Tội mua bán người theo BLHS năm 2015 đã có những tiến bộ hơn so với BLHS năm 1999, cụ thể: Đã quy định cụ thể hơn về hành vi mua bán người, bao gồm các dạng hành vi như chuyển giao hoặc tiếp nhận người hoặc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác.
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam trước năm 1945 về tội mua bán người:
Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, khi một triều đại mới lên nắm chính quyền là một lần các quy định pháp luật được ban hành nhằm bảo vệ cho triều đại đó, đồng thời giải quyết các vấn đề nảy sinh cần điều chỉnh trong xã hội. Thời trung đại ở nước ta, vào khoảng thế kỷ thứ 11 đến thế kỷ thứ 14 đã từng chứng kiến việc chiếm hữu nô lệ khá lớn. Tuy chưa đến mức hình thành một xã hội chiếm hữu nô lệ như ở phương Tây thời cổ đại, nhưng tỉ lệ nô lệ, nô tì, những người mất tự do trong xã hội Đại Việt là khá cao. Tình trạng mua bán nô lệ tràn lan đầu thời Lý đã khiến vua Lý Thái Tông phải ra chiếu chỉ nghiêm cấm việc mua Hoàng nam (những trai tráng đến tuổi quân dịch) làm nô, số lượng phụ nữ nghèo trở thành nô tì rất nhiều. Sang đến thời Trần, gia nô được nuôi nấng từ nhỏ và phục vụ cho giới quý tộc ở trong các Thái ấp khá phổ biến. Họ rất trung thành với chủ nhân và có tư tưởng chấp nhận thân phận của mình, chấp nhận việc bản thân bị mua bán công khai.
Trong các văn bản pháp luật được ban hành trong xã hội phong kiến thi Bộ luật Hồng Đức (Quốc triều Hình luật) thời nhà Lê được đánh giá là tiến bộ và hoàn thiện hơn cả. Quốc triều Hình Luật tập hợp các ưu điểm của các văn bản pháp lý trước đó, xác định các vấn đề mà Nhà nước và xã hội cũng quan tâm, từ đó đúc kết và đưa ra những quy định mới, tiến bộ phù hợp với xã hội phong kiến. Tuy nhiên, trong Quốc triều Hình Luật việc không phải tất cả hành vi mua bán người đều được coi tội phạm, tại thời điểm đó việc mua bán người vẫn được coi là hành vi hợp pháp trong một số trường hợp nhất định như mua bán nô tì, phụ nữ, trẻ em, …. Bộ luật chỉ quy định một số trường hợp nhất định thì bị coi là phạm pháp, cụ thể: Điều 306: Giấu giếm và đem bán nô tỳ nhà nước (xử tội lưu và bắt nộp gấp đôi tiền bán nộp vào kho), điều 312: Bắt người đem cầm bán nhiều tầng (biếm một tư, đòi lại nguyên tiền mua và tiền công thuê trả lại cho chủ trước), điều 313: Con gái và trẻ mồ côi tự bán mình không có ai bảo lĩnh (xử tội xuy trượng như luật (đàn bà đánh 50 roi, đàn ông đánh 80 trượng) đòi lại tiền trả cho người mua và hủy văn khế), điều 341: Nô tỳ của nhà nước cấp cho, nếu là vợ con kẻ phản nghịch thì không được đem bán (xử biếm và mất những nô tỳ ấy), điều 365: Bán dân định làm nô tỳ (biếm năm tư và phải đền gấp đôi số tiền bán, nộp vào kho một nửa), điều 453: Bắt người đem bán làm nô tỳ (thì xử lưu đi châu sa. Bắt người mà lại cướp của hay đồ vật, thì xử tội