Nếu hoạt động thực hành quyền công tố là bảo đảm mọi tội phạm, người phạm tội phải được xử lý, thì kiểm sát điều tra trong hoạt động điều tra nhằm đảm bảo việc xử lý tội phạm đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Đây là mối quan hệ giữa nội dung và hình thức.
Với ý nghĩa là việc sử dụng tổng hợp các quyền năng pháp lý nhằm mục đích truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội, truy tố họ ra trước Tòa án để xét xử, đối tượng của hoạt động thực hành quyền công tố là tội phạm và người phạm tội. Đối tượng của công tác kiểm sát điều tra là việc tuân theo pháp luật của cơ quan điều tra, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra, những người có thẩm quyền trong điều tra và những người tham gia tố tụng khác. Mục đích của thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đều nhằm phát hiện nhanh chóng, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật và các hành vi phạm tội, đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm. thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra có mối quan hệ trong lĩnh vực hình sự và trong phạm vi thực hành quyền công tố được tiến hành từ khi có tội phạm xảy ra đến khi vụ án được đưa ra xét xử. Nếu hoạt động thực hành quyền công tố là bảo đảm mọi tội phạm, người phạm tội phải được xử lý, thì kiểm sát điều tra trong hoạt động điều tra nhằm đảm bảo việc xử lý tội phạm đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Do vậy, giữa thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong tố tụng hình sự. Mối quan hệ giữa thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra là mối quan hệ giữa nội dung và hình thức. Nếu thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố sẽ là điều kiện thuận lợi để kiểm sát điều tra trong hoạt động điều tra có chất lượng, hiệu quả và ngược lại.
Mục lục bài viết
1. Những dấu hiệu cơ bản để phân biệt thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra:
– Về phạm vi hoạt động: thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự bắt đầu từ khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm xảy ra đến khi kết thúc việc điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định truy tố hoặc đình chỉ vụ án theo quy định của pháp luật.
– Về đối tượng: Với ý nghĩa là việc sử dụng tổng hợp các quyền năng pháp lý nhằm mục đích truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội, truy tố họ ra trước Tòa án để xét xử, đối tượng của hoạt động thực hành quyền công tố là tội phạm và người phạm tội. Đối tượng của công tác kiểm sát điều tra là việc tuân theo pháp luật của cơ quan điều tra, cơ quan được giao một số nhiệm vụ điều tra, những người có thẩm quyền trong điều tra và những người tham gia tố tụng khác.
– Về căn cứ tiến hành: thực hành quyền công tố dựa trên quy định của luật nội dung (BLHS) và luật hình thức (BLTTHS), còn kiểm sát điều tra chỉ dựa trên quy định của luật hình thức và các văn bản quy phạm pháp luật quy định về trình tự, thủ tục tố tụng hình sự.
– Về hình thức hoạt động: thực hành quyền công tố được thực hiện thông qua các hình thức cơ bản như VKS ra lệnh, quyết định. Còn kiểm sát điều tra thông qua việc ban hành kiến nghị, yêu cầu.
– Về hậu quả pháp lý: Khi VKS thực hành quyền công tố ban hành các văn bản pháp lý, sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý như: Truy cứu hoặc không truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn khi tiến hành kiểm sát điều tra thì VKS ban hành các văn bản pháp lý dẫn đến việc xử lý các vi phạm, thiếu sót trong hoạt động điều tra và cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của BLTTHS.
Phân biệt sự khác nhau giữa thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra có ý nghĩa trong việc làm sáng tỏ hơn nội hàm của từng khái niệm, từ đó, là cơ sở để hoàn thiện lý luận về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra . Đồng thời, hiểu đúng các khái niệm này cũng là cơ sở để những người làm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thực hiện đúng đắn và hiệu quả hơn nhiệm vụ, quyền hạn của mình trên thực tiễn.
2. Đối tượng, phạm vi của thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra:
Đối tượng của quyền công tố là yếu tố mà quyền công tố tác động tới nhằm thực hiện mục đích truy cứu trách nhiệm hình sự. Với cách hiểu này đối tượng của quyền công tố không có gì khác hơn chính là tội phạm và người phạm tội. Đây cũng chính là đối tượng của hoạt động thực hành quyền công tố nói chung và thực hành quyền công tố trong hoạt động điều tra vụ án nói riêng.
