Hiện nay có rất nhiều trường hợp người mua mua phải xe cũ bị trộm cắp mà có. Vậy mua xe máy không biết do trộm cắp mà có thì có sao không?
Mục lục bài viết
1. Mua xe máy không biết do trộm cắp mà có thì có sao không?
Căn cứ khoản 1 Điều 323 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có như sau:
– Khung 1: phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Đối tượng không có sự hứa hẹn trước nhưng chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có.
– Khung 2: phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
+ Thực hiện hành vi phạm tội có tổ chức.
+ Thực hiện hành vi phạm tội có tính chất chuyên nghiệp.
+ Trộm cắp vật, tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng.
+ Thu lợi bất chính số tiền từ 20 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng.
+ Tái phạm nguy hiểm.
– Khung 3: phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:
+ Vật, tài sản có giá trị từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.
+ Thu lợi bất chính số tiền từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng.
– Khung 4: phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
+ Vật, tài sản có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.
+ Thu lợi bất chính số tiền từ 300 triệu đồng trở lên.
– Ngoài ra, người phạm tội còn bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, hoặc có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, theo quy định của Bộ luật hình sự, người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp nếu người nào mua phải xe do trộm cắp mà có nhưng không hề biết việc trộm cắp đó thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Hợp đồng dân sự mua xe do trộm cắp mà có thì có bị vô hiệu?
Căn cứ Điều 122 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định giao dịch dân sự vô hiệu khi không có một trong các điều kiện theo quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể gồm:
– Điều kiện về chủ thể: chủ thể trong Hợp đồng phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập.
– Khi tham gia giao dịch dân sự, các bên phải hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối, cưỡng ép.
– Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự: không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Do đó, khi mua xe do trộm cắp mà có là hành vi vi phạm pháp luật. Hợp đồng dân sự sẽ bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật.
Hậu quả pháp lý của một hợp đồng dân sự bị vô hiệu như sau:
+ Sẽ không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
+ Các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Nếu như không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì phải quy đổi ra tiền để thanh toán.
+ Đối với những hoa lợi, lợi tức nếu là bên ngay tình thì sẽ không phải hoàn trả.
3. Những lưu ý khi mua xe để tránh mua phải xe do trộm cắp:
Thực tế hiện nay, việc mua bán xe do không tìm hiểu kĩ dẫn đến việc mua phải xe do trộm cắp mà có xảy ra rất nhiều. Để tránh tình trạng trên, người dân khi mua bán xe cần phải lưu ý những vấn đề sau:
– Kiểm tra nguồn gốc xe một cách đầy đủ và hợp lý:
Đây là điều cần làm đầu tiên khi mua bán xe cũ. Thực tế, không thể chỉ tin vào giấy tờ xe mà phải kiểm tra cả những giấy tờ khác như hóa đơn bán hàng, giấy đăng ký có khớp với tên của chủ xe trên chứng minh hay không. Điều này tránh được việc mua phải một chiếc xe trộm cắp dù có giấy tờ hoặc chiếc xe vẫn trong quá trình trả góp từ các cửa hàng.
– Mua xe nên mua chính chủ, tránh việc mua bán không giấy tờ hay mua qua tay nhiều người.
Hiện nay, việc mua xe không chính chủ diễn ra thường xuyên vì lý do giá rẻ và người dân thường có tâm lý ngại làm giấy tờ nên đánh liều mua xe chỉ bằng tờ giấy viết tay, thậm chí là không có giấy tờ xe, không đúng xe chính chủ. Chính vì điều này mà dẫn đến việc sẽ không nắm được thông tin mà mua phải xe bị trộm cắp.
Bên cạnh việc kiểm tra nguồn gốc, giấy tờ xe, khi mua xe cũ người mua cũng nên tìm hiểu về chất lượng của xe như:
Kiểm tra bề ngoài của xe, những gì có thể nhìn được ngay. Sau đó tiến hành kiểm tra động cơ của xe. Động cơ xe máy cũ thường được các chủ xe làm lại, có thể nhiều xe bị thay thế phụ tùng bên trong kém chất lượng hoặc đã bị sử dụng một thời gian dài. Để chắc chắn, người mua có thể đi thử xe. Nếu có những biểu hiện trên nhiều khả năng động cơ xe đã được sửa chữa. Động cơ tốt phải dễ dàng nổ máy, tiếng nổ đều và không có tiếng kêu lạ “cạch, cạch”, máy không bị chết đột ngột giữa chừng.
Cuối cùng, khi mua bán xe, người mua cần nắm được quy trình mua bán xe đúng quy định của luật để tránh làm sai dẫn đến việc mua bán xe là không có giá trị. Mua bán xe phải được lập hợp đồng mua bán bằng văn bản, tiến hành công chứng hợp đồng xe sau đó tiến hành thủ tục sang tên xe.
4. Mẫu hợp đồng mua bán xe mới nhất:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
HỢP ĐỒNG MUA BÁN XE
Tại Phòng Công chứng số…… thành phố…….. (Trường hợp việc công chứng được thực hiện ngoài trụ sở, thì ghi địa điểm thực hiện công chứng và Phòng Công chứng), chúng tôi gồm có:
Bên bán (sau đây gọi là Bên A):
Ông: ……..Sinh ngày: ……
CCCD:……….cấp ngày: ….….. tại: ………
Hộ khẩu thường trú: ………
Cùng vợ là bà: ………
Sinh ngày: ………
CCCD:………cấp ngày: …………..tại:……
Hộ khẩu thường trú: …………
Bên mua (sau đây gọi là Bên B):
Ông: …….Sinh ngày: ………
CMND:………. Cấp ngày: ……. tại: ………
Hộ khẩu thường trú: ………
Hai bên đồng ý thực hiện việc mua bán xe máy với các thỏa thuận sau đây:
ĐIỀU 1. Đối tượng của hợp đồng
Bên A đồng ý bán và bên B đồng ý mua chiếc xe được mô tả dưới đây:
1. Đặc điểm xe:
Biển số: ………..;
Nhãn hiệu:…….. ;
Dung tích xi lanh:……..;
Loại xe: ……… ;
Màu sơn:….….;
Số máy:……… ;
Số khung:…….;
Các đặc điểm khác: ……….(nếu có)
2. Giấy đăng ký xe số:…………do……..cấp ngày……
ĐIỀU 2. Giá mua bán và phương thức thanh toán
1. Giá mua bán xe nêu tại Điều 1 là: ………
(Bằng chữ: ……..)
2. Phương thức thanh toán: ………
3. Việc thanh toán số tiền nêu trên do hai bên tự thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
ĐIỀU 3. Thời hạn, địa điểm và phương thức giao xe………
ĐIỀU 4. Quyền sở hữu đối với xe mua bán
1. Bên mua có trách nhiệm thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu đối với xe tại cơ quan có thẩm quyền (ghi rõ các thỏa thuận liên quan đến việc đăng ký);
2. Quyền sở hữu đối với xe nêu trên được chuyển cho Bên B, kể từ thời điểm thực hiện xong các thủ tục đăng ký quyền sở hữu xe;
ĐIỀU 5. Việc nộp thuế và lệ phí công chứng
Thuế và lệ phí liên quan đến việc mua bán chiếc xe theo Hợp đồng này do Bên mua chịu trách nhiệm nộp.
ĐIỀU 6. Phương thức giải quyết tranh chấp
Trong quá trình thực hiện Hợp đồng mà phát sinh tranh chấp, các bên cùng nhau thương lượng giải quyết trên nguyên tắc tôn trọng quyền lợi của nhau; trong trường hợp không giải quyết được, thì một trong hai bên có quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
ĐIỀU 7. Cam đoan của các bên
Bên A và bên B chịu trách nhiệm trước pháp luật về những lời cam đoan sau đây:
1. Bên A cam đoan:
a) Những thông tin về nhân thân, về xe mua bán ghi trong Hợp đồng này là đúng sự thật;
b) Xe mua bán không có tranh chấp, không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật;
c) Việc giao kết Hợp đồng này hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối hoặc ép buộc;
d) Thực hiện đúng và đầy đủ tất cả các thỏa thuận đã ghi trong Hợp đồng này;
2. Bên B cam đoan:
a) Những thông tin về nhân thân ghi trong Hợp đồng này là đúng sự thật;
b) Đã xem xét kỹ, biết rõ về xe mua bán và các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu;
c) Việc giao kết Hợp đồng này hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối hoặc ép buộc;
d) Thực hiện đúng và đầy đủ tất cả các thỏa thuận đã ghi trong Hợp đồng này.
ĐIỀU 8. Điều khoản cuối cùng
1. Hai bên công nhận đã hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc giao kết Hợp đồng này;
2. Hai bên đã tự đọc Hợp đồng, đã hiểu và đồng ý tất cả các điều khoản ghi trong Hợp đồng và ký vào Hợp đồng này trước sự có mặt của Công chứng viên;
Hoặc có thể chọn một trong các trường hợp sau đây:
Hai bên đã tự đọc Hợp đồng, đã hiểu và đồng ý tất cả các điều khoản ghi trong Hợp đồng và ký, này trước sự có mặt của Công chứng viên;
3. Hợp đồng có hiệu lực thời điểm các bên ký kết hợp đồng
BÊN A (ký, điểm chỉ và ghi rõ họ tên) | BÊN B (ký, điểm chỉ và ghi rõ họ tên) |
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
Bộ luật dân sự 2015.