Tội mua bán người đã được quy định khá chi tiết và đầy đủ trong Bộ luật Hình sự và trở thành một trong những công cụ đắc lực cho các cơ quan chức năng sử dụng trong công tác phòng chống tội phạm mua bán người.
Mục lục bài viết
1. Cơ sở của việc quy định tội mua bán người trong luật hình sự:
Cơ sở thứ nhất, hành vi mua bán người là hiện tượng có tính lịch sử. Mua bán người đã được hình thành, phát triển và tồn tại kéo dài trong suốt lịch sử của nhân loại, từ khi hình thành hình thái kinh tế – xã hội chiếm hữu nô lệ cho đến nay. Từ thời kỳ cổ đại, trung cổ cho đến cận đại thì nô lệ, nô tỳ hay là phụ nữ, trẻ em được coi như một loại hàng hóa, mua bán công khai. Nạn mua bán nô lệ đã có thời gian được diễn ra trên phạm vi toàn thế giới. Và Việt Nam cũng nằm trong số đó, do chiến tranh diễn ra liên tục nên nước ta chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa, tôn giáo khác nhau. Trong thời đại phong kiến việc mua bán nô tì, hoàng nam, dân định được diễn ra công khai, tuy nhiên ngay sau đó nhận ra những bất cập và hậu quả nghiêm trọng của hành vi mua bán người nên pháp luật Việt Nam dần hình thành các quy định để hạn chế việc mua bán người. Sang đến thời kỳ hiện đại, do Việt Nam với những đặc thù về địa lý và tình hình kinh tế – xã hội, đã khiến nước ta trở thành nơi có tình hình tội phạm mua bán người tương đối phức tạp trong khu vực. Do đó tội phạm mua bán người vẫn tiếp tục được quy định trong BLHS là cơ sở cho việc xử lý, đấu tranh và phòng chống loại tội phạm này.
Cơ sở thứ hai, hành vi mua bán người trái phép xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, quyền con người của nạn nhân. Nạn nhân của mua bán người đã và đang bị tước đi rất nhiều quyền cơ bản của một con người, bị vi phạm nhân quyền nghiêm trọng bởi các nhóm tội phạm xuyên quốc gia. Không chỉ quyền con người, đối với các nạn nhân khi bị mua, bán sang nước ngoài có thể bị mất hoàn toàn quyền công dân do việc cư trú không hợp pháp của mình. Do đó, việc thực hiện các hành động bảo vệ tất cả nạn nhân của mua bán người là hết sức quan trọng, cần được trở thành trung tâm của tất cả các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa nhằm giải quyết vấn đề mua bán người. Các biện pháp phòng ngừa mua bán người phải đảm bảo không vi phạm quyền con người và phẩm giá của con người, đặc biệt là nạn nhân mua bán người. Nhà nước Việt Nam luôn coi việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền và tự do cơ bản của con người, đây là nguyên tắc cơ bản của mọi chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, trong đó, công tác phòng, chống mua bán người luôn được đặc biệt chú trọng, huy động các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Trước tình hình mua bán người diễn ra phức tạp, Đảng và nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. Với trách nhiệm bảo đảm quyền con người, bảo đảm trật tự xã hội do đó Nhà nước đã ban hành các quy định pháp luật mang tính chất nghiêm khắc nhất để điều chỉnh vấn đề này.
Cụ thể, Chỉ thị số 48–CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới chỉ đạo tập trung đấu tranh phòng chống các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm tham nhũng cũng đề cập đến tội phạm mua bán người. Nước ta đã triển khai Chương trình 130/CP (Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ) và Luật Phòng, chống mua bán người cũng đã được Quốc Hội thông qua ngày 29/3/2011. 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình 130/CP, lồng ghép với việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII được xác định:
Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh; cải cách tư pháp, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội... .
Một loạt các văn bản dưới Luật cũng đã được ban hành nhằm trừng trị nghiêm khắc tội phạm mua bán người, đồng thời có các giải pháp hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân. Những văn bản này phù hợp với điều kiện của Việt Nam, đồng thời cũng phù hợp với các thỏa thuận và công ước mà Việt Nam đã ký kết.
Cơ sở thứ ba, việc quy định tội mua bán người nhằm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Cho đến nay các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đã cùng nhau thống nhất tham gia các điều ước quốc tế đa phương đề cập trực tiếp liên quan đến tội phạm buôn bán người nói chung và buôn bán người xuyên quốc gia nói riêng tại các văn bản pháp lý quốc tế như: Công ước của Liên Hiệp quốc về chống tội phạm có tổ chức và xuyên quốc gia (viết tắt là Công ước TOC); Nghị định thư về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (viết tắt là TIP); Công ước ASEAN về chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (viết tắt là ACTIP); Công ước quốc tế về quyền trẻ em (viết tắt là CRC); Nghị định thư không bắt buộc về Buôn bán trẻ em, Mại dâm trẻ em và Văn hóa phẩm Khiêu dâm trẻ em bổ sung cho công ước về quyền trẻ em (viết tắt là OP to CRC); Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (viết tắt là CEDAW); Công ước số 29 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc (viết tắt là ILO 29); Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức (viết tắt là ILO 105); Công ước 182 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về việc cấm và những hành động tức thời để loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất (viết tắt là ILO 182)... Bên cạnh đó Việt Nam của chúng ta đã ký hiệp định song phương với các nước Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia... về phòng chống mua bán người.
