Quyết định hình phạt đối với tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN là việc Tòa án lựa chọn miễn TNHS hoặc có thể là miễn hình phạt hoặc lựa chọn một loại hình phạt, mức hình phạt cụ thể trong phạm vi luật định để áp dụng đối với người phạm tội.
Mục lục bài viết
1. Khái quát lý luận về định tội danh đối với tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước:
Định tội danh hiểu đơn giản là hoạt động xác định tên tội phạm cụ thể theo quy định của PLHS. Đây là hoạt động nhận thức và áp dụng pháp luật hình sự dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật để xác định tên tội danh phù hợp với các hành vi khách quan mà chủ thể của tội phạm đã thực hiện. Định tội danh, là bước đầu xác định TNHS của chủ thể thực hiện tội phạm, đây là cơ sở, nền tảng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động định khung và quyết định hình phạt sau này. Chỉ có thể xác định khung hình phạt, hình phạt khi đã xác định tội danh của chủ thể, nếu hoạt động định tội danh sai sẽ dẫn tới toàn bộ kết quả của hoạt động truy cứu TNHS trở thành không có giá trị pháp lý. Hiện nay, khoa học hình sự Việt Nam còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau, chưa thống nhất về khái niệm định tội danh, có thể kể đến một số quan điểm sau:
Theo quan điểm của GS.TSKH Lê Cảm: “Định tội danh là quá trình nhận thức lý luận có tính logic, là dạng của hoạt động thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự cũng như pháp luật tố tụng hình sự và được tiến hành trên cơ sở các chứng cứ, các tài liệu thu thập được và các tình tiết thực tế của vụ án hình sự để xác định sự phù hợp giữa các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện với các dấu hiệu của CTTP tương ứng do luật hình sự quy định nhằm đạt được sự thật khách quan, tức là đưa ra sự đánh giá chính xác tội phạm về mặt pháp lý hình sự, làm tiền đề cho việc cá thể hóa và phân hóa TNHS một cách công minh, có căn cứ và đúng pháp luật”.
Theo quan điểm của PGS.TS Dương Tuyết Miên cho rằng: “Định tội danh là hoạt động thực tiễn của các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) và một số cơ quan khác có thẩm quyền theo quy định của pháp luật để xác định một người có phạm tội không, nếu phạm tội thì đó là tội gì, theo điều luật nào của BLHS hay nói cách khác đây là quá trình xác định tên tội cho hành vi nguy hiểm đã thực hiện”.
Quan điểm của TS Phạm Văn Beo lại cho rằng: “Định tội danh là việc xác nhận về mặt pháp lý sự phù hợp giữa các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội cụ thể đã được thực hiện với các yếu tố cấu thành tội phạm cụ thể tương ứng được quy định trong Bộ luật hình sự”.
Quan điểm của GS.TS Võ Khánh Vinh cho rằng: “Định tội danh là việc xác định và ghi nhận về mặt pháp lý sự phù hợp chính xác giữa các dấu hiệu của hành vi phạm tội cụ thể đã được thực hiện với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm đã được quy định trong quy phạm pháp luật hình sự”.
Có thể thấy, mỗi quan điểm về khái niệm định tội danh khác nhau lại cho thấy cách tiếp cận và mục đích nghiên cứu khác nhau. Dù vậy, các quan điểm đều có điểm chung và thống nhất ở điểm định tội danh về bản chất là việc so sánh, đối chiếu, xác định sự phù hợp giữa các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm tương ứng theo quy định của BLHS hiện hành.
Tiếp thu những ưu điểm, những yếu tố hợp lý trong các quan điểm nêu trên, có thể đưa ra khái niệm về định tội danh đối với tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN như sau: Định tội danh đối với tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN là hoạt động nhận thức và áp dụng pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự được cơ quan có thẩm quyền tiến hành theo đúng trình tự thủ tục luật định, căn cứ vào các chứng cứ, các tài liệu thu thập được và các tình tiết thực tế của vụ án hình sự để xác định sự phù hợp giữa các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được thực hiện với các yếu tố cấu thành tội phạm cụ thể tương ứng với quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015 nhằm kết luận hành vi nguy hiểm cho xã hội đó có phạm tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN hay không.
2. Quyết định hình phạt đối với tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước:
Quyết định hình phạt hiểu đơn giản là hoạt động tòa án xác định loại hình phạt, mức hình phạt cụ thể bao gồm hình chính và hình phạt bổ sung trong phạm vi luật định để áp dụng đối với người phạm tội.
Quyết định hình phạt là một trong những công việc quan trọng trong hoạt động xét xử vụ án hình sự của Tòa án. Việc quyết định hình phạt do Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân dựa vào kết quả của các giai đoạn tố tụng trước đó, đánh giá tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, các tình tiết về nhân thân, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS để lựa chọn hình phạt, mức phạt đối với từng trường hợp phạm tội cụ thể.
Có thể thấy vai trò quan trọng và vô cùng to lớn của quyết định hình phạt trong hoạt động tố tụng, bởi suy cho cùng các hoạt động tố tụng hình sự trước đó sẽ không có ý nghĩa nếu hoạt động này của toà án không làm tốt. Quyết định hình phạt công bằng, nghiêm minh và đúng pháp luật là tiền đề cơ bản để đạt mục đích giáo dục, cải tạo, răn đe và phòng ngừa của hình phạt. Nếu hình phạt quá nhẹ sẽ làm giảm tính răn đe, ý nghĩa phòng ngừa của hình phạt, mặt khác hình phạt quá nặng sẽ tạo tâm lý bất công, mất niềm tin vào pháp luật, giảm đi ý nghĩa giáo dục, cải tạo của hình phạt.
Hiện nay, khoa học hình sự Việt Nam còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau, chưa thống nhất về khái niệm quyết định hình phạt, có thể kể đến một số quan điểm sau:
Theo quan điểm của PGS.TS. Lê Văn Đệ thì cho rằng: “Quyết định hình phạt là sự lựa chọn loại hình phạt và xác định mức hình phạt cụ thể trong phạm vi luật định để áp dụng đối với người phạm tội cụ thể”.
Hay theo quan điểm của của các nhà khoa học nêu trong Giáo trình Luật hình sự Việt Nam của Trường Đại học Luật Hà Luật lại cho rằng: “Quyết định hình phạt là sự lựa chọn loại hình phạt và xác định mức hình phạt cụ thể trong phạm vi luật định để áp dụng đối với ngỊời phạm tội cụ thể”.
Theo quan điểm của GS. TSKH Lê Cảm được nêu trong Giáo trình Luật hình sự Việt Nam của Khoa Luật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội thì: “Quyết định hình phạt là việc Tòa án lựa chọn loại hình phạt cụ thể (bao gồm hình phạt chính và có thể cả hình phạt bổ sung) với mức độ cụ thể trong phạm vi luật định để áp dụng đối với người phạm tội”. [Lê Cảm (Chủ biên) (2001), Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam (Phần chung), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo quan điểm của GS.TS Võ Khánh Vinh: “Quyết định hình phạt được hiểu là việc Toà án lựa chọn một loại và mức hình phạt cụ thể trong phạm vi luật định để áp dụng đối với người phạm tội”.
Có nhiều quan điểm khác lại cho rằng, khái niệm quyết định hình phạt cần được hiểu theo hai nghĩa là nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa hẹp, “Quyết định hình phạt là việc Tòa án lựa chọn loại hình phạt cụ thể (bao gồm hình phạt chính và có thể cả hình phạt bổ sung) với mức độ cụ thể trong phạm vi luật định để áp dụng cho người phạm tội”. Theo nghĩa rộng, “Quyết định hình phạt bao gồm các hoạt động: xác định người phạm tội có được miễn TNHS hay miễn hình phạt hay không, xác định khung hình phạt, xác định loại và mức hình phạt cụ thể trong phạm vi khung hình phạt hoặc dưới khung đó”.
Hay theo quan điểm của PGS.TS Dương Tuyết Miên cho rằng: “Quyết định hình phạt là hoạt động thực tiễn của Tòa án (Hội đồng xét xử) được thực hiện sau khi đã xác định được tuổi danh để tìm ra biện pháp xử lý tương xứng với tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm bị cáo đã thực hiện. Nội dung của hoạt động quyết định hình phạt có thể là miễn TNHS hoặc có thể là miễn hình phạt (trường hợp này, hoạt động quyết định hình phạt chấm dứt ở đây) hoặc nếu Tòa án quyết định áp dụng hình phạt thì hoạt động quyết định hình phạt bao gồm việc xác định khung hình phạt và việc xác định hình phạt cụ thể trong phạm vi luật cho phép đối với bị cáo”.
Các khái niệm trên đã thể hiện rõ các đặc trưng cơ bản của hoạt động quyết định hình phạt đó là việc Tòa án, căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội về tội danh của người phạm tội được đưa ra xét xử; căn cứ vào những đặc điểm nhân thân người phạm tội, các tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự của họ để đưa ra loại và mức hình phạt tương xứng được quy định trong Bộ luật hình sự.
Như vậy có thể hiểu khái niệm về quyết định hình phạt như sau: quyết định hình phạt đối với tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN là hoạt động thực tiễn của Tòa án, là việc lựa chọn miễn TNHS hoặc có thể là miễn hình phạt hoặc lựa chọn một loại hình phạt, mức hình phạt cụ thể trong phạm vi luật định để áp dụng đối với đối tượng phạm tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN sau khi đã xác định được tội danh, tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS của hành vi phạm tội.