Người phạm tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người phải chịu trách nhiệm hình sự với các hình phạt chính và hình phạt bổ sung căn cứ theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Mục lục bài viết
1. Trách nhiệm hình sự của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người:
Căn cứ theo quy định tại Điều 240 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người phạm tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người phải chịu trách nhiệm hình sự với các hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Hình phạt chính bao gồm: phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 12 năm tù. Hình phạt bổ sung cũng bao gồm phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm. Trách nhiệm hình sự của người phạm tội này được ghi nhận cụ thể trong từng điều khoản như sau:
Khoản 1 Điều 240 là cấu thành cơ bản của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, theo đó khi người phạm tội đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định tại điều luật này thì tội phạm được coi là hoàn thành và phải chịu trách nhiệm hình sự. Hình phạt có thể áp dụng cho người phạm tội trong trường hợp này có thể là phạt tiền hoặc tù có thời hạn. Phạt tiền là phạt từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, còn phạt tù là từ 01 năm đến 05 năm.
Khoản 2 Điều 240 là cấu thành tăng nặng khi người phạm tội gây ra hậu quả dẫn đến “phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế” hoặc “làm chết người”, theo đó sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù từ 05 đến 10 năm. Theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì thẩm quyền công bố dịch bệnh thuộc về Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế, cụ thể:
“a) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công bố dịch theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và nhóm C;
b) Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và đối với một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B khi có từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên đã công bố dịch”.
Trong trường hợp dịch bệnh gây chết một người thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 05 đến 10 năm tù. Lỗi trong trường hợp làm chết người là lỗi vô ý bởi lẽ, nếu người phạm tội mà làm chết người một cách cố ý thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh khác.
Khoản 3 Điều 240 cũng là cấu thành tăng nặng của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khi người phạm tội với tình tiết “dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ” hoặc “làm chết 02 người trở lên” với mức phạt tù từ 10 đến 12 năm. Thủ tướng Chính phủ công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A khi dịch lây lan nhanh từ khu vực này sang khu vực khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người (điểm c khoản 2 Điều 38 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007). Mức phạt cao nhất về hình phạt tù có thời hạn theo quy định này là 12 năm, và học viên cho rằng đây là mức phạt phù hợp với tình hình xã hội Việt Nam hiện nay cũng như trong thời gian tới, khi diễn biến phức tạp của đại dịch COVID–19 còn tiếp tục và nguy cơ xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm khác đang ngày càng gia tăng.
Như vậy, so sánh với Điều 186 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), đối với các tình tiết định khung hình phạt, Điều 240 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng bãi bỏ các tình tiết “Gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và thay bằng các tình tiết: “dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế, làm chết người” (khoản 2 Điều 240); “dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, làm chết 02 người trở lên (khoản 3 Điều 240). Về hình phạt chính, do Điều 240 có kết cấu gồm 03 khoản thay vì 02 khoản như Điều 186 nên khoản 2 của điều luật có khung hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm, khoản 3 từ 10 năm đến 12 năm. Về hình phạt bổ sung, khoản 4 Điều 240 đã tăng mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, thay vì 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng như quy định tại khoản 3 Điều 186.
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả áp dụng các quy định của luật hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người:
Hiệu quả áp dụng các quy định của luật hình sự được thể hiện qua việc định tội danh và quyết định hình phạt đối với tội phạm đó, do đó, để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả áp dụng các quy định của luật hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người thì phải làm rõ các yếu tố ảnh hưởng đến việc định tội danh và quyết định hình phạt về tội này. Qua nghiên cứu, học viên cho rằng các yếu tố sau đây sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả áp dụng các quy định về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người:
Thứ nhất, định tội danh và quyết định hình phạt thực chất là quá trình lựa chọn quy phạm pháp luật hình sự để áp dụng, do đó yếu tố đầu tiên ảnh hưởng đến chất lượng của các hoạt động này đó là hệ thống pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và các quy phạm pháp luật khác có liên quan đến tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Trải qua quá trình kế thừa và phát triển, BLHS năm 2015 của nước ta ra đời tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy định về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người trong BLHS năm 1999 và chính thức ghi nhận tại Điều 240 với nội dung gồm bốn điều khoản tương đối rõ ràng. Ngoài quy định tại Điều 240 BLHS hiện hành, các quy định tại Phần chung BLHS cũng như các quy định về các tội phạm khác có liên quan cũng cần được xem xét kĩ lưỡng để so sánh, áp dụng trong định tội danh và quyết định hình phạt. Hệ thống pháp luật tố tụng hình sự đầy đủ cũng là yếu tố bảo đảm cho quy trình tố tụng được diễn ra hợp pháp, bảo đảm các quyền và nghĩa vụ của những chủ thể tham gia tố tụng. Có thể thấy, hệ thống pháp luật hình sự hoàn chỉnh là yếu tố quan trọng để đảm bảo hoạt động định tội danh, quyết định hình phạt đối với tội phạm về làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người được hiệu quả. Dựa trên cơ sở hệ thống pháp luật mà trước tiên là hệ thống pháp luật hình sự hoàn chỉnh, đặc biệt là Chương XIX BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) người tiến hành định tội danh mới có thể có đủ điều kiện phát huy được khả năng làm việc của mình trong quá trình giải quyết vụ án.
Thứ hai, định tội danh và quyết định hình phạt về làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là hoạt động của chủ thể có thẩm quyền trong việc xác định hành vi người phạm tội thực hiện có thỏa mãn quy định tại Điều 240 BLHS hiện hành hay không, nếu thỏa mãn thì thuộc điểm, khoản nào của điều luật và tương ứng sẽ phải chịu trách nhiệm theo khung hình phạt tại điểm, khoản nào. Vì vậy, để bảo đảm định tội danh và quyết định hình phạt một cách đúng đắn đòi hỏi người có thẩm quyền định tội danh và quyết định hình phạt phải có kiến thức pháp luật, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tốt. Thẩm phán, Kiểm sát viên và Điều tra viên là những người được Nhà nước trao thẩm quyền để giải quyết các vụ án hình sự, theo đó họ được tuyển chọn khắt khe qua các kỳ bổ nhiệm và năng lực chuyên môn là một trong những tiêu chí quan trọng để bổ nhiệm các chức danh này. Đối với Thẩm phán, năng lực chuyên môn là khả năng thực hiện công tác xét xử các vụ việc, vụ án nói chung và vụ án hình sự nói riêng theo thẩm quyền được pháp luật quy định. Đối với Kiểm sát viên, năng lực chuyên môn là khả năng trong việc thực hành quyền công tố và quyền kiểm sát các hoạt động tư pháp theo thẩm quyền của mình. Đối với Điều tra viên, năng lực chuyên môn là khả năng được thể hiện trong quá trình điều tra các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền được trao. Nói tóm lại, điều kiện quan trọng hàng đầu đảm bảo cho việc định tội danh đối với tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người nói riêng, các tội phạm được quy định trong BLHS nói chung một cách đúng đắn, hợp pháp phụ thuộc phần lớn vào năng lực chuyên môn của người định tội danh. Người định tội danh khi tiến hành hoạt động định tội danh sẽ có đủ sự tự tin trong hoạt động nghề nghiệp của mình chỉ khi họ có năng lực chuyên môn vững vàng. Để có năng lực chuyên môn vững vàng, người định tội danh trước hết phải là người nắm chắc những kiến thức được giảng dạy ở trường đại học, ở các cơ sở đào nghề, ở cơ quan công tác. Hơn thế nữa, người định tội danh phải thường xuyên trau dồi chuyên môn, thường xuyên cập nhật quy định trong các văn bản pháp luật mới về tội phạm này, chịu khó học hỏi, lĩnh hội kinh nghiệm của những thế hệ đi trước.
Thứ ba, hoạt động định tội danh và quyết định hình phạt phải được kiểm tra, giám sát. Với sự phức tạp của tội danh và những hành vi của cơ quan, chủ thể tiến hành tố tụng về cơ bản sẽ làm ảnh hưởng đến những quyền chính trị con người, do đó, cần thiết phải có một cơ chế hữu hiệu với chức năng giám sát hoạt động định tội danh và quyết định hình phạt của các chủ thể có thẩm quyền.