Trung Quốc chỉ xử lý hình sự hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người; còn những hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh chóng thì không bị quy định là tội phạm.
Mục lục bài viết
1. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo luật Trung Quốc:
Tại Trung Quốc, các hình thức trách nhiệm pháp lý được quy định theo ngành luật (luật hình sự, luật dân sự, luật hành chính). BLHS năm 1997 của Trung Quốc quy định các tội phạm theo nhóm, trong đó có nhóm tội phạm xâm phạm đến sức khỏe công cộng bao gồm 8 tội liên quan đến phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm (Mục 5 Chương 6), theo đó, những người vi phạm thậm chí có thể phải đối mặt với án tử hình. Nghiên cứu Mục 5 Chương 6 BLHS quốc gia này thì tội về làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được quy định tại các Điều luật 330, 331, 332, cụ thể:
Khoản 6 Điều 330 quy định: “Người nào vi phạm quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, có một trong các tình tiết sau, gây ra bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc truyền những bệnh nguy hiểm thì bị phạt tù đến 7 năm hoặc cải tạo lao động; nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 đến 7 năm:
(i) Nước ăn do các đơn vị cấp nước không đạt tiêu chuẩn vệ sinh do Nhà nước quy định;
(ii) Xử lý những tác nhân gây bệnh truyền nhiễm như nước thải, chất thải, không đúng theo yêu cầu vệ sinh của cơ quan phòng dịch y tế;
(iii) Cho phép những bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, những người đang mang mầm mống bệnh, những người bị nghi là mặc bệnh truyền nhiễm làm những công việc dễ truyền nhiễm bệnh cho người khác mà cơ quan hành
chính y tế Quốc vụ viện cấm;
(iv) Không thực hiện những biện pháp không chế dự phòng mà cơ quan y tế đưa ra theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm”.
Đơn vị nào phạm những tội nói trên thì sẽ bị phạt tiền, còn những người phụ trách trực tiếp và những nhân viên chịu trách nhiệm trực tiếp khác sẽ bị xử phạt theo quy định trên. Những bệnh truyền nhiễm nhóm A là những bệnh được xác định trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và những quy định có liên quan của Quốc vụ viện.
Khoản 6 Điều 331 quy định: “Những nhân viên làm công tác thực nghiệm bảo quản lưu giữ, vận chuyển những vi khuẩn, độc tố gây bệnh truyền nhiễm vi phạm quy định có liên quan của cơ quan hành chính y tế Quốc vụ viện, làm phát tán những vi khuẩn, độc tố gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù đến 3 năm hoặc cải tạo lao động; nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ bị phạt tù từ 3 đến 7 năm”.
Khoản 6 Điều 332 quy định: “Người nào vi phạm những quy định về kiểm dịch biên giới dẫn đến lây lan dịch bệnh truyền nhiễm hoặc truyền những bệnh nguy hiểm sẽ bị phạt tù đến 3 năm hoặc cải tạo lao động và bị phạt tiền hoặc chỉ bị phạt tiền”.
Đơn vị nào phạm những tội nói trên thì sẽ bị phạt tiền, còn những người phụ trách trực tiếp và những nhân viên chịu trách nhiệm trực tiếp khác sẽ bị xử phạt theo quy định trên.
Như vậy, có thể thấy BLHS Trung Quốc cũng quy định chỉ xử lý hình sự hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người; còn những hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh chóng thì không bị quy định là tội phạm. Sự khác biệt trong quy định của BLHS Trung Quốc về việc xử lý hình sự hành vi lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người so với BLHS Việt Nam có thể thấy bao gồm: (i) BLHS Trung Quốc quy định tội gây nguy hại cho vệ sinh công cộng trong Chương VI về các tội xâm phạm trật tự quản lý xã hội thuộc Phần các tội phạm mà không thuộc nhóm tội phạm về môi trường; (ii) BLHS Trung Quốc quy định ngoài cá nhân thì đơn vị (pháp nhân) có thể trở thành chủ thể của các tội phạm được quy định tại Điều 330 và 332, trong khi BLHS Việt Nam chỉ quy định cá nhân là chủ thể của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240; (iii) BLHS Trung Quốc quy định khá chi tiết và nhiều hành vi phạm tội khác nhau liên quan đến việc làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm, theo đó gồm một số hành vi như vi phạm quy định về cấp nước, xử lý chất thái không đúng tiêu chuẩn vệ sinh; vi phạm quy định về thực nghiệm, bảo quản, lưu giữ, các mầm bệnh truyền nhiễm, cho phép những bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, những người đang mang mầm bệnh, những người bị nghi là mắc bệnh truyền nhiễm làm cho những công việc dễ truyền bệnh cho người khác... trong khi BLHS Việt Nam chưa quy định các hành vi phạm tội này.
2. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo luật Nhật Bản:
Pháp luật Nhật Bản hiện hành là sự kết hợp đặc biệt của hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa (Civil law) với hệ thống pháp luật Anh – Mỹ (Common Law) bởi quốc gia này đã rất khéo léo trong việc học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm nước ngoài để xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nước mình. Về các hành vi phạm tội có liên quan đến làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm, BLHS Nhật Bản [33] đã ghi nhận một số tội xâm phạm đến nguồn nước gây ô nhiễm, độc hại và ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới sức khỏe, tính mạng con người, cụ thể bao gồm: Điều 143 về tội gây ô nhiễm hệ thống cấp nước, Điều 144 về tội bỏ chất độc vào nước sạch, Điều 145 về tội gây ô nhiễm nước sạch dẫn đến chết người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Cụ thể:
“Điều 143. Tội gây ô nhiễm hệ thống cấp nước Người nào gây ô nhiễm nước sạch dùng làm nước uống đã được cấp cho công chúng qua đường ống nước hoặc gây ô nhiễm nguồn nước sạch và bằng cách đó làm cho nước không bảo đảm tiêu chuẩn sử dụng, thì bị phạt tù khổ sai từ 6 tháng đến 7 năm. Điều 144. Bỏ chất độc vào nước sạch Người nào bỏ chất độc vào nước sạch dùng làm nước uống hoặc gây ô nhiễm nước sạch bằng các chất có hại cho sức khỏe con người, thì bị phạt tù đến 3 năm.
Điều 145. Tội gây ô nhiễm nước sạch dẫn đến chết người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
Người nào thực hiện một trong các tội được quy định tại các điều 142, 143 và 144 mà gây chết người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, đều bị xử phạt nặng hơn so với các tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.”
Có thể thấy, BLHS Nhật Bản tập trung chú trọng vào nguồn nước và quy định rất cụ thể các tội xâm phạm tới nguồn nước, từ đó phát sinh các hành vi làm lây truyền dịch bệnh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người, mà không có quy định riêng biệt về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm như BLHS Việt Nam.
Tuy nhiên, nhận thức được mức độ nguy hiểm của các bệnh truyền nhiễm đối với đời sống người dân, năm 1998, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành Luật riêng về phòng, chống các bệnh truyền nhiễm và chăm sóc y tế cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm với 14 Chương tương đối đầy đủ và hệ thống, 81 điều luật cùng 01 điều khoản bổ sung, trong đó chương XIV trực tiếp liên quan đến việc xử lý hình sự các tội phạm về phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, cụ thể:
– Điều 67 đến Điều 72 Luật này quy định mức phạt tù và phạt tiền đối với các hành vi vi phạm của đối tượng bị nghi ngờ hoặc bị nhiễm bệnh truyền nhiễm, theo đó bao gồm: hành vi làm lây lan bệnh truyền nhiễm, hành vi không thực hiện việc cách ly, giám sát y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ hoặc bị nhiễm các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm I, nhóm II gây nguy hiểm cho cộng đồng. Mức phạt tù cao nhất trong các quy định này là tù chung thân và mức phạt tiền tối đa là 10 triệu Yên.
– Điều 73 quy định chế tài đối với hành vi tiết lộ thông tin y tế của bệnh nhân bị nhiễm bệnh để lợi dụng chuộc lợi hoặc vì mục đích không tốt của đối tượng là người điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm bệnh truyền nhiễm, theo đó phạt tù tối đa là 01 năm và mức phạt tiền tối đa là 01 triệu Yên.
– Điều 74 đến 77 quy định chế tài đối với hành vi che giấu, không khai báo thông tin hoặc khai báo sai thông tin cho cán bộ nhà nước có thẩm quyền của đối tượng biết về trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh truyền nhiễm, theo đó phạt tù tối đa là 01 năm và mức phạt tiền tối đa là 03 triệu Yên.
– Điều 79 quy định thêm cho đối tượng là tổ chức có người đại diện, nhân viên hoặc người lao động của tổ chức đó thực hiện các hành vi phạm tội mà có liên quan đến tổ chức thì cả người thực hiện hành vi và cả tổ chức đó đều phải chịu hình phạt tiền. Từ đó thấy được quy phạm này đã tiên liệu được phạm vi chủ thể phạm tội rất rộng, hạn chế tối đa việc bỏ lọt tội phạm.
3. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo luật của Liên bang Nga:
BLHS nước Cộng hòa Liên bang Nga quy định về tội phạm môi trường tại Chương 26 – Các tội phạm về sinh thái (từ Điều 246 đến Điều 258), trong đó liên quan đến hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người có thể kể đến quy định tại Điều 248 về tội vi phạm các quy định về an toàn khi tiếp xúc với các độc tố vi sinh hay độc tố sinh học khác và Điều 249 về tội vi phạm các quy định về thú y và các quy định về kiểm soát dịch bệnh và sâu hại cây cối. Hai điều luật trên quy định những hành vi tiếp xúc trực tiếp trực tiếp với nguồn bệnh và không tuân thủ các quy định để bảo đảm an toàn mà không xét trên khía cạnh mặt trung gian làm nguồn lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Chế tài cho các hành vi phạm các tội trên có thể lên đến 5 năm phạt tù hoặc 2 năm phạt cải tạo lao động hoặc 3 năm bị hạn chế tự do.
Bên cạnh đó, gần đây nhất vào ngày 01/4/2020, cơ quan lập pháp Liên bang Nga đã thông qua quy định mới tại Điều 207.2 BLHS nước Cộng hòa Liên bang Nga về tội phát tán sai lệch thông tin xã hội (như thông tin về dịch bệnh COVID–19) gây hậu quả nghiêm trọng, theo đó có thể bị phạt tiền lên tới 700.000 RUB (tương đương khoảng 9.000 USD) đối với cá nhân hoặc 2 triệu RUB (tương đương khoảng 26.000 USD) đối với pháp nhân, đồng thời có thể bị phạt tù đến 05 năm. Một thanh niên 26 tuổi tại Nga đã bị phạt ở mức tương tự khi bình luận vào một báo cáo với thông tin 01 người đã chết do dịch bệnh COVID–19 tại một bệnh viện.