giảo). Trong các điều luật trên của Quốc triều hình luật có thể thấy nhà nước đã quy định các chế tài hình phạt nghiêm khắc liên quan đến một số trường hợp mua bán người nhất định. Quốc triều hình luật đã quan tâm bảo vệ những quyền cơ bản của con người. Mặc dù bị hạn chế bởi quan niệm giai cấp hẹp hòi, nhưng bộ luật này cũng đã đưa ra nhiều quy định bảo vệ con người, trong đó có cả việc bảo vệ những những tầng lớp dưới trong xã hội, như bảo vệ quyền dân chủ tự do của dân định, có nhiều điều quy định các hình phạt cụ thể chống lại sự nô tỳ hoá đối với dân đinh, sự quan tâm nhiều đến địa vị của người phụ nữ, quan tâm đến quyền lợi của họ. Tuy những quy định về tội mua bán người còn nhiều thiếu sót và chưa cụ thể, nhưng nếu so với thời điểm Bộ luật Hồng Đức được ban hành thì vẫn có thể xem quy định về tội mua bán người là một trong những tiến bộ rất lớn trong pháp luật phong kiến Việt Nam, đây được coi là bộ luật hoàn chỉnh nhất còn giữ lại được đến ngày nay trong lịch sử luật pháp phong kiến nước ta. Nó là một thành tựu đặc sắc trong lịch sử Nhà nước và pháp quyền Việt Nam.
Đến thế kỷ 20, khi nước ta bị thực dân Pháp xâm lược, pháp luật nước nhà tại thời điểm đó dần bị thay thế bởi các bộ hình luật riêng do thực dân Pháp san định, ban bố và thi hành trên toàn lãnh thổ Việt Nam, trong đó có Hoàng Việt hình luật. Hoàng Việt hình luật là BLHS thi hành ở Trung kỳ năm Bảo Đại thứ 8 (1933), được in ở nhà Đắc–Lập (Huế) bằng ba thứ chữ theo thứ tự trước–sau là Pháp tự, Quốc ngữ và Hán tự. Sách dày 496 trang, gồm 424 điều, chia thành 29 chương, có chỉ Dụ ban bố của Hoàng đế Bảo Đại ngày 3/7/1933 và Nghị định của Toàn quyền Đông Dương Pasquier ngày 4/7/1933 về việc thi hành. Cũng giống như Quốc triều hình luật, thì Hoàng Việt hình luật cũng vẫn thừa nhận hành vi mua bán người là hợp pháp. Pháp luật chỉ nghiêm cấm một số trường hợp mua bán người, cụ thể:
Điều thứ 314: Người nào xét quả có bán một người gia quyền sẽ bị khổ sai từ 6 năm đến 20 năm; Điều thứ 315: Người nào bán hay nhường hay cầm cố cho thuê một người ngoài đã có thuận tình, bất kỳ có lấy tiền hay không sẽ bị phạt giam từ 6 tháng đến 2 năm. Người nào nhận mua, nhận cầm hay nhận thuê người ngoài ấy sẽ bị nghĩ xử về tội danh điều này. Người đã trưởng thành mà thuận để cho người ta bán, cầm, sẽ bị phạt giam từ 3 tháng đến 6 tháng.
Đến năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ miền Bắc hoàn toàn giải phóng và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, chỉ viện cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất nhưng với lòng quyết tâm sâu sắc nhân dân ta đã hoàn thành cơ bản các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, diễn biến của tình hình tội phạm rất phức tạp, nhiều tội phạm mới xuất hiện, trong đó có tội bắt cóc trẻ em bán cho đồng bào miền núi.
