Tình trạng người thân gia đình, bạn bè mất liên lạc một thời gian dài hiện nay không còn xa lạ. Trong pháp luật quy định đó gọi là mất tích. Vậy Mất tích là gì? Biệt tích là gì? Mất tích bao lâu thì báo công an?
Mục lục bài viết
1. Mất tích là gì?
Mất tích thực tế được hiểu là không còn thấy tung tích cũng như không còn rõ là sống hay chết. Đây là tình trạng của một cá nhân vắng mặt liên tục trong một thời gian dài mà không rõ họ còn sống hay đã chết do không có tin tức gì liên quan đến cá nhân đó.
Căn cứ Điều 68 Bộ luật dân sự 2015, trường hợp khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, cá nhân đó không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự thì khi đó Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích trên cơ sở có yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan.
Thời hạn 02 năm như quy định trên sẽ được xác định tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó. Trường hợp không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng. Hay xác định tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng.
2. Biệt tích là gì?
Theo từ điển tiếng Việt, biệt tích được hiểu là hoàn toàn không còn thấy tung tích đâu cả.
Và theo quy định của pháp luật, khi một người biệt tích trong một khoảng thời gian nhất định là 02 năm liền thì khi đó sẽ làm thủ tục tuyên bộ mất tích.
3. Mất tích bao lâu thì báo công an?
Hiện nay, trong các văn bản pháp luật chưa có quy định cụ thể vấn đề thời gian mất tích bao lâu thì sẽ báo công an. Nhưng thực tế, nguyên nhân mất tích thường sẽ xuất phát từ nhiều phía, có thể là người thân bị bắt cóc hay vì lý do nào đó. Chính vì thế, để bảo đảm trật tự xã hội, Nhà nước đưa ra quy định về tố giác tội phạm như sau:
– Tố giác về tội phạm khi thấy có dấu hiệu tội phạm thì người dân phát hiện và sẽ tố cáo hành vi đó lên cơ quan có thẩm quyền (căn cứ Điều 144 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015).
Bên cạnh đó cũng lưu ý, với trường hợp cá nhân tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật hay cố ý vì lý do cá nhân sẽ bị chịu chế tài xử lý tùy theo tính chất của hành vi.
Do vậy, theo quy định trên thì khi người thân, người quen mất tích, người nhà có thể trình báo lên cơ quan công an bất kể lúc nào để cơ quan công an tiếp nhận, xử lý theo đúng trình tự.
4. Quy định về quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích:
– Khi một người bị tuyên là mất tích thì người đang quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú theo quy định sẽ là người được tiếp tục quản lý tài sản của người đó khi người đó.
Và người quản lý đó sẽ có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
+ Được quyền quản lý tài sản của người vắng mặt.
+ Được quyền trích một phần tài sản của người vắng mặt để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, nghĩa vụ thanh toán nợ đến hạn, nghĩa vụ tài chính khác của người vắng mặt.
+ Trong quá trình quản lý tài sản của người vắng mặt đó, người quản lý được thanh toán các chi phí cần thiết.
+ Có trách nhiệm bảo quản, gìn giữ tài sản của người vắng mặt như tài sản của chính mình.
+ Đối với những tài sản là hoa màu, sản phẩm khác có nguy cơ bị hư hỏng thì phải bán ngay.
+ Theo quyết định của Tòa án, có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, thanh toán nợ đến hạn, nghĩa vụ tài chính khác của người vắng mặt bằng tài sản của người đó.
+ Khi người vắng mặt trở về thì phải giao lại tài sản cho người đó. Và đồng thời phải thực hiện thông báo cho Tòa án biết.
+ Trường hợp trong quá trình quản lý tài sản mà gây thiệt hại thì phải có trách nhiệm bồi thường.
5. Trường hợp nào thì hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích?
Theo quy định tại Điều 70 Bộ luật dân sự năm 2015, tuyên bố mất tích được hủy bỏ trong các trường hợp sau:
– Người mất tích trở về.
– Có tin tức xác thực là người bị tuyên bố mất tích còn sống.
Khi thuộc các trường hợp trên và người bị tuyên bố mất tích hoặc người có quyền, lợi ích liên quan có yêu cầu thì Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với người đó.
Khi người bị tuyên bố mất tích trở về, người quản lý tài sản sẽ phải chuyển giao tài sản đó cho người bị tuyên bố mất tích sau khi được thanh toán các chi phí quản lý.
Khi vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích đã được ly hôn, quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật kể cả khi người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống.
Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích, sau đó phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị tuyên bố mất tích nhằm mục đích ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
6. Mẫu đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——o0o——–
ĐƠN YÊU CẦU
GIẢI QUYẾT VIỆC DÂN SỰ
(V/v: Yêu cầu tuyên bố một người mất tích)
Kính gửi: Tòa án nhân dân ….… (1)
Người yêu cầu giải quyết việc dân sự: (2) ……….
Địa chỉ: (3) ……….
Số điện thoại (nếu có): …..; Fax (nếu có): ……….
Địa chỉ thư điện tử (nếu có): ……….
Tôi (chúng tôi) xin trình bày với Tòa án nhân dân (1) ……..
việc như sau:
– Những vấn đề yêu cầu Tòa án giải quyết: Yêu cầu tuyên bố ông/bà ……….. mất tích.
– Lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết đối với những vấn đề nêu trên: (4) …..…..
– Tên và địa chỉ của những người có liên quan đến những vấn đề yêu cầu Tòa án giải quyết: (5) ……….
– Các thông tin khác (nếu có): (6) ………..
Tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn yêu cầu: (7)
1. ……….
2. ……….
3. ………
Tôi (chúng tôi) cam kết những lời khai trong đơn là đúng sự thật.
……., ngày……tháng……năm…. (8)
NGƯỜI YÊU CẦU (9)
Hướng dẫn viết đơn:
(1) Theo quy định tại Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án nơi người bị yêu cầu tuyên bố mất tích cư trú cuối cùng có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích.
Ví dụ: Tòa án nhân dân huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
(2) Nếu người yêu cầu là cá nhân thì ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh và số chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác của người đó;
Nếu là cơ quan, tổ chức thì ghi tên cơ quan, tổ chức và họ tên của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó.
Trường hợp có nhiều người cùng làm đơn yêu cầu thì đánh số thứ tự 1, 2, 3,… và ghi đầy đủ các thông tin của từng người.
(3) Nếu người yêu cầu là cá nhân thì ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú, nơi làm việc (nếu có) của người đó tại thời điểm làm đơn yêu cầu.
Ví dụ: thôn A, xã B, huyện C, tỉnh D.
Nếu là cơ quan, tổ chức thì ghi địa chỉ trụ sở của cơ quan, tổ chức đó tại thời điểm làm đơn yêu cầu.
Ví dụ: trụ sở tại số 20 phố Hoàng Văn Thái, Thanh Xuân, Hà Nội.
(4) Ghi rõ lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó: Có thể yêu cầu tuyên bố mất tích để làm thủ tục ly hôn, phân chia di sản thừa kế …..
(5) Ghi rõ họ tên, địa chỉ nơi cư trú, nơi làm việc (nếu có) của những người mà người yêu cầu nhận thấy có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó.
(6) Ghi những thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình.
(7) Ghi rõ tên các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn yêu cầu, là bản sao hay bản chính, theo thứ tự 1, 2, 3,…
Ví dụ:
1. Bản sao Giấy khai sinh của ông Nguyễn Văn A;
2. Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của ông Trần Văn B và bà Phạm Thị C;…..
(8) Ghi địa điểm, thời gian làm đơn yêu cầu
Ví dụ: Hà Nội, ngày 04 tháng 08 năm 2023; Hưng Yên, ngày ngày 04 tháng 08 năm 2023.
(9) Nếu người yêu cầu là cá nhân thì phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người đó;
Nếu là cơ quan, tổ chức thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên, ghi rõ họ tên, chức vụ của mình và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó.
Trường hợp có nhiều người cùng yêu cầu thì cùng ký và ghi rõ họ tên của từng người vào cuối đơn yêu cầu.
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Bộ luật dân sự năm 2015.