Phòng vệ chính đáng là hành vi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của bản thân hoặc của người khác, bảo vệ lợi ích Nhà nước, xã hội, tổ chức mà chống trả lại một cách hợp lý người đang có, đe doạ ngay lập tức sẽ có hoặc có căn cứ chắc chắn sẽ có hành vi xâm hại những lợi ích trên.
Mục lục bài viết
1. Phòng vệ chính đáng là gì:
Phòng vệ chính đáng là một trong các tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự. Có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm cũng như thành phần của các tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự, tuy nhiên đều thống nhất rằng, phòng vệ chính đáng là một tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự. Chế định phòng vệ chính đáng được xây dựng dựa trên chính sách của Nhà nước khuyến khích mọi cá nhân trong xã hội tham gia chống lại hành vi xâm phạm hoặc đe doạ xâm phạm ngay tức khắc các khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ. Việc chống lại những hành vi này sẽ giúp giảm thiểu tối đa những hậu quả nguy hiểm cho xã hội, giúp ích cho công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Phòng vệ chính đáng là tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự xảy ra phổ biến nhất trong thực tiễn xét xử, thể hiện rõ ràng nhất sự ủng hộ của Nhà nước đối với các hành vi công dân chủ động đấu tranh phòng chống tội phạm.
Nhiều nhà nghiên cứu khoa học có các khái niệm và cách hiểu khác nhau về phòng vệ chính đáng cũng như những điều kiện phòng vệ chính đáng.
GS. TSKH. Lê Văn Cảm đã đưa ra kết luận như sau:
Phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả của người phòng vệ để gây thiệt hại cho người đang có hành vi xâm hại đến các lợi ích hợp pháp của mình hoặc của những người khác, cũng như của xã hội hay của Nhà nước, nếu hành vi chống trả tương xứng với hành vi xâm hại.
PGS. TS. Trịnh Tiến Việt định nghĩa phòng vệ chính đáng như sau:
Phòng vệ chính đáng là hành vi của một người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức, của người khác mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên, được coi là trường hợp không phải tội phạm và người đó không phải chịu trách nhiệm hình sự.
PGS. TS. Trịnh Tiến Việt đưa ra các các điều kiện của phòng vệ chính đáng:
a) Có hành vi trái pháp luật đang xâm hại đến các lợi ích hợp pháp – cơ sở để phát sinh quyền phòng vệ chính đáng.
b) Hành vi xâm hại đến các lợi ích hợp pháp phải đang diễn ra, đang hiện hữu và có thật, chứ không phải do suy đoán tưởng tượng.
c) Hành vi phòng vệ chính đáng phải gây thiệt hại cho chính người đang có hành vi tấn công – nơi phát sinh nguồn nguy hiểm để bảo vệ các lợi ích hợp pháp.
d) Hành vi phòng vệ được coi là chính đáng, khi đó hành vi chống trả là cần thiết.
Phòng vệ chính đáng xét về mặt hình thức đã có đủ các dấu hiệu của tội phạm nhưng không được coi là tội phạm. Thiệt hại xuất phát từ hành vi phòng vệ chính đáng phù hợp với yêu cầu chung của xã hội. Phòng vệ chính đáng không phải tội phạm mà là hành vi tự vệ trước hành vi trái pháp luật của người khác, nhằm mục đích ngăn ngừa, chống lại, hạn chế hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm pháp luật đó gây ra. Do đó, hành vi phòng vệ chính đáng mặc dù về mặt hình thức có vẻ mang tính nguy hiểm cho xã hội, nhưng thực tế tính nguy hiểm đó đã bị loại trừ và hành vi ấy hoàn toàn phù hợp với xã hội, đồng thời thể hiện rõ ý thức trách nhiệm của công dân góp phần vào việc bảo vệ và củng cố trật tự xã hội.
Phòng vệ chính đáng là quyền của mỗi cá nhân nhưng không phải là nghĩa vụ pháp lí. Họ có thể không sử dụng quyền đó vì những lý do khác nhau nhưng về mặt đạo đức, đòi hỏi một người phải có những trách nhiệm riêng đối với những lợi ích chung trong xã hội, qua đó chống lại những hành vi vi phạm. Trong mỗi một cá nhân luôn mang thêm trách nhiệm đối với cộng đồng, với những người xung quanh, đây là sợi dây liên kết giữa những cá nhân trong xã hội, do đó việc họ sử dụng quyền phòng vệ chính đáng khi thấy lợi ích hợp pháp của người khác bị xâm phạm luôn luôn được tuyên dương, ủng hộ. Đối với những người có chức vụ, có trách nhiệm bảo vệ lợi ích của Nhà nước hoặc của nhân thân thì đây trở thành nghĩa vụ pháp lí.
Lịch sử lập pháp cho thấy chế định phòng vệ chính đáng đã được đề cập đến từ rất sớm, trước cả khi ban hành BLHS đầu tiên năm 1985. Để đảm bảo yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo nhu cầu về an ninh trật tự lúc bấy giờ, Nhà nước đã ban hành nhiều luật, văn bản, sắc luật như: Luật số 103/SL/L.005 ngày 20/5/1957 đảm bảo quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của nhân dân; Bản tổng kết số 452/SL ngày 10/6/1970 của TANDTC; Chỉ thị số 07/CT ngày 22/12/1983 về việc xét xử các hành xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong khi thi hành công vụ,... Sau đó, trong lần pháp điển hoá đầu tiên của BLHS năm 1985, phòng vệ chính đáng được đưa vào BLHS tại Điều 13 như sau: “Phòng vệ chính đáng là hành vi vì bảo vệ lợi ích của nhà nước, của tập thể, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, của người khác mà chống trả lại một cách tương xứng người có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”. Trải qua 4 lần sửa đổi bổ sung (28/12/1987, 12/8/1991, 22/12/1992 và 10/5/1997), chế định phòng vệ chính đáng không bị điều chỉnh. Như vậy, quy định tại Điều 13 BLHS năm 1985 đã được thực hiện suốt thời gian có hiệu lực của BLHS này. Đến năm 1999, khi luật hình sự Việt Nam tiếp tục pháp điển hoá lần thứ 2, chế định phòng vệ chính đáng đã được quy định tại Điều 15 như sau:
Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
Nội dung cơ bản của chế định vẫn tương tự như được quy định tại BLHS năm 1985, tuy nhiên đã có những thay đổi nhằm đến bản chất và ý nghĩa của chế định này (nội dung sẽ được đề cập trong phần sau của luận văn). Đến lần pháp điển hóa thứ 3 của luật hình sự Việt Nam năm 2015, tuy có vấn đề và phải sửa đổi, bổ sung năm 2017, nhưng chế định về phòng vệ chính đáng vẫn được đảm bảo tại Điều 22 BLHS: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”.
Nhà nước và xã hội ủng hộ, khuyến khích cá nhân thực hiện quyền phòng vệ chính đáng để đảm bảo quyền và lợi ích bản thân và của xã hội, nhưng không có nghĩa bỏ mặc cho các cá nhân tự xử lý lẫn nhau, bởi chỉ có Nhà nước mới có quyền xử lý những người vi phạm pháp luật. Do đó, phòng vệ chính đáng cũng có những giới hạn, nếu không có giới hạn, con người có thể lợi dụng chế định này để thực hiện một hành vi phạm tội mà không phải chịu trách nhiệm hình sự. Giới hạn này luôn được đặt ra trong các điều luật của BLHS Việt Nam các thời kỳ, nếu trong BLHS năm 1985 và các bản sửa đổi, bổ sung, giới hạn của phòng vệ chính đáng là những chống trả “tương xứng” với những hành vi vi phạm pháp luật thì tới BLHS năm 1999 và BLHS 2015, giới hạn của phòng vệ chính đáng đã đổi thành những chống trả “cần thiết”. Chỉ có thể coi một hành vi là phòng vệ chính đáng khi nó có thể thoả mãn các điều kiện thể hiện sự phòng vệ là “chính đáng” phù hợp với lợi ích của xã hội.
Hiện nay, cơ bản trong khoa học hình sự các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đều thống nhất nội hàm khái niệm của phòng vệ chính đáng. Tuy nhiên, hai loại chống trả “tương xứng” hay “cần thiết” đối với phòng vệ chính đáng còn đang được tranh cãi. Cá nhân người viết đánh giá, hành vi phòng vệ chính đáng cần phải đáp ứng cả hai yêu cầu là hành vi chống trả “tương xứng” và “cần thiết”. Tuy nhiên, cần xác định rõ hành vi chống trả “tương xứng” không phải tương đương một cách máy móc như sau:
Người phạm tội sử dụng công cụ, phương tiện, phương pháp gì, thì người phòng vệ cũng phải sử dụng công cụ, phương tiện, phương pháp tương tự, hoặc có nghĩa là thiệt hại do người phòng vệ gây ra cho người có hành vi xâm hại phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại mà người xâm hại gây ra hoặc đe doạ gây ra. Cần hiểu những hành vi chống trả “tương xứng” là những hành vi chống lại hành vi vi phạm pháp luật có phạm vi tương tự như phạm vi của hành vi vi phạm pháp luật. Tuỳ thuộc vào tính nghiêm trọng, tính nguy hiểm và tính có thể gây nguy hiểm của hành vi vi phạm pháp luật mà người chống trả phải sử dụng những biện pháp chống trả có mức độ nguy hiểm tương đương. Không thể có phòng vệ chính đáng khi chống lại một hành vi gây nguy hiểm ít cho xã hội bằng một hành vi gây nguy hiểm nhiều hoặc rất nhiều cho xã hội.
Dưới góc độ khoa học luật hình sự, khái niệm phòng vệ chính đáng như sau:
Phòng vệ chính đáng là hành vi của một người nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của bản thân hoặc của người khác, bảo vệ lợi ích Nhà nước, xã hội, tổ chức mà chống trả lại một cách hợp lý người đang có, đe doạ ngay lập tức sẽ có hoặc có căn cứ chắc chắn sẽ có hành vi xâm hại những lợi ích trên, người thực hiện hành vi phòng vệ chính đáng được loại trừ trách nhiệm hình sự.
2. Đặc điểm của phòng vệ chính đáng:
Thứ nhất, cơ sở để có hành vi phòng vệ chính đáng là hành vi xâm hại (hành vị cơ sở) các khách thể được pháp luật hình sự được bảo vệ, là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng có tính chất nguy hiểm đáng kể cho xã hội. Hành vi nguy hiểm cho xã hội đó phải đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích (đã nêu) cần bảo vệ. Hành vi cơ sở có thể là hành vi xâm phạm tới các khách thể pháp luật hình sự bảo vệ, nhưng cũng có thể là những hành vi xâm phạm tới các khách thể mà các ngành luật khác bảo vệ. Trong một số trường hợp, hành vi cơ sở có thể xảy ra trên thực tế, nhưng cũng có thể không xảy ra mà chỉ là “lầm tưởng” của người phòng vệ. Nhưng hành vi cơ sở đó vẫn có thể được chấp nhận nếu trong trường hợp đó, đa số người có nhận thức bình thường đều bị lầm tưởng như vậy.
Thứ hai, phòng vệ chính đáng phải là hành vi cần thiết, không chỉ nhằm mục đích tự vệ, loại bỏ hành vi xâm hại hoặc sự đe dọa của hành vi xâm hại mà còn có mục đích bảo vệ các lợi ích chung của xã hội. Đặc điểm này của phòng vệ chính đáng được sử dụng để xác định một hành vi có phải hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không, không có nghĩa là thiệt hại do người phòng vệ gây ra cho người xâm hại phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại do người xâm hại đe doạ gây ra hoặc đã gây ra cho người phòng vệ.
Để xem xét hành vi phòng vệ của một người có cần thiết hay không, có vượt quá giới hạn cho phép hay không thì phải xem xét toàn diện những tình tiết có liên quan đến hành vi xâm phạm lợi ích và hành vi phòng vệ đó như khách thể bị xâm hại; mức độ thiệt hại xảy ra hoặc có thể xảy ra nếu không sử dụng hành vi phòng vệ; mức độ thiệt hại của hành vi phòng vệ gây ra nhằm ngăn chặn hành vi gây thiệt hại đến lợi ích chính đáng cần được bảo vệ; phương tiện, vũ khí, phương pháp mà hai bên đã sử dụng trong tình huống; cường độ tấn công của người xâm hại lợi ích và người phòng vệ; nhân thân của hai bên, hoàn cảnh, điều kiện và nơi xảy ra sự việc.
Sau khi xem xét hết đầy đủ và khách quan các yếu tố này trên hoàn cảnh thực tế xảy ra sự việc mới có thể kết luận được sự cần thiết của việc đưa ra quyết định sử dụng hành vi bạo lực chống trả lại sự xâm hại lợi ích của bên phòng vệ là cần thiết hay không, có vượt quá giới hạn hay không.
Sự cần thiết trong hành vi phòng vệ khác với sự tương xứng về hành vi, không có nghĩa là ngang bằng. Trong nhiều trường hợp hành vi phòng vệ không tương xứng với hành vi xâm phạm nhưng vẫn được coi là phòng vệ chính đáng. Cần thiết ở đây phải được hiểu theo nghĩa là cần phải chống trả, không thể không chống trả trước hành vi xâm hại lợi ích của xã hội. Khi đã xác định là hành vi chống trả cần thiết thì thiệt hại gây ra cho người có hành vi xâm phạm dù có lớn hơn thiệt hại mà người có hành vi xâm phạm gây ra cho người phòng vệ vẫn được coi là phòng vệ chính đáng.
Thứ ba, hành vi phòng vệ chính đáng có mức độ phù hợp với hành vi xâm hại tức là không có sự chênh lệch quá đáng, quá mức giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi đang xâm hại. Như đã trình bày, mặc dù hành vi phòng vệ không nhất thiết phải cân bằng một cách dập khuôn, máy móc với hành vi xâm phạm, nhưng hành vi phòng vệ, trong một phạm vi mức độ, không được có sự quyết liệt hoặc gây ra một hậu quả quá lớn so với hành vi xâm phạm. Trong một tình huống diễn ra nhanh, khẩn cấp như phòng vệ chính đáng, người phòng vệ cần bình tĩnh và đưa ra những quyết định ngăn chặn chứ không phải những quyết định tấn công.
Thứ tư, phòng vệ chính đáng là quyền của con người, họ không có nghĩa vụ phải chống trả, có chăng nghĩa vụ ở đây là nghĩa vụ đạo đức. Việc chống trả hoàn toàn phù hợp với quy luật tự nhiên và xã hội. Bất cứ con người nào đều có quyền được sống và đảm bảo về sức khỏe, do đó, việc chống trả lại một hành vi xâm phạm một cách cần thiết cũng tự trở thành một quyền con người. Bởi vì chỉ là quyền mà không phải nghĩa vụ, do đó khi người khác bị tấn công, chúng ta có thể lựa chọn chống trả để bảo vệ họ hoặc bỏ đi, pháp luật không bắt buộc chúng ta phải bảo vệ người khác, thậm chí bảo vệ bản thân mình.
Thứ năm, người thực hiện hành vi phòng vệ chính đáng là thực hiện một hành vị có ích cho xã hội, vì lợi ích của xã hội, trong đó có lợi ích của mình nên phải gây thiệt hại về sức khỏe hoặc tính mạng cho người đang có hành vi tấn công xâm hại các lợi ích hợp pháp, do đó, hành vi của họ không bị coi là tội phạm và người thực hiện nó không phải chịu TNHS – được loại trừ TNHS.
3. Ý nghĩa của phòng vệ chính đáng:
Trên cơ sở khái niệm phòng vệ chính đáng đã nêu, căn cứ vào các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam và thực tiễn xét xử, có thể rút ra ý nghĩa của chế định này như sau:
– Quy định phòng vệ chính đáng đã khuyến khích mọi công dân đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngăn chặn những hành vi xâm hại đến lợi ích của cá nhân, tập thể và của Nhà nước, và góp phần phòng chống tội phạm một cách có hiệu quả.
– Quy định phòng vệ chính đáng giúp xử lý người có hành vi gây thiệt hại cho các chủ thể khác, qua đó trừng trị nhằm ngăn ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, phòng vệ chính đáng là một điều kiện loại trừ tính nguy hiểm cho xã hội và tính trái pháp luật của hành vi khi có đầy đủ các dấu hiệu mà pháp luật quy định, đồng thời góp phần bảo đảm công lý, công bằng trong xã hội.
– Quy định về phòng vệ chính đáng góp phần thực hiện tốt chính sách hình sự của Nhà nước và nguyên tắc xử lý về hình sự và trách nhiệm của công dân. Đặc biệt, nó còn góp phần xác định rõ ranh giới giữa hành vi phạm tội với hành vi không phải là tội phạm, giữa trường hợp phải chịu trách nhiệm hình sự với trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự, qua đó phát huy tính tích cực và chủ động của người dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trước yêu cầu mới của đất nước.