Hành vi phạm tội là hành vi thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm. Vậy pháp luật quy định như thế nào về truy cứu trách nhiệm hình sự khi có nhiều hành vi phạm tội?
Mục lục bài viết
1. Truy cứu trách nhiệm hình sự khi có nhiều hành vi phạm tội:
1.1. Được hiểu như thế nào là truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi phạm tội:
Truy cứu trách nhiệm hình sự là buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về các hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện. Hay nói cách khác là áp dụng những biện pháp tố tụng hình sự qua các giai đoạn từ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đến điều tra, truy tố và xét xử nhằm để buộc người đã có hành vi nguy hiểm cho xã hội mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi ấy, tức là phải chịu hình phạt. Người có khả năng nhận thức được hành vi của mình, người có khả năng điều khiển được hành vi đó chính là người có năng lực trách nhiệm hình sự và sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu như người đó thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự.
Hành vi phạm tội là hành vi thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm. Cụ thể:
– Xét về tính chất, hành vi phạm tội là hành vi có tính gây thiệt hại đáng kể cho xã hội, có lỗi và đã được quy định trong Luật hình sự
-. Xét về cấu trúc, hành vi phạm tội đòi hỏi có những dấu hiệu sau:
+ Chủ thể thực hiện phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự mà pháp luật quy định cũng như phải thoả mãn các dấu hiệu đặc biệt khác (dấu hiệu chủ thể đặc biệt) nếu cấu thành tội phạm đòi hỏi.
+ Về mặt khách quan, chủ thể phải có hành động hoặc không hành động thỏa mãn những dấu hiệu khách quan của cấu thành tội phạm (hành vi, hậu quả, quan hệ nhân quả, đối tượng tác động…).
+ Về mặt chủ quan, chủ thể phải có lỗi, cố ý hoặc vô ý tuỳ từng cấu thành tội phạm cũng như là chủ thể phải có động cơ, mục đích nhất định nếu cấu thành tội phạm đòi hỏi.
Như vậy, nếu như một người có các hành vi phạm tội mà có đầy đủ những dấu hiệu của cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm đó.
Khi một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội, nếu như những hành vi phạm tội đó cấu thành nên các tội khác nhau thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự với từng tội. Ví dụ, vào tối ngày 01/09/2023 anh Nguyễn Văn A (sinh năm 1998) đi chơi với bạn bè về, đi nửa đường, anh A gặp chị B đang đi một mình trên quãng đường vắng gần đó liền nảy sinh ý thực hiện hành vi đồi bại. Anh A tiến gần tới chị B giả hỏi đường và nhân lúc chị B không chú ý anh A giữ tay chân rồi bịt miệng chị B và thực hiện hành vi giao cấu với chị B. Sau khi thoả mãn thú tính, anh A đã lấy viên đá ở vệ đường và đập vào đầu của chị B 5 cái dẫn đến chị B bị chết. Sau khi chị B chết, anh A đã lén đem chị B thả xuống kênh mương gần đó, khi anh A đi khỏi hiện trường, anh A đã lấy các tài sản có trên người của chị B (bao gồm có một vòng cổ vàng 05 chỉ, tiền mặt giá trị 10 triệu đồng và một chiếc điện thoại Iphone 13). Như vậy, có thể khẳng định hành vi của anh Nguyễn Văn A thoả mãn các dấu hiệu pháp lý của ba tội là tội hiếp dâm (được quy định tại Điều 141 Bộ Luật Hình sự 2015) và tội giết người (được quy định tại Điều 123 Bộ Luật Hình sự 2015) và một trong các tội về chiếm đoạt tài sản (ví dụ như tội cướp tài sản hoặc tội trộm cắp tài sản,…). Riêng về vấn đề phân định một trong các tội về chiếm đoạt tài sản thì sẽ phải cần làm rõ mục đích, động cơ,… của anh A trong việc lấy tài sản của chị B (mục đích giết chị B để lấy các tài sản đó, tức là khi thấy chị B thì anh A đã nảy sinh ra ý định lấy những tài sản đó hoặc lúc thực hiện xong hành vi hiếp dâm chị B đã nảy sinh ý định lấy các tài sản đó và đã giết chị B để lấy tài sản hay là mục đích giết chị B nhằm để che giấu đi hành vi phạm tội của tội hiếp dâm sau đó mới “tiện tay” lấy đi các tài sản của chị B).
1.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự khi có nhiều hành vi phạm tội:
Khi xét xử cùng 01 lần một người phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và sẽ tổng hợp hình phạt theo quy định sau đây:
1.2.1. Đối với hình phạt chính:
– Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì những hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung sẽ không được vượt quá 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn;
– Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ sẽ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ 03 ngày cải tạo không giam giữ sẽ được chuyển đổi thành 01 ngày tù để tổng hợp thành một hình phạt chung; hình phạt chung sẽ không được vượt quá30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn.
– Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân;
– Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình;
– Phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác; các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;
– Trục xuất không tổng hợp với các loại hình phạt khác;
1.2.2. Đối với hình phạt bổ sung:
– Nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do Bộ luật Hình sự quy định đối với loại hình phạt đó; riêng đối với hình phạt tiền thì những khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;
– Nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên.
2. Ví dụ về truy cứu trách nhiệm hình sự khi có nhiều hành vi phạm tội:
Ví dụ, người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau về các tội:
– Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự;
– Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ;
– Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và những vũ khí khác có tính năng tác dụng tương tự.
Đối với người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau về các tội trên thì trong Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP 2022 đã hướng dẫn trong trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau về các tội trên thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 01 tội hay có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội độc lập đối với mỗi hành vi đã thực hiện. Khi quyết định hình phạt thì Tòa án áp dụng quy định của Bộ Luật Hình sự về quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội đã nêu ở mục trên để tổng hợp hình phạt chung, cụ thể như sau:
– Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội mà những hành vi phạm tội này có liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện và là hậu quả tất yếu của hành vi phạm tội kia) đối với cùng nhiều đối tượng hay là một đối tượng thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 01 tội với tên tội danh đầy đủ những hành vi đã được thực hiện. Ví dụ: Một người chế tạo vũ khí quân dụng rồi lại tàng trữ và đưa ra sử dụng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “chế tạo, tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”.
– Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi độc lập đối với những đối tượng độc lập khác nhau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội độc lập với mỗi hành vi độc lập đã được thực hiện. Ví dụ: Một người tàng trữ với 02 khẩu súng quân dụng và mua 05 quả lựu đạn thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” và tội “mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự 2015;
– Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP 2022 hướng dẫn áp dụng quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của Bộ luật Hình sự.