Việc giam giữ người là tội phạm hoặc có dấu hiệu tội phạm sẽ được phân chia theo giới tính, độ tuổi, tình trạng sức khỏe … Vậy câu hỏi đặt ra: Người đồng tính, LGBT ở tù có được giam giữ riêng hay không?
Mục lục bài viết
1. Cách hiểu, cách nhận diện về vấn đề đồng tính và LGBT:
Người đồng tính – dưới góc độ khoa học, theo quan điểm của Hiệp hội tâm lý học Mỹ (American Psychological Association – APA) đồng tính hoàn toàn không phải là một sự rối loạn tâm sinh lý mà là một hiện tượng sinh học tự nhiên, chịu sự tác động qua lại phức tạp của các yếu tố di truyền và yếu tố môi trường tử cung trong giai đoạn đầu ở thai nhi. Các hành vi tình dục đồng giới, quan hệ yêu đương đồng giới là một trong các dạng thức gắn bó bình thường để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của con người về tình yêu, sự gần gũi và quan tâm.
Trong xã hội hiện nay, cách hiểu và cách nhận diện về vấn đề đồng tính, song tính còn có sự khác nhau nhất định. Một số quan điểm cho rằng đồng tính, song tính là điều trái tự nhiên, giới tính thứ ba, bệnh tâm thần, lưỡng tính … Tuy vậy, cũng có những quan điểm cho rằng đồng tính, song tính là những điều tự nhiên của xã hội. Xét dưới góc độ khoa học, để hiểu về đồng tính hay song tính trước hết cần hiểu về thuật ngữ tính dục và xu hướng tính dục. Hiện nay có những xu hướng tính dục thường gặp như sau:
Thứ nhất, dễ nhận thấy nhất và đông đảo nhất trong xã hội là xu hướng tính dục khác giới Heterosexual (bị hấp dẫn về mặt tình cảm và tình dục với người khác giới tính, không bao giờ mong muốn mình có giới tính khác với giới tính khi được sinh ra) và thường được gọi là người dị tính. Vì đây là xu hướng tính dục phổ biến nhất của loài người nên mô hình gia đình với sự kết hợp giữa một nam và một nữ là mô hình đông đảo nhất trong xã hội, trở thành quan niệm truyền thống của nhiều quốc gia trên thế giới.
Thứ hai, cùng giới – Homosexual (bị hấp dẫn với người cùng giới tính, không bao giờ mong muốn mình có giới tính khác với giới tính khi được sinh ra), không chỉ có ở nam giới (tiếng Anh gọi là gay) mà ở cả nữ giới (tiếng Anh gọi là lesbian), được gọi chung là người đồng tính.
Thứ ba, xu hướng song tính – Bisexual (một người không cho rằng mình mang giới tính khác với giới tính sinh học của bản thân và bị hấp dẫn với cả hai giới tính nam và nữ). Trước đây, xu hướng này được sử dụng với thuật ngữ là lưỡng giới. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuật ngữ này sẽ dễ dẫn đến cách hiểu là người đó mang trong mình cả hai giới tính nam và nữ. Thực chất, họ có cả hai xu hướng tính dục dị tính và đồng tính, không phải mang hai giới tính. Từ đó, thuật ngữ song tính được sử dụng để thay thế thuật ngữ lưỡng giới.
Thứ tư, không bị hấp dẫn tính dục với bất cứ giới nào (asexual – vô tính): Đây là xu hướng tính dục chưa được nghiên cứu nhiều. Người vô tính không bao giờ có nhu cầu tình dục. Hấp dẫn tình dục đối với họ là một khái niệm xa lạ và không cần thiết trong cuộc sống. Người vô tính cũng chia ra làm nhiều dạng, có người vô tính tuyệt đối, không có một chút cảm xúc nào với cả hai giới; những người bi-asexual là những người không phải vô tính 100% (trong đó bao gồm nhiều dạng khác nhau như có cảm xúc (đơn thuần) với hoặc là nam, hoặc là nữ, hoặc là cả hai). Ở nhiều quốc gia, ngay cả khi tìm hiểu về những người không có quan hệ tình dục, giới nghiên cứu vẫn luôn có quan niệm rằng vô tính là vấn đề cần được chữa trị. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khác đã khẳng định, vô tính là một trong những xu hướng tính dục của loài người.
2. Người đồng tính, LGBT ở tù có được giam giữ riêng không?
Để trả lời cho câu hỏi: Người đồng tính, LGBT ở tù có được giam giữ riêng hay không? cần tìm hiểu quy định của pháp luật xoay quanh vấn đề này. Cụ thể, căn cứ tại Điều 30 của Luật Thi hành án hình sự năm 2020, cụ thể như sau:
Thứ nhất, những phạm nhân dưới đây được bố trí giam giữ riêng:
– Phạm nhân nữ (những chủ thể yếu thế trong xã hội);
– Phạm nhân là người dưới 18 tuổi (những đối tượng ở độ tuổi cần được bảo vệ về mọi mặt);
– Phạm nhân là người nước ngoài (tránh trường hợp ảnh hưởng đến yếu tố chính trị);
– Phạm nhân là người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2018;
– Phạm nhân có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần theo quy định của pháp luật, phạm nhân mắc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình trong thời gian chờ quyết định của cơ quan có thẩm quyền đó là Tòa án;
– Phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam;
– Phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân.
Thứ hai, phạm nhân là người đồng tính hoặc phạm nhân là người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính có thể được giam giữ riêng.
Như vậy, đối với câu hỏi nêu trên: Người đồng tính, LGBT ở tù có được giam giữ riêng không? Thì có thể thấy, phạm nhân là người đồng tính khi chấp hành án phạt tù có thể sẽ được giam giữ tại khu giam giữ riêng.
Ngoài ra, căn cứ theo Khoản 2 Điều 18 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định rằng: Trong trường hợp xét thấy đặc biệt, do điều kiện thực tế mà nhà tạm giữ, trại tạm giam không thể đáp ứng được yêu cầu giam giữ riêng theo quy định của pháp luật nêu trên … thì các chủ thể là trưởng nhà tạm giữ, giám thị trại tạm giam, trưởng buồng tạm giữ đồn biên phòng phối hợp với cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định bằng văn bản những người được giam giữ chung. Theo đó, vấn đề giam giữ riêng đối với người đồng tính vẫn còn nhiều bất cập, khi đưa ra quyết định về không gian tạm giữ, các cán bộ tại trại tạm giam sẽ phải xác nhận giới tính, đây là một điều không hề dễ dàng để xác định với người đồng tính. Tuy có thể biết người đồng tính thông qua tiếp xúc, giao tiếp nhưng điều này không thể làm cơ sở đưa ra quyết định. Ngoài ra, các thông tin về giới tính ghi trong Chứng minh nhân dân, Giấy khai sinh và cấu tạo sinh học của bộ phận cơ thể sẽ gây khó khăn cho việc xác định giới tính thật sự của đối tượng. Do đó, từ quy định tới thực tế áp dụng vẫn được coi là một quãng đường dài còn nhiều tồn tại cần được khắc phục.
3. Khu giam giữ phạm nhân được phân chia như thế nào theo quy định của pháp luật?
Tại khoản 2 Điều 6 của Nghị định 133/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự, có quy định về tổ chức trại giam như sau:
Thứ nhất, phân trại giam: Pháp luật hiện nay ghi nhận rằng, phân trại giam thuộc trại giam có nhiệm vụ tổ chức quản lý, tổ chức hoạt động giam giữ, tiến hành việc giáo dục cải tạo phạm nhân theo đúng đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Thứ hai, về nhà giam:
– Nhà giam chung thì theo quy định của pháp luật, mỗi buồng giam giam giữ không được phép quá 50 phạm nhân;
– Nhà giam riêng thì theo quy định của pháp luật, mỗi buồng giam giam giữ không được phép quá 08 phạm nhân;
– Nhà kỷ luật thì theo quy định của pháp luật, mỗi buồng giam giam giữ không được phép quá 02 phạm nhân bị kỷ luật.
Thứ ba, khu giam giữ phạm nhân sẽ được chia thành những khu như sau:
– Khu giam giữ đối với phạm nhân có mức án tù theo quy định của Bộ luật Hình sự là trên 15 năm, tù chung thân, phạm nhân thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm;
– Khu giam giữ đối với phạm nhân có mức án tù theo quy định của Bộ luật Hình sự từ 15 năm trở xuống;
– Phạm nhân có mức án tù theo quy định của Bộ luật Hình sự trên 15 năm đã được giảm án và thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại dưới 15 năm;
– Phạm nhân thuộc trường hợp theo quy định của Bộ luật Hình sự là tái phạm nguy hiểm, đã chấp hành một phần hai thời hạn chấp hành án phạt tù và đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
4. Phạm nhân mắc bệnh tâm thần có được giam giữ tại khu giam giữ riêng không?
Tại khoản 2 Điều 30 của Luật Thi hành án hình sự năm 2020, có quy định về giam giữ phạm nhân như sau:
Những phạm nhân dưới đây được bố trí giam giữ riêng
– Phạm nhân nữ;
– Phạm nhân là người dưới 18 tuổi;
– Phạm nhân là người nước ngoài;
– Phạm nhân là người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm;
– Phạm nhân có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, các phạm nhân bị xác định là mắc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình trong thời gian chờ quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Tòa án;
– Phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam;
– Phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân … và những trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo phân tích ở trên thì có nhận nhận biết rằng, phạm nhân mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình sẽ được giam giữ riêng tại khu giam giữ phù hợp với mức án của mình.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2018;
– Luật Thi hành án hình sự năm 2020;
– Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015.