Chủ đầu tư có trách nhiệm lắp đặt biển báo công trình tại công trường xây dựng. Vậy pháp luật quy định xử phạt công trình không có biển cảnh báo, người cảnh giới như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Xử phạt công trình không có biển báo cảnh báo, người cảnh giới:
1.1. Quy định về các yêu cầu đối với công trường xây dựng:
Căn cứ Điều 109 Luật Xây dựng 2014 quy định yêu cầu đối với công trường xây dựng bao gồm có:
– Chủ đầu tư có trách nhiệm lắp đặt biển báo công trình tại công trường xây dựng, trừ trường hợp công trình nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng. Nội dung biển báo gồm:
+ Tên, quy mô công trình;
+ Ngày khởi công, ngày hoàn thành;
+ Tên, địa chỉ, số điện thoại của chủ đầu tư, của nhà thầu thi công, tổ chức thiết kế xây dựng và tổ chức hoặc cá nhân giám sát thi công xây dựng;
+ Bản vẽ phối cảnh công trình.
– Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm quản lý toàn bộ công trường xây dựng theo đúng quy định của pháp luật, trừ trường hợp chủ đầu tư tổ chức quản lý. Nội dung quản lý công trường xây dựng bao gồm:
+ Xung quanh khu vực công trường xây dựng phải có rào ngăn, trạm gác, biển báo dễ nhìn, dễ thấy nhằm để bảo đảm ngăn cách giữa phạm vi công trường với bên ngoài;
+ Việc bố trí công trường trong phạm vi thi công của công trình phải phù hợp với bản vẽ thiết kế tổng mặt bằng thi công đã được duyệt và điều kiện cụ thể của địa điểm xây dựng;
+ Vật tư, vật liệu, thiết bị chờ lắp đặt phải được sắp xếp gọn gàng theo thiết kế tổng mặt bằng thi công;
+ Trong phạm vi công trường xây dựng phải có các biển báo chỉ dẫn về sơ đồ tổng mặt bằng công trình, về an toàn, phòng, chống cháy, nổ và các biển báo cần thiết khác.
Như vậy, tại công trường xây dựng thì Chủ đầu tư phải có trách nhiệm lắp đặt biển báo công trình. Các loại biển báo công trường xây dựng bao gồm có:
– Biển cảnh báo nguy hiểm;
– Biển quy định tốc độ;
– Biển cấm vượt;
– Biển cảnh báo hình chữ nhật.
1.2. Xử phạt công trình không có biển cảnh báo, người cảnh giới:
Như đã phân tích ở mục trên, tại công trường xây dựng Chủ đầu tư phải có trách nhiệm lắp đặt biển báo công trình (biển cảnh báo,…), nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng quy định này thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Điều 32 Nghị định 16/2022/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính về xây dựng quy định xử phạt vi phạm quy định về an toàn trong thi công xây dựng công trình, Điều này quy định phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không có biển cảnh báo đề phòng tai nạn hoặc không bố trí người hướng dẫn tại các vị trí nguy hiểm trên công trường. Ngoài hình thức phạt tiền, còn có hình thức xử phạt bổ sung là buộc có biển cảnh báo đề phòng tai nạn, bố trí người hướng dẫn tại những vị trí nguy hiểm trên công trường.
Căn cứ điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với hành vi không có biển cảnh báo đề phòng tai nạn hoặc không bố trí người hướng dẫn tại các vị trí nguy hiểm trên công trường ở Nghị định 16/2022/NĐ-CP là mức phạt tiền đối với tổ chức, đối với cá nhân có hành vi không có biển cảnh báo đề phòng tai nạn hoặc không bố trí người hướng dẫn tại các vị trí nguy hiểm trên công trường thì mức phạt bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Như vậy, xử phạt công trình không có biển cảnh báo, người cảnh giới đối với:
– Tổ chức (bao gồm Tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp): mức phạt tiền là 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
– Cá nhân (bao gồm có hộ gia đình, cộng đồng dân cư, cá nhân trong nước, cá nhân nước ngoài, cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài): mức phạt tiền là 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.
