Nguồn chứng cứ là những sự vật chứa đựng chứng cứ, tức là chứa đựng các thông tin, tư liệu tồn tại trong thực tế khách quan, liên quan đến vụ án và được thu thập theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định.
Mục lục bài viết
1. Nguồn chứng cứ là gì:
Về khái niệm Luật tố tụng hình sự, “là ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam, bao gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và một số hoạt động thi hành án hình sự nhằm giải quyết đúng đắn vụ án, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” .
Khoa học luật tố tụng hình sự là một ngành khoa học pháp lý, bao gồm hệ thống các khái niệm, quan điểm, tư tưởng pháp lý về các quy định của luật tố tụng hình sự, về quá trình giải quyết vụ án hình sự nhằm phát triển và hoàn thiện luật tố tụng hình sự. Lý luận về chứng cứ trong tố tụng hình sự là một bộ phận hợp thành của khoa học luật tố tụng hình sự. Trong khoa học luật tố tụng hình sự, lý luận về chứng cứ được coi là một bộ phận rất quan trọng. Vì vậy, lĩnh vực này được nghiên cứu phát triển rất sớm, trong đó có nguồn chứng cứ.
Quá trình phát triển của chế định pháp luật về nguồn chứng cứ và lý luận về nguồn chứng cứ trong tố tụng hình sự là một bộ phận hợp thành lịch sử phát triển của Luật tố tụng hình sự và khoa học luật tố tụng hình sự. Lý luận về nguồn chứng cứ trong tố tụng hình sự nghiên cứu quy luật của quá trình nhận thức chân lý trong tố tụng hình sự, nghiên cứu hình thức chứa đựng sự kiện thực tế khách quan của vụ án. Lý luận về nguồn chứng cứ nghiên cứu các quy phạm pháp luật điều chỉnh quá trình phát hiện, thu thập, bảo quản, kiểm tra và đánh giá chứng cứ.
Lý luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng về nhận thức thế giới là cơ sở khoa học của chứng cứ trong Luật tố tụng hình sự Việt nam. Chủ nghĩa duy vật biện chứng đã chỉ ra rằng phản ánh là thuộc tính của vật chất. V.I. Lênin viết: “Hết thảy mọi vật chất đều có một đặc tính về bản chất gần giống như cảm giác, đặc tính phản ánh”.
Phản ánh là khả năng lưu giữ, tái hiện của hệ thống vật chất này, những đặc điểm của hệ thống vật chất khác được hình thành trong sự tác động qua lại giữa các hệ thống vật chất. Mức độ phản ánh phụ thuộc vào tính chất và trình độ của hệ thống vật chất.
Vụ án hình sự là một quá trình vật chất xảy ra trong hiện thực, là hiện tượng tồn tại khách quan trong thế giới vật chất. Vụ án hình sự xảy ra được thế giới khách quan phản ánh lại bao gồm con người có ý thức – mức độ phản ánh cao nhất) và các vật phản ánh lại. Căn cứ vào đặc điểm của đối tượng phản ánh có thể chia ra làm hai loại là phản ánh vật chất và phản ánh ý thức, tâm lý. Những phản ánh đó thường được gọi là dấu vết của tội phạm.
Chính vì sự tồn tại khách quan mà tội phạm để lại các dấu vết nhất định. Bằng cách thu thập các dấu vết để lại và thông qua chúng, con người có thể xác định được sự thật khách quan của vụ án. Hai loại phản ánh về vụ án hình sự nêu trên khác nhau về cơ chế, quá trình hình thành, hình thức tồn tại, nguồn lưu giữ thông tin được phản ánh. Căn cứ vào các đặc điểm hình thành và tồn tại của từng loại dấu vết mà các nhà làm luật quy định các loại nguồn chứng cứ, trình tự, thủ tục thu thập, bảo quản, kiểm tra, đánh giá chứng cứ khác nhau để đảm bảo cho việc xác định sự thật của vụ án.
“Sự kiện thực tế khách quan là chứng cứ để chứng minh tội phạm phải được ghi nhận và phản ánh ở những nguồn do Luật tố tụng hình sự quy định. Nguồn chứng cứ là hình thức chứa đựng sự kiện thực tế khách quan của vụ án. Những dấu vết của tội phạm được phản ánh, lưu giữ trong thế giới khách quan được các chủ chủ thể tố tụng hình sự thu thập trong quá trình chứng minh và chính những vật có chứa đựng dấu vết tội phạm hoặc trí nhớ của con người về tội phạm thông qua lời khai của họ là những hình thức của chứng cứ. Những hình thức lưu giữ dấu vết của tội phạm được gọi là nguồn chứng cứ hay phương tiện chứng minh. Tuy nhiên, việc xác định cái gì là nguồn chứng cứ lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà kết quả là các qui định trong Luật tố tụng hình sự mỗi quốc gia.
Nếu tính khách quan và liên quan của chứng cứ là sự vận động nội tại của những sự vật, hiện tượng thì tính hợp pháp của chứng cứ phản ánh sự nhận thức chủ quan đối với các qui luật khách quan của các sự vật, hiện tượng. Vì vậy, qui định của Luật tố tụng hình sự về nguồn, biện pháp thu thập của chứng cứ phù hợp với điều kiện thực tế và các quy luật vận động của nó sẽ có hiệu quả chứng minh cao, thể hiện sự nhận thức phù hợp với chân lý khách quan. Trên cơ sở lý luận về nhận thức của chủ nghĩa duy vật biện chứng, Luật tố tụng hình sự nước ta quy định tài liệu được coi là chứng cứ phải được phản ánh ở những nguồn và các biện pháp thu thập chứng cứ.
Giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam của Trường đại học Luật Hà Nội cho rằng: “Nguồn chứng cứ là những sự vật chứa đựng chứng cứ, tức chứa đựng các thông tin, tư liệu tồn tại trong thực tế khách quan, liên quan đến vụ án và được thu thập theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định” .
Có thể hiểu rằng, chứng cứ là thông tin, sự thật khách quan, còn nguồn chứng cứ là chứa đựng những thông tin đó. Một nguồn chứng cứ có thể chứa đựng nhiều thông tin khác nhau về vụ án hình sự. Ngược lại, một thông tin phản ánh về vụ án cũng có thể chứa đựng trong nhiều nguồn chứng cứ khác nhau. Nguồn chứng cứ là nguồn chứa đựng các thông tin tồn tại một cách khách quan, không phụ thuộc vào ý chí con người và có liên quan đến vụ án. Nguồn chứng cứ là căn cứ để xác định tính hợp pháp của chứng cứ. Một chứng cứ được coi là hợp pháp khi nó được chứa đựng một trong các loại nguồn chứng cứ hợp pháp theo quy định của pháp luật. Nguồn chứng cứ được các cơ quan và người có thẩm quyền thu thập theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
2. Nguồn chứng cứ dữ liệu điện tử là gì:
Nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử điện tử và giám định dữ liệu điện tử là những bổ sung gần đây cho các phương tiện chứng minh trong tố tụng hình sự. Không giống như những nguồn chứng cứ khác thường được đưa vào quá trình xét xử với ít hoặc không có những sự tranh luận, nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử đã gây ra cuộc thảo luận giữa các chuyên gia pháp lý. Các hệ thống pháp luật khác nhau đã phản ứng theo nhiều cách khác nhau trước thách thức mới này. Một số hệ thống đã đưa ra luật mới để giải quyết cụ thể nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử. Các hệ thống khác cố gắng thiết lập “sự phù hợp gần nhất” với các khái niệm chứng cứ hiện có và đã áp dụng tương tự các quy tắc hiện có ở bất cứ nơi nào có thể, ví dụ: liệu nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử có được chấp nhận hay không phụ thuộc vào việc nó tương tự như nguồn chứng cứ là vật chứng. Hầu hết các hệ thống áp dụng sự kết hợp của cả hai cách. Khi luật pháp mới được áp dụng, người ta nhấn mạnh vào sự khác biệt giữa các hình thức nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử và truyền thống.
Trước tiên, về dữ liệu điện tử thực tiễn hiện nay, các đối tượng đã triệt để lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ để thực hiện và che dấu tội phạm, nên để giải quyết các vụ án hình sự, việc thu thập các chứng cứ điện tử là rất quan trọng. Do đó cần có nhận thức đúng đắn về dữ liệu điện tử.
Năm 1948, nhà toán học Tiến sĩ Claude Shannon đã phác thảo các công thức toán học làm giảm các quá trình liên lạc thành mã nhị phân và tính toán các cách để gửi chúng qua các đường liên lạc. Kể từ đó, máy tính và các thiết bị tính toán kỹ thuật số khác đã sử dụng các phương pháp mã hóa dựa trên hệ thống đánh số nhị phân.
Loại nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử được nhắc đến với những tên gọi khác nhau là “nguồn chứng cứ kỹ thuật số”, “nguồn chứng cứ điện tử” hoặc “nguồn chứng cứ máy tính”. Cả ba thuật ngữ đều thể hiện một số khía cạnh rằng loại nguồn chứng cứ này có một số đặc điểm riêng biệt khiến nó trở nên khác biệt với các phương tiện chứng minh khác. Sự thay đổi công nghệ nhanh chóng trong lĩnh vực công nghệ thông tin làm cho bất kỳ định nghĩa về tình trạng công nghệ hiện tại đều có thể trở nên lỗi thời nhanh chóng. Ngược lại, các định nghĩa phù hợp với sự phát triển công nghệ trong tương lai có xu hướng quá trừu tượng đối với những phạm trù truyền thống trong các quy định về nguồn chứng cứ này. Vì vậy, cần có cách tiếp cận định nghĩa về nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử phù hợp với nhu cầu sử dụng cho mục đích chứng minh trong tố tụng hình sự. Định nghĩa có mục đích pháp lý như vậy có thể không phải lúc nào cũng đầy đủ và hoàn hảo với thuật ngữ trong khoa học máy tính, nhưng nếu lưu ý điều này, có thể phát triển một định nghĩa phù hợp với hầu hết các ứng dụng và mục đích.
“Máy tính” cho phép tội phạm ẩn danh tương đối và xâm phạm quyền riêng tư và bí mật của các cá nhân, tổ chức theo những cách không thể thực hiện được trước khi thời đại máy tính ra đời. Nguồn chứng cứ về những tội phạm này không phải là vật chất, chúng tồn tại dưới dạng các xung điện tử và mã lập trình. Nguồn chứng cứ này có thể ở dạng dữ liệu được lưu trữ kỹ thuật số dưới dạng tệp văn bản, tệp đồ họa, âm thanh, hình ảnh, ghi hình có âm thanh, cơ sở dữ liệu, tệp tạm thời, tệp bị xóa... Tất cả thông tin này đều có thể được truyền và lưu trữ dưới dạng tập hợp các tệp.
Để “dữ liệu điện tử” được xem là nguồn chứng cứ là thì dữ liệu điện tử được thu thập theo trình tự, thủ tục do Luật tố tụng hình sự quy định về chứng cứ. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có khái niệm pháp lý về “nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử” nhưng có thể hiểu nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử bao gồm bất kỳ thông tin xác thực nào được lưu trữ hoặc truyền dưới dạng kỹ thuật số mà các bên có thể sử dụng trước tòa. Tức là bất kỳ thông tin nào lưu trữ hoặc truyền dưới dạng kỹ thuật số thì có thể xem là nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử.
