Pháp nhân là chủ thể của pháp luật hình sự tách biệt với cơ thể sinh học, do vậy các hoạt động tố tụng thông thường cần được thực hiện qua một cá nhân cụ thể có quyền nhân danh pháp nhân đó mà BLTTHS quy định là người đại diện theo pháp luật.
BLTTHS năm 2015 tại Điều 431 quy định: “Thủ tục tố tụng đối với pháp nhân bị tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, bị điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được tiến hành theo quy định của Chương này, đồng thời theo những quy định khác của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này”. Điều này có nghĩa, về mặt phạm vi áp dụng thủ tục TTHS đối với pháp nhân bị truy cứu TNHS bao gồm nội dung chương XXIX và các quy định khác của BLTTHS năm 2015. Hay nói cách khác BLTTHS Việt Nam không quy định thủ tục tố tụng đối với pháp nhân bị bị truy cứu TNHS độc lập với cá nhân. Pháp nhân với tư cách là chủ thể của PLHS tách biệt với cơ thể sinh học, do vậy các hoạt động tố tụng thông thường cần được thực hiện qua một cá nhân cụ thể có quyền nhân danh pháp nhân đó mà BLTTHS quy định là người đại diện theo pháp luật.
Sự thay đổi về chủ thể trong BLHS dẫn đến sự thay đổi các quy định về thủ tục tố tụng hình sự truyền thống, đặc biệt là các thủ tục tác động trực tiếp lên bị can, bị cáo.
Mục lục bài viết
1. Sự tham gia của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố:
Thứ nhất, sự tham gia của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân | thương mại trong trong giai đoạn khởi tố vụ án hình sự
Khởi tố vụ án hình sự về cơ bản không có nhiều thay đổi trong quy trình, thủ tục và các nội dung khác như thẩm quyền, thời hạn; tuy nhiên ở giai đoạn này, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phải có nghĩa vụ có mặt theo yêu cầu của cơ quan tiến có thẩm quyền giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố với mục đích (1) đảm bảo hoạt động tố tụng diễn ra ổn định và (ii) bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của pháp nhân.
Với nội dung 33 tội danh quy định tại Điều 76 BLHS năm 2015, có thể thấy các tội phạm này chủ yếu là tội phạm kéo dài và khách thể xâm phạm không bao gồm tính mạng con người; do vậy, các hoạt động cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành nhằm giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố chủ yếu gồm: (i) Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin; (ii) Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản; và (iii) Triệu tập và lấy lời khai của những người tham gia tố tụng có liên quan nhằm kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân ở giai đoạn này tham gia tố tụng có quyền nhận
Thứ hai, Sự tham gia của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại trong giai đoạn điều tra
Điều tra là giai đoạn tố tụng quan trọng nhằm tìm kiếm sự thật khách quan của vụ án hình sự bao gồm các “hoạt động tố tụng nhằm thu thập, củng cố và kiểm tra chứng cứ” [66]. BLTTHS năm 2015 quy định điều tra gồm các hoạt động: (i) Khởi tố và hỏi cung bị can; (ii) Lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, đối chất và nhận dạng; (iii) Khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật; (iv) Khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, thực nghiệm điều tra; (v) Giám định và định giá tài sản; và (vi) các biện pháp điều tra đặc biệt.
Đối chiếu với phạm vi 33 tội danh điều 76, các biện pháp điều tra này vẫn tỏ ra vô cùng hữu hiệu; tuy nhiên, cơ quan điều tra có thẩm quyền chỉ áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt với pháp nhân khi pháp nhân đó thực hiện tội phạm về rửa tiền và khủng bố, ít áp dụng biện pháp khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, thực nghiệm điều tra do tính chất các tội phạm pháp nhân nhân phải chịu TNHS hầu hết là tội phạm kéo dài và khách thể của tội phạm không phải là tính mạng con người… Do vậy, các biện pháp điều tra còn lại cần được chú trọng và áp dụng thường xuyên hơn trong các vụ án pháp nhân phạm tội.
Đặc biệt, nếu như đối với các vụ án được thực hiện bởi chủ thể truyền thống – cá nhân thì người phạm tội sẽ bị áp dụng biện pháp điều tra là khởi tố và hỏi cung bị can nhằm thu thập chứng cứ phạm tội thông qua lời khai, thì đối với bị cáo là pháp nhân, biện pháp này không được áp dụng mặc dù biện pháp khởi tố bị can vẫn được áp dụng. Căn cứ vào đặc thù cấu trúc pháp nhân, BLTTHS năm 2015 đã quy định biện pháp lấy lời khai của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Cụ thể:
Lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân là hoạt động thuộc thẩm quyền của Điều tra viên, cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện tại nơi tiến hành điều tra. Ngoài ra thẩm quyền lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể chuyển sang cho kiểm sát viên quá trình điều tra vụ án hoặc sau khi nhận hồ sơ vụ án và kết luận điều tra đề nghị truy tố của cơ quan điều tra, nếu người này không thừa nhận hành vi phạm tội của pháp nhân, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết.
Về thời gian, BLTTHS không cho phép cơ quan có thẩm quyền lấy lời khai của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân vào ban đêm trong bất cứ trường hợp nào. Về địa điểm, cơ quan có thẩm quyền có thể tiến hành lấy lời khai tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc tại trụ sở pháp nhân. Trước khi lấy lời khai, Điều tra viên, cán bộ điều tra phải thông báo cho Kiểm sát viên và người bào chữa về thời gian, địa điểm lấy lời khai. Khi xét thấy cần thiết, Kiểm sát viên tham gia việt lấy lời khai Cơ quan có thẩm quyền phải đảm bảo người đại diện theo pháp luật nắm rõ quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 445 BLTTHS năm 2015, trước khi tiến hành lấy lời khai lần đầu, Điều tra viên, cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải giải thích cho người đại diện theo pháp luật của pháp nhân biết rõ quyền và nghĩa vụ và thể hiện trong biên bản. Lời khai có thể để người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tự viết.
Để bảo đảm tính khách quan của hoạt động điều tra, trong quá trình lấy lời khai của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh hoạt động lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tại các địa điểm khác thì được tiến hành theo yêu cầu của người đó hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền THTT. Việc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có ghi âm, ghi hình có âm thanh phải thông báo trước cho người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, phải lập biên bản việc lấy lời khai có ghi âm, ghi hình có âm thanh, phát lại cho người đại diện theo pháp luật của pháp nhân nghe và yêu cầu ký xác nhận vào biên bản. Cán bộ lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội phải đăng ký với cán bộ chuyên môn tại trụ sở Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra để được bố trí phòng chuyên dụng, hướng dẫn về quy trình, thao tác kỹ thuật thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh. Sau đó, cán bộ lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội làm thủ tục triệu tập người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội theo quy định Điều 440 BLTTHS. Cụ thể:
Cá nhân có thẩm quyền THTT phải gửi giấy triệu tập cho chính người được triệu tập hoặc pháp nhân nơi người đó làm việc hoặc chính quyền xã, phương, thị trấn nơi người đó cư trú. Nội dung phải ghi rõ họ tên, chỗ ở hoặc nơi làm việc của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm có mặt, gặp ai và trách nhiệm về việc vắng mặt không có lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan. Cơ quan, tổ chức nhận được giấy triệu tập có trách nhiệm chuyển ngay giấy triệu tập cho người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Khi nhận giấy triệu tập, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phải ký nhận và ghi rõ thời gian nhận giấy triệu tập và chữ ký xác nhận của người được triệu tập. Trong trường hợp người đại diện theo pháp luật của pháp nhân cố ý không nhận thì phải lập biên bản về việc đó, trong trường hợp đã nhận giấy triệu tập hợp lệ mà đại diện theo pháp luật của pháp nhân cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không vì trở ngại khách quan thì người đã triệu tập có thể ra quyết định dẫn giải họ.
Khi được bố trí phòng làm việc, cán bộ hỏi lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội đến phòng làm việc, thông báo cho người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội biết về việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, việc thông báo phải ghi vào biên bản sau đó tiến hành làm việc.
Việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh bắt đầu từ khi cán bộ lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân nhấn nút bắt đầu, cán bộ lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội phải đọc thời gian bắt đầu và ghi rõ trong biên bản. Trong quá trình lấy lời khai có thể tạm dừng ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh bằng cách nhấn nút tạm dừng. Trước khi tạm dừng cán bộ hỏi cung, lấy lời khai phải đọc rõ thời gian tạm dừng, lý do tạm dừng, khi tiếp tục làm việc cũng phải đọc rõ thời gian tiếp tục, quá trình này được ghi rõ trong biên bản. Kết thúc buổi làm việc, cán bộ lấy lời khai thông báo cho người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội biết buổi lấy lời khai kết thúc và nhấn nút kết thúc, thời gian kết thúc ghi rõ trong biên bản.
Trường hợp không bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì không được tiến hành lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội. Trường hợp đang lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội mà thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh xảy ra sự cố kỹ thuật thì phải dừng ngay buổi lấy lời khai. Việc này ghi rõ trong biên bản, có xác nhận của cán bộ chuyên môn.
