Ưu điểm của tập trung kinh tế chính là tạo ra được những giá trị mới cho các cổ động, hiệu quả vận hành cao hơn đồng thời, tạo ra năng lực cạnh tranh cao hơn, đạt hiệu quả tốt về chi phí, chiếm lĩnh thị phần lớn hơn.
Tập trung kinh tế (TTKT) đã trở thành công cụ trong phương thức kinh doanh mới và trở thành xu hướng thiết yếu để phát triển doanh nghiệp trên thị trường toàn cầu. Từ đó, hoạt động cạnh tranh trên thị trường bị giảm sút, ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ thị trường nói chung, các hãng sản xuất khác trong thị trường, và người tiêu dùng nói riêng.
TTKT được hiểu như hành vi của doanh nghiệp thực hiện quyền tự do kinh doanh, tự do thay đổi cơ cấu tổ chức, cơ cấu sở hữu. Việc doanh nghiệp thực hiện hành vi TTKT dưới hình thức sáp nhập, hợp nhất, mua lại thông thường được coi là biện pháp tổ chức lại doanh nghiệp hoặc hình thức đầu tư và được điều chỉnh bằng pháp luật doanh nghiệp, pháp luật đầu tư và pháp luật khác có liên quan. Ưu điểm của TTKT chính là tạo ra được những giá trị mới cho các cổ động, hiệu quả vận hành cao hơn đồng thời, tạo ra năng lực cạnh tranh cao hơn, đạt hiệu quả tốt về chi phí, chiếm lĩnh thị phần lớn hơn. Mặt khác, TTKT có thể dẫn tới việc hình thành các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn mạnh và có thể gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Bởi vậy nên Nhà nước phải thực hiện kiểm soát TTKT.
Mục lục bài viết
1. Phân loại thị trường:
Thị trường được hiểu đơn giản là tập hợp những người mua và người bán tương tác qua lại với nhau, tạo nên khả năng trao đổi. Trên thực tế, với mỗi mặt hàng khác nhau thì thị trường mặt hàng đó lại có cấu trúc khác nhau. Tuy nhiên, dựa theo cấu trúc cơ bản của thị trường, có thể tóm gọn và phân loại thị trường làm bốn loại đó là:
- Thị trường cạnh tranh hoàn hảo: thị trường có vô số người mua, người bán và sản phẩm đồng nhất. Thị trường này không có sự cạnh tranh quyết liệt để chiếm lấy thị phần giữ các hãng. Thị trường mang tính cạnh tranh hoàn hảo tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả các thành viên, và không chịu sự chi phối đơn lẻ của thành viên nào cả. Thị trường này có ba đặc điểm đó là: (1) hàng hoá do các hàng cung cấp là đồng nhất; (2) người mua và người bán trên thị trường này đều là người chấp nhận giá; (3) người bán có thể tự do gia nhập hoặc rời bỏ thị trường. Mặt hàng trên thị trường này thường là những mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống, giá cả do quy luật cung – cầu quyết định.
- Thị trường độc quyền thuần tuý (độc quyền hoàn toàn): là thị trường trong đó nhà độc quyền là người cung cấp duy nhất và tiềm năng toàn bộ hoặc phần lớn hàng hoá, dịch vụ. Thị trường này có những đặc điểm: (1) có duy nhất một hàng trên thị trường, và hàng này chính là người đặt giá; (2) sản phẩm mà hãng cung cấp có tính độc quyền, không có sản phẩm thay thế điện, nước, xăng…); (3) rào cản gia nhập thị trường cao.
- Thị trường cạnh tranh độc quyền: là thị trường có nhiều hãng sản xuất và cung cấp sản phẩm có thể thay thế nhau ở mức độ cao nhưng có sự khác biệt (dầu gội đầu, xe máy, nước đóng chai…). Các đặc điểm của thị trường này là: (1) có nhiều nhà cung cấp sản phẩm và sản phẩm của mỗi hãng có sự phân biệt với nhau thông qua mẫu mã, bao bì, thiết kế…; (2) việc tham gia hoặc rút lui khỏi thị trường là tương đối dễ dàng; (3) các hình thức cạnh tranh phi giá quảng cáo, khuyến mãi…) được áp dụng nhiều
- Thị trường độc quyền tập đoàn (độc quyền nhóm): là thị trường có một số hãng sản xuất và cung cấp phần lớn hoặc toàn bộ một hàng hoá dịch vụ cụ thể (dịch vụ viễn thông, dịch vụ hàng không…). Đặc điểm của thị trường này là: (1) thị trường chỉ có một vài nhóm nhà cung cấp với nhiều người mua và thường hoạt động với quy mô lớn, trong đó có ít nhất một số nhà cung cấp có sức mạnh chi phối để tác động giá trên thị trường; (2) các hãng trên thị trường phụ thuộc chặt chẽ vào quyết định của nhau; (3) rào cản gia nhập thị trường cao
Như vậy, có thể thấy rằng số lượng các hãng cung cấp hàng hoá dịch vụ trên thị trường ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh của hãng đó lên thị trường: ảnh hưởng qua lại lẫn nhau và ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Một công ty độc quyền hoàn toàn có toàn bộ sức mạnh chi phối lên thị trường, không có đối thủ cạnh tranh, người tiêu dùng hoàn toàn bị chi phối; và việc sử dụng các biện pháp cạnh tranh là hoàn toàn không cần thiết. Trong khi đó, các hãng trong thị trường cạnh tranh độc quyền lại có sự cạnh tranh quyết liệt thông qua giá, và các hình thức phi giá. Việc cạnh tranh này vô hình chung tạo nên sự phát triển của hàng hoá, có lợi cho người tiêu dùng.
