Chế định hôn nhân gia đình thời kỳ phong kiến có nhiều lợi ích trong việc hoàn thiện pháp luật hôn nhân gia đình hiện hành để vận dụng các giá trị đương đại của cổ luật trong công tác xây dựng pháp luật.
Mục lục bài viết
- 1 1. Thúc đẩy việc nghiên cứu để có những nhận thức đầy đủ, toàn diện các giá trị của chế định này trong lịch sử:
- 2 2. Hoàn thiện pháp luật về hôn nhân và gia đình theo những tiếp nhận các giá trị tích cực của hai Bộ luật:
- 3 3. Đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật, giáo dục nghĩa vụ, trách nhiệm của vợ – chồng, của cha mẹ với con cái và các thành viên trong gia đình với nhau:
1. Thúc đẩy việc nghiên cứu để có những nhận thức đầy đủ, toàn diện các giá trị của chế định này trong lịch sử:
Để kế thừa những giá trị đương đại trong Chế định hôn nhân gia đình của QTHL và HVLL trước hết chúng ta cần đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức và cách nhìn nhận về lịch sử nói chung, về các giá trị đương đại và truyền thống pháp lý nói riêng.
Các công trình nghiên cứu về Chế định hôn nhân gia đình ở nước ta hiện nay không phải là ít. Tập hợp các công trình nghiên cứu về phong tục tập quán, luật tục, hương ước cũng rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, các công trình này chỉ nghiên cứu các quy định về pháp luật hôn nhân và gia đình hoặc chỉ nghiên cứu từ góc độ văn hóa riêng lẻ. Các công trình nghiên cứu về Chế định hôn nhân gia đình trong QTHL và HVLL vẫn chưa có công trình mang tình hệ thống, so sánh về nội dung của chế định hôn nhân gia đình trong 2 Bộ luật nêu trên ... . Đặc biệt, các công trình sưu tầm về các văn bản nghiên cứu về chế định hôn nhân gia đình trong QTHL và HVLL chỉ mang tính chất tham khảo cho các nhà lập pháp. Các cơ quan thẩm quyền không thể căn cứ vào công trình này để làm cơ sở cho việc vận dụng và hoàn thiện pháp luật hôn nhân và gia đình hiện hành.
Do vậy, từ góc độ khoa học pháp lý, cần tiến hành những nghiên cứu công phu, nghiêm túc, toàn diện và có tính hệ thống về cổ luật, về Chế định hôn nhân gia đình trong QTHL và HVLL, nghiên cứu các tiền đề cho sự ra đời của chế định này ... làm cơ sở xây dựng các giáo trình, sách chuyên khảo chuyên sâu về Chế định hôn nhân gia đình phục vụ quá trình hoàn thiện pháp luật hôn nhân gia đình hiện hành.
Ngoài ra, việc nghiên cứu các giá trị nội dung của Chế định hôn nhân gia đình trong QTHL và HVLL dưới góc độ để vận dụng các giá trị này trong hoàn thiện pháp luật hôn nhân gia đình hiện hành cũng cần được quan tâm, nghiên cứu rõ nét hơn. Cần nghiên cứu để biết được pháp luật hiện hành đã vận dụng được những gì và chưa vận dụng được gì từ giá trị đương đại của cổ luật. Từ đó, đề ra những giải pháp mang tính hệ thống và có tính khả thi trong thực tế góp phần tiếp tục hoàn thiện trong Luật hôn nhân và gia đình hiện hành.
2. Hoàn thiện pháp luật về hôn nhân và gia đình theo những tiếp nhận các giá trị tích cực của hai Bộ luật:
Qua quá trình nghiên cứu Bộ luật QTHL và HVLL với những giá trị đương đại của hai Bộ luật và tác động của chúng đến pháp luật Hôn nhân và gia đình hiện nay, bản thân tác giả nhận thấy mặc dù QTHL và HVLL có chứa rất nhiều giá trị có lợi ích trong quá trình hoàn thiện pháp luật Hôn nhân gia đình. Tuy nhiên, hoàn cảnh kinh tế và xã hội hiện nay đã khác so với xã hội phong kiến. Những giá trị tiến bộ của QTHL và HVLL chỉ được coi là tiến bộ khi nó đặt trong bối cảnh xã hội thời bấy giờ và khi so sánh với pháp luật Trung Hoa cùng thời kỳ. Nếu so sánh với xã hội hiện đại thì đó chưa thể coi là tiến bộ được. Do đó, việc kế thừa những giá trị tiến bộ của QTHL và HVLL đối với pháp luật hiện nay phải tuân theo nguyên tắc “gạn đục khơi trong”, kế thừa những giá trị vẫn còn phù hợp và bổ khuyết thêm những nội dung, giá trị mới.
