Khi góp vốn vào một doanh nghiệp thì người góp vốn ngoài việc được góp bằng tiền thì còn có thể được góp vốn bằng các tài sản khác. Vậy có được góp vốn vào công ty bằng tài sản đang thế chấp?
Mục lục bài viết
1. Có được góp vốn vào công ty bằng tài sản đang thế chấp?
– Điều 34
+ Đồng Việt Nam;
+ Ngoại tệ tự do chuyển đổi;
+ Vàng;
+ Quyền sử dụng đất;
+ Quyền sở hữu trí tuệ;
+ Công nghệ;
+ Bí quyết kỹ thuật;
+ Tài sản khác có thể định giá được bằng đồng Việt Nam.
– Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với các tài sản được góp vốn trên mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.
– Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn, Điều này quy định rõ các thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông của công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây:
+ Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu (ví dụ như xe, tàu,…) hoặc quyền sử dụng đất thì người góp vốn vào công ty bằng tài sản có đăng ký phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật.
+ Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn và phải có xác nhận bằng biên bản, trừ trường hợp được thực hiện thông qua tài khoản.
– Đồng thời, Bộ Luật Dân sự 2015 quy định một trong những nghĩa vụ của bên thế chấp tài sản đó chính là không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp:
+ Tài sản thế chấp là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
+ Tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu như được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.
Theo đó, khi góp vốn vào công ty bằng tài sản thì người góp vốn phải thực hiện chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty. Nếu tài sản góp vốn là tài sản đăng ký quyền sở hữu/sử dụng thì phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty, còn nếu tài sản góp vốn là tài sản không đăng ký quyền sở hữu thì làm thủ tục giao nhận tài sản góp vốn. Nhưng như đã nói ở trên, bên thế chấp không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, chính vì thế tài sản đã thế chấp thì không được góp vốn vào công ty bằng tài sản đang thế chấp đó.
2. Phải làm gì để được góp vốn vào công ty bằng tài sản đang thế chấp:
Như đã phân tích ở mục trên, tài sản đã thế chấp thì không được góp vốn vào công ty bằng tài sản đang thế chấp đó. Nếu thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần muốn dùng tài sản đang thế chấp để góp vốn thì phải hoàn thành nghĩa vụ với bên nhận thế chấp tài sản và đăng ký giải chấp (đăng ký xóa thế chấp). Đăng ký xóa thế chấp được hiểu là việc xóa đăng ký biện pháp bảo đảm (tức là chấm dứt thế chấp tài sản), giải trừ thế chấp tài sản mà trước đó tài sản đã được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cụ thể nào đó (việc thế chấp tài sản đã được tiến hành đăng ký biện pháp bảo đảm tại cơ quan có thẩm quyền). Thủ tục đăng ký xóa thế chấp để góp vốn vào công ty được thực hiện như sau:
2.1. Chuẩn bị hồ sơ:
– Đối với hồ sơ xóa đăng ký thế chấp đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất:
+ Phiếu yêu cầu theo Mẫu số 03a tại Phụ lục Nghị định 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm (01 bản chính).
+ Giấy chứng nhận (bản gốc) trong trường hợp tài sản bảo đảm có Giấy chứng nhận.
+ Trường hợp người yêu cầu xóa đăng ký thế chấp không phải là bên nhận bảo đảm và trên Phiếu yêu cầu không có chữ ký và con dấu (nếu có) của bên nhận bảo đảm nộp thêm giấy tờ, tài liệu sau đây (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực):
++ Văn bản có nội dung thể hiện việc bên nhận bảo đảm đồng ý xóa đăng ký thế chấp hoặc xác nhận về việc hợp đồng bảo đảm đã được chấm dứt, đã được thanh lý hoặc xác nhận về việc giải chấp trong trường hợp người yêu cầu xóa đăng ký thế chấp là bên bảo đảm;
++ Hợp đồng hoặc văn bản khác đã có hiệu lực pháp luật chứng minh về việc chuyển giao hợp pháp tài sản bảo đảm trong trường hợp người yêu cầu xóa đăng ký thế chấp là người nhận chuyển giao hợp pháp tài sản bảo đảm
++ Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá đã có hiệu lực pháp luật hoặc là Văn bản xác nhận kết quả thi hành án trong trường hợp người yêu cầu xóa đăng ký thế chấp là cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên hoặc của người yêu cầu xóa đăng ký thế chấp là người mua tài sản bảo đảm trong xử lý tài sản theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;
++ Văn bản của cơ quan có thẩm quyền có nội dung về việc bên nhận bảo đảm là một tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng trở thành doanh nghiệp mà có vốn đầu tư nước ngoài, là công dân Việt Nam trở thành công dân của nước ngoài trong trường hợp xóa đăng ký thế chấp đối với Bên nhận thế chấp là tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;
++ Văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc giải thể pháp nhân trong trường hợp xóa đăng ký thế chấp đối với bên nhận bảo đảm là pháp nhân bị giải thể theo quy định của pháp luật.
– Đối với hồ sơ xóa đăng ký thế chấp đối với động sản:
+ Phiếu yêu cầu theo Mẫu số 03d tại Phụ lục Nghị định 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm (01 bản chính)
+ Giấy tờ, tài liệu sau đây (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực):
++ Văn bản có nội dung thể hiện việc bên nhận bảo đảm đồng ý xóa đăng ký thế chấp hoặc xác nhận về việc hợp đồng bảo đảm đã chấm dứt, đã được thanh lý hoặc được xác nhận về việc giải chấp trong trường hợp người yêu cầu xóa đăng ký thế chấp là bên bảo đảm và trên Phiếu yêu cầu không có chữ ký và con dấu (nếu có) của bên nhận bảo đảm;
++ Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá đã có hiệu lực pháp luật hoặc Văn bản xác nhận về kết quả thi hành án trong trường hợp người yêu cầu xóa đăng ký thế chấp là cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên hoặc người mua các tài sản bảo đảm trong xử lý tài sản theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;
++ Hợp đồng hoặc văn bản khác đã có hiệu lực pháp luật chứng minh về việc chuyển giao hợp pháp các tài sản bảo đảm trong trường hợp người yêu cầu xóa đăng ký thế chấp là người nhận chuyển giao hợp pháp tài sản bảo đảm;
++ Văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc giải thể pháp nhân trong trường hợp xóa đăng ký thế chấp đối với bên nhận bảo đảm là pháp nhân bị giải thể theo quy định của pháp luật.
2.2. Nộp hồ sơ:
– Người yêu cầu xóa đăng ký thế chấp tài sản gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền bằng một trong các cách thức sau:
+ Qua hệ thống đăng ký trực tuyến;
+ Nộp bản giấy trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính;
+ Qua thư điện tử (đã được cấp tài khoản đăng ký trực tuyến).
– Cơ quan có thẩm quyền xóa đăng ký thế chấp là:
+ Đối với hồ sơ xóa đăng ký thế chấp đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất: nộp hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai
+ Đối với hồ sơ xóa đăng ký thế chấp đối với động sản: Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp
2.3. Giải quyết hồ sơ:
– Trường hợp hồ sơ xóa đăng ký thế chấp được nộp bằng bản giấy mà hợp lệ thì người tiếp nhận hồ sơ sẽ ghi vào sổ tiếp nhận, cấp Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả.
– Trường hợp hồ sơ đăng ký được nộp qua hệ thống đăng ký trực tuyến, cơ quan đăng ký tiếp nhận yêu cầu, thực hiện kiểm tra hồ sơ thông qua giao diện trực tuyến. Nếu như hồ sơ xóa đăng ký thế chấp hợp lệ thì phản hồi tự động xác nhận về việc tổ chức, cá nhân đã gửi thành công và thông báo về thời điểm được tiếp nhận hồ sơ hoặc thực hiện việc phản hồi này.
– Thời hạn giải quyết hồ sơ xóa đăng ký thế chấp tài sản:
+ Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm giải quyết hồ sơ xóa đăng ký thế chấp trong ngày làm việc nhận được hồ sơ hợp lệ; nếu như thời điểm nhận hồ sơ sau 15 giờ cùng ngày thì có thể được hoàn thành việc xóa đăng ký thế chấp trong ngày làm việc tiếp theo.
+ Trường hợp cơ quan đăng ký có lý do chính đáng phải kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ xóa đăng ký thế chấp thì thời hạn giải quyết hồ sơ không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm;
– Luật Doanh nghiệp 2020;
– Bộ Luật Dân sự 2015.