Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, phục vụ và bảo vệ quyền lợi của các tầng lớp dân cư trong xã hội. Pháp luật được điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
Mục lục bài viết
1. Cơ sở lý luận của việc pháp luật thi hành án dân sự quy định đấu giá tài sản:
Theo Từ điển Luật học thì: “Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, phục vụ và bảo vệ quyền lợi của các tầng lớp dân cư trong xã hội”. Khi xã hội càng phát triển, các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa thay đổi thì những quy định pháp luật cần thiết phải điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
Tại Việt Nam, sau khi thực hiện công cuộc đổi mới năm 1986, các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa có sự thay đổi đáng kể, nhiều quan hệ kinh tế, xã hội mới ra đời và cần thiết phải được pháp luật điều chỉnh để duy trì trật tự ổn định chung, bảo đảm lợi ích của các bên tham gia trong quan hệ này và phù hợp với lợi ích của số đông trong xã hội. Đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự là một trong số đó.
Pháp luật thi hành án dân sự về đấu giá tài sản trong ra đời xuất phát từ những nguyên nhân tất yếu khách quan sau:
Thứ nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong đấu giá tài sản thi hành án dân sự. Đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự liên quan đến quyền và lợi ích của nhiều bên đương sự do vậy cần thiết phải có quy định pháp luật cụ thể điều chỉnh về nghĩa vụ ràng buộc của các bên nhằm nâng cao trách nhiệm của tổ chức đấu giá và bảo vệ quyền lợi ích của cả người phải thi hành án, được thi hành án cũng như người mua được tài sản đấu giá; đồng thời pháp luật ra đời nhằm dự liệu những biện pháp nhằm ngăn ngừa, xử lý các hiện tượng tiêu cực xảy ra trong quá trình đấu giá tài sản,...
Thứ hai, bắt nguồn từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp. Với chủ trương hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp nhằm đảm bảo cho Nhà nước không chỉ có đủ pháp luật để quản lý xã hội mà còn tham gia hội nhập kinh tế quốc tế trên nhiều lĩnh vực và ngày càng sâu rộng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được đổi mới về cơ bản với nhiều bộ luật, luật quan trọng được ban hành. Cùng với sự thay đổi về tính chất của các quan hệ xã hội thì bên cạnh việc xây dựng mới các văn bản pháp luật, thường xuyên phải rà soát, tổng kết để sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật đã ban hành để đồng bộ với hệ thống pháp luật.
Nghị quyết 48–NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật từ nay đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 [1] đã xác định rõ: Hoàn thiện pháp luật nói chung không chỉ tạo lập và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp; đảm bảo xây dựng một nền hành chính dân chủ, sát dân, sát cơ sở, xóa bỏ mọi thủ tục phiền hà, dành thuận lợi cho dân, đáp ứng mọi yêu cầu, quyền lợi, chính đáng, hợp pháp của dân, của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 49–NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 [2] cũng chỉ rõ những hoạt động cải cách tư pháp, trong đó có xây dựng các chế định bổ trợ tư pháp đủ mạnh, đáp ứng với tình hình,... từng bước xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp. Mặt dù trong Nghị quyết của Đảng không đề cập cụ thể đến hoạt động đấu giá tài sản như các hoạt động bổ trợ khác (luật sư, giám định tư pháp, công chứng, thi hành án, chế định thừa hành viên – thừa phát lại), nhưng hiện nay, một trong những hoạt động bổ trợ rất thường xuyên trong công tác thi hành án và xử lý vi phạm hành chính đó chính là hoạt động đấu giá tài sản. Về phương diện Nhà nước có thể nói hoạt động đấu giá tài sản không chỉ góp phần quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước mà ngay cả hoạt động giải quyết các vụ việc của các cơ quan tư pháp (thi hành án) cũng được nhanh chóng, khách quan, công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, xét trên phương diện quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, của các tổ chức, doanh nghiệp cũng được bảo vệ một cách hữu hiệu, đem lại những giá trị lợi ích cao nhất.
Thứ ba, pháp luật thi hành án dân sự về đấu giá tài sản tạo cơ sở pháp lý cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động thi hành án dân sự.
Như chúng ta đã biết Nhà nước là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Mọi cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, mọi công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật.