Báo cáo tổng kết công tác và các chuyên đề xét xử năm 1964 của TANDTC đánh giá thì trong năm 1963: “có một số loại tội số vụ đưa tới Tòa ít (09 vụ) nhưng theo báo cáo của các địa phương thì số vụ xảy ra nhiều hơn đó là hành vi bắt cóc trẻ em mang đi bán”. Theo nhận định của báo cáo này thì đây là một loại tội nghiêm trọng xâm phạm vào những tình cảm sâu sắc của con người, vào thân phận trẻ con và là một mối lo âu của người làm cha, làm mẹ. Thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng thường là lợi dụng trẻ em không có người trông nom, bắt cóc các em lên miền núi bán cho đồng bào địa phương. TANDTC đã xác định đây là một loại tội phạm nghiêm trọng nên xử phạt thật nặng, khung hình phạt áp dụng cho kẻ có hành vi bắt cóc là từ 3 năm đến 15 năm, người mua trẻ con mà biết rõ đưa bé bị bắt cóc thì phạt tù tới 5 năm, Đồng thời xác định thêm các tình tiết tăng nặng TNHS hơn đối với loại tội phạm này.
Năm 1975, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước cũng tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Do nước nhà vừa mới thống nhất, bộ máy chính quyền, các cơ quan tư pháp trong quá trình củng cố, kiện toàn, nên tình hình tội phạm diễn ra khá phức tạp, nhiều loại tội phạm mới phát sinh, trong đó có tội phạm mua bán phụ nữ, mua bán trẻ em nhưng chưa được pháp luật điều chỉnh. Trước tình hình đó, ngày 27 tháng 6 năm 1985, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại kỳ họp thứ 9 khóa VII đã thông qua BLHS đầu tiên của nước Việt Nam trong đó quy định tội mua bán phụ nữ và tội bắt trộm, mua bán hoặc đánh tráo trẻ em.
2. Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam sau năm 1945 về tội mua bán người:
2.1. Giai đoạn từ năm 1985 đến năm 1999:
Năm 1985, BLHS Việt Nam đầu tiên được ban hành. Khi BLHS này có hiệu lực thi hành thì cũng là lúc sự nghiệp đổi mới bắt đầu. Sự thay đổi các mặt của đời sống xã hội, trong đó đổi mới về kinh tế giữ vai trò quan trọng không chỉ là cơ sở mà còn là đòi hỏi cấp bách đối với sự thay đổi của pháp luật nói chung cũng như của luật hình sự nói riêng. BLHS năm 1985 với ý nghĩa là nguồn duy nhất trong đó quy định tội phạm và hình phạt được xây dựng trên cơ sở kinh tế xã hội của nền kinh tế bao cấp và trên cơ sở thực tiễn của tình hình tội phạm của thời kỳ đó. BLHS năm 1985 được xem là một bảo đảm cho đấu tranh chống tội phạm được tiến hành trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của hoạt động tư pháp hình sự nhằm bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, trật tự xã hội và các quyền lợi hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, BLHS năm 1985 không quy định về tội mua bán người mà chỉ giới hạn tội mua bán phụ nữ (Điều 115) và tội bắt trộm, mua bán hoặc đánh tráo trẻ em (Điều 149). Đây là lần đầu tiên tội mua bán phụ nữ và tội bắt trộm, mua bán hoặc đánh tráo trẻ em được quy định trong luật và được xếp vào nhóm những tội phạm nghiêm trọng cần phải đấu tranh và phòng chống. Mức phạt tối đa của tội mua bán người và tội bắt trộm, mua bán hoặc đánh tráo trẻ em là 20 năm tù giam, khả nghiêm khắc để trừng phạt, giáo dục và răn đe những đối tượng đã, đang và sẽ có ý định thực hiện tội phạm này.
Tội mua bán phụ nữ được quy định tại Điều 115 BLHS năm 1985, nhưng không đưa ra định nghĩa và quy định cụ thể về các hành vi này. Tuy nhiên, trước yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em, tại “Quy chế tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về” đã gián tiếp đưa ra định nghĩa về mua bán phụ nữ, trẻ em gọi là nạn nhân. Theo đó, nạn nhân được hiểu là: Phụ nữ, trẻ em bị một người hay một nhóm người sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hay những hình thức ép buộc khác, bắt cóc, lừa gạt, lạm dụng quyền lực hay địa vị, tình trạng dễ bị tổn thương để mua bán (giao, nhận tiền hoặc giao, nhận một lợi ích vật chất khác) đưa ra nước ngoài mục đích bóc lột (cưỡng bức bán dâm hoặc các hình thức bóc lột tình dục khác, lao động hoặc dịch vụ cưỡng bức, nô lệ hoặc làm việc như tình trạng nô lệ hoặc lấy đi các bộ phận trên cơ thể).
Trong khoảng 15 năm tồn tại, BLHS năm 1985 đã được sửa đổi, bổ sung 4 lần vào các năm 1989, 1991, 1992 và 1997. Qua bốn lần sửa đổi, bổ sung có trên 100 lượt điều luật được sửa đổi hoặc bổ sung. Với những sửa đổi, bổ sung này luật hình sự đã có sự phát triển đáp ứng được phần nào đòi hỏi của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm trong điều kiện đổi mới nói chung và đã từng bước đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ và tội bắt trộm, mua bán hoặc đánh tráo trẻ em nói riêng. Tuy nhiên, vẫn có một số bất hợp lý như việc sắp xếp hai điều luật này trong BLHS năm 1985. Cả hai tội đều có hành vi khách quan và có cùng khách thể là danh dự và nhân phẩm con người bị xâm hại, nhưng lại được quy định ở hai chương riêng biệt. Tội mua bán phụ nữ được quy định tại Điều 115 thuộc Chương II – Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; còn tội bắt trộm, mua bán hoặc đánh tráo trẻ em lại được quy định tại Điều 149 nằm trong Chương V – Các tội xâm phạm tới chế độ hôn nhân gia đình và các tội xâm phạm tới người chưa thành viên. Ngoài ra mức phạt tối thiểu của tội bắt trộm, mua bán hoặc đánh tráo trẻ em còn quá nhẹ, chỉ có 01 năm trong khi loại tội phạm này gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm sinh lý của trẻ, tới sự phát triển bình thường về mặt thể chất của trẻ em. Một bất cập nữa là trong quá trình phát triển của xã hội, tội phạm không chỉ dừng lại ở hành vi mua bán phụ nữ, mua bán trẻ em mà còn có cả hành vi mua bán nam giới, với nhiều mục đích khác nhau, cho nên các tình tiết tăng nặng TNHS còn thiếu nhiều ở cả hai điều luật. Điều này thể hiện các nhà làm luật lúc bấy giờ, chưa đánh giá đúng tính chất và mức độ nguy hiểm của loại tội phạm này, cũng như chưa lường trước được những thủ đoạn mà bọn tội phạm mua bán người có thể thực hiện.
2.2. Giai đoạn từ năm 1999 đến năm 2015:
Năm 1999 Quốc hội ban hành BLHS thứ hai của Việt Nam. BLHS năm 1999 được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung một cách tương đối toàn diện BLHS năm 1985 nhưng có kế thừa những nội dung hợp lí, tích cực của BLHS này qua bốn lần sửa đổi, bổ sung. So với BLHS năm 1985, BLHS năm 1999 có những thay đổi cơ bản mang tính tương đối toàn diện thể hiện sự phát triển mới của Luật hình sự Việt Nam.
BLHS năm 1999 có 2 điều quy định về tội phạm trực tiếp liên quan đến hành vi mua bán người, đó là: Tội mua bán phụ nữ (Điều 119) và tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120). Thực tiễn xét xử trong những giai đoạn từ năm 1999 đến năm 2009, đối với tội mua bán người thì người phạm tội là người dùng mọi thủ đoạn lừa phỉnh phụ nữ để đem ra nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc, Campuchia) bán cho người nước ngoài làm vợ. Việc mua bán phụ nữ xảy ra ở trong nước, nếu có cũng chủ yếu là sự móc nối của những người trong các khâu của quá trình mua bán phụ nữ và cuối cùng là đưa ra nước ngoài.
So với tội mua bán phụ nữ quy định tại Điều 115 BLHS năm 1985 về cơ bản không có gì mới, chỉ bổ sung thêm một số tình tiết là yếu tố định khung hình phạt và quy định hình phạt bổ sung ngay trong cùng một điều luật. Theo Điều 119 BLHS năm 1999, mua bán phụ nữ được xác định là tội phạm nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người. Do vậy, hình phạt đối với tội phạm này được quy định rất nghiêm khắc (phạt tù đến 7 năm đối với tội mua bán phụ nữ): phạm tội trong các trường hợp có tình tiết tăng nặng thì hình phạt có thể lên đến 20 năm tù (đối với tội mua bán phụ nữ).
Tuy nhiên, BLHS năm 1999 chỉ giới hạn nạn nhân của tội phạm này là phụ nữ, chưa quy định đối với hành vi mua bán nam giới. Khắc phục những bất cập nêu trên năm 2009, BLHS năm 1999 được sửa đổi, bổ sung, trong đó, Điều 109 được thay tên tội từ “Tội mua bán phụ nữ thành “Mua bán người; bổ sung đối tượng của tội phạm (nạn nhân) là nam giới từ đủ 16 tuổi trở lên; bổ sung một số tình tiết tăng nặng TNHS, còn CTTP cơ bản vẫn giữ nguyên.
Như vậy, việc sửa đổi, bổ sung BLHS năm 1999 đã tiếp tục khắc phục một số bất cập trong quy định của pháp luật hình sự đối với loại tội phạm mua bán người. Tuy nhiên, BLHS năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 vẫn chưa có định nghĩa pháp lý và quy định những hành vi khác (ngoài hành vi mua và bán) đối với tội mua bán người. Sau hơn 15 năm áp dụng quy định về Tội mua bán người tại Điều 119 của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), các quy định này đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Các tồn tại, hạn chế này xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, Điều 119 BLHS năm 1999 không mô tả hành vi khách quan của tội mua bán người, điều luật chỉ quy định về hành vi “mua bán”, chưa có quy định về các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp (che giấu), tiếp nhận người. Theo hướng dẫn của Nghị quyết số 04/HĐTPTANDTC/NQ của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì “mua bán trẻ em được hiểu là mua, hoặc bán trẻ em vì mục đích tư lợi”. Từ đó có thể hiểu rằng, mua bán người cũng là việc mua hoặc bán người vì mục đích tư lợi. Như vậy, cần phải chứng minh được yếu tố tư lợi của người phạm tội, đồng thời, ý chí của người bị mua bán không ảnh hưởng đến việc định tội. Điều này đã gây khó khăn trong việc phân định rạch ròi một số tội danh trong BLHS, dẫn đến chồng chéo giữa các tội danh với nhau, như phân biệt giữa hành vi mua bán người với hành vi môi giới mại dâm (tội môi giới mại dâm) (sự chồng chéo này thể hiện rất rõ trong trường hợp tuyển mộ phụ nữ rồi giới thiệu người đó vào những tụ điểm mại dâm trong nội địa); giữa hành vi mua bán người với hành vị tổ chức, cưỡng ép người khác trốn ra nước ngoài (tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép). Bên cạnh đó, việc không quy định ý chí của người bị mua bán tại cấu thành cơ bản của tội phạm mua bán người cũng gây khó khăn trong việc phân định giữa trường hợp mua bán người (tội mua bán người) với những trường hợp vi phạm pháp luật khác như môi giới hôn nhân, môi giới lao động bất hợp pháp.
Thứ hai, điều luật không đề cập tới việc nạn nhân có bị đặt trước nguy cơ bị xâm hại, lạm dụng, bóc lột hay không lại không có ý nghĩa trong việc định tội. Thực tế điều tra, truy tố, xét xử cho thấy có những trường hợp môi giới lao động, môi giới kết hôn có yếu tố nước ngoài về hình thức thì hoàn toàn đủ dấu hiệu cấu thành của Điều 119 về tội mua bán người, nhưng đối tượng được trao đổi không hề bị thiệt hại gì và cơ quan tiến hành tố tụng ở mỗi địa phương rất lúng túng trong việc vận dụng pháp luật để xử lý các trường hợp này. Ví dụ như có nhiều trường hợp phụ nữ đã có tuổi mà chưa có chồng hoặc bị chồng bỏ mong muốn được lấy chồng nên đã nhờ người khác đưa sang Trung – Quốc hoặc Hàn Quốc để được lấy chồng, hoặc có những người không có việc làm mong muốn tìm được một việc làm phù hợp đã nhờ người khác đưa sang Malaysia hoặc Thái Lan để làm giúp việc.
Thứ ba, chế tài của tội phạm này quá nhẹ hơn so với nhiều loại tội phạm khác (như buôn lậu hay ma túy) vì thế nó chưa đủ sức răn đe tội phạm.
2.3. Giai đoạn từ năm 2015 đến nay:
Trước yêu cầu đấu tranh chống tội phạm buôn bán người và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã chính thức phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia vào ngày 29/12/2011 và Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị việc mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, để khắc phục những bất cập và quy định đầy đủ hơn về tội mua bán người, trong đó xác định đầy đủ hình vị về tội danh này, BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung Điều 119 BLHS năm 1990, quy định tội mua bán người tại Điều 150. Trong đó, khoản 1 quy định cấu thành cơ bản; khoản 2, khoản 3 quy định cấu thành tăng nặng khoản 4 quy định hình phạt bổ sung.
Tuy nhiên, do BLHS 2015 có nhiều sai sót nên Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 lùi hiệu lực thi hành BLHS năm 2015. Ngày 20/6/2017 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015. Luật này được hợp nhất với BLHS năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 và được gọi là BLHS năm 2015. Trong đó, Điều 150 tiếp tục được sửa đổi, bổ sung tại các khoản 1, 2 và 3.
Trong CTTP của tội mua bán người quy định tại Điều 150 BLHS năm 2015 đã có những tiến bộ hơn so với quy định tại Điều 119 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), cụ thể: Đã quy định cụ thể hơn về hành vi mua bán người trong mặt khách quan của tội phạm, bao gồm các dạng hành vi như chuyển giao hoặc tiếp nhận người hoặc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác. Thủ đoạn mà người phạm tội có thể sử dụng là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác. Bên cạnh đó, mục đích phạm tội vì lợi ích vật chất (để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác) không còn là lợi ích duy nhất của cấu thành cơ bản tội mua bán người mà Điều 150 đã bổ sung thêm mục đích: Để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc mục đích vô nhân đạo khác. Ngoài ra, Điều 150 BLHS còn bổ sung các tình tiết tăng nặng định khung, như: vì động cơ đê hèn, gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%; làm nạn nhân chết hoặc tự sát; tái phạm nguy hiểm. Mức hình phạt tù tối thiểu mà người phạm tội mua bán người có thể phải chịu theo khoản 1 Điều 150 BLHS năm 2015 cũng tăng lên đến 3 năm, nhiều hơn 2 năm quy định tại khoản 1 Điều 119 BLHS năm 1999.
Cùng với hình phạt chính, khoản 4 Điều 150 quy định hình phạt bổ sung: Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Có thể thấy, quy định của BLHS năm 2015 đã tăng mức tiền phạt bổ sung đối với người phạm tội và bổ sung thêm nội dung tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Quy định này là tương đối phù hợp bởi xuất phát từ thực tiễn tội mua bán người khi thực hiện hành vi phạm tội các bị cáo thu được giá trị vật chất rất lớn từ việc bán người.
Những quy định về hành vi mua bán người theo quy định của Điều 150, BLHS năm 2015 cơ bản đã phù hợp, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.