Hiện nay tại Việt Nam, theo điều 4 Luật Giao dịch điện tử năm 2005, dữ liệu điện tử là “Thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự”. Còn “thông điệp dữ liệu” là “Thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử” (như chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác...). Thông điệp dữ liệu được công nhận có giá trị như văn bản, nếu thông tin chứa trong đó có thể truy cập, sử dụng để tham chiếu khi cần thiết và nội dung của thông điệp dữ liệu được bảo đảm toàn vẹn, chưa bị thay đổi. Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi, cách thức xác định người khởi tạo... Từ những quy định của Luật Giao dịch điện tử năm 2005, có thể thấy dữ liệu điện tử trong tố tụng hình sự có giá trị pháp lý tương đương dấu vết, vật chứng trong chứng cứ truyền thống để chứng minh tội phạm, nếu nó đáp ứng được những yêu cầu luật định về việc thu thập, bảo quản, phục hồi, chuyển hóa…
Điều 99 BLTTHS năm 2015 định nghĩa dữ liệu điện tử như sau: “Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử”. Từ định nghĩa này, BLTTHS xác định nguồn hình thức) chứa đựng dữ liệu điện tử: “Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác”.
Điều 86 BLTTHS năm 2015 quy định chứng cứ là “những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”. Như vậy, để những dữ liệu điện tử có thể trở thành chứng cứ chứng minh trong vụ án, đòi hỏi những nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử đó phải đảm bảo ba thuộc tính của chứng cứ. Gồm: tính khách quan (có thật, tồn tại khách quan); tính liên quan (có mối quan hệ với vụ án) và tính hợp pháp (được chứa đựng ở những nguồn và thu thập theo đúng thủ tục, trình tự do BLTTHS quy định).
Theo Ủy ban Bộ trưởng Hội đồng Châu Âu, Nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử trong tố tụng dân sự và hành chính (Committee of Ministers of the Council of Europe, Electronic Evidence in Civil and Administrative Proceedings, Council of Europe): “Electronic evidence means any evidence derived from data contained in or produced by any device, the functioning of which depends on a software program or data stored on or transmitted over a computer system or network”. Từ nhận định trên có thể hiểu “Nguồn Chứng cứ là dữ liệu điện tử” là các loại nguồn dữ liệu có trong hoặc được tạo ra bởi bất kỳ thiết bị nào mà chức năng của nó phụ thuộc vào chương trình phần mềm hoặc từ dữ liệu được lưu trữ hoặc truyền tải qua hệ thống máy tính, mạng truyền thông hoặc mạng máy tính.
Vậy từ khái niệm trên ta có thể khái quát “Nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử” là tất cả những thông tin, dữ liệu được thu thập từ các thiết bị điện tử như máy tính và các thiết bị lưu trữ thông tin, dữ liệu hay các thông tin, dữ liệu điện thoại di động, máy ảnh kỹ thuật số, các phương tiện lưu trữ... cũng như từ “mạng”.
Từ những quan điểm trên về nguồn chứng cứ và dữ liệu điện tử, tác giả xin đưa ra khái niệm về nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử trong Luật tố tụng hình sự như sau:
“Nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử được hiểu là bất kỳ dữ liệu nào được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử; được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác; tồn tại một cách khách quan, có liên quan đến vụ án hình sự, được các chủ thể có thẩm quyền thu thập theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định dùng làm căn cứ để chứng minh tội phạm”.
Định nghĩa này có ba yếu tố:
Thứ nhất, “dữ liệu điện tử” bao gồm tất cả các dạng được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử mà theo nghĩa rộng nhất của nó, có thể được coi là “máy tính”.
