Phạm tội lần đầu là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của cá nhân khi có hành vi vi phạm pháp luật .Vậy, Phạm tội lần đầu là gì? Bàn về tình tiết phạm tội lần đầu? Phạm tội lần đầu trong trường hợp ít nghiêm trọng được hiểu như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Phạm tội lần đầu là gì?
Phạm tội lần đầu là một trong những tình tiết giảm nhẹ được cân nhắc trong việc xem xét đưa ra mức hình phạt với cá nhân có hành vi trái pháp luật. Theo định nghĩa tại mục 4 phần I Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC của Toà án nhân dân tối cao ngày 7/4/2017, phạm tội lần đầu được hiểu như sau: Người phạm tội được coi là phạm tội lần đầu khi có căn cứ từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào. Trên thực tế, nếu người này đã có hành vi phạm tội, bị đưa ra Tòa xét xử và có bản án của Tòa nhưng đã được xóa án tích hoặc chưa bị kết án nhưng không còn đảm bảo về mặt thời hiệu để tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau thì chắc chắn sẽ không được coi là phạm tội lần đầu.
Để nêu lên cách hiểu đối với tình tiết phạm tội lần đầu thì Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP. Theo đó, Nghị quyết này đã hướng dẫn cách hiểu tại Khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết như sau: Trong quá trình tố tụng nếu đảm bảo yếu tố sau thì sẽ được coi là phạm tội lần đầu:
– Những cá nhân này trước đó chưa phạm tội lần nào;
– Có hành vi vi phạm pháp luật nhưng đảm bảo điều kiện được miễn trách nhiệm hình sự;
– Những đối tượng trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng;
– Trước đó đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích.
Theo quy định của Bộ Luật Hình sự năm 2015, người được xoá án tích coi như chưa bị kết án (khoản 1 điều 69). Trường hợp được coi là không có án tích theo quy định của BLHS bao gồm như sau:
+ Thứ nhất là người đương nhiên được xoá án tích và đến thời hạn có quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp mà được Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận là không có án tích (khoản 4 điều 70).
+ Thứ hai là người chưa thành niên có độ tuổi dưới 18 tuổi mà vi phạm và bị kết án thuộc một số trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 107 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
Như vậy đã có sự khác nhau trong định nghĩa phạm tội lần đầu ở Công văn giải đáp và Nghị quyết của TANDTC, quy định ở Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP nhìn chung có lợi hơn cho người phạm tội hơn so với giải thích ở Công văn.
Xét về giá trị pháp lý: Nghị quyết của HĐTP TANDTC là văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trong khi đó Công văn được đưa ra chỉ giải đáp, mang tính tham khảo, hướng dẫn, không có tính bắt buộc các cá nhân phải thực hiện theo. Đồng thời theo pháp luật hình sự nước ta, khi có sự xung đột về pháp luật cần áp dụng quy định có lợi hơn cho người phạm tội. Vì vậy, cách hiểu về phạm tội lần đầu nên được hiểu theo quy định tại Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP. Điều này không chỉ đáp ứng được tính nhân văn trong quy phạm pháp luật cũng dễ dàng trong việc áp dụng tình tiết này trên vụ án thực tế.
2. Bàn về tình tiết phạm tội lần đầu:
Hiện nay, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phạm tội lần đầu được quy định tại Điểm i, Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017). Trong thực tế, khi áp dụng tình tiết này vẫn có sự chưa thống nhất và có nhiều cách hiểu khác nhau gây sự khó khăn trong việc xét xử. Thông thường có hai cách hiểu khác nhau dựa trên hai văn bản pháp luật đó là Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao, cùng với đó là Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC như sau:
– Quan điểm thứ nhất: được hướng dẫn tại mục 4.1, Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC thì phạm tội lần đầu được áp dụng khi cá nhân từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào. Trong trường hợp đã phạm tội hoặc đã bị kết án nhưng được xóa án tích và chưa bị kết án nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau thì sẽ không được coi là phạm tội lần đầu.
Theo ghi nhận của Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC dẫn đến có sự xung đột theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tha tù trước thời hạn:
Theo đó, các cá nhân được coi là phạm tội lần đầu và có thể xem xét nếu thuộc trong các trường hợp: Trước đó chưa thực hiện hành vi phạm tội lần nào, hoặc đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự, đối với những cá nhân thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; Trước đó đã từng bị kết án nhưng thuộc trường hợp không có án tích.