Thứ nhất, Luật Hôn nhân và gia đình cần định nghĩa cụ thể về hành vi chung sống như vợ chồng tránh tình trạng quy định chung chung dẫn đến thực tiễn khó xác định gây ra tình trạng bỏ lọt tội phạm. Đối với tình tiết định khung hình phạt “làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát” Điều 182 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định hình phạt cao nhất là 03 năm tù là còn nhẹ, chưa tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm, hậu quả của tội phạm, hành vi này cần được xử lý nghiêm khắc hơn để tăng tính răn đe. Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung quy định: “những người ngoại tình mà không chung sống với nhau” cũng bị xử phạt hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều này cần học hỏi quy định của Bộ luật QTHL khi không chỉ quy định hình phạt đối với người vợ khi có hành vi gian dâm hay thông gian mà còn quy định đối với cả người chồng khi có những hành vi đó. Điều 401 QTHL quy định:
Gian dâm với vợ người khác thì xử tội lưu hay tội chết, với vợ lẽ người khác thì giảm một bậc. Với người quyền quý thì sẽ xử cách khác; kẻ phạm tội đều phải nộp tiền tạ như luật định. Vợ cả, vợ lẽ phạm tội đều xử tội lưu, điền sản trả lại cho người chồng. Nếu là Vợ chưa cưới thì đôi bên được giảm một bậc .
Như vậy, hành vi gian dâm của người chồng hay người vợ đều bị trừng phạt rất nghiêm khắc để tăng tính răn đe. Đối với hành vi thông gian, tức là hành vi ngoại tình đi lại với nhau chứ không phải là bắt được gian dâm nên cách xử lý có nhẹ hơn. Theo Điều 405 QTHL thì hành vi thông gian với vợ người khác bị xử phạt 60 trượng, biếm hai tư, bắt nộp tiền tạ nhiều hay ít theo bậc cao thấp của người đàn bà. Sự trừng phạt này vừa có tác dụng bảo vệ hạnh phúc gia đình, bảo vệ quyền của người vợ, vừa có tính chất răn đe, ngăn chặn các hành vi phạm tội trong tương lai. Việc áp dụng chế tài hình sự nghiêm khắc trong trường hợp này có tác dụng răn đe thiết thực, có hiệu quả trong việc ngăn chặn tệ nạn ngoại tình và vi phạm chế độ một vợ một chồng còn tồn tại khá phổ biến trong hiện nay.
Thứ hai, cần nâng mức hình phạt đối với tội ngược đãi, hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình để đảm bảo tính răn đe và bảo vệ đối tượng yếu thế trong xã hội. Đồng thời cũng cần có sự quy định cụ thể những hành vi như thế nào được coi là bất hiếu với ông bà, cha mẹ và có những biện pháp trừng phạt thích đáng.
Có thể học hỏi từ Điều 2 QTHL và HVLL, trong đó quy định rõ ràng các khái niệm chứ không dừng lại ở việc quy định chung chung, không có sự giải thích dẫn đến khó áp dụng trong thực tiễn. Trong đó, các hành động bất hiếu được xem là một trong 10 tội ác nguy hiểm nhất của xã hội và phải chịu hình phạt nghiêm khắc, các hành vi này bao gồm:
+ Tố cáo hay chửi mắng ông bà cha mẹ; + Không tuân theo lời dạy bảo của cha mẹ; + Không săn sóc, phụng dưỡng cha mẹ; +Kết hôn trong thời kỳ để tang cha mẹ; + Ông bà cha mẹ chết mà dấu không cử người tổ chức tang lễ; + Nói dối là ông bà cha mẹ đã chết. Từ đó pháp luật triều Lê và triều Nguyễn cũng quy định những hình phạt cụ thể trong từng trường hợp con cái bất hiếu với ông bà cha mẹ. Việc quy định những hành vi nào bị coi là bất hiếu và chế tài hình sự nghiêm khắc với từng hành vi giúp ngăn ngừa hiệu quả các hành vi vi phạm.
