Không chỉ hoạt động hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư mà các hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền phải được tuân thủ theo đúng quy định pháp luật. Vậy thẩm quyền xử phạt của Thanh tra Kế hoạch và Đầu tư được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra Kế hoạch và Đầu tư:
Được quy định tại Điều 73 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, theo đó Thanh tra Kế hoạch và Đầu tư có thẩm quyền xử phạt các vi phạm sau:
– Đối với thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền:
+ Phạt cảnh cáo;
+ Phạt tiền đến 1.000.000 đồng.
– Đối với Chánh thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở có quyền:
+ Phạt cảnh cáo;
+ Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp;
+ Phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu, đầu tư, quy hoạch;
+ Đồng thời có quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
– Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Kế hoạch và Đầu tư có quyền:
+ Phạt cảnh cáo;
+ Phạt tiền đến 70.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp; đến 200.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu, đầu tư; đến 350.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực quy hoạch;
+ Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được theo quy định.
– Đối với Chánh thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư có quyền:
+ Phạt cảnh cáo;
+ Phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp;
+ Phạt tiền đến 300.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu, đầu tư;
+ Phạt tiền đến 500.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực quy hoạch;
+ Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật trong từng trường hợp cụ thể.
2. Các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Kế hoạch và Đầu tư:
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 216/2013/NĐ-CP, 2 cơ quan có thẩm quyền thực hiện chức năng thanh tra ngành Kế hoạch và Đầu tư bao gồm:
Thứ nhất, cơ quan thanh tra nhà nước gồm:
– Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
– Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Thứ hai, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Kế hoạch và Đầu tư, gồm:
– Tổng cục Thống kê;
– Cục Thống kê.
3. Nhiệm vụ quyền hạn của thanh tra ngành Kế hoạch và Đầu tư:
3.1. Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 216/2013/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành kế hoạch và đầu tư, thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định của Luật thanh tra và các nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực đầu tư cụ thể như sau:
– Thu thập thông tin để xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm; hướng dẫn Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên ngành;
– Kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư;
– Tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành cho thanh tra viên, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
– Tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện các quy định pháp luật về thanh tra;
– Tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
– Ngoài ra, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định pháp luật.
3.2. Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Căn cứ quy định tại Điều 6 Nghị định 216/2013/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành kế hoạch và đầu tư. Theo đó Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngoài thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật thanh tra thì còn có trách nhiệm cụ thể trong lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư như sau:
– Báo cáo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng Thanh tra Chính phủ về công tác thanh tra trong phạm vi trách nhiệm của mình;
– Thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra;
– Trưng tập công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị có liên quan tham gia hoạt động thanh tra;
– Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
3.3. Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư ngoài nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật thanh tra thì còn có trách nhiệm thực hiện các công việc được quy định tại Điều 7 Nghị định 216/2013/NĐ-CP:
– Thu thập thông tin để xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm;
– Tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành cho thanh tra viên, công chức làm công tác thanh tra thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư;
– Tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện các quy định pháp luật về thanh tra;
– Tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác thanh tra trong phạm vi được phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước của Sở Kế hoạch và Đầu tư;
– Thực hiện một số nhiệm vụ khác theo quy định pháp luật.
3.4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Được quy định tại Điều 8 Nghị định 216/2013/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành kế hoạch và đầu tư, theo đó Chánh Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ, quyền hạn theo Luật thanh tra và các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
– Báo cáo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chánh Thanh tra tỉnh, Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư về công tác thanh tra trong phạm vi trách nhiệm của mình;
– Trưng tập công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị có liên quan tham gia hoạt động thanh tra;
– Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
3.5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Thống kê:
Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 216/2013/NĐ-CP, tổng cục Thống kê có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật thanh tra và các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
– Hướng dẫn Cục Thống kê xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên ngành;
– Thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật;
– Tổng hợp, báo cáo Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết quả thanh tra chuyên ngành, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục Thống kê;
– Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định pháp luật.
4. Một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp:
Căn cứ quy định tại chương IV Nghị định 122/2021/NĐ-CP hành vi vi phạm trong lĩnh vực đănng ký doanh nghiệp bao gồm:
– Kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
– Vi phạm về thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
– Vi phạm về công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp:
+ Không thông báo công khai nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;
+ Thông báo công khai nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp không đúng thời hạn quy định.
– Vi phạm quy định về thành lập doanh nghiệp:
+ Không đảm bảo số lượng thành viên, cổ đông theo quy định;
+ Góp vốn thành lập doanh nghiệp hoặc đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp tại tổ chức kinh tế khác không đúng hình thức theo quy định của pháp luật;
+ Không có quyền góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp nhưng vẫn thực hiện.
– Không thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập theo quy định tại cơ quan đăng ký kinh doanh khi đã kết thúc thời hạn góp vốn và hết thời gian điều chỉnh vốn do thành viên, cổ đông sáng lập không góp đủ vốn nhưng không có thành viên, cổ đông sáng lập nào thực hiện cam kết góp vốn;
– Hành vi cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị;
– Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký;
– Tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tạm ngừng kinh doanh, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh;
– Vi phạm về kê khai vốn điều lệ;
– Vi phạm về chế độ báo cáo và thực hiện yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh:
+ Không báo cáo hoặc báo cáo không đúng thời hạn khi có yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh;
+ Báo cáo không đầy đủ nội dung, không chính xác theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh;
+ Tiếp tục kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi có yêu cầu tạm ngừng của cơ quan đăng ký kinh doanh;
+ Không đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh đối với trường hợp doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
– Vi phạm về thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp và các nghĩa vụ thanh toán khác.
– Vi phạm về người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền của doanh nghiệp.
– Vi phạm khác liên quan đến tổ chức, quản lý doanh nghiệp.
– Vi phạm về thành lập, chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp
– Vi phạm về việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp:
+ Không gửi hoặc gửi không đúng thời hạn Nghị quyết, Quyết định chia công ty đến tất cả chủ nợ và thông báo cho người lao động biết;
+ Không đăng ký thay đổi vốn điều lệ, số lượng thành viên, cổ đông tương ứng với phần vốn góp, cổ phần và số lượng thành viên, cổ đông giảm xuống (nếu có) đối với doanh nghiệp bị tách hoặc không đăng ký doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp được tách;
– Vi phạm về giải thể doanh nghiệp:
+ Không thực hiện thủ tục giải thể khi kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;
+ Không thực hiện thủ tục giải thể khi công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
+ Không thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh trước khi nộp hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Thanh tra năm 2022;
– Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư;
– Nghị định 216/2013/NĐ-CP ban hành ngày 24 tháng 12 năm 2013 quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành kế hoạch và đầu tư.