Bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ trong pháp luật hôn nhân và gia đình là tổng hợp, hệ thống các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội của nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương cần được thúc đẩy.
Mục lục bài viết
1. Bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ trong pháp luật hôn nhân và gia đình là gì:
Lĩnh vực hôn nhân và gia đình có vai trò và vị trí rất quan trọng và liên quan trực tiếp đến mỗi chủ thể trong xã hội. Với vị thế là nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương, người phụ nữ trong gia đình luôn cần được bảo vệ, thúc đẩy và bảo đảm quyền lợi hợp pháp. Như vậy, cả gia đình và xã hội người phụ nữ đều được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình, giúp họ an tâm, lao động, sinh hoạt trong gia đình và ngoài xã hội.
Có thể hiểu, bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ trong pháp luật HN&GĐ là tổng hợp, hệ thống các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội của nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương cần được thúc đẩy, bảo đảm bình đẳng trong lĩnh vực HN&GĐ phản ánh giá trị xã hội cao quý được thừa nhận chung, là đặc trưng tự nhiên vốn có cần được tôn trọng và không thể bị tước đoạt, được bảo đảm bằng việc ghi nhận, thực thi pháp luật trong lĩnh vực HN&GĐ.
Qua đó, cần bảo đảm sự vận hành của các yếu tố, điều kiện khách quan nhằm mục đích ghi nhận về mặt pháp lý các quyền con người, quyền của phụ nữ trong lĩnh vực HN&GĐ, bảo vệ và thực thi các quyền đó đối với người phụ nữ.
2. Đặc điểm của bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ trong pháp luật hôn nhân và gia đình:
Bảo đảm QBĐ của phụ nữ trong HN&GĐ mang một số đặc trưng cơ bản. Thứ nhất, bảo đảm QBĐ của phụ nữ trong HN&GĐ mang những đặc trưng chung về việc bảo đảm quyền con người. Thứ hai, bảo đảm QBĐ của phụ nữ trong HN&GĐ là bảo đảm quyền của nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương. Thứ ba, bảo đảm QBĐ của phụ nữ trong HN&GĐ thúc đẩy bảo đảm QBĐ của phụ nữ ngoài xã hội.
Vì thế, cần phải thực hiện tốt và nhất quán các quan điểm trong việc giải phóng phụ nữ, giúp bảo đảm QBĐ của người phụ nữ trong gia đình và thực hiện tốt chủ trương, quan điểm nam nữ bình quyền trên mọi phương diện mà Đảng, Nhà nước đã đặt ra. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cụ thể:
Thứ nhất, giúp hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo đảm QBĐ của phụ nữ trong pháp luật HN&GĐ. Hiện nay, những vấn đề về vi phạm quyền con người, đặc biệt là quyền BĐG giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng trong lĩnh vực HN&GĐ hiện vẫn còn xảy ra. Do đó, để ngăn chặn những hành vi xâm phạm đến quyền con người nói chung và QBĐ nói riêng thì đòi hỏi hệ thống các chính sách pháp luật cần được hoàn thiện hơn, đồng bộ và theo xu hướng hội nhập quốc tế tuy nhiên cũng cần phải phù hợp với những điều kiện thực tế tại tình hình Việt Nam. Việc nghiên cứu về QBĐ của phụ nữ trong pháp luật HN&GĐ sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý vững vàng, hợp pháp và có căn cứ pháp luật áp dụng trong các trường hợp phát sinh trên thực tế liên quan đến QBĐ của phụ nữ trong hôn nhân gia đình.
