Kinh doanh vận tải biển là một trong những loại hình kinh doanh giao thông diễn ra phổ biến hiện nay. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải biển.
Mục lục bài viết
1. Điều kiện kinh doanh vận tải biển:
Nghị định 160/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 147/2018/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh vận tải biển như sau:
– Điều kiện kinh doanh vận tải biển
+ Doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải biển được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về hợp tác xã.
+ Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển khi đáp ứng điều kiện quy định của pháp luật.
– Điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển quốc tế
+ Điều kiện về tổ chức bộ máy: Có bộ phận quản lý an toàn theo quy định của Bộ luật quốc tế về quản lý an toàn; Có bộ phận quản lý an ninh hàng hải theo quy định; Có bộ phận quản lý hoạt động kinh doanh, khai thác vận tải biển; Có bộ phận thực hiện công tác pháp chế.
+ Điều kiện về tài chính: Phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài để bảo đảm nghĩa vụ của chủ tàu đối với thuyền viên; mức bảo lãnh tối thiểu là 05 tỷ đồng Việt Nam.
+ Điều kiện về tàu thuyền: Phải có tối thiểu 01 tàu biển; nếu tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam phải phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.
+ Điều kiện về nhân lực: Người phụ trách hệ thống quản lý an toàn, an ninh hàng hải phải được đào tạo, huấn luyện và được cấp chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Người phụ trách bộ phận quản lý hoạt động kinh doanh, khai thác vận tải biển phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc một trong các chuyên ngành hàng hải, ngoại thương, thương mại hoặc kinh tế; Người phụ trách bộ phận thực hiện công tác pháp chế phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc chuyên ngành luật; Thuyền viên làm việc trên tàu biển phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chuyên môn, tiêu chuẩn về sức khỏe và được cấp chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Thuyền viên Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chuyên môn, được cấp chứng chỉ chuyên môn do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định; đáp ứng các tiêu chuẩn về sức khỏe do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
– Điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển nội địa
+ Điều kiện về tổ chức bộ máy: Có bộ phận quản lý hoạt động kinh doanh, khai thác vận tải biển.
+ Điều kiện về tài chính: Phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài để bảo đảm nghĩa vụ của chủ tàu đối với thuyền viên; mức bảo lãnh tối thiểu là 500 triệu đồng Việt Nam.
+ Điều kiện về tàu thuyền: Phải có tối thiểu 01 tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.
+ Điều kiện về nhân lực: Người phụ trách bộ phận quản lý hoạt động kinh doanh, khai thác vận tải biển phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc một trong các chuyên ngành hàng hải, ngoại thương, thương mại hoặc kinh tế; Thuyền viên làm việc trên tàu biển phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chuyên môn, tiêu chuẩn về sức khỏe và được cấp chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chuyên môn, được cấp chứng chỉ chuyên môn do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định; đáp ứng các tiêu chuẩn về sức khỏe do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
– Điều kiện đối với tổ chức nước ngoài tham gia vận chuyển nội địa bằng tàu thuyền mang cờ quốc tịch Việt Nam:
+ Tổ chức nước ngoài tham gia vận tải nội địa bằng tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam phải thành lập doanh nghiệp liên doanh theo quy định, trong đó tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 49% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
+ Thuyền viên nước ngoài được phép làm việc trên tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam hoặc tàu biển được đăng ký tại Việt Nam thuộc sở hữu của các doanh nghiệp liên doanh tại Việt Nam nhưng tổng số thuyền viên nước ngoài không được vượt quá 1/3 định biên của tàu biển; đồng thời, thuyền trưởng hoặc thuyền phó nhất của tàu biển đó phải là công dân Việt Nam.
2. Thủ tục đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận tải biển:
2.1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển:
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển bao gồm các giấy tờ, tài liệu cụ thể sau đây:
+ Tờ khai đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển theo Mẫu.
+ Danh sách các chức danh kèm theo hồ sơ của từng chức danh và bằng, chứng chỉ liên quan của các chức danh: 01 bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu;
+ 1 bản chính văn bản bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài .
+ 01 bản sao kèm bản chính để đối chiếu giấy chứng nhận đăng ký tàu biển.
2.1. Thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển:
– Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.
Doanh nghiệp muốn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển sẽ chuẩn bị một bộ hồ sơ với đầy đủ các giấy tờ, tài liệu đã được phân tích tại phần mục trên.
Sau khi chuẩn bị hồ sơ, các cá nhân, doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng hải Việt Nam.
– Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ.
Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Trong trường hợp hồ sơ hợp lệ, cấp giấy biên nhận hồ sơ cho người nộp.
– Bước 3: Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển.
Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Hàng hải Việt Nam thẩm định hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển và trả kết quả trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính; trường hợp không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển, Cục Hàng hải Việt Nam phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Mẫu tờ khai đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
TỜ KHAI ĐỀ NGHỊ CẤP/CẤP LẠI
GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH VẬN TẢI BIỂN
Kính gửi: Cục Hàng hải Việt Nam.
Đề nghị cấp/cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển với nội dung sau:
1. Tên doanh nghiệp: ………..
2. Địa chỉ trụ sở chính:…………
Điện thoại: …. Fax:….. Email:….. Website:…….
3. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số: ….; mã số doanh nghiệp: …….. do….cấp ngày … tháng … năm 20….
4. Ngành, nghề kinh doanh
Stt | Tên ngành, nghề kinh doanh |
1 | Vận tải biển nội địa |
2 | Vận tải biển quốc tế |
5. Lý do cấp/cấp lại …..
Doanh nghiệp, hợp tác xã chúng tôi cam kết chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung đề nghị cấp giấy phép./.
Kèm theo Tờ khai: – ……. | …, ngày …… tháng ….. năm …. ĐẠI DIỆN DOANH NGHIỆP |
4. Mẫu giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển:
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ……/20…/GCN-CHHVN | …..ngày … tháng … năm 20 … |
GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH VẬN TẢI BIỂN
(Cấp theo quy định tại Nghị định số ……../20…/NĐ-CP ngày … tháng … năm 20 …… của Chính phủ)
Ngày cấp: ………
Ngày cấp lại lần thứ nhất: ………
Ngày cấp lần thứ hai: …………
1. Tên doanh nghiệp (chữ in hoa): ……
2. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số:……; Mã số doanh nghiệp: ….. do …… cấp ngày … tháng … năm 20…
3. Địa chỉ trụ sở chính (ghi đầy đủ số nhà/đường, phố/xã, phường/huyện, quận/tỉnh, thành phố);
4. Đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển (quốc tế/nội địa): ……
Giấy chứng nhận này được lập thành hai (02) bản gốc: 01 bản cấp cho doanh nghiệp hợp tác xã kinh doanh vận tải biển và 01 bản lưu tại Cục Hàng hải Việt Nam./.
CỤC TRƯỞNG |
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Nghị định 160/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 147/2018/NĐ-CP.