Thứ hai, định nghĩa bao gồm các nguồn thu thập dữ liệu điện tử khác nhau: phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền (mạng mà dữ liệu có thể được lưu trữ hoặc truyền đi) và các nguồn điện tử khác (bao gồm các thiết bị tương tự tạo ra một đầu ra). Bao quát nhất, định nghĩa này sẽ bao gồm bất kỳ dạng thiết bị nào, cho dù đó là máy tính, hệ thống điện thoại, hệ thống và mạng viễn thông không dây, chẳng hạn như Internet và các hệ thống máy tính nhúng chẳng hạn như điện thoại di động, thẻ thông minh và hệ thống định vị... Có thể phân thành ba nhóm:
– Hệ thống máy tính mở: Hệ thống máy tính mở là những gì hầu hết mọi người nghĩ về máy tính – hệ thống bao gồm ổ cứng, bàn phím và bộ điều khiển như máy tính xách tay, máy tính để bàn và hệ thống máy chủ. Những hệ thống này với lượng lưu trữ ngày càng tăng, có thể là nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử phong phú. Một tập đơn giản có thể chứa thông tin buộc tội và có thể có các thuộc tính liên quan, hữu ích trong một cuộc điều tra. Ví dụ, các chi tiết như thời điểm tạo tệp, ai tạo tệp hoặc tệp được tạo trên máy tính nào đều có thể quan trọng.
– Hệ thống thông tin liên lạc. Hệ thống điện thoại truyền thống, hệ thống viễn thông không dây, internet và mạng nói chung có thể là một nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử. Ví dụ, thư điện tử email ta có thể biết: Thời gian một tin nhắn được gửi, ai đã gửi nó hoặc nội dung tin nhắn. Để xác minh thời điểm một tin nhắn được gửi đi, có thể cần phải xác minh các tệp nhật ký từ các máy chủ và bộ định tuyến trung gian đã xử lý một tin nhắn nhất định. Để xác minh nội dung của một tin nhắn, có thể cần phải áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt như thu thập bí mật dữ liệu điện tử.
– Hệ thống máy tính nhúng (được thiết kế để thực hiện một chức năng chuyên biệt nào đó). Điện thoại di động, trợ lý kỹ thuật số cá nhân, thẻ thông minh và nhiều hệ thống khác có máy tính nhúng có thể chứa nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử. Ví dụ: hệ thống định vị có thể được sử dụng để xác định vị trí của một chiếc xe, các mô–đun cảm biến và chẩn đoán có nhiều dữ liệu lưu hữu ích để phân tích vụ tai nạn xe, bao gồm tốc độ xe, trạng thái phanh và ga trong năm giây cuối cùng trước khi va chạm. Lò vi
Thứ ba, định nghĩa yêu cầu chứng cứ điện tử được thu thập từ các nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử đảm bảo ba thuộc tính của chứng cứ đó là: tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp.
– Tính khách quan: Dữ liệu điện tử này có thật, tồn tại khách quan, có nguồn gốc rõ ràng, không bị làm cho sai lệch, biến dạng. Đã được tìm thấy và đang lưu trữ trên máy tính, điện thoại di động, email, ổ USB flash, tài khoản trên mạng, trên máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ Internet (IPS), đang truyền trên mạng máy tính, mạng viễn thông...
– Tính liên quan: Dữ liệu thu được có liên quan đến vụ án, được sử dụng để xác định các tình tiết của vụ án. Tính liên quan thể hiện ở nguyên lý, công nghệ hình thành dữ liệu điện tử, thông tin về không gian, thời gian hình thành dữ liệu, đường dẫn, địa chỉ lưu trữ, nội dung thông tin, cookies truy cập...
– Tính hợp pháp: Nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử phải được các chủ thể có thẩm quyền thu thập theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định dùng làm căn cứ để chứng minh tội phạm. Dữ liệu điện tử phải được thu thập đúng quy định của pháp luật, sử dụng công nghệ được pháp luật công nhận, khi thu giữ phương tiện điện tử, sao lưu dữ liệu, bảo quản, phục hồi, phân tích, tìm kiếm và giám định dữ liệu. Từng phương tiện điện tử phải được ghi cụ thể vào biên bản, niêm phong để dữ liệu không thể bị can thiệp, tác động làm thay đổi kể từ khi thu giữ hợp pháp. Việc phục hồi, tìm kiếm, giám định dữ liệu điện tử chỉ được thực hiện trên bản sao; kết quả phục hồi, tìm kiếm, giám định phải chuyển sang dạng có thể đọc, nghe hoặc nhìn được.