Do đó, để phù hợp với tình hình thực tiễn về phòng, chống tội phạm mua bán người cũng như phù hợp với quy định pháp luật về bảo vệ quyền con người của các nạn nhân bị mua bán thì trong BLHS tội mua bán người đã được quy định và trở thành một trong những công cụ đắc lực cho các cơ quan chức năng sử dụng trong công tác phòng chống tội phạm mua bán người.
2. Ý nghĩa của việc quy định tội mua bán người trong luật hình sự:
Về chính trị – xã hội, việc quy định tội mua bán người trong luật hình sự là sự cụ thể hóa chính sách hình sự trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tại Điều 1, BLHS Việt Nam năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã nêu lên nhiệm vụ của BLHS Việt Nam là:
Bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
Bảo vệ quyền con người luôn là mục tiêu phấn đấu của cả nhân loại. Sự nghiệp đổi mới ở nước ta đặt con người vào trung tâm của các chính sách phát triển kinh tế, xã hội, quyền con người là nhân tố cơ bản tạo nên động lực của sự phát triển đất nước. Công dân không chỉ có quyền bất khả xâm phạm về thân thể mà còn được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự. Tuy nhiên, hiện nay, các tội xâm phạm đến quyền con người đang ngày càng phát triển, diễn biến vô cùng phức tạp. Trong đó, tội mua bán người là một trong những tội phạm nguy hiểm, gây nhức nhối cho toàn xã hội. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, tình hình mua bán người xảy ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, có xu hướng gia tăng và xuất hiện nhiều thủ đoạn mới mua bán nội tạng, mua bán nam giới để cưỡng bức lao động, mua bán trẻ em còn ở trong bào thai... Việc mua bán người không chỉ xảy ra ở một số tỉnh, thành phố mà đã lan rộng ra nhiều khu vực khác trong cả nước. Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều đường dây mua bán người, mua bán trẻ em xuyên quốc gia, liên quan đến đối tượng thuộc nhiều địa phương, có sự cầu kết chặt chẽ giữa tội phạm trong nước với nước ngoài, có nhiều trường hợp mua bán người qua biên giới.
Tội phạm mua bán người xâm phạm nghiêm trọng đến quyền được bảo vệ thân thể, nhân phẩm, danh dự, sức khỏe và các quyền tự do khác của con người. Hiện nay, tội phạm này diễn ra hết sức tinh vi, phức tạp, có tính chất xuyên quốc gia. Vì vậy, để bảo vệ quyền con người, việc quy định tội mua bán người trong BLHS Việt Nam mang tính tất yếu và cần thiết, nhất là trong tình hình hiện nay không chỉ một vài quốc gia đơn lẻ mà cả thế giới đang cùng nhau hợp tác để phòng chống loại tội phạm này.
Về mặt lý luận, ghi nhận một tội phạm trong luật hình sự Việt Nam, giúp hoàn thiện pháp luật hình sự, không bỏ lọt tội phạm. BLHS Việt Nam năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định Tội mua bán người tại Điều 150 Chương XIV Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người. Tội mua bán người có tiền thân là tội mua bán phụ nữ được quy định tại Điều 119 BLHS năm 1999 và đã được đổi tên thành tội mua bán người trong lần sửa đổi, bổ sung năm 2009. Trong BLHS Việt Nam năm 1985, đã có những quy định về hành vi mua bán phụ nữ tại Điều 115 Chương II Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.
Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách và văn bản pháp luật phòng ngừa, ngăn chặn, trừng trị tội phạm này. Đồng thời cũng đã có các chế tài cụ thể đối với những hành vi liên quan đến hoạt động mua bán người. Chúng ta đã xây dựng được một khung pháp luật nhằm bảo vệ quyền con người nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý các hành vi mua bán người. Nhiều văn bản pháp luật của chúng ta hàm chứa các quy định về vấn đề này như Luật phòng, chống mua bán người năm 2011; Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014; Luật Bình đẳng giới năm 2006; Luật lao động năm 2019; Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và hàng loạt văn bản có liên quan dưới góc độ phòng ngừa, ngăn chặn, trừng trị tội mua bán người.
Về thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý các hành vi mua bán người. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, BLHS có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. BLHS Việt Nam năm 2015 quy định về tội phạm và hình phạt đối với người phạm tội. Chỉ người nào phạm một tội đã được quy định trong BLHS mới phải chịu TNHS. Vì vậy, việc quy định tội mua bán người trong BLHS Việt Nam năm 2015 với các chế tài nghiêm khắc là hết sức cần thiết, có ý nghĩa quan trọng tạo cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống, bảo vệ con người khỏi nạn mua bán người. BLHS Việt Nam năm 2015 coi tội mua bán người là tội phạm hết sức nghiêm trọng xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, thể hiện ở mức hình phạt quy định đối với tội phạm này rất nghiêm khắc, hình phạt cao nhất được quy định là bị phạt tù đến 20 năm. Mức hình phạt tối đa được áp dụng đối với những trường hợp phạm tội có các tình tiết tăng nặng như: vì mục đích mại dâm, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân, để đưa ra nước ngoài, đối với nhiều người, phạm tội nhiều lần. Ngoài việc bị phạt tù, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.