Thứ hai, xóa bỏ những quan điểm cổ hủ, lạc hậu không phù hợp ngăn cản việc bảo đảm QBĐ của phụ nữ nhằm tạo điều kiện để nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ trong xã hội. Việc chịu ảnh hưởng lớn bởi những nét văn hóa, tập tục truyền thống xa xưa đã lỗi thời, lạc hậu cũng đã hạn chế phần lớn các quyền cơ bản của người phụ nữ, trong đó có QBĐ, quyền được phát triển bản thân và nhiều quyền khác... Vấn đề hiện thực hóa QBĐ của phụ nữ trong pháp luật HN&GĐ sẽ là một giải pháp hiệu quả trong việc xóa bỏ những nét văn hóa truyền thống lạc hậu để hướng đến những điều mới mẻ, phù hợp với xu thế thời đại ngày nay, hơn nữa còn giúp bảo vệ quyền lợi người phụ nữ được tốt hơn và tạo thêm những cơ hội trong việc phát triển bản thân. Điều này đã làm thay đổi rõ rệt đối với chính bản thân mỗi người phụ nữ; thay vì họ sống trong cảnh thụ động, phụ thuộc phần lớn vào người chồng từ các vấn đề về kinh tế, tài chính trong gia đình, nhiều trường hợp người phụ nữ còn không có tiếng nói, vị trí trong gia đình thì nay họ đã có thể tự chủ về thu nhập, tài sản, có tiếng nói và có quyền đưa ra quyết định về các vấn đề quan trọng trong gia đình, được chồng và các thành viên khác trong gia đình tôn trọng hơn. Do đó, việc đấu tranh bảo đảm QBĐ của phụ nữ trong HN&GĐ là rất cần thiết để xóa bỏ đi những quan điểm lạc hậu; đồng thời, tạo điều kiện vững chắc để nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ trong xã hội hiện nay.
Thứ ba, đảm bảo sự hòa thuận, êm ấm và bình đẳng trong gia đình. Có thể nói, trong mỗi gia đình, khi quyền lợi người phụ nữ được đảm bảo bình đẳng về mọi mặt so với người chồng thì gia đình mới thực sự hạnh phúc, êm ấm và vững bền. Bởi lẽ, việc BĐG giữa vợ và chồng trong gia đình là cơ sở để giúp các bên hiểu nhau hơn, vợ chồng cùng thông cảm cho nhau, cùng chia sẻ các công việc trong gia đình để đôi bên cùng cố gắng hoàn thành các mục tiêu, công việc, đồng thời thêm gắn kết và hiểu nhau hơn. Bên cạnh đó, việc bảo đảm QBĐ của phụ nữ trong pháp luật HN&GĐ còn tạo điều kiện cho người phụ nữ có thể tham gia vào các công việc, hoạt động xã hội, văn hóa; qua đó giúp cho họ tích lũy thêm nhiều kiến thức bổ ích và kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc con cái, xây dựng tổ ấm gia đình, làm cho cuộc sống thêm hạnh phúc và hòa thuận giữa các mối quan hệ trong gia đình.
Thứ tư, tạo tiền đề vững chắc giúp nâng cao và hoàn thiện công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về giới và BĐG cho trẻ em và toàn xã hội. Quá trình giáo dục, tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về giới cũng như vấn đề BĐG là điều kiện tiên quyết và quan trọng trong việc giáo dục nhân cách và định hình suy nghĩ, lối sống cho trẻ em nói riêng và toàn xã hội nói chung. Để quá trình trên được thực hiện thành công thì cần phải hoàn thiện các vấn đề lý luận chung cũng như đấu tranh nhằm xóa bỏ các vấn đề phân biệt về giới tính, trong đó điển hình là việc bất bình đẳng về quyền của phụ nữ trong pháp luật HN&GĐ. Việc nghiên cứu nhằm đảm bảo các quyền nói chung và QBĐ của phụ nữ trong hôn nhân gia đình nói riêng sẽ góp một phần quan trọng trong việc làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về QBĐ cũng như lên tiếng đấu tranh giúp người phụ nữ được bình đẳng trên mọi phương diện. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển quá trình giáo dục, đào tạo về vấn đề giới tính và BĐG cho trẻ nhỏ, giúp các em nhận thức đúng đắn các vấn đề trên để hình thành trong nhân cách các em về cách cư xử đúng mực, sự tôn trọng các bạn khác giới, đồng thời gây dựng cho các em ý thức đấu tranh, bảo vệ vấn đề BĐG ngay từ nhỏ nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng một xã hội văn minh, công bằng và phát triển ổn định.