc là hình phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Ba khung hình phạt tăng nặng là hình phạt tù từ 03 năm đến 07 năm, từ 07 năm đến 10 năm và từ 10 năm đến 15 năm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017);
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.