Hợp đồng M&A chỉ bị điều chỉnh về hiệu lực được phép thi hành hoặc được phép thi hành một phần hoặc thi hành có điều kiện. Nội dung pháp luật kiểm soát tập trung kinh tế của Pháp và Mỹ cũng chính là nội dung pháp luật kiểm soát hợp đồng M&A.
Mục lục bài viết
1. Pháp luật cạnh tranh Hoa Kỳ điều chỉnh Hợp đồng M&A:
Pháp luật cạnh tranh Hoa Kỳ được xây dựng dựa trên học thuyết kinh tế về việc cạnh tranh sẽ tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực bằng cách làm cho các doanh nghiệp tìm kiếm cách làm có hiệu quả nhất đề nhằm có giá bán cạnh tranh sát với giá thành nhất. Theo đó, pháp luật Hoa Kỳ hướng tới việc thiết lập các điều kiện thị trường gần với “thị trường hoàn hỏa” nhất như: sản phẩm đồng nhất (dễ so sáng, thay thế), người mua và người bán có thông tin đầy đủ, rào cản tham gia thấp, chi phí giao dịch thấp. Với các điều kiện như vậy, bắt buộc doanh nghiệp tự sẽ phải đặt giá bán cạnh tranh bằng với giá thành để giữ chân khác hàng. Chính vì lẽ đó, mô hình Hoa Kỳ cấm tập trung kinh tế và độc quyền về mặt hình thức bằng các đạo luật được ban hành sớm nhất trên thế giới trong lĩnh vực này bao gồm:
– Đạo luật Sherman là đạo luật đầu tiên điều chỉnh vấn đề cạnh tranh trong hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (cũng như trên thế giớ) được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua vào năm 1890 với nội dung chủ yếu là cấm thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Chủ thể bị điều chỉnh chủ yếu của đạo luật này là các công ty độc quyền lớn được hình thành nửa cuối thế kỷ 18 tại Hoa Kỳ với các chế định hướng tới việc cấm các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và độc quyền hóa. Đạo luật này cũng là cơ sở pháp lý cho hoạt động của cơ quan chống cạnh tranh của Bộ Tư pháp, Ủy ban thương mại liên bang và trao tố quyền cho các nguyên đơn tự. Hoạt động tập trung kinh tế bị điều chỉnh bởi Đạo luật này chỉ giới hạn trong hoạt động mua bán chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của các công ty.
– Đạo luật Clayton [20] được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua năm 1914 bổ sung Đạo luật Sherman thêm bốn hành vi: cấm phân biệt đối xử về giá, cấm ký kết hợp đồng mang tính độc quyền hoặc có nội dung ràng buộc; cấm việc chiếm vốn giữa các công ty (sở hữu chéo); cấm kiêm nhiệm chức vụ (kiểm soát chéo). Đạo luật này là cơ sở pháp lý chủ yếu điều tiết các vấn đề cạnh tranh phát sinh do tập trung kinh tế. Luật này bắt đầu có sự ngăn cấm các vụ sáp nhập có thể dẫn tới hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể hoặc có xu hướng dẫn tới độc quyền. Các công ty liên doanh cũng thuộc phạm vi điều chỉnh theo Đạo luật Clayton, mặc dù họ cũng có thể được điều chỉnh theo Đạo luật Sherman theo các quy định ngăn cấm những hạn chế bất hợp lý về thương mại và sự hình thành độc quyền.
– Đạo luật về Ủy ban Thương mại liên bang thành lập Cơ quan quản lý cạnh tranh tại Mỹ được thông qua năm 1914, trước đây, các vụ cạnh tranh do Cục Chống độc quyền thuộc Bộ Tư pháp thực hiện. Sau khi thành lập Ủy ban Thương mại Liên bang, Ủy ban này giám sát việc thực thi luật cạnh tranh thuộc mảng dân sự và bổ sung thêm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như làm hàng giả, quảng cáo gian dối.
– Đạo luật Robinson–Patman được thông qua năm 1936 bổ sung Đạo luật Clayton về hành vi bán phá giá hàng hóa trong nước và phân biệt với bán phá giá tại thị trường nước ngoài.
– Đạo luật Celler–Kefauver được thông qua năm 1950 quy định hạn chế, kiểm soát việc tạo ra các tổ chức kinh tế độc quyền hạn chế cạnh tranh thông qua sáp nhập, mua lại. Đạo luật này củng cố các quy định đã có của Đạo luật Sherman và Đạo luật Clayton. Đạo luật này chứa các quy phạm điều chỉnh chủ yếu việc tập trung kinh tế giữa các doanh nghiệp trong cùng chuỗi giá trị (vertical merger) hoặc tập trung kinh tế đa dạng hóa (conglomerate merger). Bên cạnh đó, Đạo luật này cũng hoàn thiện cách hiểu về tập trung kinh tế không chỉ là việc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp mà còn là các phương thức khác như mua bán tài sản kinh doanh mà các đạo luật trước đó chưa điều chỉnh.
– Đạo luật chống độc quyền nâng cao Hart–Scott–Rodino được thông qua năm 1976 đã bổ sung biện pháp tiền kiểm bằng cơ chế thông báo tập trung kinh tế vào các chế định chống độc quyền trước đó. Theo đó, trong một số trường hợp luật định, các chủ thể phải tiến hành thông báo về hoạt động tập trung kinh tế của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi thực hiện theo một quy trình luật định và chịu sự điều chỉnh của các biện pháp hành chính từ các cơ quan này. Đạo luật là cơ sở pháp lý điều chỉnh các nội dung về thủ tục rà soát của chính phủ trong các vụ sáp nhập và thâu tóm. Luật cho phép hai cơ quan liên bang là Cục Chống độc quyền trực thuộc Bộ Tư pháp và Ủy ban Thương mại liên bang có quyền rà soát các nội dung liên quan đến cạnh tranh trong các giao dịch, đánh giá các vấn đề chống độc quyền từ các giao dịch được đề nghị trước khi chúng được tiến hành. Với quyền hạn rà soát pháp lý tương đương nhau, Cục Chống độc quyền và Ủy ban Thương mại liên bang đã xây dựng quy trình nộp hồ sơ về các giao dịch tới một trong hai cơ quan tùy thuộc vào ngành, lĩnh vực liên quan hoặc loại vấn đề phát sinh từ giao dịch. Quyết định đối với một giao dịch do mỗi cơ quan rà soát là độc lập với cơ quan kia. Các vụ việc sáp nhập và thâu tóm cũng có thể được cơ quan cạnh tranh cấp bang phối hợp rà soát với Cục Chống độc quyền hoặc Ủy ban Thương mại liên bang. Quá trình rà soát sáp nhập chống độc quyền là một cấu thành quan trọng trong luật chống độc quyền và chính sách kinh tế Hoa Kỳ.
Các bộ luật này đã được pháp điển hóa trong bộ pháp điển luật liên bang USC của Hoa Kỳ trong Chương 1 về Độc quyền và kết hợp hạn chế thương mại (monopolies and combinations in restraint of trade) của USC 15 về Thương mại và buôn bán. Tuy nhiên, bên cạnh các quy định do cơ quan lập pháp ban hành, theo truyền thống common law, nhiều án lệ thể hiện quản điểm của tòa án về nội dung và cách áp dụng các quy định này cũng được đưa ra trong quá trình sét xử. Hệ thống án lệ này cũng là nguồn quan trọng đối với pháp luật cạnh tranh của Hoa Kỳ.
2. Pháp luật cạnh tranh Pháp điều chỉnh hợp đồng M&A:
Các phương thức kiểm soát tập trung kinh tế theo pháp luật Pháp được quy định tại Thiên III, Quyển IV Bộ luật Thương mại [25]. Các quy định pháp quy chủ yếu tập trung trong luật về các biện pháp điều tiết kinh tế mới và được pháp điển hóa trong Bộ luật Thương mại. Luật này đã sửa đổi một cách cơ bản cơ chế kiểm soát tồn tại trước đó, nhằm tiến gần hơn đến hệ thống kiểm soát tập trung kinh tế của Liên minh châu Âu. Các quy định này chỉ áp dụng đối với các hoạt động tập trung kinh tế được thực hiện sau ngày 18/5/2002. Cho đến nay, các quy định về kiểm soát tập trung kinh tế của Pháp đã được sửa đổi nhiều lần, chủ yếu là sửa các yếu tố kỹ thuật cho phù hợp với điều kiện kinh tế.
Theo chính sách pháp luật Pháp, kiểm soát tập trung kinh tế là một “biện pháp quản lý bắt buộc”. Với tư cách đó, kiểm soát tập trung kinh tế không thuộc thẩm quyền kiểm soát của Hội đồng Cạnh tranh giống như kiểm soát hành vi phản cạnh tranh. Đây là nét đặc biệt của pháp luật cạnh tranh Pháp, thể hiện sự gắn bó chặt chẽ giữa pháp luật cạnh tranh với chính sách kinh tế. Kiểm soát tập trung kinh tế là một lĩnh vực nằm ở điểm ranh giới giữa pháp luật cạnh tranh với chính sách kinh tế. Chính vì lý do đó nên Bộ trưởng phụ trách kinh tế là người có thẩm quyền quyết định trong việc kiểm soát tập trung kinh tế. Hội đồng Cạnh tranh không được mặc nhiên thụ lý vụ việc tập trung kinh tế. Các doanh nghiệp và pháp nhân khác cũng không có quyền khiếu nại vụ việc tập trung kinh tế. Đây là điểm khác biệt so với lĩnh vực kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và lạm dụng sức mạnh kinh tế, bởi vì trong lĩnh vực này doanh nghiệp và các pháp nhân khác có quyền khiếu nại vụ việc cạnh tranh. Các chủ thể có liên quan có quyền khiếu nại ở đây là các chủ thể tham gia vào hoạt động tập trung kinh tế và đối tượng kiếu nại ở đây là quyết định hành chính về vụ việc tập trung kinh tế của Bộ trưởng theo con đường tố tụng hành chính. Bộ trưởng không phải chịu áp lực từ sự tồn tại của nhiều chủ thể có quyền khiếu nại vụ việc tập trung kinh tế. Thậm chí, Bộ trưởng cũng không bắt buộc phải tham vấn Hội đồng Cạnh tranh, trừ khi Bộ trưởng muốn ra quyết định về việc áp dụng các biện pháp chế tài hoặc cấm triển khai dự án tập trung kinh tế.
Theo quy định tại Điều L.430–3 Bộ luật Thương mại, các hoạt động tập trung kinh tế thuộc diện chịu áp dụng thủ tục kiểm soát phải được thông báo cho Bộ trưởng phụ trách kinh tế với cơ quan trực thuộc phụ trách là Tổng cục Cạnh tranh, Tiêu dùng và Chống gian lận thương mại. Việc thông báo phải được thực hiện sau khi ký kết các văn bản về vụ việc tập trung kinh tế, có nghĩa là sau khi các bên đã cam kết tham gia không hủy ngang vào vụ tập trung kinh tế. Trong trường hợp việc tập trung kinh tế được thực hiện theo phương thức công khai đề nghị mua hoặc trao đổi, thì phải thông báo sau khi đã công bố công khai đề nghị đó. Những vụ tập trung kinh tế nếu mới chỉ dừng ở mức dự định thì không cần thông báo. Như vậy, pháp luật Pháp đã ghi nhận quá trình thực hiện giao kết vụ việc tập trung kinh tế là một quá trình gồm nhiều hợp đồng được giao kết và pháp luật cạnh tranh sẽ can thiệp vào quá trình này ở một thời điểm cụ thể khi các cam kết của các bên đã đủ tính ràng buộc chắc chắn.
Nghĩa vụ thông báo việc tập trung kinh tế là nghĩa vụ của thể nhân, pháp nhân giành được quyền kiểm soát doanh nghiệp khác. Trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất hoặc thành lập doanh nghiệp chung thì tất cả các bên liên quan phải cùng tiến hành thủ tục thông báo việc tập trung kinh tế.
Trong quá trình đợi quyết định của Bộ trưởng phụ trách kinh tế, dự án tập trung kinh tế phải tạm ngừng triển khai. Việc tập trung kinh tế chỉ được thực hiện trên thực tế sau khi có quyết định chấp thuận chính tức của Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Bộ trưởng các bộ có liên quan. Trong trường hợp việc tập trung kinh tế được tiến hành thông qua việc mua bán hoặc trao đổi cổ phiếu trên thị trường có kiểm soát, thì việc tập trung kinh tế này được phép thực hiện trên thực tế khi các quyền gắn liền với các cổ phiếu được thực hiện.