2. Tác động của tập trung kinh tế tới tính cạnh tranh trên thị trường liên quan:
Hoạt động M&A nói riêng, tập trung kinh tế nói chung dẫn đến thay đổi cấu trúc thị trường. Việc mua bán, sát nhập các doanh nghiệp hoạt động trong cùng một lĩnh vực trực tiếp làm giảm số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đó. Từ đó, thị trường cạnh tranh độc quyền có thể trở thành thị trường độc quyền nhóm, thị trường độc quyền nhóm có thể trở thành thị trường độc quyền hoàn toàn.
Cần thiết phải hiểu rằng, mặc dù M&A hay TTKT là xu hướng tất yếu của nền kinh | tế thị trường. Do đó việc hình thành các hãng độc quyền, thống lĩnh thị trường là điều không tránh khỏi bởi lẽ đây cũng là một hình thức cạnh tranh. Lênin đã nói rằng: “Tự do cạnh tranh đẻ ra tập trung sản xuất và sự tập trung, sản xuất này, khi phát triển tới một mức độ nhất định lại dẫn tới độc quyền”. Vì vậy pháp luật Việt Nam không và không thể hạn chế, cấm các hoạt động này. Tuy nhiên, khi một doanh nghiệp có sức mạnh quá lớn, thậm chí là chi phối thị trường thì thường có các hoạt động lợi dụng ưu thế, lạm dụng quyền lực của mình đối với thị trường để triệt tiêu đối thủ, cản trở sự gia nhập thị trường của những doanh nghiệp mới. Đây là một nghịch lý được Các Mác phát hiện ra: “Cạnh tranh làm phát sinh tập trung kinh tế còn tập trung kinh tế lại tiêu diệt cạnh tranh”.
Trên thế giới, thông thường, pháp luật về doanh nghiệp hoặc pháp luật về công ty của các nước đều quy định các hình thức sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp là các biện pháp nhằm tổ chức lại doanh nghiệp. Đồng thời, các nước có nhiều biện pháp để kiểm soát tập trung kinh tế nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của tập trung kinh tế theo các quan điểm sau:
- Quan điểm áp dụng chủ nghĩa tự do: Tin vào sự tự điều chỉnh của thị trường, tin vào sự hợp lí của quá trình tập trung kinh tế hướng tới độc quyền nên nhà nước không thiết lập việc kiểm soát tập trung kinh tế.
- Quan điểm can thiệp để duy trì cạnh tranh: Nhà nước can thiệp để bảo vệ cạnh tranh bằng cách ngăn chặn độc quyền, chia nhỏ doanh nghiệp độc quyền, cấm các thoả thuận để hình thành vị trí thống lĩnh thị trường.
- Quan điểm giám sát để điều tiết: Nhà nước chấp nhận vị trí thống lĩnh hoặc độc quyền của một số doanh nghiệp nhưng sẽ ngăn ngừa, giám sát sự lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền của các doanh nghiệp đó.
- Quan điểm công hữu hoá để điều tiết: Nhà nước sẽ công (quốc) hữu hoá các doanh nghiệp có vị trí độc quyền và đặt các doanh nghiệp đó dưới sự quản lý của nhà nước, định hướng các doanh nghiệp đó hoạt động vì lợi ích chung.
Trên thực tế, các nước đều tìm cách phối hợp các quan điểm trên. Trong đó, giải pháp chính vẫn là phối hợp giữa biện pháp can thiệp để duy trì cạnh tranh và khi độc quyền diễn ra thì tìm cách giám sát để điều tiết, hạn chế việc lạm dụng vị thế độc quyền.
Việt Nam là nước có nền kinh tế đang phát triển. Thực tiễn đã cho thấy việc gia tăng sự xuất hiện của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam là hệ quả của quá trình hội nhập ngày một sâu rộng của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới sẽ khiến cho các hoạt động tập trung kinh tế ở quy mô có khả năng chi phối thị trường xuất hiện trong tương lai ngày càng nhiều. Chính vì vậy, xuất phát từ sự cần thiết phải kiểm soát các hoạt động tập trung kinh tế để tránh tình trạng hình thành các doanh nghiệp lớn có sức mạnh khống chế thị trường, khung pháp lý cho phép các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế là đòi hỏi cấp thiết từ cả thực tiễn khách quan và chủ quan. Bản chất của kiểm soát TTKT được hiểu là kiểm soát việc tập trung quyền lực thị trường được thực hiện bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, là một hình thức kiểm soát nhà nước đối với hoạt động của các chủ thể kinh doanh. Việc kiểm soát TTKT
không có mục đích cấm đoán, hạn chế các hành vi TTKT mà nhằm đề bảo vệ cạnh tranh, chống các hành vi hạn chế cạnh tranh làm giảm, sai lệch, cản trở cạnh tranh trên thị trường.