Để hoạt động quyết định hình phạt có căn cứ, đúng pháp luật, công minh đối với người bị kết án, Tòa án phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Hình sự và coi đó là tư tưởng chủ đạo và là định hướng cơ bản được ghi nhận trong Bộ luật Hình sự.
Để hoạt động quyết định hình phạt có căn cứ, đúng pháp luật, công minh đối với người bị kết án, Tòa án phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của BLHS. Nguyên tắc của luật hình sự là tư tưởng chủ đạo và là định hướng cơ bản được ghi nhận trong BLHS. Những nguyên tắc cụ thể khi quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt bao gồm:
Mục lục bài viết
1. Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa:
Pháp chế XHCN là một trong những nguyên tắc cơ bản của luật hình sự. Nội dung của nguyên tắc pháp chế thể hiện ở chỗ tất cả những gì là cơ sở của TNHS, của việc áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp cũng như của việc áp dụng các hình thức TNHS khác với tư cách là hậu quả pháp lý của việc thực hiện tội phạm đều phải được quy định trong luật hình sự. Nguyên tắc pháp chế đòi hỏi tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức, tổ chức xã hội, công dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật, trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Nguyên tắc này đã được xây dựng từng bước qua các giai đoạn phát triển của nhà nước và pháp luật Việt Nam. Ngay từ Hiến pháp 1980 đã quy định nguyên tắc pháp chế XHCN là cơ sở hoạt động của toàn bộ bộ máy nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, và được tái khẳng định trong Hiến pháp năm 1992 và 2013. Nguyên tắc pháp chế XHCN khi quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt được thể hiện như sau:
Hình phạt được quy định đối với những người phạm các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt phải được quy định trong luật, chỉ có luật mới xác định hình phạt cho mỗi tội phạm xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt. Hiện nay, văn bản luật duy nhất quy định các loại hình phạt là BLHS năm 2015. Trong đó, hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt được quy định cụ thể từ Điều 168 đến Điều 175 thuộc Chương XVI – Các tội xâm phạm sở hữu của BLHS. Vì vậy, khi quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt thì nguyên tắc pháp chế XHCN đòi hỏi Tòa án phải căn cứ vào chính các điều luật cụ thể đó.
Nguyên tắc pháp chế về quyết định hình phạt đòi hỏi nhà làm luật quy định loại hình phạt áp dụng cũng như mức tối đa và tối thiểu của nó rõ ràng trong điều luật về tội phạm cụ thể. Do đó, khi xét xử và quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt, Hội đồng xét xử phải căn cứ vào các quy định cụ thể từ Điều 168 đến Điều 175 của BLHS để cân nhắc lựa chọn loại hình phạt và mức hình phạt tương xứng. Hội đồng xét xử có nghĩa vụ tôn trọng giới hạn hình phạt được xác định bởi luật và không có quyền quyết định hình phạt vượt mức tối đa mà khung hình phạt quy định đối với tội phạm mà họ xét xử; nhưng trong những trường hợp nhất định, họ có quyền quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất mà điều luật quy định hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt có các loại hình phạt chính sau: cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, tù chung thân, và có các hình phạt bổ sung sau: phạt tiền, phạt quản chế, cấm cư trú, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Người phạm tội bị xét xử về tội danh gì thì hình phạt được áp dụng đối với họ phải theo đúng tội danh đó.
Nguyên tắc pháp chế về quyết định hình phạt đòi hỏi hình phạt được Tòa án áp dụng phải tương xứng với tính chất, mức độ thiệt hại do các hành vi phạm tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt gây ra, bảo đảm đạt được các mục đích của hình phạt. Do đó, mỗi loại tội phạm cụ thể được quy định từ Điều 168 đến
Điều 175 của BLHS sẽ có các loại hình phạt và mức hình phạt tương ứng. Tôi phạm càng nghiêm trọng thì hình phạt càng nghiêm khắc. Sự đa dạng và phong phú về các loại tội phạm đòi hỏi phải có sự đa dạng, phong phú và cân đối về các loại hình phạt với mức độ cưỡng chế nặng, nhẹ khác nhau. Theo đó, loại hình phạt và mức hình phạt được quy định cụ thể tùy thuộc vào mức độ hậu quả thiệt hại về tài sản, nhân thân do hành vi phạm tội gây ra; tính chất, động cơ của người phạm tội; nhân thân người phạm tội.
Nguyên tắc pháp chế XHCN về quyết định hình phạt còn được thể hiện ở chỗ nếu văn bản pháp luật mới nghiêm khắc hơn so với văn bản pháp luật cũ thì sẽ không được áp dụng đối với hành vi phạm tội xảy ra trước khi văn bản pháp luật mới có hiệu lực thi hành. Theo khoản 3 Điều 7 BLHS, điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn không được áp dụng đối với những hành vi được thực hiện trước khi nó có hiệu lực thi hành. Tương tự, trường hợp điều luật mở rộng phạm vi áp dụng của đạo luật bằng quy định mới, thay đổi chế độ tái phạm, tái phạm nguy hiểm, chế độ tổng hợp hoặc không tổng hợp hình phạt, hoặc bổ sung hình phạt, hoặc bỏ trường hợp giảm hình phạt, miễn hình phạt, hạn chế phạm vi áp dụng án treo ... và các quy định khác làm xấu tình trạng của người phạm tội đều không được áp dụng đối với hành vi phạm tội xảy ra trước khi điều luật đó có hiệu lực pháp luật.
Đạo luật hình sự Việt nam không có hiệu lực hồi tố, tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ đó là trường hợp liên quan tới đạo luật hình sự mới nhưng nhẹ hơn, ít nghiêm khắc hơn so với đạo luật cũ. Hiệu lực hồi tố của đạo luật hình sự ít nghiêm khắc hơn được thừa nhận không chỉ ở nước ta mà còn được thừa nhận ở phần lớn các nước trên thế giới. Nó được chấp nhận là vì lợi ích xã hội và lợi ích của chính cá nhân người phạm tội. Điều này đã được ghi nhận tại khoản 3 Điều 7 BLHS. Do đó, khi quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt Tòa án cũng cần triệt để tuân thủ áp dụng những trường hợp ngoại lệ này cho phù hợp với các nguyên tắc khác của luật hình sự. Ví dụ: Tội cướp tài sản được quy định tại Điều 168 BLHS 2015 đã xóa bỏ hình phạt tử hình so với Điều 133 BLHS 1999, đây là quy định có lợi cho người phạm tội, nên được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi BLHS 2015 có hiệu lực thi hành.
Nguyên tắc pháp chế XHCN khi quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt còn thể hiện ở chỗ hình phạt chỉ có thể do Tòa án quyết định đối với người phạm tội, việc tuyên hình phạt phải công khai tại phiên tòa và bằng một bản án. Nguyên tắc pháp chế còn thể hiện ở tính chính xác của hình phạt được tuyên, tính lập luận và bắt buộc có lý do trong bản án được tuyên, tính hợp lý của việc quyết định hình phạt. Trước hết là hình phạt quyết định đối với người phạm tội phải cụ thể về loại và mức hình phạt, hai là Tòa án phải làm sáng tỏ các tình tiết trong vụ án để làm căn cứ cho việc quyết định hình phạt. Tuy nhiên, những tình tiết đó phải được thẩm vấn, kiểm tra lại trong quá trình xét xử đồng thời phải chỉ rõ lý do của việc quyết định hình phạt.
Nguyên tắc pháp chế XHCN khi quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt còn thể hiện ở việc hình phạt chỉ có thể áp dụng đối với chính người có hành vi phạm tội. Bởi, hình phạt là hậu quả pháp lý của tội phạm, là công cụ để thực hiện TNHS. Vì vậy, hình phạt không được phép áp dụng với tập thể, với các thành viên trong gia đình hoặc đối với những người thân thiết khác của người phạm tội.
Tóm lại, việc khẳng định và quy định nguyên tắc pháp chế XHCN khi quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt trong BLHS là đòi hỏi khách quan đối với các hoạt động bảo vệ pháp luật của các cơ quan chức năng và cả đối với hành vi của công dân. Xác định và thực hiện đầy đủ nguyên tắc này là tạo lập và khẳng định trật tự, kỷ cương phép nước, không ngừng nâng cao trình độ văn hoá chính trị và văn hoá pháp lý trong xã hội. Đó đồng thời cũng là sự thể hiện yêu cầu bảo vệ quyền con người trong xã hội ta.
2. Nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa:
Nguyên tắc nhân đạo XHCN như sợi chỉ đỏ xuyên suốt các chương, các điều khoản của BLHS. Nội dung cơ bản của nguyên tắc này là: thứ nhất, hình phạt, các biện pháp tư pháp và chế định pháp lý hình sự khác được áp dụng đối với người phạm tội không nhằm mục đích gây đau đớn về thể xác và hạ thấp nhân phẩm con người; thứ hai, nếu trong việc gây thiệt hại về mặt pháp lý hình sự mà thiếu 01 trong 05 điều kiện của TNHS (có năng lực TNHS, đủ tuổi chịu TNHS, có lỗi trong việc thực hiện, hành vi nguy hiểm cho xã hội, bị luật hình sự cấm), thì tương ứng như vậy, hành vi ấy không phải là tội phạm và người thực hiện hành vi ấy không phải là chủ thể của tội phạm, do đó TNHS bị loại trừ; thứ ba, người phạm tội là người có năng lực TNHS hạn chế, người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ, người đã quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì mức độ TNHS của họ phải được giảm nhẹ hơn so với người phạm tội là người bình thường.
Nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa trong việc quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt còn được thể hiện ở việc nhà làm luật đã bỏ hình phạt tử hình trong lần pháp điển hóa BLHS 2015, điều này là phù hợp với pháp luật đa số các nước trên thế giới. Bởi khách thể chính mà các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt chính là tài sản. Do vậy, hậu quả mà tội phạm phải chịu khi xâm phạm khách thể ấy có hình phạt nặng nhất là tù chung thân cũng là phù hợp. Bởi hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa họ phạm tội mới, giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Từ đó có thể suy ra mục đích chính của hình phạt không phải là trừng trị mà là giáo dục cải tạo người phạm tội để họ trở thành người có ích cho xã hội. Trừng trị chỉ đóng vai trò là biện pháp để đạt được mục đích giáo dục, cải tạo và có ý nghĩa răn đe. Trong mối tương quan này, nội dung trừng trị của hình phạt chỉ dừng lại ở mức độ cần và đủ để giáo dục, cải tạo người phạm tội và răn đe, phòng ngừa chung. Lê–nin từng nói: “Tác dụng ngăn ngừa của hình phạt hoàn toàn không phải hình phạt đó phải nặng mà ở chỗ là đã phạm tội thì không thoát khỏi bị trừng phạt. Điều quan trọng không phải ở chỗ là tội phạm phải bị trừng phạt nặng, mà ở chỗ không một tội phạm nào không bị phát hiện ra” .
Ngoài ra, nguyên tắc nhân đạo khi quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt còn được thể hiện ở chỗ khi xét xử ngoài việc áp dụng các quy định chung về quyết định hình phạt, Tòa án cũng cần xem xét áp dụng các quy định riêng đối với một số trường hợp đặc biệt được quy định tại Điều 57 (Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt), các quy định từ Điều 98 đến 101 BLHS (Các hình phạt được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội). Việc áp dụng tổng thể các quy định này của Tòa án khi quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt đã bảo đảm nguyên tắc nhân đạo XHCN, ưu tiên tính giáo dục trong mục đích của hình phạt.
Việc áp dụng nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa trong quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt mang ý nghĩa rất lớn. Bởi nó không chỉ góp phần cụ thể hóa trong BLHS các quy định của Hiến pháp Việt Nam năm 2013 (khoản 1 Điều 20, các khoản 3 – 5 Điều 31 và khoản 3 Điều 58 ...) mà còn phù hợp với tư tưởng pháp lý tiến bộ của nhân loại về sự nhân đạo của pháp luật đã được thể hiện trong 02 văn bản quốc tế về nhân quyền của Liên hợp quốc (Tuyên ngôn nhân quyền và Công ước quốc tế) cũng như trong Công ước của Liên hợp quốc ngày 10/12/1984 chống việc tra tấn và các hình thức đối xử và hình phạt khác tàn nhẫn, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm của người khác.
3. Nguyên tắc công bằng:
Nguyên tắc công bằng đã góp phần cụ thể hóa nguyên tắc hiến định của Hiến pháp năm 2013 (các khoản 1, 2 Điều 31), nó hoàn toàn phù hợp với tư tưởng pháp lý tiến bộ của nhân loại về sự công bằng của pháp luật đã có từ thời đại xa xưa với câu ngạn ngữ “Pháp luật là nghệ thuật của sự thật và công lý”. Như vậy, nguyên tắc công bằng trong quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt đòi hỏi hình phạt được tuyên phải phản ánh một cách đúng đắn dư luận xã hội, ý thức, pháp luật và đạo đức xã hội, phải có sức thuyết phục mọi người ở tính đúng đắn, tính công bằng trong chính sách xét xử của nhà nước ta.
Nội dung cơ bản của nguyên tắc này là: Thứ nhất, hình phạt, các biện pháp tư pháp và các chế định pháp lý hình sự khác được áp dụng đối với chủ thể phạm tội phải phù hợp với tính chất và mức độ nghiêm trọng của tội phạm đã thực hiện, động cơ và mục đích phạm tội, mức độ lỗi, cũng như tính chất nguy hiểm cho xã hội và hậu quả gây ra bởi hành vi phạm tội của chủ thể đó. Thứ hai, không một người phạm tội nào phải chịu TNHS 02 lần về cùng một tội phạm. Thứ ba, trong BLHS có các quy định đảm bảo cho Tòa án có thể lựa chọn loại và mức hình phạt phù hợp hơn cả đối với người phạm tội căn cứ vào các tình tiết cụ thể của từng trường hợp thực hiện tội phạm.
Khi xem xét quyết định hình phạt đối với người phạm tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt, những người tiến hành tố tụng chỉ được xem xét các chế tài hình sự được quy định trong các điều luật cụ thể từ Điều 168 đến Điều 175 BLHS để áp dụng đối với người có hành vi phạm tội theo nguyên tắc: hình phạt được áp dụng không chỉ công bằng giữa hành vi phạm tội và tính chất, mức độ gây thiệt hại hoặc giá trị chiếm đoạt do hành vi phạm tội gây ra mà còn công bằng giữa những người có hành vi phạm tội gây hậu quả thiệt hại có mức độ lớn – nhỏ khác nhau. Người phạm tội có hành vi gây hậu quả thiệt hại càng lớn thì hình phạt áp dụng đối với họ cũng phải phải lớn so với những người gây thiệt hại nhỏ hơn. Ví dụ: Hai người phạm tội cướp tài sản, một người có hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá 150.000.000 đồng và một người có hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá 200.000.000 đồng trong điều kiện, hoàn cảnh, nhân thân người phạm tội là như nhau. Thì nguyên tắc công bằng biểu hiện ở chỗ người có hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá 200.000.000 đồng sẽ bị xét xử theo quy định tại khoản 3 Điều 168 BLHS với khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, trong khi người chiếm đoạt tài sản trị giá 150.000.000 đồng chỉ bị xét xử theo quy định tại khoản 2 Điều 168 BLHS với khung hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Như vậy, đương nhiên hình phạt áp dụng cho người có hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá 200.000.000 đồng sẽ cao hơn người có hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá 150.000.000 đồng. Nguyên tắc công bằng trong trường hợp này được thể hiện ngay từ việc xác định khung, khoản của điều luật cho tới chế tài và mức hình phạt cụ thể.
4. Nguyên tắc cá thể hóa hình phạt:
Nguyên tắc cá thể hóa hình phạt được thể chế hóa trong hệ thống các hình phạt quy định tại Điều 32 của BLHS, bao gồm 07 hình phạt chính và 07 hình phạt bổ sung. Riêng đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt chỉ có 03 hình phạt chính là: Cải tạo không giam giữ; Tù có thời hạn; Tù chung thân và 05 hình phạt bổ sung là: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; Cấm cư trú; Quản chế; Tịch thu tài sản; Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính. Hệ thống hình phạt như trên thể hiện tính đa dạng, tạo điều kiện tối ưu cho việc cá thể hóa hình phạt đối với người phạm tội. Ngoài ra, nguyên tắc cá thể hóa hình phạt còn được thể hiện ở chỗ những hình phạt khác nhau thì sẽ được quy định những điều kiện áp dụng khác nhau dựa vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, đặc điểm nhân thân người phạm tội.
Nguyên tắc cá thể hóa hình phạt còn được thể hiện thông qua việc phân hóa tối đa các loại tội phạm tại Điều 9 BLHS gồm: Tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; đồng thời quy định khung hình phạt cụ thể cho từng tội và tăng cường chế tài tùy nghi, lựa chọn giữa các hình phạt không phải tù và tù có thời hạn, làm cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất, bảo đảm tính ổn định của các bản án được tuyên.
Nguyên tắc cá thể hóa hình phạt được thể hiện trong luật là cơ sở, nguyên lý mang tính chất tổng quát, trừu tượng. Do đó chúng không thể hàm chứa hết các tình tiết, hoàn cảnh đa dạng của từng tội phạm cụ thể và nhân thân người phạm tội cụ thể. Cho nên Tòa án cần phải cân nhắc, tính đến các đặc điểm cụ thể của tội phạm đã được thực hiện. Trong việc quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt, ngoài các quy định chung về quyết định hình phạt, Tòa án cần phải tuân thủ các quy định tương ứng từ Điều 168 đến Điều 175 của BLHS. Tòa án phải xem xét cụ thể hành vi của người phạm tội đã cấu thành tội gì, thuộc điểm, khoản cụ thể nào của điều luật tương ứng, hành vi đó đã gây ra hậu quả nặng nhẹ ra sao, tính chất mức độ như thế nào; người phạm tội có nhân thân và hoàn cảnh phạm tội như thế nào; các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng có trong vụ án; tội phạm được thực hiện do cá nhân đơn lẻ hay có đồng phạm; tính chất của đồng phạm giản đơn hay có tổ chức.
Trên cơ sở xem xét đánh giá đầy đủ các yếu tố và áp dụng các quy định thuộc phần chung và phần các tội phạm cụ thể từ Điều 168 đến Điều 175 của BLHS; Tòa án sẽ quyết định chọn loại và mức hình phạt cụ thể trong các điều luật tương ứng để áp dụng đối với người phạm tội sao cho đạt kết quả cao nhất, tạo điều kiện cho việc đạt được các mục đích của hình phạt.