Trường hợp lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội tại trụ sở pháp nhân được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội hoặc cơ quan, người có thẩm quyền THTT. Trình tự, thủ tục ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh được thực hiện tương tự. Trường hợp không bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì cán bộ lấy lời khai thông báo cho người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội biết, nếu họ đồng ý thì tiến hành làm việc, trường hợp họ không đồng ý thì không được lấy lời khai. Trường hợp đang lấy lời khai mà thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh xảy ra sự cố kỹ thuật thì cán bộ hỏi cung, lấy lời khai thông báo cho người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội biết, nếu họ đồng ý tiếp tục làm việc thì vẫn tiến hành lấy lời khai. Trường hợp người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội không đồng ý tiếp tục làm việc thì dừng buổi lấy lời khai. Việc này phải ghi rõ trong biên bản, có xác nhận của cán bộ chuyên môn. (Thông tư liên tịch số Số: 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP)
Trong giai đoạn này người đại diện ngoài những nghĩa vụ đặt ra cũng có thể thực hiện quyền cung cấp chứng cứ, tài liệu; trình bày ý kiến; quyền im lặng; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền THTT và nhận các quyết định tố tụng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 435 BLTTHS năm 2015 để bảo vệ lợi ích hợp pháp của pháp nhân mình đại diện. Trong trường hợp không thể tự bào chữa, hoặc mong muốn nhờ người bào chữa để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp người đại diện có thể thay mặt pháp nhân thương mại mời một cá nhân cụ thể đáp ứng yêu cầu của người bào chữa theo quy định Điều 72 BLTTHS năm 2015.
Thứ ba, Sự tham gia của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại trong giai đoạn truy tố.
Sau khi nhận hồ sơ vụ án và kết luận điều tra đề nghị truy tố của cơ quan điều tra, kiểm sát viên tiến hành một số hoạt động thực hành quyền công tố kiểm sát hoạt động điều tra theo thẩm quyền. Trong các trường hợp cần thiết theo quy định khoản 4 Điều 442 BLTTHS, Kiểm sát viên tiến hành triệu tập và trực tiếp lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân và phải đảm bảo trình tự thủ tục đúng theo nội dung trình tự nêu ở phần trên.
Tương ứng với hoạt động của mình các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm đảm bảo quyền của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân trong việc đọc, ghi chép bản sao tài liệu về việc buộc tội; quyền nhận nhận các văn bản tố tụng như: quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; quyết định khởi tố, quyết định thay đổi, quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án, bị can; quyết định tách, nhập vụ án; chuyển vụ án để truy tố theo thẩm quyền; quyết định truy tố; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án đối với bị can; quyết định phục hồi vụ án, quyết định phục hồi vụ án đối với bị can; đặc biệt là bản kết luận điều tra;… và các quyền khác theo quy định Điều 435 BLTTHS.
2. Sự tham gia của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại trong giai đoạn xét xử:
Thủ tục xét xử đối với bị cáo là pháp nhân được thực hiện theo những quy định đặc biệt và những quy định chung không trái với những quy định đặc biệt (các Điều 431,432, 444 BLTTHS năm 2015). Ngoài những quy định chung như “Việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với pháp nhân phạm tội được thực hiện theo thủ tục chung”, “Phiên tòa xét xử đối với pháp nhân phải có mặt… Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp”, BLTTHS năm 2015 có những quy định đặc biệt về sự có mặt của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, của bị hại hoặc đại diện của họ tại phiên tòa. Khoản 2 Điều 444 BLTTHS năm 2015 quy định: “Phiên tòa xét xử đối với pháp nhân phải có mặt người đại diện theo pháp luật của pháp nhân”, theo đó, sự có mặt của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân trong giai đoạn xét xử là yêu cầu bắt buộc.
Pháp nhân thương mại phạm tội phải đảm bảo sự tham gia của người đại đại diện theo pháp luật nhân danh bản thân thực hiện quyền và nghĩa vụ. Trong trường hợp người đại diện theo pháp luật trước đó bị khởi tố thì pháp nhân phải cử người khác tham gia đầy đủ hoạt động xét xử theo quy định khoản 1 Điều 434 BLTTHS năm 2015. Trong trường hợp đặc biệt, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội được chỉ định bởi cơ quan tiến hành tố tụng. Việc không cho phép cá nhân trước đó có khả năng nhân danh pháp nhân tiếp tục thực hiện vai trò người đại diện theo pháp luật tham gia tố tụng xuất phát từ khả năng xung đột quyền và nghĩa vụ giữa hai bị cáo. Điều này dễ dẫn tới thực tế, họ không thể đủ khả năng bảo vệ quyền lợi đồng thời cho chính mình và cho pháp nhân.
Cần lưu ý, BLTTHS không chấp nhận sự vắng mặt của người đại diện theo pháp luật trong phiên xét xử hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại họ đại diện. Do vậy, BLTTHS cũng quy định cụ thể thẩm quyền thẩm quyền triệu tập đối với người đại diện theo pháp luật và nghĩa vụ có mặt của họ khi nhận được giấy triệu tập. Tuy nhiên, các quy định BLTTHS chưa chỉ ra việc áp dụng biện pháp cưỡng chế nào là phù hợp khi họ cố ý không có mặt theo yêu cầu triệu tập.