– Hình thức xử phạt bổ sung đối với cá nhân, tổ chức có hành vi không có biển cảnh báo, người cảnh giới tại công trường xây dựng: Buộc có biển cảnh báo đề phòng tai nạn, bố trí người hướng dẫn tại những vị trí nguy hiểm trên công trường.
2. Trình tự, thủ tục xử phạt hành vi không có biển cảnh báo, người cảnh giới tại công trường xây dựng:
Bước 1: Lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi không có biển cảnh báo, người cảnh giới tại công trường xây dựng
Những người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi không có biển cảnh báo, người cảnh giới tại công trường xây dựng bao gồm có:
– Thanh tra viên xây dựng (hoặc thanh tra viên Giao thông vận tải – Xây dựng);
– Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Sở Xây dựng (hoặc Thanh tra Sở Giao thông vận tải – Xây dựng);
– Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ Xây dựng;
– Chánh Thanh tra Sở Xây dựng (hoặc Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải – Xây dựng);
– Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
– Công chức thuộc Ủy ban nhân dân các cấp được giao nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện vi phạm hành chính về xây dựng;
– Công chức, viên chức, thanh tra viên hoặc thanh tra theo đoàn thanh tra.
Bước 2: Ra quyết định xử phạt hành chính hành vi không có biển cảnh báo, người cảnh giới tại công trường xây dựng
– Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính: thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hành vi không có biển cảnh báo đề phòng tai nạn hoặc không bố trí người hướng dẫn tại các vị trí nguy hiểm trên công trường xây dựng là:
+ 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi không có biển cảnh báo đề phòng tai nạn hoặc không bố trí người hướng dẫn tại các vị trí nguy hiểm trên công trường (thời hạn này không áp dụng đối với trường hợp không yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh hoặc trường hợp có yêu cầu giải trình hoặc có yêu cầu phải xác minh mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều những tình tiết phức tạp).
+ 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi không có biển cảnh báo đề phòng tai nạn hoặc không bố trí người hướng dẫn tại các vị trí nguy hiểm trên công trường nếu vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt.
+ 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi không có biển cảnh báo đề phòng tai nạn hoặc không bố trí người hướng dẫn tại các vị trí nguy hiểm trên công trường nếu vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan.
+ 02 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi không có biển cảnh báo đề phòng tai nạn hoặc không bố trí người hướng dẫn tại các vị trí nguy hiểm trên công trường nếu vụ việc thuộc trường hợp có yêu cầu giải trình hoặc có yêu cầu phải xác minh các tình tiết có liên quan mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần phải có thêm về thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ
– Những người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
+ Thanh tra viên xây dựng (hoặc thanh tra viên Giao thông vận tải – Xây dựng);
+ Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Sở Xây dựng (hoặc Thanh tra Sở Giao thông vận tải – Xây dựng);
+ Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ Xây dựng;
+ Chánh Thanh tra Sở Xây dựng (hoặc Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải – Xây dựng);
+ Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng;
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Bước 3: người bị xử phạt hành chính hành vi không có biển cảnh báo, người cảnh giới tại công trường xây dựng thực hiện đúng các quy định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
3. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hành vi không có biển cảnh báo, người cảnh giới tại công trường xây dựng:
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hành vi không có biển cảnh báo, người cảnh giới tại công trường xây dựng được pháp luật quy định như sau:
–Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hành vi không có biển cảnh báo, người cảnh giới tại công trường xây dựng là 02 năm.
–Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hành vi không có biển cảnh báo, người cảnh giới tại công trường xây dựng là thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm. Đối với nhà ở riêng lẻ từ 07 tầng trở lên thì thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là ngày hoàn thành công trình được ghi trong hợp đồng thi công xây dựng công trình (nếu có) hoặc ngày đưa công trình vào sử dụng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 16/2022/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính về xây dựng;
– Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012;
– Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020.