Hiện nay, sản phẩm mật mã dân sự là một khái niệm tương đối phổ biến tại nước ta. Vậy mật mã dân sự là gì? Kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thế nào là mật mã dân sự?
Theo quy định tại Khoản 18 Điều 3 Luật an toàn thông tin mạng 2015, mật mã dân sự là kỹ thuật mật mã và sản phẩm mật mã được sử dụng để bảo mật hoặc xác thực đối với thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
Theo quy định của luật, sản phẩm mật mã dân sự là các tài liệu, trang thiết bị kỹ thuật và nghiệp vụ mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Tức đây là các sản phẩm có mục đích là bảo vệ nguồn thông tin không thuộc phạm vi bí mật của Nhà nước.
Trong bối cảnh nền công nghệ hiện đại phát triển mạnh mẽ như ngày nay, nhu cầu sử dụng nguồn thông tin mạng của người dân là đặc biệt lớn. Chính vì vậy, các thông tin cá nhân của người dân, tổ chức doanh nghiệp thường được cập nhật lên hệ thống điện tử. Tuy nhiên, song song với sự hiện đại, thì hoạt động công nghệ hóa này đem đến những hạn chế nhất định. Tiêu biểu nhất là làm rò rỉ thông tin của khách hàng. Lúc này, để bảo vệ nguồn thông tin của mình, người dân sẽ hướng đến việc tìm kiếm các loại sản phẩm bảo mật thông tin. Đây chính là cơ sở cho các sản phẩm mật mã dân sự ra đời.
Về cơ bản, dịch vụ mật mã dân sự gồm dịch vụ bảo vệ thông tin sử dụng sản phẩm mật mã dân sự; kiểm định, đánh giá sản phẩm mật mã dân sự; tư vấn bảo mật, an toàn thông tin mạng sử dụng sản phẩm mật mã dân sự.
2. Quy định của pháp luật về kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự:
Điều 31 Luật an toàn thông tin mạng 2015 quy định về việc kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự như sau:
– Khi kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự thuộc Danh mục sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, doanh nghiệp phải có Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự. Hay nói cách khác, Giấy phép kinh doanh là một trong những yêu cầu bắt buộc áp dụng đối với các doanh nghiệp khi muốn kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự.
– Để được cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
+ Điều kiện 1: Doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự phải có đội ngũ quản lý, điều hành, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyên môn về bảo mật, an toàn thông tin. Như đã phân tích, sản phẩm mật mã dân sự là các tài liệu, trang thiết bị kỹ thuật và nghiệp vụ mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Vậy nên, để tạo ra sản phẩm chất lượng, đòi hỏi doanh nghiệp phải có đội ngũ kỹ thuật có chuyên môn cao.
+ Điều kiện 2: Doanh nghiệp phải có hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất phù hợp với quy mô cung cấp sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự. Khi đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải cung cấp dự toán quy mô doanh nghiệp của mình cho cơ quan chức năng có thẩm quyền. Vậy nên, muốn được cấp phép hoạt động, doanh nghiệp phải đảm bảo có hệ thống thiết bị, cơ sở vật chất phù hợp với quy mô đó.
+ Điều kiện 3: Doanh nghiệp phải có phương án kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Kỹ thuật là một trong những điều kiện tiên quyết nhất mà các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm dịch vụ mật mã dân sự phải đảm bảo. Do đó, có phương án kỹ thuật phù hợp là một trong những điều kiện để doanh nghiệp được cơ quan Nhà nước cấp giấy phép vận hành.
+ Điều kiện 4: Muốn được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ sản phẩm mật mã dân sự, doanh nghiệp phải có phương án bảo mật và an toàn thông tin mạng trong quá trình quản lý và cung cấp sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự.
+ Điều kiện 5: Doanh nghiệp cũng phải cung cấp cho cơ quan chức năng về phương án kinh doanh của mình. Tại đó, muốn được cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, tổ chức doanh nghiệp phải có phương án kinh doanh phù hợp.
– Bên cạnh yêu cầu về Giấy phép kinh doanh, điều luật này còn quy định rõ, trong hoạt động kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự, trước khi lưu thông trên thị trường, sản phẩm mật mã dân sự phải được kiểm định, chứng nhận hợp quy.
– Doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự phải nộp phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí. Đây là nghĩa vụ mà doanh nghiệp phải đảm bảo. Nếu không chấp hành nghĩa vụ đóng thuế phí, doanh nghiệp sẽ bị xử lý xử phạt theo quy định của pháp luật.
Trên đây là các quy định xoay quanh việc kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự theo quy định của pháp luật. Để được kinh doanh dịch vụ sản phẩm này, doanh nghiệp phải đảm bảo tuân thủ các quy định mà Nhà nước đề ra.
Các quy định nêu trên cũng là cơ sở để cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, đánh giá xem doanh nghiệp có đảm bảo điều kiện để được kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự hay không (hạn chế đến mức tối đa những sai phạm có thể diễn ra sau này).
3. Thủ tục đăng ký kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự:
Theo quy định tại Điều 32 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, thủ tục đăng ký kinh doanh gồm các bước cụ thể sau đây:
– Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.
Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự chuẩn bị một bộ hồ sơ với đầy đủ các giấy tờ, tài liệu cụ thể sau đây:
+ Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự.
+ Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương;
+ Bản sao văn bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn về bảo mật, an toàn thông tin của đội ngũ quản lý, điều hành, kỹ thuật;
+ Phương án kỹ thuật gồm tài liệu về đặc tính kỹ thuật, tham số kỹ thuật của sản phẩm; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của sản phẩm; tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ; các biện pháp, giải pháp kỹ thuật; phương án bảo hành, bảo trì sản phẩm;
+ Phương án bảo mật và an toàn thông tin mạng trong quá trình quản lý và cung cấp sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự;
+ Phương án kinh doanh bao gồm phạm vi, đối tượng cung cấp, quy mô số lượng sản phẩm, dịch vụ hệ thống phục vụ khách hàng và bảo đảm kỹ thuật.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ với các chứng thư, tài liệu nêu trên, doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tại Ban Cơ yếu Chính phủ.
– Bước 2: Thụ lý và thẩm định hồ sơ.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Ban Cơ yếu Chính phủ thẩm định và cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự.
Trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ hoàn trả hồ sơ về. Khi hoàn trả hồ sơ về phải nêu rõ lý do trả về bằng văn bản để doanh nghiệp được biết.
– Bước 3: Cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự.
Khi hồ sơ mà doanh nghiệp gửi lên hợp lệ, đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự. Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự có thời hạn 10 năm.
4. Mẫu đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự:
(Tên doanh nghiệp) ——- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— |
Số: ….. | …, ngày … tháng … năm … |
ĐƠN ĐỀ NGHỊ
Cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự
Kính gửi: Ban Cơ yếu Chính phủ.
Tên doanh nghiệp đề nghị cấp phép (viết bằng tiếng Việt): ……..
Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài (nếu có): ……..
Tên doanh nghiệp viết tắt (nếu có): ………
Địa chỉ trụ sở chính:…………
Điện thoại:………… Fax: ……….
Email:……… Website: ………
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/giấy tờ khác có giá trị tương đương:
do:………… cấp ngày: …………..
Họ và tên người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp: ………..
Chức vụ: …………
Số CMND/Thẻ CCCD/Hộ chiếu: …………..
cấp ngày……… tại ……….
Đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự như sau:
1. Danh Mục các sản phẩm mật mã dân sự xin cấp phép kinh doanh
STT | Tên nhóm sản phẩm | Tiêu chuẩn, đặc tính kỹ thuật | Phạm vi, lĩnh vực cung cấp |
1 |
|
|
|
2 |
|
|
|
2. Danh Mục các dịch vụ mật mã dân sự xin cấp phép kinh doanh
STT | Tên dịch vụ | Phạm vi, lĩnh vực cung cấp |
1 |
|
|
2 |
|
|
Tôi/ chúng tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự chính xác của các thông tin đã cung cấp và cam kết thực hiện đúng các quy định về kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự tại Luật an toàn thông tin mạng.
| ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT CỦA DOANH NGHIỆP (Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu) |
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Luật an toàn thông tin mạng 2015.