Khởi tố vụ án hình sự là một trong các giai đoạn tố tụng hình sự quan trọng trong vụ án hình sự. Vậy quy định hình thức, thời hạn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Hình thức khởi tố vụ án hình sự:
1.1. Quyết định khởi tố:
Quyết định khởi tố vụ án hình sự phải ghi rõ căn cứ khởi tố, điều, khoản của Bộ luật hình sự được áp dụng và các nội dung quy định văn bản tố tụng phải ghi rõ:
– Số, ngày, tháng, năm, địa điểm ban hành văn bản tố tụng;
– Căn cứ ban hành văn bản tố tụng;
– Nội dung của văn bản tố tụng;
-Họ tên, chức vụ, chữ ký của người ban hành văn bản tố tụng và đóng dấu.
Sau khi Viện kiểm sát ban hành quyết định khởi tố, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, Viện kiểm sát phải gửi quyết định đó đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiến hành điều tra.
Trường hợp Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ban hành Quyết định khởi tố, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải gửi quyết định đó kèm theo tài liệu liên quan đến Viện kiểm sát có thẩm quyền để kiểm sát việc khởi tố.
Trường hợp Toà án ban hành quyết định khởi tố, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, Tòa án phải gửi quyết định đó kèm theo tài liệu liên quan đến Viện kiểm sát cùng cấp.
1.2. Khởi tố theo yêu cầu của bị hại:
Bên cạnh đó, đối với các tội phạm được quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ Luật hình sự thì chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
Ngoài ra, căn cứ quy định tại Điều 156 Bộ Luật tố tụng Hình sự có quy định trong trường hợp phát hiện có căn cứ xác định tội phạm đã khởi tố không đúng với hành vi phạm tội xảy ra Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự. Trường hợp có căn cứ xác định còn tội phạm khác chưa bị khởi tố Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự.
2. Thời hạn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự:
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày sau khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh thông tin tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị. Sau khi kết thúc quá trình kiểm tra, xác minh phải ra một trong các quyết định: Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Tuy nhiên, trong trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.
Chậm nhất là 05 ngày trước khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh quy định tại khoản này, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh.
3. Thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự:
Thứ nhất, cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với tất cả vụ việc có dấu hiệu tội phạm, đối với một số vụ việc do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đang thụ lý, giải quyết thì Cơ quan điều tra không có thẩm quyền quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Thứ hai, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp sau:
– Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực và địa bàn quản lý của mình thì các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lý lịch người phạm tội rõ ràng.
– Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, ngoài các Cơ quan điều tra quy định tại Điều 163 của Bộ luật Tố tụng hình sự, các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong khi làm nhiệm vụ của mình, nếu phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm thì có quyền khởi tố vụ án hình sự.
Thứ ba, viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp: hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm hoặc theo yêu cầu khởi tố của Hội đồng xét xử.
Thứ tư, hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.
4. Thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:
Thủ tục tiếp nhận:
– Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền phải lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận. Bên cạnh đó, có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận.
– Trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gửi qua dịch vụ bưu chính, điện thoại hoặc qua phương tiện thông tin khác thì ghi vào sổ tiếp nhận.
Sau khi tiếp nhận, mà phát hiện tin tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố kèm theo tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Viện kiểm sát có trách nhiệm chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố kèm theo tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Thời hạn chuyển hồ sơ: Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày Viện kiểm sát có yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đó phải chuyển hồ sơ có liên quan cho Viện kiểm sát để xem xét, giải quyết.
Đối với Công an phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức khác sau khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm thì chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Trường hợp khẩn cấp thì có thể báo tin trực tiếp qua điện thoại hoặc hình thức khác cho Cơ quan điều tra nhưng sau đó phải thể hiện chuyển bằng văn bản.
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận đó cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền.