Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều coi hành vi mua bán người là một loại tội phạm và ghi nhận trong các luật hình sự của mỗi quốc gia. Do có các yếu tố tự nhiên, kinh tế, xã hội và tình hình tội phạm khác nhau nên pháp luật mỗi nước lại có những quy định khác nhau.
Không chỉ được ghi nhận trong pháp luật hình sự Việt Nam và các văn bản pháp luật hình sự quốc tế, mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều coi hành vi mua bán người là một loại tội phạm và được ghi nhận trong văn bản pháp luật hình sự của mỗi quốc gia. Do có các yếu tố tự nhiên, kinh tế, xã hội và tình hình tội pháp khác nhau, nên pháp luật mỗi nước lại có những quy định khác nhau về loại tội phạm này. Trong phạm vi nghiên cứu của mình, tác giả đã nghiên cứu tội mua bán người trong pháp luật hình sự của một số quốc gia dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Tội mua bán người trong pháp luật hình sự Trung Quốc:
Trong BLHS Trung Quốc, tội mua bán người được quy định tại Chương IV “Tội xâm phạm quyền tự do cá nhân và quyền dân chủ của công dân”. Nếu như Việt Nam quy định Tội mua bán người tại Điều 150, Tội mua bán người dưới 16 tuổi tại Điều 151 thì luật Hình sự Trung quốc lại quy định hai loại tội này cùng vào một điều luật. Cụ thể như sau: Điều 240.
Người nào buôn bán phụ nữ, trẻ em thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm và phạt tiền; phạm tội thuộc một trong những tình tiết dưới đây thì bị phạt tù từ mười năm trở lên, hoặc tù chung thân, phạt tiền và tịch thu tài sản; nếu có tình tiết đặc biệt nghiêm trọng thì xử tử hình và tịch thu tài sản:
1. Người cầm đầu tổ chức buôn bán phụ nữ, trẻ em;
2. Buôn bán phụ nữ, trẻ em từ ba người trở lên;
3. Hiếp dâm phụ nữ bị đem bán;
4. Lừa gạt, cưỡng bức những phụ nữ bị đem bán phải bán dâm hoặc bán họ cho người khác mà những người này cưỡng bức họ phải bán dâm;
5. Dùng bạo lực, ép buộc hoặc các biện pháp gây mê để bắt cóc phụ nữ, trẻ em để bán họ;
6. Bắt cóc trẻ em vì mục đích để đem bán;
7. Nếu gây ra cho phụ nữ, trẻ em bị đem bán hoặc những người thân của bọ bị chết hoặc những hậu quả nghiêm trọng khác;
8. Đưa phụ nữ, trẻ em đem bán ra nước ngoài .
Theo BLHS Trung Quốc, tội buôn bán phụ nữ, trẻ em là một trong những tội lừa gạt, bắt cóc, mua chuộc, tiếp đón, trung chuyển phụ nữ, trẻ em. Hình phạt đối với hành vi mua bán phụ nữ, trẻ em được quy định tại Điều 241 như sau:
Người nào phạm tội mua phụ nữ, trẻ em bị đem bán thì bị phạt tù đến ba năm, bị giam giữ hoặc quản chế. Phạm tội mua phụ nữ bị đem bán, cưỡng chế để quan hệ tình dục với họ thì bị xử phạt theo quy định của Điều 236 Bộ luật này. Người nào có những hành vi phạm tội như mua phụ nữ, trẻ em bị đem bán rồi tước đoạt, hạn chế trái phép quyền tự do thân thể hoặc làm tổn hại làm nhục nạn nhân, thì bị xử phạt theo quy định của những điều luật có liên quan của Bộ luật này.
Người nào mua phụ nữ, trẻ em bị đem bán và phạm các tội quy định các khoản 2 và 3 của Điều này sẽ bị trừng phạt về phạm nhiều tội cùng một lúc. Phạm tội mua phụ nữ, trẻ em và bán họ, thì bị xử phạt theo quy định của Điều 240 Bộ luật này.
Người nào mua phụ nữ, trẻ em bị đem bán nhưng không cản trở phụ nữ bị đem bán trở về quê cũ theo nguyện vọng của họ, hoặc không lạm dụng trẻ em bị đem bán hoặc không ngăn cản các nỗ lực giải thoát số trẻ em đó thì có thể không bị truy cứu TNHS . Điều 242 quy định:
Người nào dùng bạo lực uy hiếp, ngăn cản nhân viên, người thi hành công vụ để giải thoát cho phụ nữ, trẻ em bị đem bán thì bị xử phạt theo Điều 277 của Bộ luật này. Người nào cầm đầu một tổ chức ngăn cản nhân viên Nhà nước thi hành công vụ giải thoát cho trẻ em, phụ nữ bị đem bán, thì bị phạt tù đến năm năm, hoặc bị giam giữ; những người tham gia khác mà sử dụng biện pháp bạo lực hay uy hiếp thì bị xử phạt theo khoản 1 Điều này Có thể nhận thấy, luật Hình sự Trung Quốc quy định thành hai điều luật riêng biệt là tội buôn bán phụ nữ, trẻ em và tội mua phụ nữ, trẻ em. Luật Trung Quốc còn có quy định thêm hành vi: Dùng bạo lực, uy hiếp ngăn cản nhân viên, người thi hành công vụ khi họ giải cứu cho nạn nhân bị đem bán. Về hình phạt, pháp luật hình sự của Trung Quốc quy định nghiêm khắc hơn pháp luật hình sự của Việt Nam. Trung Quốc quy định hình phạt chính bao gồm: quản chế, giam giữ, tù có thời hạn, tù chung thân hoặc thậm chí cả tử hình. Trong khi pháp luật Việt Nam thì quy định hình phạt tối đa chỉ đến 20 năm tù. Bên cạnh đó, người phạm tội còn bị hình phạt bổ sung là phạt tiền và tịch thu tài sản. Pháp luật Trung Quốc quy định cụ thể tình tiết tăng nặng và quan tâm nhiều đến hậu quả mà nạn nhân gặp phải.
Ý thức được hiệu quả hợp tác song phương trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống nạn buôn bán người, đồng thời nhằm tăng cường hợp tác thực thi pháp luật giữa hai nước, phòng ngừa, ngăn chặn, trừng trị hiệu quả các hoạt động phạm tội buôn bán người qua biên giới và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau, ngày 15/9/2010 tại Bắc Kinh, hiệp định giữa Chính phủ nước ta và Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về tăng cường hợp tác phòng, chống buôn bán người đã được ký kết.
2. Tội mua bán người trong pháp luật hình sự Thái Lan:
Thái Lan đã có một hệ thống pháp luật gồm Luật chống buôn bán người, bảo vệ trẻ em, mại dâm mới, rửa tiền, bảo vệ nhận chứng, dẫn độ, hợp tác quốc tế những vấn đề về hình sự, bảo vệ người lao động và đang dự thảo Luật Chống tội phạm có tổ chức. Luật chống buôn bán người của Thái Lan quy định các biện pháp đấu tranh chống buôn bán người và đặc biệt chú trọng vào việc bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân. Đặc biệt, luật đã hợp pháp hóa hành vi nhập cảnh bất hợp pháp, mại dâm và sử dụng giấy tờ giả mạo của nạn nhân bị buôn bán. Do đó, nếu không có sự cho phép bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Tư pháp thì cảnh sát không được buộc tội nạn nhân bị mua bán trở về các tội danh trên. Đồng thời luật dành hẳn một chương để quy định về các hình phạt từ và tiện nghiêm khắc đối với cá nhân, pháp nhân phạm tội buôn bán người, cản trở quá trình tố tụng về tội buôn bán người, các hành vi khác như tiết lộ thông tin điều tra, thông tin liên quan đến người bị buôn bán... Pháp luật hình sự Thái Lan quy định cụ thể và nghiêm khắc hơn pháp luật hình sự Việt Nam về tội này. Theo đó, các hành vi được coi là hành vi mua bán người kể cả việc có sự đồng ý của người đó. Mua bán người bằng cách đe dọa dùng vũ lực xúi giục bằng nhiều thủ đoạn đồi bại hoặc bằng bất kỳ hình thức nào khác chống lại ý muốn của người đó, bắt cóc hoặc che giấu người bị bắt cóc.
Hình phạt cao nhất là chung thân và phạt tiền từ 80.000– 200.000 bạt. Luật cũng quy định trừng phạt đối với những người hỗ trợ việc thực hiện tội phạm buôn bán người, giúp đỡ bằng việc cung cấp tài sản, nơi hội họp cho những kẻ buôn bán người. Tất cả những tội phạm quy định tại Luật này sẽ được xem là những tội phạm nguồn quy định tại Luật Rửa tiền nhằm tịch thu tất cả tiền thu được của tội phạm buôn bán người. Không chỉ có luật, Thẩm phán, công tố viên, cảnh sát cũng có vai trò quan trọng trong quá trình tố tụng đối với nạn nhân trong các vụ án buôn bán người. Nếu những người này có hiểu biết về bản chất của buôn bán người, nhận thức không đúng đắn về nạn nhân bị buôn bán thì khó có thể giải quyết đúng vụ án và bảo vệ được nạn nhân.
Thái Lan có luật bảo vệ người đi tìm việc, nhằm ngăn chặn tội mua bán phụ nữ dưới các hình thức tuyển người. Ngoài ra, cơ quan hành pháp Thái Lan còn ban hành quy định về việc cấp hộ chiếu cho phụ nữ Thái Lan ra nước ngoài có thể bị đình chỉ, nếu có cơ sở cho rằng động cơ ra nước ngoài không trung thực.
Về hôn nhân giữa phụ nữ và người nước ngoài, chính phủ Thái Lan quy định: Người nước ngoài phải có một bảng kê khai về thu nhập, tình trạng hôn nhân với sự chứng nhận của sứ quán mà người đó có quốc tịch hoặc cơ quan có thẩm quyền và hai người sống tại nước anh ta cư trú chứng nhận. Ngoài ra, chính phủ Thái Lan cũng thực hiện nhiều chiến lược để ngăn ngừa các hình thức giới thiệu, ép buộc hoặc buôn bán người cho công nghiệp tình dục như thiết lập hệ thống giải đáp thắc mắc, trợ giúp những người phụ nữ nước ngoài đang bị bắt buộc mại dâm ở Thái Lan. Hệ thống này đã đưa nạn nhân trở về nước họ. Thực hiện kiểm tra các ga tàu xe và tuyến gần biên giới. Hỗ trợ Chính phủ các nước trong việc thực thi pháp luật đối với những công dân phạm tội buôn bán người.
Đặc biệt, ngày 24/3/2008, tại Hà Nội, Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Thái Lan về hợp tác song phương nhằm loại trừ nạn buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em và giúp đỡ nạn nhân bị buôn bán đã được ký kết nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước, thúc đẩy song phương để trấn áp nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em.
3. Tội mua bán người trong pháp luật hình sự Philippin:
Khác với quy định của pháp luật Việt Nam về tội mua bán người (mà trong đó nạn nhân bao gồm cả phụ nữ và nam giới), Philippin có một đạo luật riêng về tội mua bán phụ nữ. Tất cả những hành vi vận chuyển, dụ dỗ để mua bán phụ nữ lấy tiền, có được lợi nhuận hay tư liệu sản xuất, đạt được mục đích kinh tế hay vì mại dâm khai thác tình dục hoặc lao động cưỡng bức đều là hành vi phạm tội và bị nghiêm cấm, kể cả mọi hình thức tạo điều kiện cho việc mua bán người.
BLHS Philippin nhấn mạnh và đưa ra hình phạt nghiêm khắc đối với mua bán người có tổ chức, có sự liên minh, liên kết và phân công vai trò rõ ràng trong tổ chức thực hiện tội phạm. Điều này cũng giống như trong BLHS Việt Nam quy định tình tiết phạm tội “có tổ chức” là tình tiết tăng nặng TNHS.
BLHS Philippin còn quy định thêm người phạm tội là người bảo trợ của nạn nhân kể cả công chức Nhà nước, quân nhân tại ngũ, người thi hành pháp luật nếu mua bán người thì đều xét xử tăng nặng về TNHS. Cũng như luật hình sự Việt Nam, hành vi buôn bán người đặc biệt là phụ nữ, hình phạt cao nhất có thể đến 20 năm tù và phạt tiền từ 1 triệu pesos đến 2 triệu pesos tương đương với khoảng 250.000.000 VNĐ đến 500.000.000 VNĐ. Như vậy, so với mức phạt tiền của Luật Philippin thì mức phạt từ 20.000.000 VNĐ đến 100.000.000 VNĐ trong BLHS Việt Nam là quá ít, chưa phù hợp với tình hình trượt giá và lạm phát như hiện nay. Trong thời gian tới, chúng ta cần sửa đổi tăng mức phạt tiền để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Về hôn nhân giữa phụ nữ Philippin với người nước ngoài, luật Philippin quy định việc môi giới kết hôn với người nước ngoài thông qua đặt hàng qua mạng là phạm pháp để hạn chế việc lợi dụng môi giới kết hôn với người nước ngoài để buôn bán phụ nữ. Hành vi môi giới kết hôn với người nước ngoài thông qua đặt hàng qua mạng được xếp vào tội buôn bán người, với mức án phạt tù có thể lên đến 20 năm đối với kẻ phạm tội.
Họ còn có quy định hình phạt đối với người không tham gia mua bán phụ nữ nhưng có sử dụng phụ nữ bị mua bán. Vi phạm lần đầu tiên, lao động công ích 6 tháng phạt 50 nghìn pesos (khoảng 12.500.000 VNĐ), tái phạm phạt 1 năm và 100 nghìn pesos (khoảng 25.000.000 VNĐ).
4. Tội mua bán người trong pháp luật hình sự Australia:
Ở Australia, tiến trình cải cách pháp luật liên quan đến tội phạm buôn bán người bắt đầu từ năm 1990 như: nội luật hóa các quy định của Nghị định thư của Liên Hợp Quốc về nạn buôn bán người; sửa đổi BLHS (BLHS) bổ sung một số loại tội phạm như tội phạm buôn bán, sử dụng nô lệ (25 năm tù); tội lừa đảo tuyển dụng cho việc phục vụ các hoạt động tình dục (07 năm tù); tội mua bán người (12 năm tù); tội mua bán trẻ em (25 năm tù); tội mua bán người trong nước (12 năm tù)... Tội phạm mua bán người được xác định trong Đạo luật về hoạt động nghe lén và truy cập năm 1979 là tội phạm nghiêm trọng, do đó, các cơ quan thực thi pháp luật được quy định trong Đạo luật này có thẩm quyền nghe lén, theo dõi các cuộc gọi điện thoại và email để điều tra về hành vi phạm tội buôn bán người. Các thông tin này sau đó sẽ được Viện Công tố Australia sử dụng như là những bằng chứng để truy tố các bị can trước Tòa. Đến năm 1999, pháp luật liên quan đến hành vi buôn bán người chính thức được đưa ra lần đầu tiên thông qua các sửa đổi đối với BLHS năm 1995, bổ sung các tội danh nô lệ, nô lệ tình dục và lừa đảo tuyển dụng, tuy nhiên vẫn chưa xác định cụ thể hành vi buôn bán người. Vào tháng 8 năm 2005, sau khi Chính phủ Australia đã phê chuẩn Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị nạn mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, BLHS năm 1995 tiếp tục được sửa đổi nhằm nội luật hóa các quy định của Nghị định thư, trong đó có bổ sung các tội phạm buôn bán người, buôn bán trẻ em. Năm 2013, BLHS đã được sửa đổi bởi Đạo luật sửa đổi pháp luật về tội phạm (cụ thể ở phần Nô lệ, chế độ tương tự nô lệ và buôn bán người) có hiệu lực từ ngày 07/3/2013 nhằm giới thiệu các tội phạm mới như cưỡng bức hôn nhân, cưỡng bức lao động và buôn bán nội tạng; mở rộng định nghĩa bóc lột bao gồm các hành vi tương tự việc sử dụng nô lệ; sửa đổi các định nghĩa để kịp thời cập nhật các hành vi tinh vi hơn của tội phạm mua bán người như áp bức tâm lý, lạm dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng tình thế khó khăn của nạn nhân để thực hiện hành vi mua bán người....
Ngày 27/6/2013, Quốc hội Australia thông qua Đạo luật về nhân chứng dễ bị xâm hại trong các vụ án hình sự đã cung cấp cho những nhân chứng (bao gồm cả nhân chứng và nạn nhân của tội phạm mua bán người) một số phương án nhằm bảo vệ họ trước nguy cơ bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản. Theo đó, nhân chứng của tội phạm mua bán người có thể đưa ra bằng chứng thông qua hệ thống truyền hình nội bộ, các liên kết video hoặc ghi hình, có quyền yêu cầu người khác hỗ trợ, bảo vệ trong suốt quá trình họ đưa ra lời khai. Đây là một quy định có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc bảo vệ nhân chứng của tội phạm mua bán người, góp phần đảm bảo việc thực hiện hiệu quả các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người của các cơ quan thực thi pháp luật tại Australia. Ở Việt Nam, từ Điều 29 đến Điều 31 Mục 2 Chương 4 Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 chỉ quy định việc bảo vệ nạn nhân của tội phạm mua bán người, cụ thể: Điều 29 quy định về việc giải cứu, bảo vệ nạn nhân, Điều 30 quy định về việc bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của nạn nhân; Điều 31 quy định về việc bảo vệ bí mật thông tin nạn nhân. Do đó, cần thiết phải bổ sung quy định bảo vệ nhân chứng trong các vụ án mua bán người bằng các điều luật cụ thể, từ đó không những nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này, mà còn góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào hệ thống pháp luật của Nhà nước, đồng thời, nêu cao tinh thần tự giác của mỗi công dân trong việc chung sức bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.
Theo một số báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, mua bán người với mục đích mại dâm và hôn nhân là những hình thức phổ biến nhất của loại tội phạm này. Tại Việt Nam, tội phạm mua bán người được quy định tại Điều 150 BLHS 2015 và được hướng dẫn cụ thể tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 02/2019/NQ–HĐTP ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (có hiệu lực từ ngày 15/3/2019) hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người. Tuy nhiên quy định trên đã bỏ sót hành vi mua bán người vì mục đích cưỡng bức hôn nhân – một trong số những hình thức mua bán người phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay (cần tránh nhầm lẫn giữa hành vi mua bán người để bóc lột tình dục hay mua bán người thông qua môi giới hôn nhân). Do đó, cần xem xét tham khảo pháp luật Australia về việc bổ sung hành vi “chuyển giao hoặc tiếp nhận người vì mục đích cưỡng bức hôn nhân” tại các quy định của pháp luật đối với loại tội phạm này nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xử lý hành vi nêu trên, tránh trường hợp bỏ lọt tội phạm.