Thực hiện mục tiêu này, pháp luật phải trở thành một công cụ không thể thiếu của Nhà nước. Những quy định của pháp luật có ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với mọi mặt của đời sống xã hội. Điều này có nghĩa là các quy định của pháp luật càng đầy đủ, càng rõ ràng thì hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước càng cao và ngày càng chặt chẽ. Vì vậy muốn nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động Nhà nước phải thường xuyên hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, trong tình hình đó, quy định pháp luật về đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự ra đời như một tất yếu.
2. Cơ sở thực tiễn của việc pháp luật thi hành án dân sự quy định về đấu giá tài sản:
Trong lịch sử thi hành án dân sự, việc chấp hành viên cưỡng chế tài sản là vật diễn ra khá phổ biến và có thể được coi là biện pháp nghiệp vụ chủ yếu. Hiệu quả của việc thi hành án chỉ đạt được khi tài sản bị kê biên, cưỡng chế bán được thành công. Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động bán tài sản trong thi hành án dân sự cho thấy, nếu để Chấp hành viên tự bán tài sản kê biên, cưỡng chế như thông thường thì sẽ dẫn đến một số hậu quả tiêu cực.
Thứ nhất, khó bán được những tài sản có giá trị lớn. Do cơ quan thi hành án dân sự hoạt động giới hạn trong lãnh thổ hành chính nhất định nên việc thông báo mua bán tài sản thi hành án dân sự khó có thể công khai rộng rãi cho nhiều người biết, nhất là những người ở tỉnh, thành phố khác. Đối với những tài sản có giá trị lớn, không phải người dân nào ở địa phương đó cũng có đủ tiền để mua, do đó sẽ có những tài sản không thể bán được.
Thứ hai, không đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan trong quan hệ mua bán tài sản thi hành án. Do Chấp hành viên thường chỉ quan tâm đến việc bán được tài sản mà không quan tâm đến giá của tài sản bán được. Vì vậy, có trường hợp tài sản được bán không đúng với giá trị thực của nó và cũng không có cơ sở đối chiếu, kiểm chứng.
Thứ ba, Chấp hành viên là người vừa kê biên cưỡng chế, vừa là người bán tài sản, dễ dẫn đến sự lạm quyền khi thi hành công vụ. Chấp hành viên thích kê biên tài sản nào thì kê biên, thích bán như thế nào thì tùy. Không kể đến việc Chấp hành viên thông đồng với người mua tài sản để bán với giá rẻ nhất để vụ lợi hoặc tìm cách để không bán được tài sản nếu cấu kết với người phải thi hành án. Và cho dù như thế nào, thì quyền lợi của những người tham gia trong quan hệ thi hành án và mua bán tài sản thi hành án dân sự cũng không được bảo đảm, đạo đức công vụ của Chấp hành viên cũng dễ bị ảnh hưởng.
Với tính chất công khai, đại chúng, khách quan của mình, đấu giá hoàn toàn khắc phục được những nhược điểm của bán tài sản theo cách thông thường trong thi hành án dân sự. Thông qua biện pháp đấu giá sẽ bảo đảm tài sản của người thi hành án được bán với giá cao nhất, tránh được tình trạng dìm giá, trục lợi. Cùng với đó, bản án được thi hành nghiêm chỉnh, đúng pháp luật góp phần bảo vệ trật tự, kỷ cương của xã hội.
Do đó, sau khi Việt Nam thực hiện đổi mới toàn diện năm 1986, với tính ưu việt của mình, đấu giá tài sản nhanh chóng được nhìn nhận là phương pháp chủ yếu trong việc bán tài sản đã kê biên để thi hành án dân sự. Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1989 ra đời với một số quy định về đấu giá tài sản đã kê biên và một điều quy định riêng về đấu giá nhà. Sau đó được tiếp tục kế thừa quy định trong Bộ luật dân sự, Luật thi hành án dân sự, Nghị định số 17/2010/NĐ–CP ngày 04/3/2010 và đến nay thủ tục đấu giá tài sản đã cụ thể hơn trong Luật đấu giá tài sản năm 2016. Từ những quy định ban sơ đầu tiên đến nay hành lang pháp lý để điều chỉnh quan hệ phát sinh trong lĩnh vực đấu giá tài sản thi hành án dân sự đã khá đầy đủ.