Khác với thực hành quyền công tố, hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra các vụ án hình sự hướng tới các chủ thể là cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong mối quan hệ pháp luật tố tụng hình sự. Đối tượng của kiểm sát điều tra là sự tuân thủ pháp luật của các chủ thể tiến hành hoạt động điều tra (về thẩm quyền, thời hạn, thủ tục, việc tiến hành các hoạt động điều tra cụ thể) và các chủ thể khác tham gia quan hệ pháp luật tố tụng hình sự phát sinh trong quá trình điều tra.
Trước hết, đó là sự tuân thủ pháp luật của cơ quan điều tra (cơ quan điều tra trong CAND, cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, cơ quan điều tra của VKSND tối cao), cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Với nhóm chủ thể này, VKS phải đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của họ trong việc ban hành và thực hiện các quyết định tố tụng, hành vi tố tụng. Nói cách khác, sự tuân theo pháp luật của cơ quan điều tra trong việc tiến hành các hoạt động từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, quá trình tiến hành các hoạt động điều tra cụ thể cho đến khi kết thúc việc điều tra đều thuộc đối tượng của kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra
Việc tuân theo pháp luật của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong việc thực hiện hoạt động điều tra theo thẩm quyền cũng là đối tượng của kiểm sát điều tra . Các cơ quan này bao gồm: Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư, Lực lượng cảnh sát biển và các cơ quan khác trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao tiến hành một số hoạt động điều tra. Nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của một số cơ quan này được quy định tại Điều 39, 40 BLTTHS và các Điều tại Chương V của Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015. Khi tiến hành hoạt động điều tra theo thẩm quyền nói trên, các cơ quan này phải đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Bên cạnh đó, khi thực hiện kiểm sát điều tra vụ án hình sự, VKS cũng phải đảm bảo sự tuân theo pháp luật của những người tham gia tố tụng. Đó là sự tuân theo pháp luật của những người bị tạm giữ, bị can, người bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người giám định, người phiên dịch, người bào chữa... Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của những người tham gia tố tụng là kiểm sát việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật khi tham gia khi tham gia vào các hoạt động tố tụng. Người tham gia tố tụng phải thực hiện đúng các quyền, nghĩa vụ của họ và cơ quan điều tra phải đảm bảo để người tham gia tố tụng được thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó.
Phạm vị công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra các vụ án hình sự bắt đầu từ khi có dấu hiệu tội phạm đến khi kết thúc điều tra, VKS ra quyết định truy tố hoặc đình chỉ vụ án theo quy định của pháp luật. Như vậy, hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra bắt đầu từ khi có dấu hiệu tội phạm. Dấu hiệu tội phạm được xác định dựa trên cơ sở tố giác của công dân, tin báo của cơ quan, tổ chức, tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng... Khi nhận được các tố giác, tin báo này, cơ quan điều tra phải tiến hành giải quyết. Theo quy định tại Điều 159 BLTTHS, VKS có trách nhiệm kiểm sát hoạt động giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của cơ quan điều tra. Do đó, hoạt động kiểm sát điều tra có thể được tiến hành trước khi cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra chấm dứt khi kết thúc điều tra, VKS ra quyết định truy tố hoặc đình chỉ vụ án theo quy định của pháp luật. Như vậy, tùy từng trường hợp để xác định thời điểm thời điểm kết thức các hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra , cụ thể:
Một là, kết thúc việc điều tra khi cơ quan điều tra ra bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra. Thông qua kiểm sát việc kết thúc điều tra, VKS xác định quyết định đình chỉ điều tra là có căn cứ, đúng pháp luật và không có lý do để phục hồi điều tra.
Hai là, kết thúc việc điều tra khi cơ quan điều tra ra bản kết luận điều tra đề nghị truy tố. Trên cơ sở thực hiện các hoạt động thuộc nội dung thực hành quyền công tố , VKS nhận thấy có đủ căn cứ để truy tố bị can ra trước Tòa án và ra quyết định truy tố. Kể từ thời điểm ra quyết định truy tố, hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra kết thúc, chuyển sang khâu thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự.
Ba là, kết thúc việc điều tra cơ quan điều tra ra bản kết luận điều tra đề nghị truy tố. Tuy nhiên, trên cơ sở trên cơ sở thực hiện các hoạt động thuộc nội dung thực hành quyền công tố , VKS nhận thấy có căn cứ để đình chỉ vụ án theo quy định của pháp luật, do đó ra quyết định đình chỉ vụ án.
Việc nhận thức đúng đắn phạm vi hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn. Chỉ trên cơ sở xác định đúng đắn phạm vi của hoạt động này, KSV mới có thể thực hiện được một cách đầy đủ các biện pháp nghiệp vụ, quyền hạn luật định để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự.