Có lẽ thời gian qua, nhiều chủ thể đã lợi dụng việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê để biến tướng thành các băng nhóm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Vậy dịch vụ đòi nợ thuê có bị cấm hay không, và tại sao nó lại bị cấm?
Mục lục bài viết
1. Dịch vụ đòi nợ thuê có bị cấm không?
Nợ là nghĩa vụ tài sản của chủ thể này phải trả cho chủ thể khác. Nợ có thể xuất hiện trong các quan hệ dân sự khác nhau như quan hệ mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, quan hệ cho thuê tài sản … quan hệ xã hội là những quan hệ giữa người với người được hình thành trong quá trình hoạt động kinh tế và chính trị, xã hội và văn hóa, pháp luật và tư tưởng … Vì thế nợ có thể phát sinh trong bất kỳ mối quan hệ nào. Quan hệ xã hội càng phức tạp thì nguồn gốc phát sinh nợ nần càng đa dạng. Trước hiện tượng đó thì dịch vụ đòi nợ thuê ra đời. Nhiều chủ thể không thể tự đòi được khoản nợ của mình vì thế có nhu cầu tìm đến dịch vụ đòi nợ thuê. Vậy câu hỏi đặt ra: dịch vụ đòi nợ thuê có bị cấm theo quy định của pháp luật hay không? Để trả lời được câu hỏi này thì cần căn cứ theo Điều 6 của Luật Đầu tư năm 2022 hiện nay, có ghi nhận về các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, cụ thể:
– Cấm hoạt động đầu tư kinh doanh đối với các loại hình kinh doanh các chất ma túy theo quy định của pháp luật;
– Cấm hoạt động đầu tư kinh doanh đối với các loại hình kinh doanh hóa chất và khoảng vật theo quy định của pháp luật;
– Kinh doanh các loại mẫu vật của động thực vật hoang dã hoạt động thực vật có nguồn gốc quý hiếm khai thác từ tự nhiên theo quy định của Công Ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp, kinh doanh các mẫu vật của các loài thực vật rừng hoặc động vật rừng, các loại thuỷ sản quý hiếm thuộc nhóm I có nguồn gốc từ quá trình khai thác tự nhiên theo quy định của pháp luật;
– Các loại hình kinh doanh mại dâm hoặc mua bán người, kinh doanh là sắc và bộ phận cơ thể người, kinh doanh các loại mô hoặc bào thai người;
– Các loại hình kinh doanh hoạt động liên quan đến sinh sản vô tính trên cơ thể người;
– Kinh doanh pháo nổ hoặc kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Như vậy theo như phân tích ở trên thì có thể thấy, hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê nằm trong danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật.
2. Tại sao dịch vụ đòi nợ thuê lại bị cấm?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 của Điều 6 Luật Đầu tư năm 2022 hiện nay có ghi nhận về kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê là một trong những ngành nghề bị cấm kinh doanh theo như đã phân tích ở trên. Cần phải nhìn nhận rằng không phải đương nhiên pháp luật lại cấm kinh doanh đối với hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê. Quy định này của pháp luật xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và nhiều lý do khác nhau. Nguyên nhân chủ yếu ban đầu khiến cho ngành dịch vụ đòi nợ thuê bị cấm kinh doanh đó là quá trình đòi nợ thuê đã gây ra không ít nguy hại cho xã hội và an ninh trật tự an toàn khu vực. Trên thực tế hiện nay đã có rất nhiều sự biến tướng của dịch vụ đòi nợ thuê, hay nói một cách chính xác là việc các chủ thể tiến hành đòi nợ thuê đã lợi dụng hoạt động đòi nợ của mình thực hiện các hành vi trái pháp luật. Họ đã lợi dụng việc đăng ký kinh doanh ngành nghề đòi nợ thuê để tiến hành các hoạt động đòi nợ bằng những biện pháp xã hội đi ngược với quy định của pháp luật và trái với thuần phong mỹ tục, trái đạo đức xã hội. Hoạt động đòi nợ thuê đã gây ra không ít nguy hại trên thực tế và phổ biến nhất đó là hành vi cưỡng đoạt tài sản của người bị cho là mắc nợ. Về nguyên tắc, pháp luật đã có những ghi nhận đối với các chủ thể là tổ chức và cá nhân khi giải quyết nợ cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, để giải quyết nợ giữa các chủ thể thì vấn đề cần phải ưu tiên hàng đầu đó là xác định các khoản nợ trên thực tế, tức là việc xác định nghĩa vụ tài sản của một bên đối với bên kia. Trường hợp các bên liên quan không thống nhất ý kiến được với nhau hoặc thống nhất ý kiến nhưng không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ trên thực tế, tức là các bên đã xảy ra các tranh chấp thì vụ việc cần phải được đưa ra tòa án hoặc trọng tài hoặc các cơ quan tài phán khác có thẩm quyền để tiến hành phân xử và đảm bảo quyền lợi của đôi bên. Tuy nhiên trên thực tế thì nhiều chủ nợ và người đòi nợ thuê đã thay tòa án và trọng tài thực hiện nhiệm vụ này;
Thứ hai, trường hợp đã xác định được nghĩa vụ trả nợ của các bên theo các quyết định có hiệu lực của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án hoặc phán quyết của trọng tài, các văn bản này đã được đưa vào thi hành bởi cơ quan thi hành án dân sự tuy nhiên người mắc nợ vẫn không tự giác thi hành nghĩa vụ thì chủ nợ khi đó muốn thu hồi nợ cần phải có đơn gửi lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là cơ quan thi hành án để yêu cầu thi hành án dân sự. Các chủ thể khi nhận được đơn yêu cầu thi hành án thì sẽ phải có trách nhiệm tiến hành thủ tục cưỡng chế thi hành án. Tuy nhiên pháp luật quy định là vậy, trên thực tế thì vẫn còn rất nhiều chủ nợ và người kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê đã làm thay cho các cơ quan thi hành án.
Như vậy nếu để dịch vụ đòi nợ thuê diễn ra một cách tràn lan thì sẽ kéo theo nhiều rủi ro. Nhiều chủ thể đã thực hiện thay các chức năng và thẩm quyền của các cơ quan nhà nước, họ đã sử dụng các biện pháp trái quy định của pháp luật để cưỡng bức người khác thực hiện nghĩa vụ trả nợ, hành động đó của người đòi nợ thuê sẽ bị coi là hành vi cưỡng đoạt hoặc cướp tài sản của người khác (nếu như họ có sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực với con nợ), thậm chí là con có hại xâm phạm đến khách thể và các quan hệ pháp luật do luật hình sự bảo vệ.
3. Quy định của pháp luật về mức phạt đối với hành vi kinh doanh dịch vụ đòi nợ:
Có thể nói theo như phân tích ở trên thì hành vi kinh doanh dịch vụ đòi nợ là một trong những ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh. Do đó các chủ thể khi có hành vi vi phạm thì sẽ bị xử phạt theo đúng quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (được sửa đổi bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và vảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí), mức xử phạt đối với hành vi kinh doanh dịch vụ đòi nợ được ghi nhận cụ thể như sau:
Thứ nhất, phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Thứ hai, hình phạt bổ sung có thể bị áp dụng đó là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định pháp luật.
Thứ ba, biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp này là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định pháp luật.
4. Kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Nếu các chủ thể tiến hành hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê mà đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật hình sự thì hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo từng điều luật khác nhau. Hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê như phân tích ở trên có thể kéo theo rất nhiều rủi ro và rất nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Nhìn chung, trong quá trình kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê thì các chủ thể có thể bị truy cứu về các tội chủ yếu sau:
Thứ nhất, tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170. Các chủ thể đòi nợ thuê có thể sử dụng hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác uy hiếp nên tinh thần của con nợ. Hành vi đe dọa dùng vũ lực là hành vi dọa sẽ gây thiệt hại đến tính mạng và sức khỏe nếu không thỏa mãn yêu cầu chiếm đoạt tài sản của người phạm tội. Còn các hành vi khác uy hiếp về tinh thần là hành vi dọa gây thiệt hại về tài sản cũng như danh dự uy tín bằng bất cứ thủ đoạn nào nếu người bị uy hiếp không thỏa mãn yêu cầu chiếm đoạt tài sản của người phạm tội. Những hành vi này xét về tính chất cũng giống như hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực vì cùng có khả năng không chế ý chí của người bị đe dọa. Người phạm tội thực hiện hành vi này với lỗi cố ý với mục đích phạm tội được quy định là mục đích chiếm đoạt tài sản. Nếu không nhầm mục đích chiếm đoạt tài sản thì các hành vi này sẽ không phải là hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Thứ hai, tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318. Hành vi khách quan của tội phạm này được quy định là hành vi gây rối trật tự công cộng. Hành vi gây rối trật tự công cộng là hành vi phá vỡ tình trạng ổn định hoặc phá vỡ tính có tổ chức và tính có kỷ luật. Hành vi đó có thể là lời nói chửi bới hoặc la hét thậm chí là đập phá tài sản tạo ra những âm thanh ầm ĩ bằng các công cụ khác nhau … hậu quả của tội phạm được quy định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và an toàn xã hội như gây tắc nghẽn giao thông, làm gián đoạn hoạt động của các chủ thể … hậu quả trên đây có thể được thay thế bằng dấu hiệu nhân thân đó là đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về hành vi này mà chưa được xóa án tích nay vẫn vi phạm. Lỗi của các chủ thể này được xác định là lỗi cố ý.
Ngoài ra thì đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thỏa mãn các cấu thành tội phạm của loại tội phạm khác theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Đầu tư năm 2022;
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
– Nghị định số 17/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và vảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.