Khi nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam thì cần phải có sự dồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vậy pháp luật quy định như thế nào về cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam?
Mục lục bài viết
1. Hình thức, nội dung, thời hạn cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam:
Căn cứ Điều 3 Nghị định 41/2016/NĐ-CP về cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam quy định hình thức, nội dung, thời hạn cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam, Điều này quy định hình thức, nội dung, thời hạn cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam cụ thể như sau:
– Hình thức cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam:
+ Tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam phải được sự đồng ý cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam;
+ Tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng đặc quyền kinh tế và ở thềm lục địa Việt Nam phải được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam;
+ Việc cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam và trong việc chấp thuận cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học ở trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam được thể hiện bằng việc quyết định cấp phép nghiên cứu khoa học.
– Nội dung Quyết định cấp phép nghiên cứu khoa học bao gồm các nội dung chính sau đây:
+ Tên, địa chỉ, quốc tịch của tổ chức, cá nhân nước ngoài được cấp phép;
+ Tên, quốc tịch của các nhà khoa học nước ngoài; tên của các nhà khoa học Việt Nam tham gia hoạt động nghiên cứu;
+ Mục tiêu, nội dung hoạt động nghiên cứu;
+ Vị trí, tọa độ khu vực biển thực hiện hoạt động nghiên cứu;
+ Phương pháp nghiên cứu; phương tiện, thiết bị nghiên cứu; vật liệu nổ, hóa chất độc được phép sử dụng để nghiên cứu;
+ Lịch trình nghiên cứu;
– Thời hạn cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam:
+ Được xác định căn cứ vào mục tiêu, nội dung nghiên cứu theo hồ sơ đề nghị cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam nhưng tối đa không quá 02 năm và sẽ được gia hạn một lần tối đa không quá 01 năm.
+ Trường hợp thời hạn gia hạn đã hết nhưng hoạt động nghiên cứu chưa hoàn thành và tổ chức, cá nhân nước ngoài mà có nhu cầu tiếp tục nghiên cứu thì tổ chức, cá nhân nước ngoài phải làm hồ sơ đề nghị cấp phép mới theo quy định của pháp luật.
2. Thủ tục cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam:
Thủ tục cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam được thực hiện như sau:
2.1. Chuẩn bị hồ sơ:
Hồ sơ tục cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam bao gồm những giấy tờ sau:
– Đơn đề nghị cấp phép nghiên cứu khoa học (đơn đề nghị được lập theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 41/2016/NĐ-CP) ;
– Văn bản chứng minh tư cách pháp nhân theo quy định pháp luật của nước nơi tổ chức được thành lập nêu là tổ chức;
– Văn bản chứng minh năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của nước nơi mà cá nhân mang quốc tịch nếu là cá nhân đề nghị cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam;
– Văn bản hợp tác nghiên cứu khoa học giữa tổ chức, cá nhân nước ngoài và tổ chức, cá nhân Việt Nam trong trường hợp là có hợp tác với phía Việt Nam ở khu vực biển dự kiến tiến hành nghiên cứu khoa học;
– Dự án hoặc kế hoạch nghiên cứu khoa học ở khu vực biển dự kiến tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam.
2.2. Nộp hồ sơ:
– Hình thức nộp hồ sơ:
+ Tổ chức, cá nhân nước ngoài gửi hồ sơ đề nghị cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam bằng các hình thức sau đến Bộ Tài nguyên và Môi trường:
+ Gửi hồ sơ đề nghị cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam qua đường ngoại giao.
+ Gửi hồ sơ đề nghị cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam qua đường ngoại giao hoặc gửi trực tiếp đến Bộ Tài nguyên và Môi trường: áp dụng đối với trường hợp tổ chức nộp hồ sơ là tổ chức nước ngoài là tổ chức liên chính phủ.
– Thời gian nộp hồ sơ: Hồ sơ đề nghị cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam phải gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường với đầy đủ các thông tin theo quy định chậm nhất 6 tháng trước thời điểm dự kiến tiến hành nghiên cứu khoa học.
2.3. Giải quyết hồ sơ:
– Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ: Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra các vấn đề sau của hồ sơ đề nghị cấp quyết định cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam:
+ Hình thức hồ sơ đề nghị cấp quyết định cấp phép nghiên cứu khoa học;
+ Thành phần hồ sơ đề nghị cấp quyết định cấp phép nghiên cứu khoa học;
+ Nội dung hồ sơ đề nghị cấp quyết định cấp phép nghiên cứu khoa học.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp quyết định cấp phép nghiên cứu khoa học, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải có văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân nước ngoài về việc:
+ Tiếp nhận hồ sơ trong trường hợp hồ sơ đầy đủ theo đúng quy định
+ Bổ sung, hoàn thiện hồ sơ trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo đúng quy định.
– Lấy ý kiến các cơ quan có liên quan:
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp phép nghiên cứu khoa học theo quy định thì Bộ Tài nguyên và Môi trường phải gửi văn bản kèm theo hồ sơ đề nghị cấp phép đến các cơ quan sau để lấy ý kiến về việc cấp phép nghiên cứu khoa học:
+ Bộ Quốc phòng;
+ Bộ Ngoại giao;
+ Bộ Công an;
+ Bộ Khoa học và Công nghệ;
+ Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực;
+ Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
+ Các cơ quan có liên quan.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường, những cơ quan được lấy ý kiến đã nêu trên phải có văn bản trả lời gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Quá thời hạn 30 ngày mà không có văn bản trả lời thì coi như các cơ quan được lấy ý kiến nêu trên đồng ý với các nội dung được lấy ý kiến và sẽ phải chịu trách nhiệm đầy đủ về các vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền của ngành, lĩnh vực mình quản lý.
– Thẩm định cấp phép:
+ Nội dung thẩm định:
++ Tính đầy đủ về hình thức, thành phần, nội dung và tính chính xác của thông tin trong hồ sơ;
++ Sự phù hợp giữa mục tiêu và nội dung của hoạt động nghiên cứu khoa học;
++ Việc đáp ứng các điều kiện cấp phép quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, những quy định có liên quan của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và những điều kiện sửa đổi, bổ sung, gia hạn quyết định cấp phép nghiên cứu khoa học
+ Việc thẩm định được thực hiện theo quy định sau đây:
++ Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam thì Bộ Tài nguyên và Môi trường phải hoàn thành việc tổ chức thẩm định cấp phép theo đúng nội dung pháp luật quy định đã nêu trên.
++ Kết quả thẩm định phải được lập bằng văn bản.
– Quyết định việc cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quyết định cấp phép cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam dựa trên các cơ sở sau:
+ Kết quả thẩm định;
+ Hồ sơ đề nghị cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam đáp ứng các yêu cầu, điều kiện theo quy định của pháp luật;
+ Không thuộc một trong các trường hợp từ chối cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành việc nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam;
+ Có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ về việc cấp phép.
– Thời gian cấp phép nghiên cứu khoa học: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phải ra quyết định về việc cấp phép nghiên cứu khoa học chậm nhất là trong thời hạn:
+ 120 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định.
+ 120 ngày được tính từ ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ nhận được văn bản hợp tác nghiên cứu khoa học bổ sung vào trong hồ sơ hoặc nhận được hồ sơ đã điều chỉnh về nội dung nghiên cứu khoa học không có khoan ở đáy biển, lòng đất dưới đáy biển: áp dụng đối với trường hợp hoạt động nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài mà có khoan ở đáy biển, lòng đất dưới đáy biển; nghiên cứu khoa học trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam trong trường hợp mà có yêu cầu hợp tác của phía Việt Nam.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 41/2016/NĐ-CP về cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam.