Căn cứ xác định tài sản chung của vợ chồng là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm, và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quan hệ hôn nhân. Dưới đây là quy định của pháp luật xoay quanh vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Tổng quát về tài sản chung của vợ chồng:
Có thể đưa ra khái niệm tài sản chung của vợ chồng như sau: Tài sản chung của vợ chồng là vật, giấy tờ có giả và quyền tài sản hiện có hoặc hình thành trong tương lai thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng, do vợ chồng cùng chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Tài sản chung của vợ chồng là tài sản thuộc sở hữu chung vợ chồng. Nhìn chung thì chế định này có một số đặc điểm sau:
– Tài sản chung của vợ chồng là một khối cộng đồng tài sản, là một khối tài sản được tạo ra bởi công sức đóng góp của cả hai vợ chồng;
– Tài sản chung của vợ chồng bảo đảm nhu cầu và lợi ích chung của gia đình;
– Không phân biệt công sức đóng góp của vợ chồng trong khối tài sản chung;
– Là một khối tài sản chung có thể phân chia theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
2. Quy định về căn cứ xác định tài sản chung của vợ chồng:
Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì tài sản chung của vợ chồng được xác định theo các căn cứ sau: Các tài sản do vợ chồng tạo ra trong thời kì hôn nhân, các tài sản có được do thu nhập hợp pháp trong thời kì hôn nhân, tài sản do được thừa kế chung hoặc tặng cho chung, các tài sản mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Cụ thể như sau:
2.1. Các tài sản do vợ chồng tạo ra trong thời kì hôn nhân:
Về nguyên tắc, tài sản mà vợ chồng làm ra trong thời kì hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng, không phân biệt công sức đóng góp và cũng không phân biệt có phải do vợ, chồng cùng trực tiếp làm ra hay không, ai làm nhiều, ai làm ít. Căn cứ xác định thời kì hôn nhân là sự kiện kết hôn. Kết hôn là một hiện tượng xã hội được hình thành do có sự liên kết giữa nam và nữ trên cở sở tự nguyện, bình đẳng tuân thủ các điều kiện kết hôn do định và được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tài sản do vợ chồng tạo ra được hiểu là vợ chồng dựa theo công việc, chuyên môn của mình đã trực tiếp tạo ra tài sản đó hoặc thuê người khác tạo ra thông qua sự thuê mướn, giúp sức… Thu nhập hợp pháp của vợ chồng do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh là loại tài sản chủ yếu thuộc tài sản chung của vợ chồng. Thu nhập của vợ chồng gồm nhiều loại nhưng thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh là loại thu nhập ổn định, cơ bản. Theo điểm b khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập. Vì thế trong cuộc sống gia đình vì sức khỏe, hoặc vì hoàn cảnh và khả năng lao động mà tài sản chỉ do một người tạo ra thì vẫn coi như vợ, chồng cùng đóng góp công sức vào việc tạo lập khối tài sản chung. Dù vợ, chồng làm việc ở những ngành nghề khác nhau với mức thu nhập khác nhau song mọi thu nhập từ lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh của vợ chồng đều là tài sản chung. Quy định như vậy là phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường và phù hợp với truyền thống đạo đức của dân tộc ta.
2.2. Các tài sản có được do thu nhập hợp pháp trong thời kì hôn nhân:
Thu nhập hợp pháp được hiểu là những khoản thu nhập phát sinh trong thời kì hôn nhân của vợ chồng hoặc cả 2 người được pháp luật thừa nhận thuộc quyền sở hữu của người đó theo quy định của pháp luật. Các thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng thường có tính chất bất ngờ, có được không do lao động trực tiếp của vợ chồng mà do quy định của pháp luật. Thu nhập hợp pháp khác phải phát sinh trong thời kì hôn nhân mới được xác định là tài sản chung của vợ chồng, dù chỉ một bên vợ, chồng có được tài sản đó. Ví dụ như:
– Tiền thưởng, tiền trúng thưởng sổ xố, tiền trợ cấp theo quy định pháp luật;
– Tài sản mà vợ, chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự đối với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước;
– Thu nhập hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Các thu nhập do thưởng, trúng xổ số, trúng thưởng thì chỉ cần quyền sở hữu đối với chủ sở hữu (hoặc vợ hoặc chồng hoặc cả hai) được xác lập trong thời kì hôn nhân thì tài sản đó được coi tài sản chung.
Ví dụ: một người mua xổ số Vietlott trước ngày kết hôn, sau ngày kết hôn thì có kết quả và trúng 100 tỷ, số tiền 100 tỷ sẽ là tài sản chung của vợ chồng.
2.3. Tài sản do được thừa kế chung hoặc tặng cho chung:
Vợ chồng được thừa kế chung chỉ có trong trường hợp vợ chồng là người được thừa kế theo di chúc. Trong trường hợp này phần tài sản thừa kế mà vợ chồng cùng được thừa kế chung được xác định là tài sản chung. Nếu vợ, chồng được thừa kế theo pháp luật thì phần tài sản thừa kế được xác định là tài sản riêng của họ. Theo căn cứ xác lập quyền sở hữu do được thừa kế và các quy định về thừa kế thì nếu người có di sản thừa kế chỉ rõ trong di chúc là để lại tài sản thừa kế cho cả hai vợ chồng thừa kế chung thì đó mới được coi là tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng. Nếu di chúc chỉ rõ là cho cả hai vợ chồng được thừa kế tài sản và lại chỉ rõ phần quyền của mỗi người thì tài sản đó thuộc sở hữu chung theo phần của hai người theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 (không phải là sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng). Cũng như trong trường hợp thừa kế, nếu như người có tài sản tặng cho thể hiện rõ là tặng cho chung vợ chồng mà không phân biệt phần quyền của mỗi người đối với tản sàn tặng cho thì tài sản đó mới được coi là sở hữu chung hợp của vợ chồng.
2.4. Các tài sản mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung:
Do tôn trọng ý chí của vợ chồng, xuất phát từ thực tế là cần phải có tài sản chung để đáp ứng yêu cầu cuộc sống, xuất phát từ sự gắn bó tình cảm vợ chồng, từ quan niệm không phân biệt rạch ròi tài sản giữa hai bên, vợ chồng có thể tự nguyện nhập tài sản riêng của mình vào khối tài sản chung và Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng qui định nó là tài sản chung của vợ chồng. Tài sản chung do thỏa thuận này có thể là tài sản riêng có được trước khi kết hôn hôn, cũng có thể là tài sản được thừa kế riêng, tặng cho riêng, cũng có thể là tài sản riêng do chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân. Với những tài sản là nhà ở, quyền sử dụng đất và các tài sản khác có giá trị lớn hoặc những tài sản là tài sản riêng do chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân thì việc thỏa thuận này phải được lập thành văn bản, có kí của cả vợ và chồng, một số trường hợp pháp luật qui định thì văn bản đó phải được công chứng chứng thực. Việc thỏa thuận nhập tài sản riêng vào tài sản chung nhằm trốn các nghĩa vụ về tài sản thì sẽ bị vô hiệu.
Trên thực tế, những trường hợp như sau có thể được coi là vợ chồng đã thỏa thuận nhập tài sản riêng vào tài sản chung. Đó là: Vợ chồng bán tài sản riêng để góp vào mua một tài sản mới, khi mua không có sự phân biệt về tỷ lệ đóng góp sau đó vợ chồng đã đưa vào sử dụng chung; bên có tài sản riêng trong quá trình sử dụng, kê khai cấp giấy chứng nhận đã ghi tên cả hai vợ chồng trong đơn xin đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng không phải mặc nhiên những trường hợp như vừa nêu khi giải quyết tranh chấp đều đương nhiên xác định đó là tài sản chung vợ chồng, khi xét xử Tòa án cần yêu cầu vợ chồng cung cấp các chứng cứ để đánh giá ý thức chủ quan của người có tài sản riêng, từ đó mới có cơ sở xác định đó là tài sản chung hay tài sản riêng.
3. Ý nghĩa của chế định xác định tài sản chung của vợ chồng:
Thứ nhất, các định tài sản chung của vợ chồng giúp bảo vệ được quyền và lợi ích về tài sản của vợ chồng. Khi cuộc sống hôn nhân hạnh phúc thì ranh giới tài sản chung, tài sản riêng không quan trọng. Tuy nhiên, khi vợ chồng phát sinh những mâu thuẫn gay gắt thì vấn đề tranh cãi nhiều nhất là tài sản. Vì vậy việc xác định đâu là tài sản chung của vợ và chồng là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi trước hết của người vợ và người chồng, sau đó là các thành viên khác trong gia đình.
Thứ hai, xác định tài sản chung của vợ chồng chính xác sẽ giúp vợ, chồng xác định được quyền và nghĩa vụ về tài sản đối với gia đình, đối với nhau và đối với con cái và cũng là căn cứ để giải quyết các tranh chấp về tài sản giữa vợ, chồng. Đồng thời còn xác định rõ trách nhiệm của các bên trong việc quản lý, sử dụng. định đoạt tài sản. Qua đó giúp xác định nghĩa vụ mà vợ chồng phải thực hiện được đảm bảo bằng tài sản chung hay tài sản riêng. Để đảm bảo được nhu cầu của gia đình và bản thân, vợ và chồng phải tham gia vào nhiều các giao dịch dân sự, thương mại với người thứ ba, khiến cho vấn đề tài sản giữa vợ chồng ngày càng phức tạp, nhất là trong tình hình phát triển của nền kinh tế hiện nay.
Thứ ba, trong quá trình tham gia vào các giao lưu dân sự, thương mại, ngoài quan hệ tài sản chung với nhau, vợ và chồng có thể có khối tài sản chung với những người khác. Xác định tài sản chung của vợ chồng sẽ đảm bảo được việc phân chia tài sản chung trong những trường hợp cần thiết một cách chính xác. Xác định tải sản chung của vợ chồng là cơ sở pháp lý để chia tài trong các trưởng hợp cần thiết như ly hôn, chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân hay chia tài sản chung khi một bên chết trước.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.