Điện lưới đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phục vụ nhu cầu sống của người dân, cũng như thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế xã hội. Vậy những hành vi bị cấm nhằm đảm bảo an toàn lưới điện là gì?
Mục lục bài viết
1. Quy định chung về an toàn đối với thiết bị điện và công trình điện lực:
Quy định chung về an toàn đối với thiết bị điện và công trình điện lực được quy định tại Điều 3
– Theo quy định của pháp luật, việc thiết kế, chế tạo thiết bị, xây dựng công trình điện lực phải thực hiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn nước ngoài, quốc tế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép áp dụng tại Việt Nam và phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:
+ Yêu cầu an toàn về điện;
+ Yêu cầu an toàn về xây dựng;
+ Yêu cầu an toàn về công nghệ sử dụng nguồn năng lượng sơ cấp (thủy năng, than, dầu mỏ, khí đốt thiên nhiên và các dạng năng lượng khác);
+ Yêu cầu an toàn về phòng, chống cháy nổ;
+ Đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong việc thiết kế, chế tạo thiết bị, xây dựng công trình điện lực.
– Các thiết bị điện, dụng cụ điện mới sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu đòi hỏi phải có chứng chỉ chất lượng hoặc có nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các quy định khác có liên quan của pháp luật; phải có bản hướng dẫn sử dụng kèm theo về các thông số kỹ thuật, tính năng, tác dụng cũng như các điều khác cần lưu ý để hướng dẫn người sử dụng phòng tránh sự cố và tai nạn điện.
2. Những hành vi bị cấm nhằm đảm bảo an toàn lưới điện?
Theo quy định tại Điều 4
– Nhà nước nghiêm cấm hành vi trộm cắp hoặc tháo gỡ dây néo, dây tiếp địa, trang thiết bị của lưới điện; trèo lên cột điện, vào trạm điện hoặc khu vực bảo vệ an toàn công trình điện khi không có nhiệm vụ.
– Khi chưa được sự thỏa thuận với đơn vị quản lý công trình lưới điện cao áp, người dân không được phép sử dụng công trình lưới điện cao áp vào những mục đích khác.
– Không được thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện.
– Nghiêm cấm các hành vi lắp đặt ăng ten thu phát sóng; dây phơi; giàn giáo; biển, hộp đèn quảng cáo và các vật dụng khác tại các vị trí mà khi bị đổ, rơi có thể va chạm vào công trình lưới điện cao áp.
– Người dân không được trồng cây hoặc để cây vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây dẫn điện trên không, trạm điện; không được bắn chim đậu trên dây điện, trạm điện hoặc quăng, ném bất kỳ vật gì lên đường dây điện, trạm điện.
– Đào đất gây lún sụt công trình lưới điện cao áp, trạm điện là một trong những hành vi bị nghiêm cấm để đảm bảo an toàn về điện.
– Đắp đất, xếp các loại vật liệu, thiết bị hoặc đổ phế thải vi phạm khoảng cách an toàn; sử dụng cột điện, trạm điện để làm nhà, lều, quán, buộc gia súc hoặc sử dụng vào mục đích khác; nổ mìn, mở mỏ; xếp, chứa các chất dễ cháy nổ, các chất hóa học có khả năng gây ăn mòn hoặc hư hỏng các bộ phận của công trình lưới điện là các hành vi mà người dân không được phép thực hiện.
– Nhà nước nghiêm cấm hành vi đốt nương rẫy, sử dụng các phương tiện thi công gây chấn động hoặc có khả năng làm hư hỏng, sự cố công trình lưới điện, trạm điện, nhà máy điện.
– Người dân không được thực hiện điều khiển các phương tiện bay có khoảng cách đến bộ phận gần nhất của công trình lưới điện cao áp nhỏ hơn 100 m, trừ trường hợp phương tiện bay làm nhiệm vụ quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa đường dây điện được phép theo quy định.
– Để cây đổ vào đường dây điện khi chặt tỉa cây hoặc lợi dụng việc bảo vệ, sửa chữa công trình lưới điện cao áp để chặt cây là hành vi mà người dân không được phép thực hiện, cùng các hành vi khác vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp.
Trên đây là các hành vi bị nghiêm cấm để đảm bảo an toàn lưới điện. Mỗi năm ở nước ta, có rất nhiều vụ việc tai nạn thương tâm xảy ra do vi phạm quy định về an toàn điện. Các hành vi bị nghiêm cấm này giúp người dân điều chỉnh được hành vi của mình, ý thức được hành vi xoay quanh bảo đảm an toàn điện. Điều này giúp bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, cũng như chất lượng truyền tải lưới điện.
3. Yêu cầu chung về an toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và sử dụng điện để sản xuất:
Điều 5 Nghị định 14/2014/NĐ-CP1 quy định về yêu cầu chung về an toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và sử dụng điện để sản xuất như sau:
– Yêu cầu chung về an toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và sử dụng điện để sản xuất đối với các nhà máy điện, trạm điện, đường dây dẫn điện chuẩn bị vận hành khai thác:
+ Đối với các nhà máy điện, trạm điện, đường dây dẫn điện chuẩn bị vận hành khai thác, chủ đầu tư phải có đầy đủ các tài liệu thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, các tài liệu hoàn công xây lắp và các tài liệu kỹ thuật khác theo quy định của pháp luật về xây dựng bàn giao cho đơn vị quản lý vận hành;
+ Chủ đầu tư các dự án nhà máy điện, trạm điện, đường dây dẫn điện phải thực hiện công tác thí nghiệm, hiệu chỉnh từng phần và toàn bộ hệ thống các trang thiết bị trong dây chuyền công nghệ phát điện, truyền tải và phân phối điện để bảo đảm phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các thông số quy định trong thiết kế đã được duyệt. Hồ sơ thí nghiệm, hiệu chỉnh phải được đưa vào biên bản nghiệm thu từng phần và toàn bộ dự án.
+ Không được cho đường dây mang tải vượt quá tiêu chuẩn, định mức theo quy định trong khi vận hành đường dây dẫn điện trên không đi qua khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người.
+ Đối với các nhà máy điện, trạm điện, đường dây dẫn điện chuẩn bị vận hành khai thác, chủ đầu tư phải có đầy đủ các tài liệu về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn điện; các hướng dẫn như: Quy trình, nội quy và biện pháp tổ chức thực hiện các quy định về an toàn điện tại cơ quan, doanh nghiệp trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn điện hiện hành. Thiết lập hồ sơ, lý lịch, tài liệu kỹ thuật liên quan đến thiết bị điện và tổ chức quản lý theo quy định.
– Tại các vị trí vận hành phải có đầy đủ các quy trình như sau: Vận hành thiết bị, xử lý sự cố điện; sơ đồ lưới điện, nội quy phòng cháy, chữa cháy, sổ nhật ký vận hành, dụng cụ, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, biển cấm, biển báo và các dụng cụ, phương tiện khác theo quy định.
– Các nhà máy điện phải bố trí người lao động làm công việc vận hành, thí nghiệm, xây lắp, sửa chữa đường dây điện hoặc thiết bị điện phải đảm bảo đủ các điều kiện sau:
+ Người lao động phải được đào tạo về nghiệp vụ, kỹ thuật đúng yêu cầu ngành nghề;
+ Người lao động phải được huấn luyện và cấp thẻ an toàn điện.
– Trong hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và sử dụng điện để sản xuất, các nhà máy điện phải sử dụng các thiết bị điện có chứng chỉ chất lượng hoặc nhãn mác đăng ký chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các quy định pháp luật khác có liên quan.
– Tại công tác phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và sử dụng điện để sản xuất, phải xây dựng, ban hành kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn sự cố, tai nạn. Trong trường hợp xảy ra sự cố, tai nạn về điện, phải nhanh chóng áp dụng các biện pháp cần thiết để cấp cứu người bị nạn, giảm nhẹ thiệt hại về người, tài sản; phải tổ chức điều tra xác định, phân tích nguyên nhân; kiểm điểm, xác định trách nhiệm.
– Công tác an toàn điện phải được tổ chức hoặc tham gia tuyên truyền, phổ biến rộng rãi.
– Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm liên quan phải thực hiện việc thống kê, báo cáo về sự cố, tai nạn điện theo quy định.
Lưới điện quốc gia của Việt Nam ngày càng được mở rộng. Điện lưới đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phục vụ nhu cầu sống của người dân, cũng như thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế xã hội. Song song với những lợi ích mà nó mang lại, thì cũng ẩn chứa nhiều rủi ro trong an toàn điện. Nhiệm vụ của Nhà nước là thắt chặt công tác quản lý an toàn điện. Còn nhiệm vụ của người dân là chấp hành các quy định về an toàn điện mà Nhà nước đưa ra. Có như vậy mới hạn chế được rủi ro, phát huy tốt nhất giá trị của nguồn điện.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Nghị định 14/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện.