Tội phạm làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người được quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), theo đó, người nào thực hiện hành vi theo luật định, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người thì phải chịu TNHS.
Tội phạm làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người được quy định tại Điều 240 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;
c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;
b) Làm chết người.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;
b) Làm chết 02 người trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”.
Các các dấu hiệu pháp lý của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người được thể hiện trong khoản 1 Điều 240, cụ thể:
Mục lục bài viết
- 1 1. Khách thể của tội phạm làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người:
- 2 2. Mặt khách quan của tội phạm làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người:
- 3 3. Chủ thể của tội phạm làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người:
- 4 4. Mặt chủ quan của tội phạm làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người:
1. Khách thể của tội phạm làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người:
Theo nghiên cứu một số quan điểm khác nhau về khách thể tội phạm trong khoa học luật hình sự, về cơ bản định nghĩa khách thể của tội phạm là “quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ tránh khỏi sự xâm hại có tính chất tội phạm nhưng bị tội phạm xâm phạm đến và gây nên (hoặc có thể gây nên) thiệt hại đáng kể nhất định” [14, tr. 349]. Chứng minh khách thể của tội phạm là việc xác định có quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ bị xâm hại hay không, bởi lẽ nếu không có quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ nào bị xâm hại thì không có tội phạm. Do đó, bất kỳ tội phạm nào được quy định tại Phần các tội phạm trong BLHS Việt Nam hiện hành cũng đều xâm hại đến một hoặc một số quan hệ xã hội nhất định bằng việc gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội đó.
Trong Phần các tội phạm của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người được quy định tại Chương Các tội phạm về môi trường, theo đó khách thể trực tiếp của hành vi phạm tội này là chế độ bảo vệ môi trường của Nhà nước ta [11, tr. 266] và đồng thời có nguy cơ cao làm xâm phạm đến tính mạng và sức khỏe con người. “Chế độ bảo vệ môi trường” có thể được hiểu là hệ thống các cách
thức, biện pháp được pháp luật ghi nhận, điều chỉnh để bảo vệ môi trường sống tự nhiên của các thực thể tồn tại trong môi trường đó (bao gồm cả động, thực vật, con người). Do đó, hành vi phạm tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm không chỉ gây ảnh hưởng đến mỗi cá nhân mà còn làm hại đến môi trường tự nhiên, gây nguy hiểm cho cả cộng đồng. Tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm này thể hiện ở chỗ làm giảm các lợi ích của mỗi trường trong sạch của xã hội, xâm phạm đến quyền được sống trong môi trường trong lành ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Mặt khách quan của tội phạm làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người:
Có thể thấy, tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là loại tội phạm có cấu thành vật chất mà theo khoa học luật hình sự thì cấu thành vật chất sẽ có đủ các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm bao gồm: hành vi nguy hiểm cho xã hội, hậu quả nguy hiểm cho xã hội và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả đó.
Dấu hiệu thứ nhất trong mặt khách quan của tội phạm này là hành vi nguy hiểm cho xã hội, cụ thể hành vi khách quan của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người đã được phân tích trong nhiều nghiên cứu và về cơ bản là các dạng hành vi sau đây:
(1) Hành vi đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh các đối tượng được xem là trung gian truyền bệnh bao gồm:
– Động vật (bao gồm động vật trên cạn và động vật dưới nước như gia súc, gia cầm, cá, tôm...);
– Thực vật và sản phẩm của thực vật như rau, nấm, hoa quả...;
– Sản phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt, trứng, nội tạng...;
– Sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật như bột ngũ cốc, dầu thực vật...;
– Các vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người như chuồng nuôi nhốt động vật nhiễm bệnh, dụng cụ giết mổ động vật nhiễm bệnh...
Khái niệm “bệnh truyền nhiễm” và “dịch bệnh truyền nhiễm” đã được làm rõ ở Chương 1, theo đó vùng có dịch bệnh được hiểu là khu vực được cơ quan có thẩm quyền công bố là có dịch, có thể ở phạm vi nhỏ như một làng, một xã hoặc ở phạm vi lớn hơn như thị trấn, thị xã, tỉnh, thành phố hoặc thậm chí cả một quốc gia. Tuy nhiên, hành vi trên đây có thể không bị coi là hành vi khách quan của tội phạm này khi được pháp luật cho phép mà trong điều luật thể hiện bằng cụm “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”, ví dụ: Trường hợp cần thiết phải mang mẫu bệnh phẩm có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người từ vùng có dịch ra bên ngoài, thậm chí là ra nước ngoài để tiến hành xét nghiệm thì hành vi của người đưa ra, hoặc cho phép đưa ra lại được coi là hợp pháp và không phạm tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người (Theo khoản 1 Điều 56 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007).
(ii) Hành vi đưa từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh (như gia cầm bị cúm H5N1, thịt bỏ điên...) hoặc không bị nhiễm bệnh nhưng mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người (như vi–rút Hanta trên cơ thể chuột không gây bệnh cho chuột nhưng có thể lây bệnh cho người và gây viêm phổi hoặc sốt xuất huyết kèm theo suy thận ở người). Đây có thể được hiểu là hành vi nhập khẩu hay chuyển những đối tượng nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh vào biên giới Việt Nam.
(ii) Hành vi cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người. Đây là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trong việc kiểm dịch và biết động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền sang cho người nhưng vẫn cho phép đưa, mang, chuyên chở vào biên giới Việt Nam.
(iv) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, không thuộc hai loại hành vi trên nhưng có tính nguy hiểm là làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người như hành vi không tiêu hủy động vật, sản phẩm và các vật khác có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh sang người; hoặc như trong bối cảnh diễn biến của đại dịch COVID–19 như hiện nay có thể kể đến một số hành vi như trốn khỏi nơi cách ly của người theo quy định phải cách ly để phòng bệnh; không tuân thủ quy định về cách ly y tế; trốn tránh việc áp dụng các biện pháp cách ly; không khai báo y tế đầy đủ hoặc khai báo gian dối... Cụ thể, trước tình hình lây lan dịch bệnh COVID–19, nhằm phục vụ cho công tác xét xử các vụ án hình sự có liên quan đến COVID–19, ngày 30/3/2020, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã ban hành Công văn số 45/TANDTC–PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID–19 (sau đây gọi tắt là Công văn số 45/TANDTC–PC). Theo hướng dẫn tại Công văn này, những trường hợp được coi là thực hiện hành vi khác làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người” và bị xử lý về tội này theo Điều 240 được liệt kê bao gồm: Người đã được thông báo mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID–19 đã được thông báo cách ly mà trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh COVID–19 cho người khác.
Dấu hiệu thứ hai trong mặt khách quan của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Hậu quả quy định ở đây là “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người có nguyên nhân là hành vi khách quan được Điều 240 mô tả. Hậu quả này thể hiện trong thực tiễn rằng đã có dịch bệnh bùng phát ít nhất tại một khu vực nhất định với số lượng người mắc bệnh được xác định vượt quá số người mắc bệnh dự tính bình thường trong một khoảng thời gian cụ thể ở khu vực đó. Có sự sửa đổi, bổ sung so với quy định trong BLHS trước đó, Điều 240 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã ghi nhận các hậu quả cụ thể là “dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế”, hoặc của Thủ tướng Chính phủ, | hoặc làm chết người, làm chết từ 02 người trở lên thay vì các hậu quả chung chung như “rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”.
Dấu hiệu thứ ba trong mặt khách quan của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là mối quan hệ nhân–quả giữa một trong các dạng hành vi khách quan của người phạm tội đã làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người tại một đơn vị hành chính nhất định hoặc một khu vực lãnh thổ.
3. Chủ thể của tội phạm làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người:
Chủ thể của bất kỳ tội phạm nào cũng phải là con người cụ thể đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng có năng lực trách nhiệm | hình sự và đạt đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (hay có thể gọi là chủ thể bình thường). Chủ thể của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người có thể là chủ thể bình thường hoặc chủ thể đặc biệt, tùy thuộc vào dạng hành vi khách quan cụ thể mà chủ thể thực hiện. Trong trường hợp hành vị khách quan là hành vi “cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người” hoặc hành vi “cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người”, chủ thể của tội phạm là chủ thể đặc biệt và là người có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thực hiện các hành vi trên (như cán bộ kiểm dịch tại các cửa khẩu biên giới hoặc tại các chốt kiểm dịch ở địa phương nơi đang có dịch).
Trong các trường hợp khác, chủ thể của tội phạm là chủ thể thường và theo Điều 12 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017 là người từ đủ 16 tuổi trở lên vì tội này không thuộc các tội mà tuổi chịu trách nhiệm hình sự có thể từ đủ 14 tuổi trở lên được liệt kê tại khoản 2 Điều 12.
4. Mặt chủ quan của tội phạm làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người:
Các diễn biến tâm lý bên trong con người phạm tội hình thành dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm, do đó, các dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm bao gồm: lỗi của chủ thể phạm tội, động cơ và mục đích phạm tội.
Dấu hiệu đầu tiên trong mặt chủ quan của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là dấu hiệu lỗi của chủ thể. Đối với tội phạm này, lỗi của chủ thể được quy định theo khoản 1 Điều 240 là lỗi cố ý. Cụ thể, khi thực hiện một trong các hành vi khách quan nguy hiểm cho xã hội được làm rõ ở điểm b trên đây, người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người khác nhưng vẫn thực hiện, để mặc cho hậu quả xảy ra. Có thể thấy, đối với chủ thể là người có nhiệm vụ, quyền hạn hay chủ thể bình thường thì đều có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm của dịch bệnh truyền nhiễm và hậu quả nguy hiểm có thể xảy ra nếu như không tuân thủ các quy định kiểm dịch, cách ly y tế và phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm (thông qua công bố từ chủ thể có thẩm quyền hoặc thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, kinh tế xảy ra trên thực tiễn).
Do đó, việc người phạm tội không tuân thủ các quy định về kiểm dịch, cách ly y tế và phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm hoặc thực hiện các hành vi khách quan khác làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm đã chứng minh được ý thức chủ quan của họ là cố ý thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Cấu thành cơ bản của tội phạm này theo khoản 1 Điều 240 cũng như các hành vi nguy hiểm cho xã hội liệt kê trong Công văn số 45/TANDTC–PC ngày 30/3/2020 cho thấy lỗi của người phạm tội không thể là lỗi vô ý; bởi lẽ, người phạm tội không có cơ sở nào để tin là hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, mà việc thực hiện hành vi phạm tội này xuất phát từ ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội danh này. Cụ thể, người phạm tội có thể thực hiện hành vi phạm tội với động cơ vụ lợi hoặc các động cơ cá nhân khác. Trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi nhằm mục đích “gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng” thì hành vi cấu thành tội khủng bố (Điều 299 BLHS) (dạng khủng bố bằng vũ khí sinh học) hoặc mục đích chống chính quyền nhân dân thì hành vi cấu thành tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113 BLHS).