Với hai quy định như trên về tình tiết phạm tội lần đầu, dẫn đến có nhiều những quan điểm khác trong quá trình áp dụng:
– Quan điểm thứ nhất: cho rằng Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999. Mà văn phạm văn bản quy phạm này đã hết hiệu lực pháp luật không được áp dụng nữa nên việc định nghĩa về tình tiết phạm tội trong giải đáp này không đảm bảo tính thực tế. Tuy nhiên, cũng có quan điểm nêu lại rằng tình tiết phạm tội lần đầu theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 1999 và Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) không có gì khác biệt nhau nên đều có thể áp dụng được.
– Quan điểm thứ hai: Theo quy định tại Khoản 2 và 3 Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã ghi nhận: khi có những xung đột về lựa chọn văn bản pháp luật áp dụng cùng một vấn đề thì phải áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn;
Trong trường hợp này thì tình tiết phạm tội lần đầu theo Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP là văn bản quy phạm pháp luật còn Công văn số 01/2017 GĐ-TANDTC chỉ là văn bản giải thích luật nên không có tính pháp lý cao hơn Nghị quyêt được.
Xét về thời gian: Công văn này được ban hành trước khi Nghị quyết xuất hiện và còn trái với Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán nên không thể áp dụng Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC .
Với những phân tích ở trên theo quan điểm của tác giả: việc áp dụng Nghị quyết số 01/ 2018/NQ-HĐTP trong quá trình giải quyết vụ án theo quy định tại Khoản 1 Điều 69 Bộ luật hình sự 2015( sửa đổi 2017) là hoàn toàn hợp lý và đúng với quy định của pháp luật.
3. Phạm tội lần đầu trong trường hợp ít nghiêm trọng được hiểu như thế nào?
Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng theo pháp luật đã được quy định tại Điểm i, Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015. Phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng là một trong những khái niệm được rất nhiều sự quan tâm của các cá nhân, tổ chức. Tại Công văn số 01/ 2017 GĐ-TANDTC thì phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng là phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau:
– Đối với những hành vi vi phạm không gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt này là đến 3 năm tù
– Hành vi phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng người phạm tội có vị trí vai trò thứ yếu không có sự đóng góp đáng kể trong các vụ án có đồng phạm.
Với quy định và những phân tích trên, Tòa án chỉ áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng quy định tại điểm i Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 khi cá nhân đó đảm bảo hai yếu tố đó là phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng.
Các cá nhân đồng thời phải có hai điều kiện này thì mới được xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp nếu bị cáo phạm tội lần đầu mà không phải thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc ngược lại phạm tội được trường hợp ít nghiêm trọng nhưng lần phạm tội này không phải là phạm tội lần đầu thì không áp dụng Điểm i Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015.
4. Đã xóa án tích có được xem là phạm tội lần đầu?
Xác định tình tiết phạm tội lần đầu có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình xét xử của một vụ án hình sự. Hiện nay, tại Điều 63 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định: Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án chứ không có quy định cụ thể là coi như chưa phạm tội.
Tại Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC giải đáp về hành vi phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng được hiểu như sau: Những người được coi là phạm tội lần đầu thì từ trước đến nay phải chưa phạm tội lần nào. Nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án nhưng đã được xóa án tích hoặc chưa bị kết án nhưng đã hết thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự. Hoặc nằm trong trường hợp chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng là phạm tội sau thì không được coi là phạm tội lần đầu.
Như vậy, theo hướng dẫn tại Công văn này bị cáo chưa phạm tội lần nào thì mới được coi là người phạm tội lần đầu. Trường hợp bị cáo trước đó đã phạm tội dù đã được xóa án tích nhưng cũng không đủ điều kiện để xem xét áp dụng tình tiết phạm tội lần đầu. Chính vì vậy, đã xóa án tích không được coi là phạm tội lần đầu.
Các văn bản pháp luật được sử dụng:
– Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi 2017);
– Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2019;
– Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP Hướng dẫn việc áp dụng Điều 66 và Điều 106 của Bộ luật Hình sự về tha tù trước thời hạn có điều kiện;
– Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao Giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ.