Người giám hộ là người thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được giám hộ. Con có thể là người giám hộ cho cha, mẹ được không?
Mục lục bài viết
1. Con có thể là người giám hộ cho cha, mẹ được không?
Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Nhắc đến người giám hộ, ta thường nhắc đến các trường hợp cha, mẹ là người giám hộ của con chưa thành niên, con thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự. Vậy con có thể là người giám hộ cho cha, mẹ được không?
– Theo quy định tại Điều 49, người được giám hộ là các chủ thể sau đây:
+ Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;
+ Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;
+ Người mất năng lực hành vi dân sự;
+ Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Theo quy định nêu trên, con được là người giám hộ cho cha mẹ khi cha mẹ là người mất năng lực hành vi dân sự; là chủ thể gặp khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
– Để trở thành người giám hộ của cha mẹ, con cái cũng cần đảm bảo những điều kiện cụ thể sau đây:
+ Con cái phải là chủ thể có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
+ Muốn là người giám hộ cho cha mẹ, con cái phải là người có tư cách đạo đức tốt cùng với việc đáp ứng các điều kiện cần thiết để thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
+ Các cá nhân với tư cách là người giám hộ phải đảm bảo không phải người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác: Cố ý gây thương tích, giết người…
Như vậy, theo nội dung phân tích nêu trên, khi cha mẹ là người mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, và con cái đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về người giám hộ, thì con cái có thể trở thành người giám hộ của cha, mẹ.
2. Quyền và trách nhiệm của con cái khi làm người giám hộ cho cha, mẹ:
2.1. Quyền của con cái khi làm người giám hộ cho cha mẹ:
Theo quy định tại Điều 58 Bộ luật dân sự 2015, khi làm người giám hộ cho cha, mẹ, con cái có các quyền sau đây:
– Con cái (với tư cách là người giám hộ) được sử dụng tài sản của người được giám hộ (là cha, mẹ) để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ. Tức khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, hoặc khả năng làm chủ hành vi, cần được chăm sóc về sức khỏe, thì con cái có thể sử dụng nguồn tài sản hiện có của cha mẹ để chăm sóc, chi dùng cho các nhu cầu thiết yếu của cha mẹ. Hay nói cách khác, con cái được quyền sử dụng tài sản của bố mẹ để phục vụ cho quá trình chăm sóc họ.
– Người giám hộ là con cái được thanh toán các chi phí hợp lý cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ. Con cái với tư cách là người giám hộ, sẽ chịu trách nhiệm quản lý tài sản của cha mẹ. Lúc này, trong quá trình quản lý tài sản của cha mẹ, con cái được thanh toán các chi phí hợp lý cho hoạt động đó.
– Con cái (người giám hộ) được đại diện cho người được giám hộ (là cha, mẹ) trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ. Thực tiễn đời sống, có rất nhiều sự kiện pháp lý liên quan đến quyền nhân thân và quyền tài sản của các cá nhân. Khi bị mất năng lực hành vi dân sự, cha mẹ sẽ không thể tự mình thực hiện các giao dịch này. Mà con cái, với tư cách là người giám hộ, có thể đại diện cho cha mẹ để thực hiện chúng.
2.2. Nghĩa vụ của con cái khi làm người giám hộ cho cha, mẹ:
Theo quy định tại Điều 57 Bộ luật dân sự 2015 về nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, thì con cái phải có các nghĩa vụ sau đây đối với cha, mẹ:
– Con cái phải có nghĩa vụ chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh cho người được giám hộ (cha, mẹ).
– Con cái phải có trách nhiệm đại diện cho người được giám hộ là cha, mẹ trong các giao dịch dân sự;
– Con cái có nghĩa vụ quản lý tài sản của cha, mẹ.
– Con cái phải có nghĩa vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.
3. Thủ tục đăng ký giám hộ:
Để đăng ký giám hộ được thực hiện theo
– Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ
Để đăng ký giám hộ, cá nhân (với tư cách là người giám hộ) phải chuẩn bị một bộ hồ sơ với đầy đủ giấy tờ, tài liệu sau đây:
+ Tờ khai đăng ký giám hộ.
+ Văn bản cử người giám hộ (đối với giám hộ cử) hoặc giấy tờ chứng minh điều kiện giám hộ đương nhiên (đối với giám hộ đương nhiên). Trong trường hợp có nhiều người cùng đủ điều kiện làm giám hộ đương nhiên thì nộp thêm
+ Văn bản ủy quyền trong trường hợp ủy quyền đăng ký giám hộ.
+ Căn cước công dân của người đăng ký giám hộ.
Sau khi chuẩn bị hồ sơ với đầy đủ giấy tờ, tài liệu nêu trên, người đăng ký giám sẽ nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ hoặc người giám hộ thực hiện đăng ký giám hộ.
– Bước 2: Thụ lý hồ sơ.
+ Cơ quan chức năng có thẩm quyền tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra toàn bộ hồ sơ, xác định tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình; đối chiếu thông tin trong Tờ khai với giấy tờ trong hồ sơ.
+ Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, người tiếp nhận hồ sơ viết giấy tiếp nhận, trong đó ghi rõ ngày, giờ trả kết quả;
+ Trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hoàn thiện thì cơ quan chức năng có thẩm quyền chịu trách nhiệm hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện theo quy định
– Bước 3: Giải quyết hồ sơ.
Khi hồ sơ đảm bảo đầy đủ tính hợp lệ theo quy định của pháp luật, công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
Nếu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đồng ý giải quyết thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký giám hộ, hướng dẫn người yêu cầu đăng ký hộ tịch kiểm tra nội dung Trích lục đăng ký giám hộ và Sổ đăng ký giám hộ, cùng người đi đăng ký giám hộ ký vào Sổ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Trích lục đăng ký giám hộ cho người yêu cầu.
Thời hạn giải quyết là trong vòng 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ mà cá nhân gửi lên.
4. Tờ khai đăng ký giám hộ:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
TỜ KHAI ĐĂNG KÝ GIÁM HỘ
Kính gửi: (1) ……………
Họ, chữ đệm, tên người yêu cầu: …………………….
Nơi cư trú: (2) ………………………………………………
Giấy tờ tùy thân: (3) ………………………………………
Đề nghị cơ quan đăng ký việc giám hộ giữa những người có tên dưới đây:
Người giám hộ: ………………………………………………
Họ, chữ đệm, tên: …………………………………………….
Ngày, tháng, năm sinh: ……………………………………..
Giới tính: ……………..Dân tộc:……. Quốc tịch: ……..
Nơi cư trú: (2) ………………………………………………
Giấy tờ tùy thân: (3) ………………………………………..
Người được giám hộ: ………………………………………
Họ, chữ đệm, tên: …………………………………………….
Ngày, tháng, năm sinh: …………………………………….
Giới tính: …………Dân tộc:……….. Quốc tịch: ………
Nơi cư trú: (2) …………………………………………………
Giấy khai sinh/Giấy tờ tùy thân: (3) ………………….
Lý do đăng ký giám hộ: ……………………………………
Tôi cam đoan những nội dung khai trên đây là đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về cam đoan của mình.
Làm tại: ……., ngày ….. tháng ….. năm ……….
Người yêu cầu
(Ký, ghi rõ họ, chữ đệm, tên)
Đề nghị cấp bản sao(4): Có Không
Số lượng: …. bản
Chú thích:
(1) Ghi rõ tên cơ quan đăng ký giám hộ.
(2) Ghi theo nơi đăng ký thường trú, nếu không có nơi đăng ký thường trú thì ghi theo nơi đăng ký tạm trú; trường hợp không có nơi đăng ký thường trú và nơi đăng ký tạm trú thì ghi theo nơi đang sinh sống.
(3) Ghi thông tin về giấy tờ tùy thân như: hộ chiếu, chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế.
(4) Đề nghị đánh dấu X vào ô nếu có yêu cầu cấp bản sao và ghi rõ số lượng.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Bộ luật dân sự 2015.