Ba là, Học hỏi và kế thừa quy định ràng buộc trách nhiệm của nhà nước và các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong QTHL và HVLL. Trong QTHL và HVLL, với mỗi điều luật cụ thể nhà làm luật đều quy định trách nhiệm của quan lại. Nếu quan lại chậm trễ, làm trái, thi hành pháp luật không nghiêm thì bị coi là phạm tội và sẽ bị xử phạt. Cũng như vậy, đối với các quy định mang tính bảo vệ quyền lợi của nhóm xã hội yếu thế đều được gắn với trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Không những quy định nghĩa vụ của cơ quan có thẩm quyền trực tiếp giải quyết mà còn quy định quy định hình thức xử lý nếu cơ quan đó không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình. Bằng cách thức đó, nhà nước đã đảm bảo việc thực hiện trách nhiệm của quan lại và đảm bảo trên thực tế quyền lợi cho nhóm xã hội yếu thế. Quan chế triều Lê sơ và triều Nguyễn quy định rất rõ ràng trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như hình thức xử lý đối với các hành vi không tuân thủ thủ tục giải quyết công vụ, không khách quan, vô tư, chính xác, không chuyên cần, tận tụy, làm việc mâu thuẫn với nhau hay lợi dụng quyền hạn, chức vụ để nhũng nhiễu nhân dân. Quan lại đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm nếu để cấp dưới của mình không hoàn thành hay làm trái nghĩa vụ, quyền hạn ... Không những thế, cơ chế giám sát, kiểm tra được thực hiện một cách hiệu quả, rộng rãi chính là phương thức quan trọng để bộ máy quan lại hoạt động đạt được hiệu quả cao. Bằng cách quy định cụ thể, chi tiết đó, Bộ luật đã gắn quan lại với nghĩa vụ phải thực thi đúng pháp luật, bảo vệ cho nhóm yếu thế.
Bốn là, Vận dụng kinh nghiệm truyền thống kỹ thuật lập pháp cụ thể, chi tiết, dân có thể hiểu và áp dụng được của QTHL và HVLL trong xây dựng quy phạm pháp luật hiện nay. Giải pháp đặt ra: Pháp điển hóa pháp luật hôn nhân gia đình xây dựng quy phạm pháp luật đầy đủ, tránh diễn đạt các quy phạm pháp luật hôn nhân gia đình trùng lặp ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Pháp luật hôn nhân gia đình phải chi tiết hóa để người dân dễ nắm bắt, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ hiểu, dễ vận dụng và thực hiện theo luật. Sớm khắc phục thực trạng “Luật chờ Nghị định, Nghị định chờ Thông tư hiện nay.
Mặt khác, các điều luật trong QTHL và HVLL, chế tài bao giờ cũng gắn chặt với quy định ngay trong một điều luật, kỹ thuật lập pháp này vừa làm cho điều luật rõ ràng, minh bạch và cụ thể, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện và áp dụng pháp luật, lại làm cho các quy định pháp luật có hiệu lực thực thi rất cao trong đời sống nhà nước và xã hội. Kỹ thuật lập pháp này cần được kế thừa và phát triển trong xây dựng pháp luật của nước ta hiện nay.
Trong xây dựng pháp luật hôn nhân gia đình phải chi tiết hóa hành vi, trách nhiệm pháp lý (chế tài) cụ thể, áp dụng chính xác trong giải quyết các tranh chấp trong các quan hệ pháp luật. Ngôn ngữ luật phải chính xác, đảm bảo tính khoa học, vừa trong sáng rõ nghĩa, tránh dùng những thuật ngữ quá trừu tượng, từ có nhiều nghĩa trong luật.
Khi xây dựng chế tài, nhà làm luật cần phải cố gắng xây dựng các chế tài cố định hoặc khi xây dựng các chế tài không cố định thì không nên để mức thấp nhất và mức cao nhất của chế tài rộng, rất dễ dẫn đến sự tùy tiện trong việc áp dụng. Đồng thời, cũng nên nghiên cứu và học tập cách mô tả tình huống, rồi mở rộng, lường tính các vấn đề phát sinh, hạn chế tối đa các quy định có cụm từ “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Việc nghiên cứu những giá trị đương đại của chế định hôn nhân gia đình trong QTHL và HVLL và hoàn thiện pháp luật hôn nhân gia đình theo hướng tiếp nhận những giá trị tích cực của hai Bộ luật đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng ngày càng nhân văn, tiến bộ hơn, phù hợp với xu hướng tiến bộ của thế giới, bảo vệ quyền con người, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Việc nghiên cứu các giá trị đó còn góp phần khẳng định những giá trị tiến bộ, nhân đạo của truyền thống pháp lý Việt Nam.
3. Đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật, giáo dục nghĩa vụ, trách nhiệm của vợ – chồng, của cha mẹ với con cái và các thành viên trong gia đình với nhau:
Như chúng ta đã biết, gia đình là chiếc nôi để hình thành, giáo dục và nuôi dưỡng nhân cách mỗi con người. Bên cạnh đó, gia đình còn là một thiết chế xã hội và nó chịu sự tác động của hệ thống chính sách và những biến đổi của xã hội. Gia đình truyền thống của Việt Nam ta rất chú trọng xây dựng nếp nhà với gia đạo, gia phong và gia lễ. Gia đạo là đạo đức của gia đình lấy chữ “Hiếu” làm đầu. Gia lễ là phép ứng xử của con người theo một nguyên tắc có tôn ti trật tự theo lễ tiết. Gia lễ, gia đạo được hình thành qua nhiều năm, nhiều đời thì tạo nên gia phong. Nói cách khác, gia phong hình thành từ mối quan hệ giữa con người với con người, từ lòng nhân ái, tình yêu thương, thuần phong mỹ tục của dân tộc được thấm đượm trong tâm hồn mỗi con người của gia đình, dòng họ, bởi vậy nó mang tính nhân văn cao cả . Tuy nhiên, hiện nay trong bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế, gia đình Việt Nam đã có những biến đổi mạnh mẽ về cấu trúc của các mối quan hệ trong gia đình. Những chuẩn mực đạo đức truyền thống đã bị tác động, thời gian các thành viên trong gia đình dành cho nhau ngày càng eo hẹp hơn, sự chia sẻ, quan tâm của các thành viên trong gia đình, sợi dây ràng buộc níu kéo tình cảm giữa cha mẹ và con cái cũng trở nên lỏng lẻo. Xung đột gia đình ngày càng gia tăng, các vụ án ly hôn cũng tăng theo qua mỗi năm, một số trẻ em đang bị chủ nghĩa thực dục, chủ nghĩa cá nhân chi phối và thiếu sự chăm sóc bảo vệ từ gia đình, đặc biệt là những vụ việc con cái trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, chia phiên nhau để nuôi ông bà cha mẹ, hay thương tâm hơn là những vụ việc ngược đãi ông bà cha mẹ cũng gia tăng, các giá trị truyền thống của gia đình đang dần bị lu mờ. Để khắc phục những tính trạng trên chúng ta cần đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật, giáo dục nghĩa vụ trách nhiệm của của vợ chồng, của cha mẹ với con cái và các thành viên trong gia đình với nhau. Cụ thể:
+ Chúng ta cần làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật tới đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt là các nội dung về quyền con người, quyền bình đẳng giới, quyền và nghĩa vụ đối với cha – mẹ, vợ – chồng, con cái. Cần áp dụng các hình thức tuyên truyền thích hợp cho từng đối tượng, căn cứ vào đặc điểm vùng miền, trình độ dân trí khác nhau để có cách tuyên truyền phù hợp nhất, tránh tình trạng tuyên truyền hình thức, suốt ngày loa cứ đọc liên tục một văn bản nào đó, phương pháp này đối với bà con dân tộc miền núi hầu như không thu được kết quả. Cần phải có các hình thức khác nhau như: Chiếu phim, nói chuyện, phóng sự chuyên đề, hay tổ chức các vụ án xét xử điểm đối với các vụ án ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình để từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, thay đổi những quan niệm, hủ tục lạc hậu, bình đẳng giữa quyền và nghĩa vụ giữa các thành viên trong gia đình.
+ Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình và xây dựng nhiều hơn các mô hình gương mẫu trong đạo đức, lối sống và nuôi dạy con cháu điển hình.
+ Đẩy mạnh công tác phối kết hợp giữa ngành Công an với các ngành liên quan và các tổ chức chính trị xã hội: Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Mặt trận tổ quốc để thường xuyên phát động các phong trào như phong trào toàn dân đoàn kết; Xây dựng đời sống mới ở khu dân cư; Xây dựng gia đình văn hóa, dòng họ văn hóa.... Đưa nội dung phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống các hành vi ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình vào các buổi sinh hoạt đoàn thể, phổ biến, tuyên truyền việc thực hiện lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh.
+ Việc tuyên truyền, giáo dục nếu kết hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc thì mới càng được phát huy hơn nữa. Bởi vì, người Việt Nam nói chung đặc biệt ở những vùng dân trí thấp người dân vẫn sống theo quan niệm “Phép vua thua lệ làng” thì việc giáo dục thông qua phong tục tập quán tốt đẹp mới có thể phát huy hiệu quả nhất.
+ Để khắc phục những mâu thuẫn nảy sinh xung quanh vấn đề của xã hội hiện đại, cần những giá trị hình thành và nuôi dưỡng nhân cách cho trẻ. Một trong những định hướng quan trọng trong giáo dục, nuôi dưỡng nhân cách cho trẻ đó là gia đình phải phối hợp chặt chẽ với nhà trường, hỗ trợ nhà trường và có sự quan tâm đúng mức với các em. Dành cho con trẻ môi trường lành mạnh và tốt nhất để phát triển nhân cách