Ngày nay, khi nền kinh tế đang phát triển với tốc độ chóng mặt, thì các sản phẩm cũng xuất hiện tràn ngập trên thị trường, do đó chế định nhãn hiệu nói chung đóng vai trò vô cùng quan trọng. Dưới đây là bài viết về đề tài: Phân biệt giữa nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận.
Mục lục bài viết
1. Phân biệt giữa nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận:
1.1. Khát quát chung về nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận:
Thứ nhất, nhãn hiệu tập thể có thể hiểu là nhãn hiệu của một tập thể các nhà sản xuất (hay thường gọi là một hiệp hội, hợp tác xã hoặc tổng công ty …), trong đó, tổ chức tập thể xây dựng quy chế chung về việc sử dụng nhãn hiệu tập thể (như các chỉ tiêu chung về chất lượng, nguồn gốc, phương pháp sản xuất …) và các thành viên có quyền sử dụng nhãn hiệu nếu hàng hóa và dịch vụ của họ đáp ứng tiêu chuẩn. Nhãn hiệu tập thể có thể xem như một hình thức liên kết hiệu quả trong việc tiếp thị sản phẩm và dịch vụ của một nhóm doanh nghiệp. Do đó nhãn hiệu tập thể mang những đặc điểm sau đây:
– Nhãn hiệu tập thể phải là một nhãn hiệu có tính phân biệt;
– Chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể phải là một tổ chức, quy định này phù hợp với chức năng của nhãn hiệu tập thể là dùng để phân biệt hàng hóa và dịch vụ của thành viên của tổ chức là chủ sở hữu của nhãn hiệu tập thể với hàng hóa dịch vụ của thanh niên không phải là thành viên của tổ chức đó;
– Việc sử dụng nhãn hiệu tập thể của các thành viên của tổ chức phải tuân thủ theo một quy định chung được thể hiện trong quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể;
– Lợi ích của một thành viên trong việc sử dụng nhãn hiệu tập thể gắn liền với lợi ích của tập thể. Nhãn hiệu tập thể thường mang lại giá trị kinh tế cho một nhóm người là thành viên của tổ chức sở hữu nhãn hiệu tập thể đó.
Thứ hai, nhãn hiệu chứng nhận chính là khái niệm để chỉ nhãn hiệu mà một chủ thể đăng ký để chứng nhận cho các hàng hóa dịch vụ của các chủ thể khác nhau. Cho nên chủ thể đăng ký nhãn hiệu chứng nhận sẽ là người đại diện cho các sản phẩm có gắn nhãn hiệu chứng nhận và phải có khả năng đảm bảo các tiêu chuẩn chứng nhận theo đúng quy định của pháp luật. Nhãn hiệu chứng nhận thì không được sử dụng bởi chủ nhãn hiệu, người được gắn nhãn hiệu chứng nhận lên sản phẩm phải đáp ứng được các tiêu chuẩn của nhãn hiệu chứng nhận và phải được sự cho phép của chủ nhãn hiệu chứng nhận. Do đó về bản chất thì nhãn hiệu chứng nhận không phải là nhãn hiệu hàng hóa theo đúng nghĩa bởi vì:
– Nó không có mục đích xác định nguồn gốc của các loại hàng hóa và dịch vụ;
– Nhãn hiệu chứng nhận cũng không dùng để phân biệt hàng hóa dịch vụ của chủ nhãn hiệu với các loại hàng hóa dịch vụ cùng loại của các chủ thể khác trong thị trường.
1.2. Phân biệt giữa nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận:
Pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam đã ghi nhận các loại nhãn hiệu được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp như: nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng, nhãn hiệu liên kết và nhãn hiệu nổi tiếng. Theo quy định của pháp luật thì các loại nhãn hiệu này có những điểm giống nhau và những điểm khác nhau riêng biệt. Trong bài viết này thì tác giả sẽ đi sâu phân biệt nhãn hiệu tập thể với nhãn hiệu chứng nhận, thông qua những dấu hiệu cơ bản:
Tiêu chí | Nhãn hiệu tập thể | Nhãn hiệu chứng nhận |
Khái niệm | Nhãn hiệu tập thể là khái niệm để chỉ loại nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa và dịch vụ của các chủ thể là thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó, với các hàng hóa dịch vụ của tổ chức và cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó (khoản 17 Điều 4 của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung năm 2022). | Nhãn hiệu chứng nhận là khái niệm để chỉ loại nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu đó cho phép tổ chức và cá nhân khác sử dụng trên các loại hàng hóa và dịch vụ của các chủ thể đã tổ chức và cá nhân đó để chứng minh về các đặc tính, xuất xứ nguyên liệu, vật liệu, cách thức cách sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, và độ chính xác, cũng như độ an toàn, hoặc các đặc tính khác của hàng hóa và dịch vụ mang nhãn hiệu (căn cứ tại khoản 18 Điều 4 của Luật Sở hiểu trí tuệ sửa đổi năm 2022). |
Chức năng | Phân biệt hàng hóa và dịch vụ của các thành viên của tổ chức sở hữu nhãn hiệu tập thể này với các cá nhân không phải là thành viên của tổ chức. | Chứng nhận hàng hóa và dịch vụ đáp ứng các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, cũng như độ an toàn, hoặc các đặc tính khác của hàng hóa và dịch vụ mang nhãn hiệu. |
Chủ thể sử dụng | Các tổ chức được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật. | Tổ chức có chức năng kiểm soát và chứng nhận hàng hóa dịch vụ, với điều kiện không được tiến hành sản xuất và kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó. |
Chủ thể có quyền sử dụng | Tổ chức và các thành viên của tổ chức. | Bất kỳ chủ thể nào có hàng hóa và dịch vụ đạt tiêu chuẩn đã đặt ra và được chủ sở hữu cho phép gắn nhãn hiệu. |
2. Quy định pháp luật về xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận:
Với chức năng cơ bản là chỉ dẫn nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng nên theo quy định của pháp luật, những chủ thể sau có quyền đăng nộp đơn đăng ký nhãn hiệu nói chung, nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận nói riêng, cụ thể như sau:
– Các chủ thể tiến hành sản xuất hàng hóa hay cung cấp dịch vụ trên thị trường;
– Chủ thể tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp cũng có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất phải thỏa mãn hai điều kiện: người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm; họ đã biết việc đăng ký đó nhưng không phản đối. Đối với nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu đăng ký nhãn hiệu đó mà Việt Nam là thành viên thì người đại diện hoặc đại lý đó không được đăng ký nhãn hiệu trừ trường hợp được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc đưa ra lý do chính đáng;
– Tổ chức, tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế của nhãn hiệu tập thể;
– Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đế hàng hóa, dich vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó
3. Ý nghĩa của việc xây dựng chế định nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận:
Tại các địa phương, do những đặc thù nhất định, nên vấn đề xây dựng chế định bảo hộ nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm là một hướng đi đúng đắn. Việc bảo hộ nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận mang lại những ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế tại các địa phương có tiềm năng, cụ thể như sau:
Thứ nhất, quy định này sẽ giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm của các bà con nông dân được dễ dàng, giá cả sẽ tốt hơn và đặc biệt là cơ sở để đầu ra sản phẩm ổn định (đây là một trong những yếu tố mà các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm chấp nhận bao tiêu sản phẩm).
Thứ hai, quy định này sẽ khuyến khích cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức và cá nhân cùng sản xuất kinh doanh đối với cùng một loại hàng hóa dịch vụ bằng cách không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa dịch vụ cũng như không ngừng nâng cao uy tín mặt hàng của mình trên thị trường, không lo ngại về việc tên thương hiệu sản phẩm của mình sẽ bị đánh cắp bởi các chủ thể khác.
Thứ ba, quy định này còn là một trong những công cụ hữu hiệu để quảng cáo và xúc tiến đầu tư Thương mại vì nhãn hiệu tập thể có chức năng chỉ dẫn nguồn gốc suất xứ của sản phẩm và dịch vụ từ một địa phương nhất định.
Thứ tư, quy định này còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đó là giúp ngăn chặn tình trạng vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu của người khác, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của chủ sở hữu. Một nhãn hiệu phát triển tốt trên thị trường nếu chưa được đăng ký sẽ rất dễ bị các chủ thể khác đánh cắp hoặc đăng ký trước. Ở Việt Nam thì bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nói chung và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận nói riêng đã được thực hiện trên cơ sở đăng ký.
Thứ năm, quy định này sẽ góp phần đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng. Thông qua nhãn hiệu người tiêu dùng có thể lựa chọn cho mình những sản phẩm và dịch vụ mình có nhu cầu mà không phải lo mua phải hàng hóa kém chất lượng. Chỉ có thông qua hình thức bảo hộ nhãn hiệu thì người tiêu dùng mới đảm bảo được lợi ích chính đáng của họ. Ngoài ra thì các quy định này còn là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền giải quyết các tình trạng vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận. Căn cứ để xác định chủ sở hữu của nhãn hiệu chính là giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Vì tế bảo hộ nhãn hiệu không những bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu và người tiêu dùng mà còn là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp khi có vi phạm xảy ra.
Bên cạnh những ý nghĩa quan trọng nêu trên thì chế định này cũng góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước. Khi các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp nói chung và nhãn hiệu tập thể cũng như nhãn hiệu chứng nhận nói riêng được pháp luật Việt Nam bảo hộ thì sẽ tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi và lành mạnh để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022.