Những người làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm ngoài được tiền lương sẽ được nhận thêm một khoản tiền phụ cấp độc hại, nguy hiểm. Dưới đây là quy định pháp luật hiện hành quy định về chế độ phụ cấp, độc hại, mức phụ cấp, cách tính phụ cấp và các đối tượng được hưởng.
Mục lục bài viết
1. Làm tại bệnh viện lao được hưởng phụ cấp độc hại không?
Chị Ngân ở Hà Tĩnh có gửi câu hỏi tới tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí của Luật Dương Gia như sau: Chào Luật sư, hiện nay tôi đang là bác sĩ tại bệnh viện lao tôi được biết nếu trực tiếp điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh lao phổi sẽ được hưởng phụ cấp độc hại. Do vừa vào nghề nên tôi chưa rõ là mức phụ cấp mình sẽ được hưởng là bao nhiêu, cách tính cụ thể như thế nào? Tôi có em gái học chuyên ngành kế toán cũng đang muốn xin vào làm ở bệnh viện lao với tôi nhưng tôi cũng thắc mắc rằng nếu em gái tôi không trực tiếp tiếp xúc với người bệnh nhưng làm trong môi trường dễ lây nhiễm như vậy thì có được hưởng phụ cấp độc hại không, và nếu được hưởng thì mức phụ cấp có bị chênh lệch nhiều so với người trực tiếp thăm khám, chữa bệnh cho bệnh nhân hay không? Mong luật sư giải đáp, tôi xin chân thành cảm ơn!
Cảm ơn chị Ngân đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Luật Dương Gia về vấn đề thắc mắc của chị và em gái chúng tôi xin được giải đáp như sau:
1.1. Các đối tượng được hưởng phụ cấp độc hại:
Căn cứ Điều 1 Thông tư 07/2005 Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi độc hại nguy hiểm mà yếu tố độc hại nguy hiểm cao hơn bình thường chưa được tính vào hệ số lương, bao gồm:
– Cán bộ, công chức (bao gồm cả công chức dự bị), viên chức, hoặc những đối tượng đang trong thời gian tập sự, thử việc thuộc biên chế trả lương của các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.
– Cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế nhà nước và hưởng lương theo bảng lương do Nhà nước quy định được cử đến làm việc tại các dự án và các cơ quan, tổ chức quốc tế, các hội, các tổ chức phi Chính phủ có trụ sở tại Việt Nam.
Như vậy, đối với trường hợp của chị Ngân và em gái làm việc tại bệnh viện lao là đơn vị sự nghiệp công lập thì chị Ngân và em gái chị đều sẽ là viên chức và thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp độc hại. Ngoài ra, không chỉ đối với các trường hợp nhân viên chính thức mới được hưởng phụ cấp này mà đối với những người đang trong thời gian tập sự, thử việc cũng được nhận phụ cấp độc hại.
1.2. Mức phụ cấp độc hại:
Mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm gồm 4 mức: 0,1; 0,2; 0,3 và 0,4 so với mức lương tối thiểu chung. Theo quy định tại Nghị định 23/2023/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang từ ngày 01/7/2023 mức lương tối thiểu chung (mức lương cơ sở) tăng lên 1.800.000 đồng/tháng thì các mức tiền phụ cấp độc hại nguy hiểm thực hiện từ ngày 01/7/2023 như sau:
Mức
| Hệ số
| Mức tiền phụ cấp thực hiện 01/7/2023
|
1
| 0,1
| 180.000 đồng
|
2
| 0,2
| 360.000 đồng
|
3
| 0,3
| 540.000 đồng
|
4
| 0,4
| 720.000 đồng
|
Và căn cứ Khoản 2 Mục II Thông tư
– Mức 1, hệ số 0,1 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có một trong các yếu tố độc hại, nguy hiểm sau:
+ Làm việc ở môi trường dễ bị lây nhiễm, mắc bệnh truyền nhiễm hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất độc, bụi độc, khí độc.
+ Làm việc trong môi trường thiếu dưỡng khí hoặc chịu áp suất cao, nơi quá lạnh hoặc quá nóng.
+ Làm những công việc ở nơi có độ rung liên tục với tần số cao hoặc phát sinh tiếng ồn lớn vượt quá tiêu chuẩn an toàn lao động và vệ sinh lao động cho phép.
+ Làm việc ở môi trường có điện từ trường, phóng xạ, tia bức xạ vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
– Mức 2, đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có hai trong các yếu tố độc hại, nguy hiểm quy định tại tiết a điểm 2 mục II nêu trên áp dụng hệ số 0,2.
– Mức 3, đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có ba trong các yếu tố độc hại, nguy hiểm quy định tại tiết a điểm 2 mục II nêu trên áp dụng hệ số 0,3.
– Mức 4, đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có các yếu tố độc hại, nguy hiểm quy định tại tiết a điểm 2 mục II nêu trên áp dụng hệ số 0,4.
Và theo căn cứ theo quy định tại Mục 1 Công văn số
– Mức 1, hệ số 0,1 áp dụng đối với những người:
+ Trực tiếp phục vụ cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo;
+ Trực tiếp làm hàm răng giả hoặc chữa răng;
+ Làm việc trong buồng tối, thiếu ánh sáng và không khí như buồng rửa phim, buồng làm thị trường;
+ Gián tiếp phục vụ bệnh nhân bị mắc các bệnh lao, truyền nhiễm, phong, tâm thần.
Điểm d Mục 1 Công văn số 6608/BYT-TCCB quy định như sau:
– Mức 4, hệ số 0,4 áp dụng đối với những người:
+ Trực tiếp điều trị, phục vụ, phục hồi chức năng cho bệnh nhân mắc bệnh phong (hủi), bao gồm cả các xét nghiệm Hansen;
+ Chiếu chụp, điện quang;
+ Giải phẫu pháp y, mổ xác và bảo quản trông nom xác;
+ Dùng các chất phóng xạ Radium, Cobalt để khám chữa bệnh;
+ Làm công việc trực tiếp phục vụ cho bệnh nhân tâm thần ở các bệnh viện chuyên khoa hoặc các khoa tâm thần ở các bệnh viện đa khoa (bao gồm cả công việc trực tiếp phục vụ cho thương binh và bệnh binh tâm thần ở các khu điều trị, điều dưỡng thương binh, bệnh binh);
+ Làm công việc trực tiếp phục vụ cho bệnh nhân mắc bệnh HIV/AIDS, bệnh dại, bệnh truyền nhiễm, bệnh lao ở các bệnh viện, viện chuyên khoa, các khoa truyền nhiễm và khoa lao ở các bệnh viện đa khoa;
+ Thường xuyên chuyên trách làm công tác kiểm nghiệm độc chất pháp y.
Như vậy, đối với trường hợp của chị Ngân là bác sĩ là người trực tiếp tiếp xúc, phục vụ cho bệnh nhân mắc bệnh lao phổi ở các bệnh viện lao phổi hoặc khoa lao ở các bệnh viện đa khoa thì chị sẽ được hưởng mức phụ cấp độc hại nguy hiểm là 0,4 tương đương với 720.000đ/tháng;
Riêng đối với trường hợp của em gái chị nếu là Kế toán tại bệnh viện lao phổi tức là thuộc trường hợp là người gián tiếp phục vụ bệnh nhân lao, truyền nhiễm tại bệnh viện lao phổi thì mức phụ cấp là 0,1 tương đương với 180.000đ/tháng.
2. Cách tính phí chi trả phụ cấp độc hại:
Căn cứ điểm a, khoản 3, mục III Thông tư số 07/2005/TT-BNV về cách tính phụ cấp độc hại theo đó:
Thời gian để tính hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm được tính theo thời gian thực tế làm việc tại nơi có các yếu tố độc hại, nguy hiểm;
Trong đó, nếu làm việc dưới 4 giờ trong ngày thì được tính bằng 1/2 ngày làm việc, nếu làm việc từ 4 giờ trở lên thì được tính là một ngày làm việc. Phụ cấp độc hại, nguy hiểm không để dùng tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và sẽ được trả cùng kỳ lương hàng tháng mà cán bộ, công chức, viên chức được hưởng.
3. Nguồn kinh phí chi trả chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm:
Căn cứ điểm b, khoản 3, mục III Thông tư số 07/2005/TT-BNV về nguồn kinh phí chi trả chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm:
Ngân sách nhà nước chi trả các chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm theo phân cấp ngân sách hiện hành trong dự toán ngân sách được giao hàng năm cho cơ quan, đơn vị cho các đối tượng thuộc cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ, phụ cấp độc hại, nguy hiểm;
Cơ quan, đơn vị chi trả từ nguồn kinh phí khoán và nguồn tài chính được giao tự chủ để chi trả các chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm cho các đối tượng thuộc cơ quan thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính và các đối tượng thuộc các đơn vị sự nghiệp thực hiện tự chủ tài chính, phụ cấp độc hại, nguy hiểm.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
– Công văn 6608/BYT-TCCB của Bộ Y tế Về việc hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, viên chức ngành y tế;
– Thông tư số 07/2005/TT-BNV của Bộ Nội vụ ngày 05 tháng 01 năm 2005 hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức;
– Nghị định 23/2023/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang